RFA
Năm hết Tết đến, chiếc phong bì xã hội chủ nghĩa lại phát huy công năng của nó.
Phong bì hình tháp
Bà Thủy, chủ một cửa hàng tạp hóa ở Châu Ổ, Quảng Ngãi, chia sẻ: “Kèm ít quà cái là là nó kẹp tiền vô. Nó làm tất tần tật mọi cơ hội chứ không đợi gì Tết đâu. Cứ đến dịp lễ lạc gì là nó đua nhau kẹp phong bì bởi đó là cơ hội mà…!”
Kèm ít quà cái là là nó kẹp tiền vô. Nó làm tất tần tật mọi cơ hội chứ không đợi gì Tết đâu. Cứ đến dịp lễ lạc gì là nó đua nhau kẹp phong bì bởi đó là cơ hội mà…!
-Bà Thủy
Theo bà Thủy, mỗi năm, số lượng phong bì bà bán ra vào dịp Tết ước chừng hai ngàn chiếc. Hiện tại, số lượng phong bì cửa hàng bà bán ra đã lên đến hai ngàn rưỡi chiếc mặc dù còn hơn tháng nữa mới đến Tết. Điều đó cho thấy văn hóa phong bì năm nay có phát triển hơn năm trước.
Bà Thủy cho biết thêm là nếu tính tổng cộng số lượng phong bì tiêu thụ trong toàn huyện dịp Tết này, có thể lên đến cả triệu chiếc bởi chỉ riêng xã của bà đã lên đến hàng chục vạn chiếc được tiêu thụ. Cửa hàng bà Thủy chỉ là một cửa hàng nhỏ, trong đó, các cửa hàng lớn có thể tiêu thụ đến cả vạn chiếc mỗi dịp Tết.
Bà Thủy nói rằng hầu hết khách hàng tiêu thụ phong bì đều là thư ký các cơ quan nhà nước, mỗi cô thư ký có thể mua vài chục, vài trăm phong bì. Hỏi ra thì các cô này cho biết là mua giùm cho đồng nghiệp, cấp trên của họ. Và hầu hết đều mua ở các cửa hàng, thông qua các thư ký chứ các cơ quan không tự đặt hàng. Bởi đặt hàng sẽ gây dị nghị trong cơ quan và rất có thể điều đó sẽ lọt ra bên ngoài.
Thường thì phong bì được dùng kèm với một giỏ quà, gồm chai rượu, kẹo bánh và một phong bì. Chiếc phong bì chứa tiền là trung tâm, trọng điểm của giỏ quà. Thường thì số tiền tùy vào quan hệ, tùy vào cấp bậc mà lớn nhỏ khác nhau. Có một điều chắc chắn là một nhân viên bình thường trong cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước, mỗi dịp Tết, anh chị ta sẽ tốn ít nhất là mười phong bì.
Con số mười phong bì này được chia đều với các cấp trên, từ sếp quản lý trực tiếp đến các sếp cao nhất trong cơ quan. Hầu như bất kì nhân viên nào muốn tồn tại, muốn làm việc một cách ổn định, không bị hỏi thăm về bằng cấp thì đều phải thuộc lòng văn hóa phong bì, quà tặng vào các dịp lễ, Tết.
Phong bì bán tại một tiệm tạp hóa ở Việt Nam. RFA PHOTO.
Và thường thì các sếp cấp trên cũng không bao giờ dùng phong bì của cấp dưới mà dồn hết số tiền của cấp dưới đi lễ Tết thành một phong bì dày cộm để đi cho cấp trên nữa. Nhìn chung, mô hình phong bì xã hội chủ nghĩa có phân cấp rõ ràng, nhiều chiếc phong bì nhỏ với số tiền vừa của cấp nhỏ như những viên gạch làm móng cho những chiếc phong bì lớn hơn. Và người được thụ hưởng những chiếc phong bì lớn nhất, không phải chi cho ai, có lẽ phải là những quan chức đầu huyện, đầu tỉnh và trung ương kẻ ngồi trên đỉnh tháp quyền lực.
Bà Thủy nói thêm rằng sở dĩ phong bì ở các huyện, các xã bán chạy là vì các cấp nhân viên quèn đều nằm ở các tỉnh, các huyện. Và đây cũng là nơi có vấn đề nhất về bằng cấp, có thể nói rằng hiện tại, khi mà số lượng cử nhân tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp mỗi năm lên đến hàng ngàn người nhưng hầu hết cán bộ cấp xã, huyện và tỉnh đều là cán bộ chuyên tu, tại chức.
Họ không hề có đủ kiến thức chuyên môn bởi quá trình học chuyên tu, tại chức của họ không hề nghiêm túc, phần đông ghi danh cho có tên, sau đó đút lót mỗi kì thi để có tấm bằng tốt nghiệp, rồi nộp bằng cho cơ quan để được tăng lương. Chính vì muốn được tăng lương, được hợp thức hóa chức vụ và trình độ nên hầu hết giới cán bộ địa phương đều vấp phải tình trạng dốt kiến thức nhưng lại giỏi chui luồn, hối lộ, đội trên đạp dưới. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng một đất nước đầy rẫy các loại hình phong bì mỗi khi lễ Tết.
Phong bì và đời cán bộ
Một cán bộ về hưu, tên Việt, đưa ra nhận định: “Ờ Tết thì mua chai rượu, đó là tùy theo thằng, có đứa nó mua chai Chivas. Nói chung là nó đi vậy chứ có nhiều dịp khác nữa, không riêng gì Tết nhất, thường là sinh nhật của sếp, sinh nhật vợ sếp, con sếp. Hồi còn đương chức thòi nó săn đón vậy chứ khi về hưu rồi thì cũng vậy thôi, vắng tanh, không thấy ma nào tới…!”
Theo ông Việt, một đời làm cán bộ, điều gắn kết và để lại dấu ấn nặng nhất có lẽ là văn hóa phong bì. Bởi chính phong bì đã tung hê, cho người lãnh đạo cơ quan thấy mình là vua một xứ, thấy mình tiền hô hậu ủng, có người bưng bê và cúi đầu vâng phục.
Nhưng cũng chính lãnh đạo đó, như bản thân ông Việt chẳng hạn, ông cảm thấy trống trải và cô độc khi về hưu. Bởi chỉ cần nhận quyết định về hưu là mọi chuyện khép lại, có khi nguyên cả một cái Tết không có bất kỳ đồng nghiệp nào đến thăm bởi có thể họ bận bịu đến thăm và quà cáp cho sếp mới.
Nói chung là nó đi vậy chứ có nhiều dịp khác nữa, không riêng gì Tết nhất, thường là sinh nhật của sếp, sinh nhật vợ sếp, con sếp. Hồi còn đương chức thòi nó săn đón vậy chứ khi về hưu rồi thì cũng vậy thôi, vắng tanh, không thấy ma nào tới…!
-Ông Việt
Thậm chí, với một sếp đã nghỉ hưu, việc suy tư về cuộc đời trong lúc rảnh rỗi có cả những phút giây nghĩ về thân phận cùng những chiếc phong bì. Thân phận và giá trị của một cán bộ nhà nước được thể hiện qua số lượng phong bì, quà cáp mà cấp dưới mang đến biếu tặng chứ không thể hiện trên quá trình công tác, cống hiến xã hội. Mà nói về cống hiến cho xã hội, có lẽ rất khó để tìm ra một thứ gì cụ thể cho một cán bộ để ông ta, bà ta có thể nhớ lại, nghĩ đến trong quá trình công tác.
Nhìn chung, văn hóa và quan hệ nơi công sở là văn hóa quà cáp và phong bì, quan hệ ở đây đậm tính cá lớn nuốt cá bé, kẻ ở dưới thì phải chấp nhận bề trên đạp trên đầu trên cổ và ngược lại, bị bề trên đạp bao nhiêu thì người ta lại đạp cấp dưới của mình bấy nhiêu để bù vào cái nhục của một quan chức. Ông Việt cho rằng đất nước này sẽ còn rất chậm phát triển, thậm chí rất khó để phát triển khi mà cái phong bì hiện hữu không mang ý nghĩa tình người, nó như một thứ bằng chứng của văn hóa hối lộ, đút lót, đội trên đạp dưới.
Vẫn còn hơn một tháng nữa mới đến dịp Tết Nguyên Đán nhưng hầu như kể từ đầu tháng 12 dương lịch, văn hóa và hoạt động của phong bì xã hội chủ nghĩa bắt đầu rầm rộ, trở nên hối hả. Tết nào cũng như Tết nào, ở Việt Nam, giới cán bộ quan chức vẫn là giới sử dụng phong bì nhiều nhất và đó là một truyền thống xã hội chủ nghĩa. Truyền thống của chuyện phong bì đi trước chuyện làng nước theo sau.
Và điều này, theo ông Việt, khi văn hóa phong bì phát triển lên đỉnh cao thì câu chuyện mất nước sẽ là câu chuyện đương nhiên của Việt Nam. Bởi kẻ bành trướng Trung Quốc có một lợi thế khi bước vào Việt Nam để mua đất hay làm bất kì thức gì, họ cũng là một quốc gia biết sử dụng phong bì một cách hữu hiệu nhất. Không biết trong dịp Tết này, có bao nhiêu cái phong bì khủng của người Trung Quốc đã lọt qua cửa nhà quan chức Việt Nam?
Câu hỏi của ông Việt làm cho câu chuyện phong bì tại Việt Nam trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.