Amanda Canning
BBC
Người phụ nữ trẻ ngồi trong sảnh chờ ở cửa đến sân bay trông có vẻ hồi hộp, môi mím chặt và không mỉm cười. Tất cả nút áo khoác gài chặt, tóc chải gọn gàng, trông chỉnh tề, mặt đeo kính. Xung quanh, mọi người ồn ào huyên náo, kiểm tra hàng lý, cười đùa, tự giới thiệu mình với người xung quanh.
“Nhanh lên, chúng ta trễ bây giờ,” ông O kêu to và dẫn đoàn khách du lịch rời khỏi sân bay đến một chiếc xe bus nhỏ chờ sẵn.
Người phụ nữ vận áo hồng theo sau với những bước đều đặn, giày cô nện vang suốt dọc đường đi. Ngả lưng trên ghế, nhút nhát như một chú chim sẻ, cô nhìn quanh quan sát những hành khách đi cùng.
Đó là đoàn khách du lịch với cơn phấn khích sau chuyến bay cuối buổi chiều từ Bắc Kinh, cũng là những người phương Tây đầu tiên cô gặp.
Cô Kim 21 tuổi, là con một. Cô sống với mẹ làm nghề giáo viên, cha làm phiên dịch ở tầng 5 trong một khu tập thể dọc bờ sông rợp bóng mát ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Thời gian rảnh, cô thích nhảy múa, hát hò trong phòng riêng, gặp bạn bè và mày mò trên máy tính. Cô định sẽ bắt đầu tham gia lớp thể dục aerobic ở phòng tập bên kia thành phố.
Còn 18 tháng nữa là cô hoàn thành chương trình tiếng Anh ở trường đại học. Là một trong những sinh viên thông minh nhất, cô được chọn tham gia làm hướng dẫn viên cho khách nước ngoài trong nhóm khách của ông O. Những vị khách này tới Bắc Hàn, một trong những đất nước bí mật và cô lập nhất thế giới, trong thời gian một tuần.
Trên xe, cô Kim còn mắc cỡ nên chưa dám nói chuyện gì.
Phong cảnh cuộc sống trôi qua hai bên cửa kính xe: những trạm xe điện đầy công nhân, những gương mặt tò mò nhìn vào bóng đêm, người đạp xe dừng lại trò chuyện trên đường, một rạp chiếu phim ngoài trời, trên màn hình một cô y tá đang băng bó cho bệnh nhân một cách khôi hài, những sợi dây hoa bằng nhựa treo trên ban công, các căn phòng với ánh đèn vàng vọt, binh lính diễu hành đều tăm tắp trên vỉa hè.
Màn đồng diễn khổng lồ
Càng đến gần Sân vận động Mùng 1 tháng Năm, mọi thứ càng trở nên rực rỡ khác thường.
Xe chúng tôi phải bấm còi để đi qua từng đám đông học sinh, sinh viên, qua những chiếc Mercedes, BMW và những chiếc xe hơi hiệu Peace Car của Bắc Hàn.
Một nhóm chừng 200 phụ nữ khoẻ mạnh trong trang phục thuỷ thủ đội những chiếc mũ trắng nổi bật trên đầu – đang tập đánh trống, tay đeo găng cầm dùi trống.
Ông O và cô Kim xuống xe, đi qua bãi đậu xe, những bậc thang, và những quầy hàng lưu niệm bán áo thun, đĩa DVD và poster.
Sân vận động đầy người và chương trình chỉ mới bắt đầu.
Cách xa những hàng ghế chính – dành riêng cho giới quân sự và các du khách, câu chuyện về lịch sử Bắc Hàn đang được diễn lại: từ thời Nhật Bản xâm chiếm vùng đất vốn hạnh phúc tươi vui cho đến những vinh quang cách mạng của Bắc Hàn chống lại những kẻ áp bức Mỹ, đến thời thành lập Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Không phải là bài diễn thuyết khô khan mà là một cảnh tượng huy hoành. Một buổi trình diễn chính xác, hoàn hảo với quy mô lớn gấp 10 lần Olympic Bắc Kinh.
Một trăm ngàn người trình diễn mỗi đêm trong màn đồng diễn tập thể khổng lồ, kỳ vĩ tới mức khó tin.
Những diễn viên thình lình được thả bằng dây từ trên cao xuống, hoặc được phóng ra từ nòng pháo.
Hàng ngàn em nhỏ giữ thăng bằng trên xe đạp một bánh, vừa đạp xe vừa tung hứng bóng đều tăm tắp.
Binh lính diễu hành, dàn hợp xướng hát, vận động viên nhào lộn, diễn viên múa xoay tròn. Đằng sau họ, trên toàn bộ một bên khán đài, 20.000 đứa trẻ cầm những quyển sách màu, lật từng trang để tạo thành những hình ghép khổng lồ, như hình mặt trời lặn, chiến sĩ xung trận hay cờ Bắc Hàn.
Màn đồng diễn đầy những hình ảnh của sự sung túc, hi vọng và hạnh phúc. Cô Kim càng lúc càng thích thú. Cô đã từng biểu diễn trong chương trình đồng diễn khổng lồ khi còn bé, chơi kèn trombon. “Tôi cảm thấy mình như một nghệ sĩ. Tôi yêu việc đó. Tôi tập luyện rất vất vả nhưng rất thích thú. Tôi rất tự hào được đại diện quốc gia.”
Cuối màn đồng diễn, bức tranh ghép hiện ra chân dung của hai người đàn ông đang nhìn vui vẻ về hướng xa xăm ngoài sân vận động, như thể thấy ánh sáng tương lai đâu đó.
“Chúng tôi là một quốc gia vĩ đại, hạnh phúc và giàu có, nhưng chúng tôi vĩ đại không phải vì người dân mà vì những nhà lãnh đạo của chúng tôi,” cô Kim thở dài.
Giọng cô lạc đi khi một bông hoa giả khổng lồ, to bằng cỡ một ngôi nhà, xuất hiện trong tiếng nhạc ai oán. “Đó là giống hoa mới tên Kimjongilia đặt theo tên Lãnh tụ Kính yêu,” cô lẩm bẩm. “Chúng tôi nhớ Người làm sao. Người đã hy sinh cuộc đời cho dân tộc. Bài hát viết về Người. Ai cũng khóc khi nghe bài hát đó.”
Đó là những hình ảnh đầu tiên về sự sùng bái lãnh tụ tới mức cực đoan được xây dựng quanh Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) và con trai ông là Kim Jong-il (Kim Chính Nhất).
Sùng bái lãnh tụ
Mỗi người dân Bắc Triều Tiên đều đeo trên ngực một huy hiệu có hình gương mặc Lãnh tụ Vĩ đại hay Lãnh tụ Kính yêu. Họ cũng phải treo hình các lãnh đạo trong nhà, thay vì treo ảnh người thân.
Những khẩu hiệu của lãnh tụ được dán trên các khu tập thể, trên những bức tường trong thành phố và xuất hiện trên những quả đồi và cánh đồng khắp cả nước. Những bức vẽ khổng lồ và tranh ghép khiến các cánh đồng trông giống nhà máy hơn nông trang.
Trong suốt chuyến đi, không một cơ hội ca tụng lãnh tụ nào bị bỏ lỡ.
Ở trường học, chúng tôi được thấy một nhìn thấy một món đồ được niêm phong kín và được giới thiệu đây là một món quà hào phóng mà Chủ tịch Kim Jong-il ban tặng.
Tại cuộc khiêu vũ tại trường đại học, người ta nói Lãnh tụ Kính yêu cũng là người sáng tác các ca khúc, các điệu nhảy mà các sinh viên ai nấy đều thuộc nằm lòng.
Tại một hợp tác xã, hướng dẫn viên cho biết các lãnh tụ gồm cả nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều đã ghé thăm nông trại này để đưa ra những chỉ dẫn khai trí ngay trên cánh đồng.
Ở Bình Nhưỡng, một đêm khi màn đồng diễn kết thúc, đám đông tràn ra khỏi sân vận động. Các nhóm Thiếu niên Tiền phong mặc đồng phục trắng xanh, đeo khăn quàng đỏ, đi thơ thẩn xung quanh và hát các bài ca cộng sản.
Hướng dẫn viên người Anh Hannah Barraclough đợi để tập trung những thành viên của nhóm khách lại.
Du khách chỉ được phép đến Bắc Hàn trong các tour du lịch do nhà nước theo dõi chặt chẽ.
Từng dẫn các tour như thế trong suốt sáu năm, Hannah chứng kiến việc các du khách trong chuyến đi khó mà biết gì ngoài việc được nghe người dân địa phương tự hào về đất nước, khác hẳn với những câu chuyện họ đọc được khi ở ngoài Bắc Hàn, nơi mà tin tức thời sự tường thuật về căng thẳng hạt nhân, nạn đói, hành quyết tập thể, trại tập trung và một dân tộc sống dưới chế độ khủng bố.
“Người ta quên mất là dân Bắc Hàn không nghe thấy những câu chuyện tiêu cực. Họ chỉ nghe được những điều tích cực về những gì nhà lãnh đạo đã làm cho đất nước. Nhà lãnh đạo đã dâng hiến cuộc sống cho người dân, nên cũng không ngạc nhiên nếu họ quá kính trọng các ông. Khi bạn sống trong một xã hội không có nhiều cách tiếp cận thông tin khác nhau, bạn sẽ có xu hướng tin vào bất cứ thứ gì người ta nói với bạn.”
Chiến tranh hai miền
Chiếc xe bus của chúng tôi đi về phía nam của Bình Nhưỡng trên đại lộ Thống Nhất có sáu làn xe. Vài chiếc xe tải quân sự đi ngang, chở những người lính thiếu niên đeo đầy hành lý trên vai vẫy chào vui vẻ. Những xe bò chở cỏ khô nặng nề theo sau.
Trên cánh đồng, dưới bóng râm ngả xuống từ một tấm biển khổng lồ in dòng chữ cổ động sản xuất, những người phụ nữ trùm khăn cặm cụi làm việc trên cánh đồng ngô, lúa. Những người khác ngồi trên vệ đường, dưới bóng mát của cây phong, xe đạp dựng gần đó với những cây hoa trắng và hồng. Ở mọi nơi, người ta đang đi bộ. Tất cả dân Bắc Hàn dường như luôn đang phải đi tới nới nào đó.
Cứ vài dặm đường lại có những cột bê tông khổng lồ nhô ra đường. Chúng được thiết kế để chặn đường tiến xe tăng – dấu hiệu đầu tiên cho thấy chúng tôi đang tới gần khu phi quân sự (DMZ) được canh phòng cẩn mật.
Đó là chuyến đi đầu tiên của cô Kim đến DMZ, khu vực dài 160 dặm giữa hai miền Nam Bắc Tiều Tiên, được thiết lập kể từ khi hai miền đình chiến, năm 1953.
Ngày nay, binh lính Bắc Hàn trấn giữ mặt đối mặt với lính Hàn Quốc và lính Mỹ cách nhau chỉ vài dặm, và du khách cả hai bên đều nhìn nhau từ vị trí đó.
Cô Kim chỉ vào một bức tranh tường của các nhà lãnh đạo và dịch lại nội dung: “Một Triều Tiên. Hãy thống nhất quê hương vì thế hệ tương lai.” Cô thực sự xúc động.
Cô Kim nói: “Nơi này cho thấy lịch sử đau thương của đất nước chúng tôi. Tôi biết nhiều gia đình bị ly tán. Mẹ chia lìa con trai, chị xa rời em. Khi đến đây, tôi có cảm giác mình phải cố gắng hết sức để thống nhất đất nước.”
Cách đó vài dặm, bức tường chia cắt đất nước nằm dọc theo triền đồi và phủ đầy lá cây. Chuồn chuồn bay trong không trung. Một trung tá dễ thương tên Chae đi cùng chúng tôi tới trung tâm dành cho du khách. Áo của ông gắn vô số huy hiệu quân đội.
Ông nhắc lại lịch sử quá trình đế quốc Mỹ tới nơi và cuộc đấu tranh của Bắc Hàn, ông giận dữ gắn một cây đinh lên bản đồ Triều Tiên để chứng minh điều mình nói.
Nhìn qua ống nhòm, cô Kim lần đầu tiên được thấy “bức tường của đau khổ và phản bội” mà cô đã nghe kể từ lâu. Người sĩ quan tạo dáng chụp hình với ánh nhìn nghiêm nghị về miền Nam.
Sự chia cắt của hai miền Triều Tiên và khát vọng thống nhất chảy dọc suốt theo lịch sử và văn hoá của Bắc Hàn. Nhạc pop, kịch bản phim đều nói về chủ đề này, tượng đài khổng lồ nói về những nội dung này xuất hiện ở mọi thị trấn. Trẻ em được học về điều đó từ sáng đến tối.
“Cảm xúc giống nhau”
Tại trại hè Song Do Wan bên ngoài thành phố cảng Wonsan, đội viên Thiếu niên Tiền phong chạy về phía ký túc xá. Giáo viên của các em, cô Sujong nói các em đến từ khắp nơi trên cả nước để tham dự trại hè một tuần.
Cô cho biết: “Mục đích chính của trại hè là kiến tạo thể chất và tinh thần của trẻ để xây dựng đất nước.” Cô đứng cạnh một quả cầu được cho là món quà của Lãnh tụ Vĩ đại với một đường vẽ màu đỏ chia cắt hai miền Triều Tiên.
Biểu hiện của tình cảm và lòng biết ơn của người dân với những nhà lãnh đạo đạt tới đỉnh cao là vào ngày Quốc Khánh, diễn ra mỗi Tháng Chín để tưởng nhớ sự sáng lập của quốc gia.
Ở Bình Nhưỡng, công nhân, binh lính và trẻ em tụ tập trước bức tượng đồng khổng lồ hoặc hình ghép khổng lồ của Kim Il-sung và Kim Jong-il, mỗi thành viên của mỗi nhóm phải đặt hoa dưới chân tượng, và vỉa hè lập tức sẽ phủ đầy các lẵng hoa.
Không khí lễ hội ngập tràn thành phố – một số trẻ em vật lộn trong bộ đồ quân đội cỡ lớn, có người nói chuyện và cười nói.
Các gia đình tụ tập trên quảng trường, dạy trẻ con trượt băng hay chụp ảnh. Trong công viên Moran, người ta thấy như cả Bình Nhưỡng đang đến mùa đi dã ngoại.
Phụ nữ và đàn ông ca hát, nhảy múa, ngã lăn trên cỏ vì uống quá nhiều rượu gạo.
Cô Kim mặc váy, sợ mình sẽ bị kéo vào đám đông náo nhiệt. Cô đã khá hoà nhập hơn và bắt đầu hỏi về cuộc sống ở Châu Âu để so sánh.
Cô Kim nói: “Mọi người giờ đã vui vẻ hơn. Chúng tôi muốn tân hưởng cuộc sống của mình. Mọi người chỉ muốn tiến tới cuộc sống dễ chịu hơn và có gia đình hạnh phúc.”
Đêm xuống ở Bình Nhưỡng, cô Kim được rủ đi chơi ở công viên Tuổi trẻ Kaeson. Mọi người choáng ngợp trước những tàu lượn siêu tốc hay tên lửa, kiên nhẫn xếp hàng chờ tới lượt.
Ban đầu cô Kim từ chối không chơi và đi cạnh ông O. Khi đến chiếc tàu cướp biển, lượt chơi cuối cùng trước khi ra về, thình lình cô thảy chiếc giỏ cho ông O giữ và trèo lên chơi cùng các đồng nghiệp.
Khi chiếc tàu lắc lư lên cao, cô hoảng sợ dựa vào người kế bên và nhắm mắt chặt. Khi rời khỏi tàu, cô hơi xanh xao nhưng cười rất nhiều.
Sáng hôm sau, cô Kim nói chuyện hào hứng khi chúng tôi ra sân bay. Cô hỏi chúng tôi ý kiến về các bản tin như David Beckham và hải tặc Somali, Olympic 2012, khủng hoảng đồng euro, Nữ hoàng và những con ma ở Tháp London.
Cô đã rơm rớm khóc khi chúng tôi ôm tạm biệt. “Trước khi gặp người nước ngoài tôi rất hồi hộp. Tôi nghĩ họ sẽ cười vào tôi. Nhưng giờ tôi biết chúng ta giống nhau. Chúng ta có những cảm xúc giống nhau. Chúng ta có những giấc mơ giống nhau.”
Cô vẫy tay lần cuối. Từ lúc đó, cô Kim chìm khuất vào đám đông ngoài kia và đi mất.
Bản tiếng Anh của bài này đã đăng trên BBC Travel