Theo TS Đặng Đình Đào, kỳ vọng thị trường giá điện, xăng dầu, sữa… trong năm 2015 “thực sự minh bạch” theo đúng nghĩa không hề đơn giản. Chừng nào còn độc quyền thì còn hiện tượng như “các khoản đầu tư xây dựng sân tennis, bể bơi vẫn sẽ còn đưa vào giá bán” và sẽ không có chuyện giảm giá.
Năm 2014 được cho là năm bình yên của giá cả. Các mặt hàng vốn đóng góp quan trọng nhất vào kinh tế thị trường như xăng, dầu, sữa… đồng loạt giảm giá và kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế phủ nhận rằng, việc các mặt hàng giảm nhưng chưa tương xứng, đặc biệt là giá xăng.
Xoay quanh câu chuyện về thị trường giá trong một năm qua, PV Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với TS Đặng Đình Đào, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội.
Một năm sắp qua, theo đánh giá của ông, trong năm 2014 chúng ta đã làm được những gì trong việc quản lý, điều hành thị trường giá, đặc biệt là giá điện, xăng dầu, sữa…?
Tôi cho rằng, tuy năm 2014 kinh tế Việt Nam phục hồi với tốc độ còn chậm và chưa vững chắc, sức mua chưa được cải thiện nhiều… nhưng đã đạt được những kết quả nổi bật như GDP đạt 5,9% cao hơn mức so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra (5,8%) và lạm phát thấp nhất trong hơn 10 năm gần đây, ở mức 4,09%, năm thứ ba liên tiếp xuất siêu với kim ngạch 2,39 tỷ USD… Rõ ràng, trong những kết quả nổi bật về kinh tế – xã hội của năm 2014 có sự đóng góp tích cực của thị trường điện, xăng dầu cũng như các sản phẩm quan trọng cho nhu cầu cuộc sống như sữa…
Trong công tác điều hành và quản lý thị trường xăng dầu, từ 1.11.2014 đã chuyển sang điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83 của Chính phủ. Thực tế giá xăng dầu thế giới giảm sâu trong thời gian qua và tất yếu làm giá xăng dầu ở Việt Nam đã qua 13 lần giảm giá. Đây là điều phù hợp với nguyên tắc cơ bản điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83-CP. Tuy nhiên, giá xăng dầu thế giới giảm về xấp xỉ 60USD/thùng nhưng giá xăng dầu hiện nay ở nước ta mới về 17.880 đồng/lít xăng RON 92. Rõ ràng, cần phải được tiếp tục giảm sâu hơn nữa!
Đối với thị trường điện, thực hiện thông tư 30/2014 -TT-BCT của Bộ Công thương quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và như vậy thị trường phát điện cạnh tranh ở Việt Nam chính thức được vận hành là một cố gắng bước đầu. Tuy vậy, để có được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì theo lộ trình phải đến năm 2024.
Đối với thị trường sữa, những tháng đầu năm 2014, giá sữa tăng liên tục gây bức xúc trong xã hội và để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữa năm 2014 Bộ Tài chính đã ra quyết định về áp dụng biện pháp bình ổn đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nhằm bình ổn giá thị trường. Đây là chuyển biến bước đầu đối với mặt hàng này. Tuy vậy, so với nhiều mặt hàng thì sữa đang là mặt hàng hình như bị buông lỏng về quản lý Nhà nước từ chất lượng, nhãn mác đến giá cả…
Tôi lấy ví dụ về giá sữa ra khỏi cảng nhập (đã gồm thuế nhập khẩu) và giá bán lẻ để thấy được một phần tình hình này: Sữa bột Similac Go & Grow/hộp 624g giá nhập chỉ 119.700đ, giá bán lẻ lên đến 560.000đ, chênh lệch 440.300đ (367,83%); Sữa bột Galia số 1 hộp 900g, giá nhập: 117.500đ, giá bán lẻ: 605.000đ, chênh lệch 487.500đ (414,89%); Sữa bột Enfamil infant hộp 633g, giá nhập 92.200đ, giá bán lẻ 560.000đ, chênh lệch 467.800đ (507,37%)….
Tôi cho rằng với giá chênh lệch như thế này, người có thu nhập thấp, người nghèo và vùng nông thôn đến khi nào có thể tiếp cận được những loại sữa này ở Việt Nam?
Ông có thể nói cụ thể hơn nữa những bất cập vẫn đang đặt ra và chưa được giải quyết trong việc quản lý thị trường giá năm 2014?
Tôi cho rằng có 5 điểm còn bất cập như sau:
Trước hết, đối với thị trường xăng dầu, điện mặc dù bước đầu áp dụng cơ chế thị trường về giá nhưng bản chất vẫn là thị trường mang tính độc quyền. Với thị trường điện, EVN vẫn giữ vai trò chi phối khâu phát điện, hơn 60% tổng công suất của toàn bộ hệ thống, 90% khâu phân phối bán lẻ, độc quyền hoàn toàn trong khâu chuyển tải điện, còn thị trường xăng dầu lại do các doanh nghiệp đầu mối thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex chi phối.
“Chừng nào còn độc quyền trên thị trường, chẳng hạn điều hành thị trường điện bán lẻ do EVN, còn điều hành giá xăng dầu thuộc Bộ Công thương thì hiện tượng như “các khoản đầu tư xây dựng sân tennis, bể bơi vẫn sẽ còn đưa vào giá bán” và sẽ không có chuyện giảm giá”
Thứ hai, là thị trường độc quyền, giá cả xăng dầu và điện bao giờ cũng có xu hướng tăng, luôn nằm trong tình trạng không công khai, minh bạch một cách cụ thể, rõ ràng về lỗ lãi, chi phí kinh doanh, giá thành…
Thứ ba, người tiêu dùng trên thị trường luôn ở thế thua thiệt còn nhà điện, các đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu luôn kêu lỗ và yêu cầu tăng giá, tăng chi phí trong khi chất lượng dịch vụ không được cải thiện, gian lận thương mại xảy ra cả trong các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh và mọi chi phí lại đổ lên người tiêu dùng.
Thứ tư, trên thị trường, Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83 do Bộ Công thương và Bộ Tài chính điều hành. Còn đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lại do EVN đảm nhiệm, đáng ra cần được độc lập.
Cuối cùng, hình thành lợi ích nhóm làm cho giá thành và chi phí không giảm, thậm chí còn tăng thêm, trong khi năm 2014 giá dầu thế giới giảm thấp nhất trong 5 năm qua, đáng ra Ngân sách nhà nước, người tiêu dùng phải được hưởng lợi nhiều hơn nhưng lại phải gánh chịu những chi phí không minh bạch và rõ ràng.
![]() |
Theo TS Đặng Đình Đào giá xăng cần phải được giảm sâu hơn nữa |
Có nghĩa là liên Bộ Tài chính- Công thương luôn khẳng định điều hành thị trường điện, xăng dầu, sữa… theo cơ chế thị trường nhưng thực sự chúng ta vẫn chưa làm được điều đó?
Đúng là liên Bộ Tài chính – Công thương luôn khẳng định sẽ điều hành thị trường giá điện, xăng dầu, … theo cơ chế thị trường. Tuy vậy, vẫn chưa có những thay đổi cơ bản trong điều hành và quản lý để chuyển những mặt hàng này vốn lâu nay được bảo hộ cao chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường hoàn toàn.
Vì vậy, kỳ vọng liên Bộ Tài chính – Công thương về điều hành thị trường điện, xăng dầu, sữa theo cơ chế thị trường thực sự khó có thể thực hiện và với những gì đang diễn ra trên các thị trường này thì còn phải mất rất nhiều thời gian nữa mới làm được điều đó!
Vậy thị trường điện, xăng dầu, sữa… sẽ rất khó đạt được mục tiêu công khai, minh bạch trong năm 2015, thưa ông?
Đúng vậy. Tôi cho rằng trong năm 2015 thị trường điện, xăng dầu, sữa khó mà có sự công khai, minh bạch hơn so với năm 2014. Tôi lấy một ví dụ đơn giản là khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu nhất trong 5 năm qua thì các ngành, các doanh nghiệp đều giảm chi phí, giảm giá, trong khi ngành xăng dầu, ngành điện, sữa, chi phí kinh doanh định mức, suất chi phí, giá thành điện không có động tĩnh gì. Còn hễ khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng là yêu cầu tăng giá, tăng chi phí…
Chừng nào còn độc quyền trên thị trường, chẳng hạn điều hành thị trường điện bán lẻ do EVN, còn điều hành giá xăng dầu thuộc Bộ Công thương thì hiện tượng như “các khoản đầu tư xây dựng sân tennis, bể bơi vẫn sẽ còn đưa vào giá bán” và sẽ không có chuyện giảm giá.
Vậy để thị trường điện, xăng dầu, sữa thực sự minh bạch hơn trong năm tới, theo ông chúng ta cần phải đưa ra những mục tiêu cụ thể nào, những chính sách, động thái nào?
Về thị trường điện, xăng dầu, sữa trong năm 2015, chúng ta đều hy vọng có nhiều chuyển biến tích cực hơn, tuy nhiên để các mặt hàng này “thực sự minh bạch” theo đúng nghĩa thì không hề đơn giản.
Tôi cho rằng thị trường xăng dầu, điện, sữa trong năm 2015 cần hướng tới mục tiêu khiêm tốn, công khai, minh bạch hơn nữa về giá thành, suất chi phí/1kWh (nhất là chi phí vật tư kỹ thuật), chi phí kinh doanh định mức trong kinh doanh xăng dầu, kiểm soát giá và chất lượng sữa nhập khẩu vào Việt Nam.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách thực chất hơn và cơ cấu lại các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện, xăng dầu và kinh doanh sữa, đặc biệt là xem xét lại cơ chế Bộ chủ quản hiện nay khi mà chúng ta đang chuyển qua cơ chế thị trường!
Cần rà soát lại các cơ chế, chính sách để tránh chồng chéo, không phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành và chưa bao phủ hết các lĩnh vực… Cũng nên tính đến việc nghiên cứu, hoàn thiện Nghị định 83 và trong bối cảnh hiện nay cần tăng cường hơn nữa quản lý nhà nước đối với thị trường xăng dầu, điện và sữa.
Những vấn đề như Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu hay đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện cần được độc lập, đảm bảo tính khách quan, không nên rơi vào tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Xin cảm ơn ông!
An Nhiên thực hiện
Một Thế Giới