Việt Nam Thời Báo

“Cứ giảm đi 1/3 cấp phó thì bộ máy vận hành tốt hơn”

Đại biểu Quốc hội Lê Đình Khanh cho rằng Việt Nam ta cứ giảm đi 1/3 cấp phó thì bộ máy vận hành tốt hơn, năng lực trình độ người đứng đầu Bộ ngành cũng có điều kiện thể hiện rõ hơn, phát huy cao hơn.


Sáng nay, ngày 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Luật Tổ chức Chính phủ lần 2. Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Thuyền đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ cũng đã có một nghị định quy định trách nhiệm của người đứng đầu thì Thủ tướng cũng là người đứng đầu Chính phủ. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng

“Quy định trách nhiệm của Thủ tướng phải hoàn thành cơ bản trách nhiệm của Quốc hội giao; đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; trực tiếp trả lời chất vấn Quốc hội, chứ quy định báo cáo không thì quá nhẹ”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng, đề nghị. 

Đề nghị tăng trách nhiệm của Thủ tướng 

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Triệu Là Pham, đoàn Hà Giang, cho rằng lần đầu tiên có quy định tương đối rõ về trách nhiệm của người đứng đầu, tuy nhiên, sau khi tiếp thu chỉnh lý dự thảo này không đề cập đến. 

Đại biểu Quốc hội Út Danh 

Theo đại biểu Pham, dự thảo nên bổ sung chế độ trách nhiệm người đứng đầu. Thủ tướng chịu trách nhiệm cao nhất. Bộ trưởng, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cao nhất trước Thủ tướng theo quy định của Hiến pháp. Về lâu dài, quy định là cơ sở pháp lý để phân định việc nào do tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. 

Cũng đóng góp vào trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến, đoàn Hà Nam bày tỏ quan điểm cho rằng quy định chế độ báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng, thành viên Chính phủ là quy định mới cần thiết, tăng cường tính minh bạch, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. Nhưng phải làm rõ phương thức, thời gian báo cáo để đảm bảo khả thi. 
Đại biểu Tiến cho rằng, trong Điều 29 của dự thảo luật chỉ mới quy định trách nhiệm báo cáo công tác mà không có trách nhiệm khác. Theo logic thì trách nhiệm phải tương xứng với quyền hạn. Trong khi quy định nhiệm vụ quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ khá rộng nhưng phần trách nhiệm chỉ dừng lại ở báo cáo là không tương xứng. 
“Trong luật cần quy định rõ hơn phương thức thực hiện và thời gian thực hiện chế độ báo cáo để đảm bảo tính khả thi của quy định này”, đại biểu Tiến nhấn mạnh. 
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Văn Tiếp, đoàn Cần Thơ cũng cho rằng cần bổ sung thêm trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ từ quyền hạn. “Người đứng đầu phải có trách nhiệm lãnh đạo thực hiện tốt công tác đấu trách phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Thường xuyên kiểm tra xử lý tập thể, cá nhân, cơ quan để xảy ra tham nhũng lãng phí. Cử tri đặt trách nhiệm này là vì tham nhũng còn gia tăng, trách nhiệm cần đưa vào luật này và quy trách nhiệm cụ thể”, đại biểu Tiếp đề nghị. 
Đại biểu Tiếp đề nghị bổ sung vào luật định kỳ 6 tháng hàng năm Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ có trách nhiệm báo cáo việc thực hành nhiệm vụ của mình trước Quốc hội và công khai để nhân dân kiểm tra và giám sát. 

Cần quy định “cứng” số lượng cấp phó 

Về số lượng cấp phó tại các bộ, cơ quan ngang bộ, đại biểu Quốc hội Danh Út, đoàn Kiên Giang, cho biết Luật hiện hành không quy số lượng cấp phó, do vậy đã tạo ra kẽ hở khiến có bộ lên đến 7,8,9 cấp phó. 
Về cấp phó, đại biểu Thuyền đồng tình vì chúng ta họp quá nhiều, phải có cấp phó để đi họp, nếu không cũng gay. Nhưng việc quy định cứng là cần thiết. Tuy nhiên dù đã đưa ra một nguyên tắc cứng, bộ không quá 5 phó, còn Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. 
Đại biểu Quốc hội Lê Đình Khanh, đoàn Hải Dương, nhấn mạnh muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền thì phải có hệ thống luật chặt chẽ, tránh tình trạng hiểu thế nào cũng được. Nhưng có khi quy định một đường, thực hiện một nẻo. 

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý 

“Ví dụ theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ quy định Sở không quá 3 Phó Giám đốc nhưng hiện thời có 4, 5. Khi có ý kiến thì họ nói Trung ương quy định không quá 4 thứ trưởng nhưng thực tế có 6,7 có sao đâu. Thôi thì mình nói theo sách nhưng khi làm thì vận dụng, đây là sự thật 100%. Luật đúng nhưng dưới làm không nghiêm, trên sai một ly dưới đi một dặm, nếu không khắc phục thì “nhờn” pháp luật xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nữa”, đại biểu Khanh bức xúc. 

Đại biểu Khanh đề nghị để xây dựng bộ máy hành chính mạnh thì cần đề cao vai trò người đứng đầu, góp phần tinh giảm biên chế. Theo đó, tinh giảm từ trung ương đến địa phương, hạn chế cấp phó một cách tối đa. 
“Tổng thống vừa nguyên thủ quốc gia, vừa gánh trọng trách đứng đầu Chính phủ. Trọng trách lớn như vậy nhưng mà họ có một phó và vẫn làm tốt. Việt Nam ta cứ giảm đi 1/3 cấp phó thì bộ máy vận hành tốt hơn, năng lực trình độ người đứng đầu Bộ ngành cũng có điều kiện thể hiện rõ hơn, phát huy cao hơn”, đại biểu Khanh đề nghị. 
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý thừa nhận thấy việc quy định trong Luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ là cần thiết. Do vậy, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho xác định rõ số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ là không quá 5, trong đó Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao là không quá 6. 
Số lượng cấp phó của tổng cục không quá 4, số lượng cấp phó của cục, vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là không quá 3.
Theo Minh Huệ (Bizlive)

Tin bài liên quan:

Đã đến lúc khởi tố ‘Chân dung quyền lực’?

Phan Thanh Hung

Thực trạng kinh tế xã hội và cuộc chiến quyền lực tại Việt Nam

Phan Thanh Hung

Trưng cầu ý dân là thể hiện quyền làm chủ của nhân dân

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.