Việt Nam Thời Báo

Con ơi ở đâu: Án oan trong nghệ thuật vị nhân sinh

Khởi Minh
 
(VNTB) – Những án oan rồi sẽ đi về đâu? Bị hút vào một cỗ máy nghiền khổng lồ với các bánh răng của bạo lực, bất công, vô nhân đạo, được bảo kê một phần bởi luật pháp rồi chìm theo năm tháng hay may mắn được “nổi” lên minh oan, sáng tỏ nhờ những yếu tố hên xui của cuộc đời?
Nhân chứng thời đại

Văn hóa nghệ thuật vị nhân sinh là cái nôi dung dưỡng những tiết tấu, âm thanh của cuộc sống đương đại. Bằng cách nào đó hiện thực làm nảy sinh ra những chất liệu để người nghệ sĩ chuyển tải thành một thông điệp sống động nhưng đầy khắc khoải của cuộc sống. Bằng ngôn ngữ dung dị, nhưng đủ chiều sâu, những tác phẩm nghệ thuật ra đời từ chính thân phận con người, mái nhà, con đường của cuộc sống. Ngôn ngữ hữu hình hay vô hình đều mang trong mình một đặc trách: nhân chứng của thời đại.
Án oan – vì thế, cũng không nằm ngoài cái phác họa về nỗi đau xã hội đương thời, trong các tác phẩm nghệ thuật vị nhân sinh.
Con ơi ở đâu?

Nguyễn Ngọc Tư được thừa hưởng gen ngôn ngữ trời phú của vùng đất Nam bộ, mộc mạc, chân thành và có chiều sâu để khắc họa mỗi hình tượng nhân vật trong cuộc sống. Có thể nói, Tư viết như là không viết, vì cô bằng sự trải lòng của mình trong cuộc sống. Cô trở thành người khắc họa chân thực dung ngôn cuộc sống bằng cái ngôn ngữ bình dị của mình, sự dồn dập của tiết tấu câu chuyện chính là sự dồn dập của hơi thở cuộc sống mà Nguyễn Ngọc Tư đón nhận bằng chính “cảm xúc của mình”.
Tôi tình cờ tìm đến Nguyễn Ngọc Tư từ truyện ngắn “Cải ơi về đâu”. Truyện nói về ông Tư lặn lội đi tìm đứa con riêng của vợ, đứa con khiến ông mang “án oan” giết người”. Cái Cải – con ông vì đánh mất đôi trâu, sợ quá bỏ đi. Nhưng người làng đồn thổi nghi ông vì giận cái mà giết nó đem chôn xác trong vườn. Lâu dần lời đồn khiến chính vợ ông cũng không còn lấp lánh thương yêu, chỉ tối tăm những ngờ vực, hoài nghi. “Án oan” của dư luận buộc ông phải bỏ làng đi tìm con. Người cha tìm con, hết cách khôn dồn đến cách dại: ăn trộm đôi trâu để được lên truyền hình, đau đáu gọi: “Cải ơi, tía là Tư Đèo ở xóm Cỏ Cháy nè, con đang ở đâu?”.
Có những câu chuyện khác của Nguyễn Ngọc Tư kết thúc có hậu hơn, sau cả đời người nhân vật quằn quại nơi oan tình. Trong Đau gì hơn thế, Ông “Tư nhỏ”, bị án oan hại đời với con dượng của mình, mà người tố cáo không ai khác chính là người từng làm vợ ông, người đã bỏ đứa con của mình lại cho ông nuôi để tìm một cuộc sống khác dễ chịu hơn. Thế mà khi con gái có bầu, cô ta quay lại gặp ông để tìm một người chịu trách nhiệm : “Sao anh hại đời con gái tôi đến nỗi nó phải mang bầu?”, mà cũng chỉ bởi vìcon Nga nó không chịu nói tên người đó, bà con cô bác nghĩ coi, ai mà nó không dám kêu tên. Ai trồng khoai đất này…? ”.
Sau đó, chính đứa con đã lên xã quỳ lạy đưa cha về sau 5 ngày bị nhốt. Tưởng như những oan trái đã khép lại, nhưng không, miệng lưỡi người đời vẫn cứa đau vào cuộc đời hai cha con, đến nỗi ông phải thốt lên rằng:“Thiên hạ phải để tôi sống đàng hoàng như một con người chớ. Rồi không chịu nổi những oan trái, ông vác đơn từ đi đòi lại công bằng, nhưng với cái án oan tưởng chừng như bé mọn “ở tù tổng cộng 6 ngày 5 đêm”, “người ta” không chịu công khai xin lỗi, lấy lại danh dự cho ông. Mãi sau này, khi có một tác động từ phía đứa con gái dượng lên “người cha thực sự của đứa trẻ” – một người có chức có quyền đã nhiều lần lờ đi đi những lá đơn kêu oan, ông Tư nhỏ mới được minh oan bằng một lời xin lỗi trên đài phát thanh xã được phát trước giờ cải lương. Nỗi oan trải dọc gần một đời người làm cha, lời xin lỗi “ chân thành kia” xoa dịu sao cho nổi. 
Những nỗi oan trong văn học tưởng chừng là hư cấu, nhưng thực ra, nó phác họa một phần của hiện thực trần trụi. Và vì là một phần, nên Nguyễn Ngọc Tư vẫn len lén cho một chút niềm tin vào trong đó, dù nó không rõ ràng.
500 ngày!

Nhưng giả như cô nhà văn đất Nam Bộ còn một chút sự thương cảm của tâm hồn phụ nữ, thì 500 ngày – một nhạc phẩm được sáng tác bởi ban nhạc Gạt Tàn Đầy lại tàn khốc bởi nó lý tính hoàn toàn trong phác họa hiện thực.
Người nghe cảm thấy rợn người bởi: “Ầm ĩ rầm rĩ xóm dưới làng trên, hàng trăm người kéo nhau về/ Người cuốc người xới đào nát vườn ra họ cho rằng cha đã giết con mình/ Buồn uất rầu rĩ ngồi khóc người cha đành ôm hận oán than thân mình/ Cuộc sống một chốc vừa mất cả con, lại mang danh giết con mình”.
Và 500 ngày là sự tích tụ của 500 ngày tăm tối cuộc đời; 500 ngày thế gian lạnh lùng; 500 ngày mắt không nhìn đời; 500 ngày uất ức nghẹn lời, ơi người ơi; 500 u uất tình người; 500 miệng lưỡi cuộc đời; 500 thế gian lạnh lùng; 500 cay đắng một mình ơi người ơi…
Nhạc phẩm lôi tuột người nghe ra khỏi ảo mộng màu hồng của sự sơn phếch. Nó chỉ đích danh một người cha mang án oan giết con phải chịu tù tội 5000 ngày, nỗi oan này chỉ được gột rửa cho đến khi đứa con trở về [1].
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1989, khi đứa con của ông Phạm Văn Thành mất tích, Chính quyền địa phương đã phát loa nói người cha giết con, giấu xác. Công an đào tung mảnh vườn của ông để tìm thi thể nhưng không thấy nhưng đồng thời họ cũng bắt người cha ấy nhốt tù gần 2 năm. Đất đai và đàn dê của người dân khốn khổ này bị tịch thu gần hết. Nhưng trớ trêu là sau đó dù đứa con trở về, công an xin lỗi công khai, nhưng chính quyền lại lờ đi chuyện tài sản vì đã lỡ chia cho người khác. Hơn 10 năm qua, ông tiếp tục đi đòi tài sản của mình trong nỗi vô vọng cùng cực. Nỗi đau lớn đến mức người cha ấy phải thốt lên: “Bất hạnh lớn nhất đời tôi là muốn làm giàu bằng sức mình, nhưng đã bị người ta nhẫn tâm tước đoạt. Giờ, tui phải sống trong tận cùng khốn khó vì liên tục những cơn đau khắp người và thiếu trước hụt sau”. [ 2].
Bao nhiêu người đồng cảm?

Nỗi oan đã được giải, nhưng đời một con người đã bị phá hủy kiệt quệ bằng những năm tháng mòn mỏi trong lao tù và những năm tháng đau khổ trước miệng lưỡi thế gian, người đời khinh miệt. Một lời xin lỗi, những đồng bạc lạnh ngắt vô tri bồi thường liệu có thể mua lại những tháng năm được sống” như người” hay sao?
Những án oan rồi sẽ đi về đâu? Bị hút vào một cỗ máy nghiền khổng lồ với các bánh răng của bạo lực, bất công, vô nhân đạo, được bảo kê một phần bởi luật pháp rồi chìm theo năm tháng hay may mắn được “nổi” lên minh oan, sáng tỏ nhờ những yếu tố hên xui của cuộc đời?
Nhưng văn nghệ sĩ, có bao người có những nỗi đồng cảm tương thân và sở hữu lòng dũng cảm đủ để dùng ngòi bút, tài năng của mình cất lên tiếng nói lương tri bênh vực lễ phải. Nghệ thuật vị nhân sinh bao giờ cũng khó khăn hơn nghệ thuật vị nghệ thuật, nhưng chúng ta có lẽ đang cần những tác phẩm như thế trước tiên.
Và khi tôi đang viết bài này, hình ảnh của người nông dân Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long lại trở về như một sự nhắc nhở không ngừng về bất công xã hội!

Tin bài liên quan:

Hội thảo về “Khế ước xã hội”: Nhân dân có thể thay đổi chính phủ

Phan Thanh Hung

“The Interview”: Vì sao độc tài ghét hài hước?

Phan Thanh Hung

VNTB- Biểu tình chống Trung Quốc ở Philippines: Cảnh sát làm gì?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.