Cộng Hòa thắng thế: Từ Hoa Kỳ nhìn về Quốc hội Việt Nam

* Từ chuyện bầu cử ở Mỹ, chúng ta thấy gì qua những phát biểu trong buổi tọa đàm trực tuyến do đài BBC tổ chức nhân Quốc Hội CHXHCNVN khóa 13 khai mạc kỳ hội thứ 8 ở Hànội?
Lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ

Trần Phong Vũ (Hoa Kỳ)
* Tác giả gửi bài cho VNTB
Không ngạc nhiên

Hiện đảng Cộng Hòa đã nắm chắc 52 ghế tại Thượng viện và có thể sẽ chiếm luôn ghế thứ 53 nếu ứng viên Cộng Hòa dành chiến thắng trong cuộc bầu cử lại. Về Hạ viện ít nhất đảng này đã có thêm 10 ghế nữa – theo giới quan sát, đây là mức chưa từng thấy kể từ trước Đệ nhị Thế chiến.

Thật ra sự thắng thế của đảng Cộng Hòa không làm người ta ngạc nhiên. Trước hết, nó không ra ngoài lối suy nghĩ truyền thống của cử tri Mỹ. Thông thường họ không muốn đảng của vị Tổng Thống đương nhiệm nắm thế thượng phong tại Quốc Hội, nhất là vào hai năm cuối nhiệm kỳ. Riêng lần này, rõ ràng là cử tri Mỹ, bao gồm cả những người đã bỏ phiếu tín nhiệm ông Obama trước đây, đã tỏ ra bất mãn với hành pháp trong việc điều hành đất nước, từ lãnh vực ngoại giao, quốc phòng tới kinh tế, an sinh, xã hội.

Qua những cuộc vận động tranh cử vừa qua, người ta nhận thấy giới lập pháp trong đảng Dân Chủ đã bắt mạch được tâm lý này của cử tri nên dù là ứng cử viên mới hay tái ứng cử, họ đều cố tình giữ một khoảng cách với ông Obama. Trong khi ấy, những ứng viên thuộc đảng Cộng Hòa đã không từ bỏ một cơ hội nào để chỉ ra những nhược điểm về đường lối chính sách của chính quyền đương nhiệm để đào sâu sự hoài nghị của dân chúng Mỹ đối với các ứng viên Dân Chủ. Và kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ TT vừa qua là một câu trả lời cụ thể.

Tuy vậy, đảng Cộng Hòa cũng không thể ỷ thế đa số ở hai viện lập pháp rồi muốn làm gì thì làm. Dù sao họ vẫn phải nương theo nguyện vọng của quần chúng cử tri. Luận điệu mềm mỏng của ông McConnell, nhân vật được coi sẽ là người cầm đầu khối đa số ở Thượng Viện và những động thái tương nhượng của Tổng Thống Obama sau kết quả bàu cử là những chỉ dấu cho thấy cả hai đảng đều không muốn tạo thêm những bất mãn của người dân sau những kinh nghiệm cay đắng về cảnh ‘cơm chẳng lành canh chẳng ngọt’ tạo nên những bế tắc không đáng trông chờ giữa Quốc Hội và Nhà Trắng gần đây.

Dĩ nhiên, thực tế mối giao hảo giữa hành pháp và lập pháp trong những tháng ngày tới ra sao lại là chuyện khác.

Cung cách miệt thị

 Ngay sau khi kết quả cuộc bầu cử được công bố, báo Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng và nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh đã lên tiếng chế diễu sự thất bại của ông Obama trong chính sách đối ngoại. Theo giới quan sát, hàm ẩn trong lời chế diễu này cho thấy thái độ hãnh tiến của Bắc Kinh cho rằng chính quyền của TT Obama sẽ gặp trở ngại trong tiến trình xoay trục qua Châu Á. Điều đáng nói là luận điệu miệt thị này của tờ Nhân Dân nhật báo được đưa ra chỉ ít ngày trước khi ông Obama tới Bắc Kinh tham dự Hội Nghị APEC và dự kiến sẽ gặp gỡ ông Tập Cận Bình bên lề Hội Nghị.

Bình luận về sự kiện trên đây, đài RFI tỏ ý nghi ngờ khả năng bắt mạch những chuyển đổi trong chính trường Mỹ của tờ Nhân Dân nhật báo và dư luận chính giới Trung Quốc, nói chung. Một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đừng vội lầm tưởng sự thua đậm của phe Dân Chủ ở hai viện Quốc Hội là họ có thể lấn lướt được Mỹ và bẻ gãy được chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ. Trước hết, trên bình diện quốc phòng, đảng CộngHòa xưa nay luôn luôn ủng hộ việc nước Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự. Do đó, khả năng ngân sách quốc phòng bị kềm hãm dưới thời ông Obama có thể sẽ được giải tỏa. Thành tố quân sự của chiến lược tái cân bằng lực lượng qua Châu Á do đó vẫn vững chắc. Trong những ngày qua, các giới quan sát đã nhắc nhiều tới việc TNS John McCain sẽ nắm vai trò chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng viện. Cũng đừng quên ông cũng là người tích cực yểm trợ việc bán vũ khí sát thương cho VN, điều đã gây bất bình cho Bắc Kinh lâu may.

Người ta cũng nhắc nhiều tới lời cảnh cáo của Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hegel trao cho bà Susan Rice, Cố Vấn an Ninh của TT Obama, theo đó, ông nhấn mạnh tới những sai lầm của Nhà Trắng trong chiến lược của Mỹ tại Syria. Ông Hegel cho rằng chiến lược này có nguy cơ không mang lại hiệu quả, chính là vì Hoa Kỳ không có lập trường rõ ràng đối với ông Bachar Al Assad, TT Syria.

Đảng nào sẽ làm chủ Nhà Trắng hai năm tới?

Sau khi chiếm được ưu thế ở cả hai viện Quốc Hội trong cuộc bầu cử ngày 04-11 vừa qua, câu hỏi đặt ra là liệu đảng Cộng Hòa có khả năng thừa thắng xông lên để giành lại ngôi vị chủ nhân ông Tòa Bạch Ốc trong cuộc Tổng Tuyển Cử vào tháng 11 năm 2016 tới đây không?

Dựa vào những tiền lệ trong quá khứ và theo suy đoán của các giới quan sát thì điều này có nhiều khả năng xảy ra. Trước hết, trong lịch sử bầu cử TT Mỹ hiếm có một đảng có thể ở lại vai trò chủ nhân Nhà Trắng qua nhiệm kỳ thứ ba[1]. Huống chi, qua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, uy tín của ông Obama và nói chung của đảng Dân Chủ đã xuống rất thấp.

Tuy nhiên, người ta thấy vẫn tồn tại một số trở ngại khiến đảng Cộng Hòa không dễ đưa được người của mình vào tòa Bạch Ốc trong cuộc bầu cử hai năm tới. Thứ nhất là cho đến lúc này, trong số những người dự định tranh đua vào chức vụ Tổng Thống của đảng Cộng Hòa chưa thấy có ai đặc biệt sáng gíá khả dĩ có thể đánh bại bà Hillary Clinton, người được coi là ứng viên hàng đầu của đảng Dân Chủ, trong trường hợp bà quyết định bước vào cuộc đua.

Có điều, cũng trong cuộc bầu cử vửa qua, hình ảnh của bà Hillary ít nhiều đã bị tổn thương. Vì né tránh ông Obama, đông đảo các ứng cử viên đảng Dân Chủ đều tìm hậu thuẫn nơi cựu Đệ Nhất Phu Nhân Hillary Clinton. Điều đáng buồn là hầu hết những ứng viên Dân Chủ đã bị thất cử trước các đối thủ Cộng Hòa. Sự kiện này không chỉ là tín hiệu sự phủ nhận của quần chúng cử tri đối với Tổng thống Obama mà một cách nào đó cũng mang ý nghĩa phủ nhận luôn cả bà Hillary. Ông Rand Paul,Thượng nghị sĩ Cộng Hòa bang Kentucky, người có triển vọng tranh chức tổng thống đã không bỏ lỡ cơ hội chĩa mũi dùi tấn công vào người có khả năng trở thành đối thủ của mình. Bên cạnh những tấm hình chụp bà Hillary đứng cạnh những ứng viên thất cử, trên Facebook, TNS Rand Paul còn dùng cụm từHillarysLosers” nghĩa là “những kẻ thất bại của phe Hillary”!

Chuyện kết quả cuộc Tổng Tuyển Cử để chọn người cầm đầu hành pháp Mỹ dù sao vẫn còn xa. Nhưng với sự thắng thế của đảng Cộng Hòa tại hai viện Quốc Hội, người ta cho rằng chắc chắn trong nửa nhiệm kỳ còn lại ông Obama sẽ phải điều chỉnh lại chính sách đối ngoại cũng như quốc phòng, hầu tránh bớt những chỉ trích của đối phươngGần đây người ta đã nghe nói tới những lời phàn nàn là ông Kerry, đương kim Ngoại Trưởng đã có những động thái không trung thành với đường hướng ngoại giao do tòa Bạch Ốc vạch ra. Điều này có thật hay chỉ là một trò chữa cháy sau những thất bại của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua?

Thử nhìn về “cái gọi là Quốc Hội” trong nước

 Giữa lúc Cộng đồng người Việt tị nạn tại Mỹ theo dõi kết quả cuộc bầu cử hai viện Quốc Hội tại đây thì Quốc Hội khóa 13 của CSVN cũng vừa khởi đầu kỳ họp thứ 8.

Ai cũng biết rằng, thực chất của những cơ chế gọi là Quốc Hội trong những chế độ CS chỉ là một thứ hình nộm lạm danh nghĩa quần chúng cử tri để làm bình phong cho những đường hướng, chính sách do đảng để ra. Chỉ cần nhìn vào nguyên tắc bất di bất dịch mệnh danh “đảng cử dân bầu “ là người ta thấy rõ.

Trong cuộc tọa đàm nhân cái gọi là QH khóa 13 của CHXHCNVN vừa khai mạc kỳ hội thứ 8 do đài BBC tổ chức tuần qua, GS Nguyễn Minh Thuyết, người từng một thời sắm vai tích cực trong cơ chế lập pháp này đã công khai lên tiếng phê phán. Ông nói:

“Người dân như thế nào, thì Quốc hội như thế! Chỉ khi nàongười dân của mình (Việt Nam) giác ngộ, mình đi bầu, mình chọn lọc thật cẩn thận, thì lúc ấy mình sẽ có một Quốc hội như ý của mình.

Lập tức đã có nhiều tiếng nói bất đồng đối với lời tuyên bố của ông Thuyết. Vấn nạn đặt ra là với chính sách “đảng cử, dân bầu” bằng cách nào cử tri có điều kiện để “chọn lọc thật cẩn thận… để có một Quốc Hội như ý mình muốn?”

Riêng Tiến sỹ Lê Bạch Dương cho rằng:

Với ý kiến… của Giáo sư Thuyết, tôi cũng minh chứng bản thân tôi như một ví dụ. Tức là bây giờ tôi không đi bầu nữa. Bởi vì tôi thấy cơ chế bầu cử như thế này chẳng có ý nghĩa gì cả, cho nên tôi thấy không nên mất thì giờ cho việc như vậy”.

Ông nhấn mạnh:

“Chừng nào đưa ra một cơ chế mới thì tôi sẽ đi bầu. Mọi người có thể nói tôi vô trách nhiệm, nhưng tôi không thích bầu cho những người mà tôi chẳng hiểu gì cả. Lẽ ra họ phải đưa ra được những cương lĩnh, những chương trình để tôi có thể so sánh xem tôi nên bầu cho ông A, cho ông B”.

Về phần TS Nguyễn Quang A đã nêu lên những nhận định dứt khoát. Ông nói:

Tôi nghĩ rằng cái quan trọng là người dân phải lên tiếng, phải đấu tranh để xóa bỏ những cơ chế ấy đi, chứ còn ngồi đợi để cơ chế thay đổi, chẳng bao giờ nó thay đổi cả. Tôi nghĩ rằng cái cơ chế của Mặt trận Tổ quốc là phải dẹp bỏ, ‘cơ chế hiệp thương’ là phải dẹp bỏ. Đấy là cơ chế lọc người theo ý định của những người lãnh đạo, thì tôi nghĩ rằng đấy hoàn toàn là phi dân chủ. Và tôi nghĩ rằng người dân đúng là phải giác ngộ, phải lên tiếng, và phải bảo rằng Các ông làm như thế là không được, chúng tôi không chấp nhận và chúng tôi đòi phải làm khác.

Chỉ có cách tích cực như vậy, thì may ra sự thay đổi mới có thể xảy ra. Nhưng mà nếu chúng ta phản ứng một cách thụ động, hoặc chỉ có trách tại sao lại không khéo chọn lựa giữa những người mà người ta đã chọn sẵn cho mình, thì tôi nghĩ rằng tất cả những cách ứng xử như thế sẽ chỉ kéo dài chế độ này mà thôi”.

Thấy người lại ngẫm đến ta.

Khi được hỏi về cảm nghĩ riêng trước bầu khí hân hoan, náo nhiệt của ngưởi dân Hiệp Chúng Quốc trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng Thống vừa qua, người tù lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã công khai chia sẻ niềm vui trước sự may mắn với bà con đồng hương tị nạn tại đây được tự do dùng lá phiếu để trực tiếp góp phần xây dựng cơ chế lập pháp đại diện cho chính mình.

Tuy không nói ra, nhưng khi phát biểu như vậy hẳn rằng ông không thể không ngậm ngùi nghĩ lại những cuộc bầu cử được đảng và nhà nước CSVN dàn dựng từ bao nhiêu năm trên đất nước chúng ta. Và nếu có cơ hội bày tỏ quan điểm trong cuộc tọa đàm do đài BBC tổ chức mới đây, hẳn người sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do sẽ không thể không đồng ý với những nhận định của TS Nguyễn Quang A.

Những ngày đầu hạ tuần tháng 11-2014


[1] Trên thực tế, năm 1988 cuối thế kỷ trước, trường hợp họa hiếm này đã đến với đảng Cộng Hòa khi TT Bush cha đã trở thành TT một nhiệm kỳ ngay sau khi người tiền nhiệm của ông là TT Ronald Reagan mãn nhiệm. Nếu tính thời gian thì phải 60 năm mới có một lần xảy ra sự kiện hi hữu như vậy.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)