Inrasara
Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam
‘Nhà thơ chính khách’ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn VN
Đại đa số nhà văn Việt Nam hôm nay từ chối làm nhà trí thức theo nghĩa mạnh nhất của từ này. Thì lấy đâu tác phẩm của hắn nhận được sự chú ý xứng đáng từ cộng đồng, nói chi chuyện cá nhân hắn được cộng đồng tôn trọng. Còn kêu ca than vãn công chúng lạnh nhạt với văn học thì không gì tệ hại hơn.
1. Xã hội nào bất kì, muốn tự thức để tiến bộ, cũng cần đến sự phản biện. Một phản biện đích thực: trực diện, mạnh mẽ, và đầy trí tuệ. Không phải lối phản biện “dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, hay như ở Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, các diễn giả lên giảng bài, sau đó đưa địa chỉ email: “Ai có thắc mắc gì cứ gửi điện thư cho tôi”. Mà là trực diện.
Xã hội Việt Nam hôm nay nảy sinh nhiều vấn đề nóng cần đến sự phản biện. Đâu đó đã có những phản biện, tội – ở đó nhà văn, nhất là cánh nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, ít dự cuộc hơn cả. Trong khi nhà văn là kẻ phản biện xã hội. Không phải các “nhà” khác không phản biện xã hội, nhưng chính nhà văn là người phản biện xã hội toàn diện nhất, và nhất là – cần thiết cho sự khai mở tư duy sáng tạo của hắn nhất. Bác sĩ, kĩ sư, chuyên gia, giáo sư đại học… cũng phản biện, nhưng thường họ tập trung vào chuyên môn; cho nên nếu có phản biện thì họ phản biện về lĩnh vực chuyên môn của họ là chính. Còn nhà văn, bạn phải quán xuyến mọi vấn đề xã hội để có thể viết… văn. Qua đó, bạn hiểu xã hội để phản biện. Một số nhà văn viết truyện phục vụ bộ phận độc giả nhất định: độc giả thiếu nhi, tuổi mới lớn hay các cô tiểu thư thị thành; hoặc cũng có không ít nhà văn quyết đóng phòng văn hì hục viết mong làm ra tác phẩm để đời. Tiếp xúc với độc giả – không; diễn thuyết trước công chúng – không; tham gia vào công việc xã hội, từ đó phản biện xã hội cũng không nốt. Đó là chọn lựa của họ, họ là nhà văn tháp ngà, chúng ta hãy để mặc họ với tham vọng riêng tư ấy. Còn lại, nhà văn là kẻ phản biện xã hội. Công chúng đòi hỏi nhà văn đóng vai trò một trí thức đúng nghĩa. Chỉ như thế hắn mới tạo ảnh hưởng nhất định đến lối suy nghĩ của cộng đồng, lớn hơn – tác động đến xã hội. 2. Nhà văn Việt Nam phản biện ai? Lạ, trên hết và trước hết, cộng đồng người đọc hôm nay đòi hỏi hắn phải biết phản biện chính tổ chức Hội Nhà văn Việt Nam, ở đó Ban Chấp hành là đối tượng đầu tiên cần nhận sự phản biện. Bởi Hội mà hắn tham gia là một tổ chức chính trị nghề nghiệp đang tiêu tiền của nhân dân, nên nó phải có trách nhiệm với nhân dân. Việc xét kết nạp hội viên chẳng hạn, là vấn đề bị dư luận ì xèo nhất, chắc thế. Khía cạnh này, xin đề cập đến chuyên môn hẹp: Thơ. Việt Nam là “nước thơ”. Người làm thơ nhiều, tập thơ in ra cũng nhiều, cho nên ứng viên thơ luôn có con số vượt trội. Văn chương lại vô bằng, nên việc đưa lên đặt xuống là rất mất thì giờ, và mất… lòng. Nhưng thế nào rồi cũng nhắm mắt, nén lòng để chọn cho được đủ số đề cử lên Ban Chấp hành. Ban Chấp hành là cấp quan cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu bên Hội đồng chỉ trách nhiệm về chuyên môn, thì ở đây là cấp trách nhiệm… lớn hơn, toàn diện hơn. Thì hẳn! Ban Chấp hành nhiệm kì này gồm 15 vị, có văn xuôi, có thơ, có cả lí luận phê bình, vân vân. Ở đây, lại xin nói về thơ. Có ứng viên thơ đã qua cửa Hội đồng với số phiếu rất oách, tin chắc thế nào kì này bỏ túi thẻ Hội Nhà văn. Ai dè, qua Ban Chấp hành bị đánh trượt! Lí do? Ít người biết thi sĩ này quá. Nhưng họ đã vượt qua ải chuyên môn rồi mà? Vậy là ủy viên Ban Chấp hành phải đọc. Có thì giờ đọc duyệt hết không? Sức mấy! Đó là chưa xét đến khía cạnh: có đến hai phần ba Ban Chấp hành không chuyên ngành thơ. Không dám nói anh chị không hiểu về thơ, mà sẽ khó khăn hơn. Khó về chính ứng viên đó với tác phẩm đó, càng khó hơn nữa trong đối sánh với các ứng viên khác, thi tập khác. Kẹt là thế! Vậy, không tin Hội đồng chuyên môn do mình đề cử thì còn tin ai? Vậy mà Ban Chấp hành đã nhiều bận nói không với Hội đồng này! Sự thiếu tin tưởng này còn đẩy lên cấp độ cao nhất ở xét giải thưởng, khi năm 2014, tập thơ vào chung khảo ở Hội đồng thơ chỉ được hai phiếu và bị loại nhưng nó được Ban Chấp hành xét tặng Giải thưởng thơ duy nhất của năm, trong khi ba tập khác được 7-8/9 phiếu thì bị loại. Mặc dù làm thế không sai quy chế của Hội Nhà văn, nhưng nó không thuyết phục được công chúng độc giả. Càng khiến Hội đồng chuyên môn không phục. Có nhà văn nào đã phản biện Ban Chấp hành về vụ kia không? Trực tiếp hơn, Festival Thơ châu Á – Thái Bình Dương đầu năm 2015 vừa qua, 153 đại biểu thơ “quốc tế” có đến phân nửa là nhà thơ cấp “câu lạc bộ” lên diễn đàn “đánh vần” thơ tiếng Anh trình độ bằng B cho thính giả Việt Nam nghe, cạnh đó thính giả phải nghe phiên dịch viên dịch thơ bằng lối dịch cẩu thả đến vô trách nhiệm – mới tội. Festival Thơ tầm quốc tế ấy ta đã thu hoạch được gì, ngoài sự rềnh rang mang tính hội hè? Trong khi tiền của bỏ ra cho công cuộc đó không lấy đâu khác ngoài tiền thuế nhân dân. Mà ít ỏi gì cho cam. Có nhà văn nào đã lên tiếng phản biện không, ngoài tiếng nói lẻ loi trên Tiền phong Chủ nhật: “Không đương đại, không người trẻ”, đăng ngày 8-3-2015 (http://www.tienphong.vn/van-nghe /khong-duong-dai-khong-nguoi-tre-830375. tpo#Inrasara).
Chuyện đơn giản vậy thôi mà không dám, không biết lên tiếng thì làm gì ta dũng cảm đứng mũi chịu sào phản biện khi tác phẩm của đồng nghiệp bị cấm xuất bản, hay xuất bản – phát hành để bị thu hồi, bị “đánh” hội đồng đầy bất công, oan uổng. Lớn hơn và nhạy cảm hơn – về vấn đề Biển Đông, về môi trường bị phá hoại, về vấn nạn tham ô đang lan tràn như một “bầy sâu” lúc nhúc. Vân vân… 3. Nhưng liệu nhà văn còn có thể tránh né hiện thực xã hội mãi không? Câu trả lời là: không! Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu. Ngoại trừ văn nghệ sĩ sa-lông, hay các cây bút đầu hàng thời cuộc, ngày hôm nay mỗi hành vi công bố tác phẩm là một hành động đặt mình vào sự cuồng nộ của một thời đại không tha thứ (Creér aujourd’hui, c’est creér dangereusement. Toute publication est un acte et cet acte expose aux passions d’un sìecle qui ne pardonne rien, – Albert Camus, “L’Artiste et son Temps”). Hiện thực phổ quát, kèm với nó là sự thống khổ của đám đông có mặt khắp nơi, ở sát cạnh nhà bạn, ngay giữa lòng tập thể nhỏ bé tưởng yên ấm của bạn. Thống khổ và bất công lồ lộ được phương tiện thông tin đủ loại đẩy vào tận phòng ăn, giường ngủ của bạn, ám ảnh giấc mơ bạn. Đám đông ấy không để yên cho sự im lặng của bạn, khi im lặng đó bị coi như một thái độ. Họ càng không tha thứ cho tiếng nói của bạn, nếu đó chỉ là tiếng nói lưỡng lự, nửa vời. Quần chúng đòi hỏi trách nhiệm của nhà văn. Trách nhiệm đó đòi hỏi nhà văn – dù thuộc hội đoàn nào bất kì, ở đây là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam – nói mạnh như Camus, là phải biết làm cuộc đoạn tuyệt với xã hội họ sống (la responsabilité supposait une rupture épuisante avec leur socíeté), ở trong Hội mà như đứng ra ngoài Hội – để làm một nhà văn tự do. Chỉ khi không còn manh mún vướng bận triền phược nào sót lại: sự ưu ái và đãi ngộ từ cơ chế hiện hữu, sự dung dưỡng với nương tựa nhau để hai bên – nhà văn và cơ chế – cùng có lợi, nhà văn mới có thể tự giải phóng toàn triệt. Giải phóng cả truyền thống văn hóa văn chương từng chế ngự tâm thức nhà văn, tâm thức tạo nên thứ tâm lí bầy đàn hãi sợ sự cô đơn, chạy trốn tinh thần độc lập qua đó mài mòn cá tính sáng tạo. Chỉ dũng cảm cắt đứt như thế thôi, nhà văn không bị áp lực bởi thế lực nào bất kì, qua đó hắn mới có thể có tiếng nói khách quan và độc lập. 4. Đến đây, muốn tiếng nói bạn được quần chúng lắng nghe, nhà văn đồng thời phải là một nhà phê bình hoặc có khả tính phê bình. Tiếc, nhà văn Việt Nam hiếm có khả tính phê bình, nói chi là nhà phê bình. Ta sáng tác bản năng và cảm tính, và ta hãnh diện về nỗi thiếu lí tính ấy. Ta ưa nói: Vô chiêu thắng hữu chiêu; nhưng chưa có ngón võ nào trong tay, thì làm gì nói đến vô chiêu? Ta thích dẫn Goethe: Lí thuyết thì xám xịt, cây đời mới xanh tươi; trong khi trong tay ta chẳng có mủng lí thuyết nào, còn cây đời lại là thứ cây èo uột. Văn học Việt Nam muôn năm ở lại với nghiệp dư không phải không có lí do chính đáng của nó. Ta thiếu triết học, ta không thèm chịu học triết học nữa, nghĩa là ta từ chối học suy tư độc lập, để có thể phản biện. Triết học ta đang dạy và đang học trong nhà trường là triết học “theo”: nghe theo, nói theo, suy tư theo; tôi gọi đùa nó là thứ triết học Theo-ism. Không lạ, khi những người viết văn, làm thơ đến mỗi “mùa hội viên” là lo chạy vào Hội Nhà văn Việt Nam, vào được rồi thì xoa tay – nghỉ, chứ hiếm khi viết được gì thêm, chẳng sáng tạo được gì mới; bầu Ban Chấp hành đại diện cho mình thì đầy cảm tính với cảm tình lẫn bè phái. Quần chúng có than vãn thì kệ. Ta đổ trách nhiệm cả lên đầu Ban Chấp hành, hay của cả khối tập thể, mà không là trách nhiệm của một ai. Ta giành phần vô trách nhiệm trước xã hội. Hỏi, còn ai tin vào tiếng nói của nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam nữa không? Tia Sáng
|