Băng Tâm
Ông có thể đại diện cho hình ảnh người cảnh sát nhân dân hiếu với dân, đúng nghĩa một người đầy tớ thực sự.
Là người cứu vớt cái hình ảnh hoen ố của ngành cảnh sát giao thông (CSGT), nơi mà những “phí qua đường” cho CSGT được xem như một quy định ngầm, có tính bắt buộc.
Người tốt đột lốt… công an
Ông là thượng tá Lê Đức Đoàn – người gác đường trong suốt 20 năm trời.
Khó ai mà để lại cảm giác tốt lành như vị CSGT già ấy. Ông nổi tiếng vì ông vừa làm tròn nhiệm vụ kiểm soát giao thông khu vực được giao, nhưng đồng thời, cũng vì những lần ông ngăn cản được hơn 40 trường hợp có ý định tự tử ở cầu Chương Dương.
Ông thi đỗ vào ngành với số điểm 22 (chuẩn lúc đó là 13), được cử đi học chính quy tại trường CSGT Liên xô tại Oriol. Nhưng sự tận tụy, công tâm khiến ông bị đứng đường suốt 20 năm dù mang trên vai hàm thượng tá.
Cũng bởi, như ông thổ lộ, “Bác đến tầm tuổi này vẫn đứng đường đây vì bác không chịu đi lên bằng đầu gối”.
Câu nói đó đã cho thấy phần nào cái sự liêm khiết của ông, và phản ánh được cơ chế mà sự dối trá, gian lận, nịnh bợ lên ngôi.
Một cơ chế làm thoái hóa đạo đức của con người, đặc biệt với những ai đang phục vụ trong bộ máy công quyền.
Họ buộc phải đi bằng đầu gối để mưu cầu lợi ích cá nhân. Và cơ chế buộc họ phải khụy gối, trước khi tính đến năng lực chuyên môn.
Do đó, ông là người tốt, dù đột lốt… công an giao thông.
Đó không phải là sự ví von thái quá, mà vì đây là một hiện tượng hiếm có, nổi bật trong ngành CSGT, trong cái cơ chế mà đồng tiền đổi chác quyền lực, quyền lực nảy sinh ngược đồng tiền.
Nó hiếm hơn cả việc một sĩ quan X, một chiến sĩ Y nhặt được… của rơi trả cho người mất. Hay hình ảnh một chiến sĩ dìu dắt bà cụ qua đường… vốn được dùng nhiều để tuyên truyền.
“Đứng đường” và “móc ví”
Sự thăng quan tiến chức, đồng nghĩa với việc “túi tiền” được tăng lên nhiều, biến CSGT không trở thành một nhiệm vụ, vai trò nữa, mà nó trở thành một ngành nghề kinh doanh, hái ra tiền.
Thế nên, vào tháng 11/2012, trong kết quả cuộc khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới tiến hành, ngành CSGT được xếp hạng là một trong bốn ngành tham nhũng nhiều nhất Việt Nam (cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng).
Từ đó đến nay, thực trạng tham nhũng trong ngành giao thông càng ngày càng nghiêm trọng và tinh vi.
Tình trạng “móc ví” không còn diễn ra chỗ u tối, mà công khai vạch ví người dân ngay giữa ban ngày. Dẫn đến những phát hiện chấn động như “CSGT thích nhận tờ rơi quảng cáo” hay “Mỗi ca trực của CSGT chỉ đủ mua cái bánh mỳ”.
Nhiều vị lãnh đạo đầu ngành than khổ cho anh em CSGT vất vả vì khói bụi do đứng đường. Nhưng ngược lại, hầu như ai làm CSGT cũng đều muốn ra trực, đặc biệt là lập chốt trực đường, bởi khi đó, họ mới kiếm được ổ bánh mì và nhận tờ rơi của dân theo phương cách đút túi trực tiếp hoặc chia phần trăm. Một cách thức đứng đường… siêu lợi nhuận.
Học tập và làm theo Lê Đức Đoàn?
Thượng tá Lê Đức Đoàn đã thoát khỏi cái vòng tròn đầy cám dỗ đó. Và ở một mức độ nào đó, người ta gọi là “thối nguồn”.
Nhưng đổi lại, ông được người dân yêu mến, mỗi khi họ có việc đi ngang qua khu vực Nam cầu Chương Dương. Hiếm ai như ông, khi về hưu là được lên báo ca tụng. Thay vì bị rơi vào lãng quên hoặc bị “điều tra” liên quan đến một vụ án nào đó.
Và người ta trân trọng gọi ông bằng “bác/chú/anh”, thay vì gọi bằng “thằng/chó vàng/bọn” cũng có lý do của nó.
Ông xứng đáng là người công dân tiêu biểu của thủ đô Hà Nội bởi ông là một trong số ít những nhân vật tử tế trong cái xã hội nhiễu nhương này.
Có lẽ, ngành CSGT nên phát động phong trào học tập và làm theo… Lê Đức Đoàn.
Tấm gương này thực tế hơn nhiều.
* Tác giả gửi bài cho VNTB