Một nhà báo nước ngoài nhận định rằng chuyến đi của Tổng Bí thư ĐCSVN chưa có tính cột mốc lớn như một số người nhận định.
Trong bài “ Những giới hạn trong quan hệ Mỹ Việt từ chuyến đi của Lãnh đạo Đảng Cộng sản”, nhà báo Shawn W. Crispin mở đầu nói về những hàng tít trên truyền thông nói chung cho rằng đây là chuyến đi cột mốc lịch sử làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước cựu thù.
Tuy nhiên “ngoài những cử chỉ ngoại giao, ông Trọng trở về Hà Nội mang theo nhượng bộ quân sự chưa đáng kể tại một thời điểm Việt Nam đang có nhu cầu chiến lược.”
Theo tác giả, hai bên chưa đạt được tiến bộ trong việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vận vũ khí sát thương mà Washington vẫn áp đặt do thực trạng nhân quyền tồi tệ của Hà Nội.
Giới phân tích trước đó dự kiến việc gỡ bỏ lệnh cấm vận là tiêu điểm trong nghị trình họp và có thể thậm chí được tuyên bố trong chuyến thăm Mỹ của ông Trọng.
Tuy nhiên các thỏa thuận từ cuộc họp thúc đẩy hơn nữa cho “quan hệ đối tác toàn diện” hiện vẫn mang tính biểu tượng vốn được hai bên ký từ năm 2013.
Về mặt quân sự, hai bên đã thống nhất một bản ghi nhớ mở đường cho việc hợp tác để Việt Nam tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc trong tương lai.
Tác giả cho biết báo New York Times đưa tin về thỏa thuận chưa thật rõ ràng về “khả năng cùng sản xuất” các thiết bị và công nghệ quốc phòng mà hai bên không công bố chi tiết, cũng như tăng cường các hoạt động hải quân chung nhiều hơn nữa.
Thông cáo của Nhà Trắng cho biết hai bên đang lo ngại về diễn biến gần đây ở Biển Đông, nhưng thừa nhận cần “kiềm chế những hành động đó sẽ làm căng thẳng” và bác bỏ các hành động “lấn lướt, đe dọa, và sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.”
“Các thỏa thuận quốc phòng công bố trong chuyến thăm của ông Trọng sẽ không tăng cường đáng kể việc phô trương sức mạnh hoặc năng lực răn đe của Việt Nam trong bối cảnh ngày càng có nhiều tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc,” tác giả nhận định.
“Người ta tin rằng Hà Nội rất muốn có phi cơ do thám P-3 Orion do Mỹ chế tạo, máy bay không người lái và tàu tuần tra cao tốc có gắn súng để đối phó với Trung Quốc – mà những hạng mục này vẫn còn còn bị cấm mua theo lệnh cấm bán vũ khí hiện nay của Hoa Kỳ.”
Một bài báo gần đây của Reuters trích dẫn “nguồn tin trong ngành” nói Việt Nam đang thảo luận với chi nhánh quốc phòng của công ty Saab của Thụy Điện, hãng Airbus, và Boeing của Mỹ để mua máy bay phản lực, máy bay tuần tra và bay không người lái không gắn vũ khí.
Việc duy trì lệnh cấm bán vũ khí cho Hà Nội một phần là do thực trạng nhân quyền của Hà Nội với ít nhất 150 tù nhân chính trị, theo Human Rights Watch mà nhiều người trong số này là những nhà hoạt động bị kết án về tội chống nhà nước khi biểu tình chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Ông Obama nói với các phóng viên, ông đã thảo luận “thẳng thắn” với ông Trọng về các chủ đề nhân quyền, nhưng không có dấu hiệu đột phá.
Cuộc gặp giữa ông Trọng và ông Obama cũng không xúc tiến thêm được lời kêu gọi của Mỹ cho tiếp cận ưu đãi cảng biển nước sâu của Việt Nam tại Vịnh Cam Ranh.
Theo tác giả, với lệnh cấm bán vũ khí của Hoa Kỳ vẫn y nguyên, Việt Nam sẽ tiếp tục dựa vào đồng minh tử kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh là Nga trên phương diện phòng thủ, với sáu tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo, được cho là đội tàu ngầm tiên tiến nhất ở Đông Nam Á.
“Trong khi Việt Nam có thể mong muốn nâng cấp từ vũ khí Nga lên vũ khí Mỹ, chuyến thăm mang tính biểu tượng của ông Trọng cho thấy vẫn còn chướng ngại vật khó vượt trong một mối quan hệ chiến lược thực sự đầy đủ và toàn diện,” tác giả kết luận.
Shawn W. Crispin là nhà báo viết cho mục bình luận về Đông Nam Á của tạp chí The Diplomat, từng là Đại diện cho tạp chí The Far Eastern Economic Review và Wall Street Journal (Châu Á) tại Bangkok, Thái Lan.
BBC