Chuyện “đi sứ” của Du Chính Thanh: Tin ai?

Nguyễn Cao

 
Biên giới phía Bắc 1979 – Hãy nhớ lấy: Nữ tù binh Việt Nam, sau khi bị lính Trung Quốc hãm hiếp tập thể và bức bách cho đến chết, áo ngược bị xé rách toang từng mảnh. 

(VNTB) – Không khó hiểu khi lịch sử cận đại Trung Quốc từng ghi nhận nhân dân Bắc Kinh hai lần mít tinh lớn hoan nghênh Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc sáng suốt trừng trị Đặng Tiểu Bình, tên phản động gian ác tầy trời, và hai lần mít tinh hoan nghênh Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc sáng suốt khôi phục cho đồng chí Đặng Tiểu Bình…
Các trang mạng xã hội đã phản ứng khá mạnh về những tuyên bố của Chủ tịch Chính hiệp Trung ương Trung Quốc – ông Du Chính Thanh trong chuyến “đi sứ” Việt Nam vào cuối tháng 12-2014.
Tuy nhiên các phát ngôn được cho là trịch thượng được phát từ Tân Hoa Xã – cơ quan thông tấn quốc gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chưa ghi nhận người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bình luận gì về chuyến “đi sứ” này của ông Du Chính Thanh.
Độ tin cậy từ Tân Hoa Xã như thế nào, chỉ cần qua sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1 tháng 5 năm 2014, cho thấy “ông bạn vàng” đã “ăn đàng sóng nói đàng gió” ra sao.
Tính cách Du Chính Thanh?
Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết, ông Du Chính Thanh có quan hệ gần gũi với gia đình Đặng Tiểu Bình, trong đó có thể kể đến quan hệ với ông Đặng Phúc Phương, con trai lớn của Đặng Tiểu Bình, người đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Quỹ Xã hội Tàn tật Trung Quốc, nơi ông Du công tác hồi những năm 1980.
Còn theo CNN, ông Du Chính Thanh là người được Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân đỡ đầu, và cũng từng làm việc dưới quyền ông Giang Trạch Dân. CNN dẫn lời một nhà phân tích cho biết với những kinh nghiệm lãnh đạo và phát ngôn của mình, các chính sách của ông Du Chính Thanh chú trọng việc thúc đẩy khu vực tư nhân, phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển luật pháp và cải cách xã hội để xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau.
Tân Hoa Xã “phát” gì?
Ông Thanh được Tân Hoa Xã trong bản tin phát ngày 27-12-2014 dẫn lời nói rằng, chuyến thăm của ông đến Việt Nam là được sự ủy nhiệm của Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng bí thư Tập Cận Bình nhằm tăng cường tin cậy lẫn nhau, tạo sự đồng thuận và thúc đẩy sự tiến bộ của quan hệ Việt – Trung “theo con đường đúng đắn”.
“Hợp tác hữu nghị vẫn là xu thế chính trong quan hệ Việt – Trung, trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng vẫn đóng vai trò quan trọng không thể thay thế trong việc phát triển quan hệ song phương”, Tân Hoa Xã nói.
Ông Thanh đề xuất hai bên cần tăng cường sự tin cậy chính trị và xây dựng sự đồng thuận, “tăng cường định hướng dư luận, xử lý đúng đắn các tranh chấp hàng hải song phương và thúc đẩy hợp tác một cách thực tế trong các lĩnh vực khác nhau”.
Ông Thanh phát biểu: “Các vấn đề hàng hải rất phức tạp và nhạy cảm, đòi hỏi các cuộc đàm phán để quản lý và kiểm soát sự khác biệt. Ngoại giao “loa phóng thanh” chỉ kích hoạt sự bất ổn của công luận mà cả 2 bên nên tránh”.
Góc nhìn truyền thông quốc tế
Số phát hành ngày 28-12-2014, tờ India Times của Ấn Độ cho rằng, khi Bắc Kinh đang phải đối mặt với một vụ kiện quốc tế về tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, Trung Quốc đã cố gắng “tìm cách làm yên lòng Việt Nam”, một quốc gia có yêu sách trong các vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp để đảm bảo giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, hợp tác đáng kể trong các lĩnh vực khác nhau.
Hãng tin Reuters ngày 27-12-2014 cho biết, ngay sau khi Trung Quốc rút giàn khoan 981 và có tín hiệu muốn “sửa chữa quan hệ” với Việt Nam, thì Việt Nam đã kịp làm ấm mối quan hệ quân sự với Mỹ và đã nhận 2 trong 6 tàu ngầm Kilo 636 MV của Nga để tăng cường khả năng phỏng thủ.
Thông tấn xã Việt Nam nói gì?
Trong bản tin phát ngày 26-12-2014, Thông tấn xã tường thuật về gặp gỡ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
“Ông Du Chính Thanh bày tỏ mong muốn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, giao lưu theo kênh Đảng, tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm giữa hai Đảng, hai nước; đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật..; tăng cường giao lưu giữa các ngành, các cấp, giữa hai tổ chức Mặt trận (Chính hiệp) và thanh thiếu niên hai nước”.
Diện kiến Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, bản tin viết:
“Ông Du Chính Thanh cho biết phía Trung Quốc đang tích cực xúc tiến, triển khai các dự án hợp tác đã thỏa thuận với Việt Nam; bày tỏ mong muốn tăng cường tin cậy chính trị, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực, tăng cường hữu nghị nhân dân, cùng nỗ lực tìm hướng chung để giải quyết thỏa đáng các bất đồng, ổn định tình hình trên biển, không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt”.
Trong buổi tiếp ông Du Chính Thanh tại Trụ sở Chính phủ, bản tin viết:
“Thủ tướng nhấn mạnh những vấn đề khác biệt, tranh chấp về biên giới lãnh thổ giữa hai nước, hai bên cần chân thành hợp tác và thẳng thắn đàm phán, đấu tranh tranh luận trên tinh thần đối tác hợp tác chiến lược, lắng nghe ý kiến của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau để cùng nhau tìm ra lẽ phải, chân lý và phương án giải quyết thỏa đáng mà hai bên đều chấp nhận được – trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận”.
“Ông Du Chính Thanh cho biết mục đích chuyến thăm là nhằm góp phần tăng cường tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa hai Đảng, hai nước; khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng truyền thống quan hệ hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” với Việt Nam; cho rằng tình cảm hữu nghị chân thành và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước là hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay”.
Tin ai?
Hướng dẫn viên du lịch là người Trung Quốc khi dẫn các đoàn khách nước ngoài thưởng ngoạn “Trung Hoa cẩm tú”, thường hay nhắc du khách Việt cẩn trọng khi chọn mua hàng hóa lưu niệm, vì đây là xứ sở của “buôn vua bán chúa”. Do vậy không khó hiểu khi lịch sử cận đại Trung Quốc từng ghi nhận nhân dân Bắc Kinh hai lần mít tinh lớn hoan nghênh Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc sáng suốt trừng trị Đặng Tiểu Bình, tên phản động gian ác tầy trời, và hai lần mít tinh hoan nghênh Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc sáng suốt khôi phục cho đồng chí Đặng Tiểu Bình…
Khi quật đổ và khi khôi phục vương triều nào đó, họ đều đưa những lý lẽ sang sảng ầm ĩ ngày nọ qua ngày kia trên báo, trên truyền hình. Hay trong tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, năm 1992, Trung Quốc công bố “phương châm 16 chữ” của họ về khai thác chung là “chủ quyền thuộc ngã, các trí tranh nghị, cộng đồng khai phát, lợi ích phân hưởng”.
Có nghĩa là “chủ quyền thuộc tôi, gác lại tranh cãi, cùng nhau khai thác, chia sẻ lợi ích”. Đã là “chủ quyền thuộc ngã” thì còn khai thác chung làm gì nữa? Trung Quốc đã đem công thức này mời chào Việt Nam và các nước Đông Nam Á có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, nhưng cho tới nay chưa có quốc gia nào dám nhận lời “cùng khai thác” tài nguyên biển với Trung Quốc mà phải chấp nhận “chủ quyền thuộc ngã”.
Hồi chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979, một bài báo nước ngoài tường thuật lại cuộc họp báo tổ chức ở Bắc Kinh, khi chủ tọa cuộc họp dùng cụm từ “Trung Quốc phản kích Việt Nam để tự vệ”, nhiều nhà báo đã hỏi: “Ai công kích mà Trung Quốc phải phản kích? Ai làm gì mà phải tự vệ? Xin hỏi Việt Nam đánh Trung Quốc ở mặt trận nào? Vân Nam, Quý Châu Quảng Tây, Quảng Đông à?”.
Không chịu nổi sự lật lọng đổi trắng thay đen của nhà cầm quyền Trung Quốc, nhiều nhà báo có mặt đã khẳng định: “Chúng tôi đã có mặt bên trong 6 tỉnh của Việt Nam đang bị quân đội Trung Quốc tấn công, cách biên giới từ hàng chục đến hàng trăm km”.

Tin chắc 100% là nhân dân Trung Quốc không bao giờ chấp nhận kiểu nước lớn hiếp đáp nước bé, cá lớn nuốt cá bé của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay đâu. Thông tin quanh chuyến “đi sứ” của Di Chính Thanh, có lẽ cũng không ngoài câu chuyện của “ăn đằng sóng nói đằng gió” của bộ máy tuyên truyền Bắc Kinh.
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)