Nguyễn Quốc Tuấn
Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội
Vietnamnet
Sự lạm dụng niềm tin thần linh ở người dân, ở một bộ phận cán bộ, đã trở thành hiện tượng không thể chấp nhận cả về khía cạnh tâm linh, cả về khía cạnh xã hội.
Năm nào báo chí cũng đưa tin về “lễ hội” ở ngoài Bắc, làng này và làng khác, nay đã trở thành hội có số đông người tham gia, kể cả ở bên ngoài làng. Kích thước và mức độ của hội cũng mở rộng, phần vì hiệu ứng truyền thông, phần vì sự tò mò của nhiều người đã khiến cho hội làng trở nên “không biên giới”.
Dù đã thắt chặt an toàn, người dân vẫn ra sức tranh cướp để cầu may tại mùa lễ hội năm nay. Ảnh: Trần Thường.
|
Báo chí giới thiệu tục quê là một mặt, mặt khác lại đưa tin về các cảnh “cướp”, “tranh lộc” nhìn qua rất phản cảm, nhận được nhiều sự phê phán của công luận.
Đứng trước tình trạng đó, cần hiểu rõ hơn về tục “cướp lộc” ở một số hội làng. Lấy thí dụ về hội Gióng/Dóng ở làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội để làm mẫu phân tích.
Hội này diễn ra vào tháng tư âm lịch, chính hội là vào ngày 9 tháng 4. Ngày ấy, sau các cảnh rước kiệu 28 vị nữ tướng thì có cảnh múa của ông Hiệu Quân trên một chiếc chiếu nhằm diễn tả sự vần vũ của vũ trụ, sự đánh giặc Ân của Thánh Gióng. (Độc giả cần sự mô tả thì xem thêm một số cuốn sách của Cao Huy Đỉnh NGƯỜI ANH HÙNG LÀNG DÓNG, luận văn tốt nghiệp của người viết bài này có tên LÀNG PHÙ ĐỔNG năm 1983…).
Sau màn múa của ông Hiệu Quân, người dự hội xông vào “cướp” chiếu mà ông này đứng trên để múa, họ xé và tước chiếu thành nhiều mảnh, sợi chiếu. Ai nấy cố giành một sợi và buộc vào cổ tay, gọi là lấy “khước” (chỉ sự may mắn vì có “lộc” của Thánh Gióng).
Ở một số hội làng khác cũng có tục cướp lộc. Như thế, có thể coi đây chỉ là số ít, còn đa phần các hội làng cổ truyền ở ngoài Bắc không có tục này.
Khoảng gần chục năm nay, do nhiều nguyên nhân, cảnh tranh giành lộc diễn ra ở hầu hết các hội lớn, đặc biệt là đêm 14 tháng Giêng tại “Đền Trần”. Hình ảnh xấu xí này đã trở thành “gương phản chiếu” và giờ đây có nguy cơ lan rộng ra các hội khác.
Người chịu trách nhiệm không ai khác là chính quyền sở tại, nơi các hội diễn ra. Nhưng mặt khác, trách nhiệm cũng thuộc về người dân. Sự lạm dụng niềm tin thần linh ở người dân, ở một bộ phận cán bộ, đã trở thành hiện tượng không thể chấp nhận cả về khía cạnh tâm linh, cả về khía cạnh xã hội.
Lễ hội có sức sống tự thân của nó và chỉ những người làm chủ lễ hội đó mới có quyền quyết định sự sống còn, tồn vong của nó mà thôi.
Tuy nhiên, với những hành vi lệch chuẩn thì cần phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý để tránh những hiệu ứng xã hội lệch lạc. Phải chấn chỉnh cả hai đối tượng: người dự lễ hội không được tùy tiện, không thể vì cá nhân mà coi thường cộng đồng. Họ cần được trang bị kỹ năng hành xử trong lễ hội. Còn nhà quản lý thì có ở cơ sở và ở cấp trên; cần có cơ chế, có sự giám sát để chống sự cả nể, vụ lợi. Nhất là với những thứ đang sống động như lễ hội, nhà quản lý phải biết cách chắt lọc, hướng dẫn, quy định.
Chúng ta tôn trọng niềm tin thần linh của mọi người, nhưng chúng ta cướng quyết phê phán và lên án các hành vi lạm dụng, sai lệch và không còn phù hợp với bối cảnh mới.