Việt Nam Thời Báo

Cứu cá, cứu nước: 5 hành động

Từ Linh
15-5-2016
Hơn một tháng qua, từ 6/4 đến tận hôm nay 15/5, mâm cơm trong đại đa số gia đình Việt Nam vẫn không dám có cá biển, vì ai nấy sợ nhiễm độc.
Nhìn như thế thì có thể dễ dàng thấy rằng những ngày sắp tới, người dân mọi thành phần ở Saigon, Hà Nội, và nhiều nơi chắc chắn sẽ tiếp tục biểu thị sự bất mãn của mình trên đường phố để đòi nhà nước phải giải quyết rốt ráo thảm họa môi trường, trả lại biển sạch và cá sạch cho toàn dân.
Bài này xin được góp một số ý kiến cá nhân về 5 việc, hoặc 5 cách biểu lộ tình cảm, có thể làm trong những ngày tới để mọi người tham khảo, thảo luận và nếu được thì thực hiện, nhất là sau khi những người biểu tình ôn hòa trong ngày 1 và 8/5 vừa qua bị an ninh các loại đánh đập dã man, gây thương tích và đổ máu trên đường phố và trong đồn công an.*
5 hành động này liên quan đến 5 đối tượng, đó là: NGƯỜI ĐI XE MÁY, NHÀ BÁO, NHÀ THỜ, NGHỆ SĨ NỔI TIẾNG, và CỘNG ĐỒNG HẢI NGOẠI. Để 5 hành động này thành công, người tham gia phải thấy lòng mình không thù, không ghét. Họ tham gia vì thương, thương dân mình không chỉ long đong, mà còn đang chênh vênh đứng bên bờ sống chết.
Xin cảm ơn nhà văn, nhà báo Ngô Thị Kim Cúc đã nói về khẩu hiệu “Biến chết 2016, bố đã làm gì?” trong bài “Sài Gòn, Hòn ngọc bị đập nát”. Khẩu hiệu rất hay này cũng được dùng ở đây như những câu hỏi dẫn nhập.
1. NGƯỜI ĐI XE MÁY
HỎI: BIỂN CHẾT 2016, NGƯỜI VÀ XE LÀM GÌ?
ĐÁP: 10.000, 100.000 XE MÁY XUỐNG ĐƯỜNG!
Một chiêu thức trấn áp biểu tình của công an là tìm cách giải tán ngay khi có dấu hiệu tụ tập 5 hoặc 7 người.
Vậy thì vào 9 giờ sáng chủ nhật (hoặc 3 giờ chiều, 5 giờ chiều, đúng giờ biểu tình) chúng tôi sẽ tụ tập những nhóm 5 xe gắn máy, ở khắp hang cùng ngõ hẻm không có bóng dáng an ninh. Mỗi nhóm sẽ có 5 người lái xe, họ chở thêm ít nhất 2 người, 1 để chụp ảnh đưa tin, và 1 để liên lạc với các nhóm 5 xe khác.
Rồi chúng tôi sẽ cùng lúc xuất hiện, đi quanh và đi xuyên khắp các nẻo đường thành phố. Ở Saigon, mọi người sẽ thấy chúng tôi trên đường Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyển Văn Cừ, Võ Thị Sáu, Lê Văn Sĩ, Cách Mạng Tháng 8, Lê Hồng Phong, 3 Tháng 2, Hùng Vương, Trường Chinh, Cộng Hòa, Kha Vạn Cân… Ở Hà Nội, người đi đường sẽ thấy đoàn xe chúng tôi đi qua phố Tràng Tiền, Trần Quang Khải, Phan Đình Phùng, Bà Triệu, Nguyễn Thái Học, Lý Quốc Sư, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Mã, Quốc Tử Giám, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Biểu, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Giảng Võ, Khâm Thiên, Giải Phóng, Lê Đức Thọ …
Đến ngã tư đông người, khi đèn đỏ, chúng tôi sẽ dừng lại và bấm còi trong suốt thời gian chờ đèn xanh. Bảng chữ chúng tôi mang theo đơn giản có mấy chữ: “VÌ MÔI TRƯỜNG SẠCH, HÃY BẤM CÒI” để mọi người cùng tham gia. Chúng tôi cũng có thể mang theo những lá cờ xanh, hoặc vẽ hình cá như chữ an-pha trên mũ, trên mặt, trên miếng dính đính lên lưng áo, và cùng bật đèn xe để làm dấu hiệu biểu tình.
Dọc đường, chúng tôi sẽ tụ lại thành nhóm 100 xe, ngang qua vài ngã tư, chúng tôi sẽ thành 500 xe, rồi từ các ngã đường khác tụ về ngày càng nhiều, đoàn xe sẽ lên tới 1.000 xe, rồi 10.000 xe, và đỉnh điểm sẽ có 100.000 xe tràn ngập, vừa đi vừa bật đèn, nhấn còi. Đoàn sẽ đi đến những dinh thự quan trọng chúng tôi tự chọn, dừng lại 5 phút, khi dừng, chúng tôi sẽ hô khẩu hiệu “CÁ CẦN NƯỚC SẠCH, DÂN CẦN MINH BẠCH”, “CHÚNG TÔI CHỌN CÁ, KHÔNG CHỌN FORMOSA”, “CỨU CÁ, CỨU NƯỚC, CỨU DÂN”, rồi bấm còi liên tục trước khi đi tiếp đến điểm khác.
Chúng tôi cũng sẽ tạo thành vành đai, giảm tải cho những trung tâm biểu tình đi bộ hoặc tọa kháng đang diễn ra ở Công viên 30/4 hay Nhà thờ Đức Bà, Công viên Quách Thị Trang, trước Ủy ban Nhân dân Thành phố, khu Bùi Viện, Thi Sách, Phạm Ngũ Lão, hoặc tại Nhà hát Lớn Hà Nội hay chung quanh Bờ Hồ…
Khi lực lượng an ninh bao vây đoàn tuần hành đi bộ tại chỗ, đoàn chúng tôi có thể sẽ tạo thành những vòng xe dầy đặc bên ngoài lực lượng an ninh, thu hút sự chú ý của họ để mở đường thoát cho người biểu tình bị vây bên trong. Chúng tôi cũng có thể tắt máy, túa đến giải cứu, bảo vệ những ai trong vòng vây đang bị đánh đập, bị chà đạp, bị kéo lê, bị vứt lên xe.
Chúng tôi cũng sẽ kéo đoàn xe hùng hậu chạy quanh sân vận động Hoa Lư nếu đây lại là nơi được dùng để giam giữ trái phép và tra vấn người biểu tình, tạo áp lực buộc họ thả người.
Khi cần thiết, chúng tôi sẽ “tan” vào các ngả đường hoặc ngõ hẻm, và xuất hiện trở lại khi có một số đông cần thiết, vào giờ phút chúng tôi thấy phù hợp, và đến nơi nào chúng tôi thấy cần đến.
2. NHÀ BÁO
HỎI: BIỂN CHẾT 2016, CÁC NHÀ BÁO ĐÃ LÀM GÌ?
ĐÁP: 3 NGÀY KHÔNG CÓ BÁO, 300 NHÀ BÁO NGHỈ VIỆC, 3.000 NHÀ BÁO ĐÌNH CÔNG VÀ RA “TUYÊN BỐ XẤU HỔ”
Là nhà báo, tôi và những đồng nghiệp biết tôn trọng sự thật sẽ nộp đơn NGHỈ VIỆC ĐỒNG LOẠT để phản đối sự che đậy, ngụy biện, bóp méo thông tin, đồng thời phản đối việc chính quyền cố tình làm ngơ khi thảm họa môi trường lớn nhất xưa nay vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng đến hàng triệu ngư dân và sức khỏe của 90 triệu dân trong thời gian tới.
Tôi sẽ kêu gọi những đồng nghiệp còn lương tâm ĐÌNH CÔNG BA NGÀY, KHÔNG RA BÁO BA NGÀY, để phản đối sự im lặng đồng lõa của 800 Tổng Biên tập, của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng sản.
Chúng tôi sẽ cùng ký vào TUYÊN BỐ XẤU HỔ, vì cả tháng nay, đúng ra là vì bao nhiêu năm nay, chúng tôi cũng đã im lặng đồng lõa, để càng lúc càng bị dắt mũi đi vào đường gian dối. Là những ngòi bút bị chỉ đạo, chúng tôi ít nhiều đã dự phần vào việc gây nhiễu loạn thông tin, tung hỏa mù đảo lộn trắng đen, để không ai còn biết tin gì là đúng, nhìn đâu cũng thấy bẩn, rồi hoài nghi cả những trái tim sạch và những nhân cách ngay thẳng.
Chưa hết, khi Đảng không đại diện cho quyền lợi của người dân thì báo chí của Đảng rõ là đang đối đầu với dân trong khi bắt tay với kẻ ác. Đến mức đó, báo chí chỉ là công cụ của cái chết và chúng tôi là kẻ đào huyệt.
Chúng tôi làm báo nữa làm gì khi chỉ được viết những điều trái với lương tri và thực tế. Vâng, thà chúng tôi về chạy xe ôm mà lòng thanh thản, không xấu hổ với chính mình, ra đường không phải cúi đầu, nhìn tổ tiên không hổ thẹn, và khi con cái hỏi “Biển chết 2016, bố đã làm gì?” thì ít ra chúng tôi còn có điều đáng để nói cho con nghe, thay vì để chúng nhục lây vì bố mình quá hèn.
Chúng tôi hiểu rằng nếu những người hiểu biết im lặng thì thế giới sẽ chỉ được nghe tiếng nói của những kẻ dối trá độc ác. Chúng tôi không muốn đồng lõa với dối trá độc ác thêm ngày nào nữa.
3. NHÀ THỜ
HỎI: BIỂN CHẾT 2016, CÁC VỊ HỒNG Y, GIÁM MỤC, LINH MỤC, TU SĨ VÀ GIÁO DÂN ĐÃ LÀM GÌ?
ĐÁP: 6.000 NHÀ THỜ ĐỔ CHUÔNG, 6.000.0000 TÍN HỮU CẦU NGUYỆN CHO ĐỒNG BÀO
Là linh mục ở hơn 200 nhà thờ Saigon, ở 6.000 nhà thờ và nhà nguyện cả nước, đúng 9 giờ sáng chủ nhật, chúng tôi sẽ đổ một hồi chuông dài 15 phút, để đánh thức, nhắc nhở giáo dân và mọi người về thảm họa môi trường đang tiếp diễn, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân miền Trung và cả nước. (15 phút đổ chuông cũng để thay cho 15 phút bắn pháo hoa phí phạm lạc điệu ngày 30/4 sau khi hàng triệu triệu con cá chết dạt vào bờ 4 tỉnh miền Trung.)
Chúng tôi cũng sẽ đổ chuông để ủng hộ tinh thần hàng ngàn người dân xuống đường lúc 9 giờ sáng, lúc 3 giờ hoặc 5 giờ chiều ở Saigon hay Hà Nội.
Vào ngày 8/5, khi lực lượng trấn áp với đầy đủ công an, thanh niên xung phong, dân phòng, công an chìm tấn công, đánh vào mặt, đạp vào đầu, gây thương tích đổ máu và kéo lê hàng trăm người quẳng lên xe như thú vật thì mọi sự xảy ra ngay phía trước Nhà thờ Đức Bà, cạnh tượng Nữ vương Hòa bình, ngay trước Trường Hòa bình và Nhà xứ Chính tòa.
Tiếc thay, lúc ấy hai tháp chuông nhà thờ sừng sững đã lặng im, trong khi loa sắt của lực lượng an ninh oang oang át tiếng hô bảo vệ môi trường, át cả tiếng thét thất thanh của người dân bị đánh đập. Chuông không đổ và cũng không thấy linh mục nào từ nhà xứ đi ra bênh vực người bị bạo hành, có lẽ vì mọi sự diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ, không ai kịp phản ứng gì.
Nhưng có lẽ đây chính là lúc cộng đồng Công giáo, cùng cộng đồng các tôn giáo khác phản ứng và nhập cuộc tích cực. Đây là lúc tôn giáo cần tuân theo tiếng nói của lương tâm mình, của sự thật và tình thương, thay vì tuân theo yêu cầu không can thiệp mờ ám và phi lý của các cấp chính quyền.
Xin các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân tại các nhà thờ lớn như nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Chợ Quán, Huyện Sĩ, Thủ Thiêm, Tân Định, Vườn Xoài, Bùi Phát, Hòa Hưng, Chí Hòa, Nam Thái, Nghĩa Hòa, Sao Mai, Tân Sa Châu, Bình Triệu, Đồng Tiến, Vinh Sơn, Bình Đông, Thị Nghè, Thủ Thiêm, Cần Giờ, Chánh Hưng, Gò Vấp, Hạnh Thông Tây, Bình Lợi, Thanh Đa… đến các nhà thờ ở Trà Vinh, Cần Thơ, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sapa… và hàng ngàn nhà thờ ở các quận, huyện, thị trấn, xã, ấp trên cả nước, cùng đổ những hồi chuông dài 15 phút vào lúc 9 giờ sáng, rồi lúc 12 giờ trưa, 3 giờ, 5 giờ chiều để cầu nguyện cho ngư dân và sự bình an cho đất và nước.
Xin hãy cùng cử hành những thánh lễ cầu nguyện cho con người được sống trong môi trường trong lành. Sau thánh lễ xin tất cả giáo dân cùng linh mục ở lại, cùng đọc Thư Chung của Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, viết ngày 13/5/2016 gửi mọi người. Xin các linh mục, tu sĩ hãy cho người dân xứ mình biết hiện trạng khủng hoảng môi trường, những việc nên làm, và xin tất cả cùng chụp ảnh với khẩu hiệu phù hợp, để chia sẻ với đồng bào cả nước và quốc tế. Có thể có những khẩu hiệu như:
“Cầu nguyện cho ngư dân miền Trung, cho môi trường trong lành”,
“Nỗi đau của ngư dân miền Trung là nỗi đau của tín hữu”
“Bảo vệ môi trường, bảo vệ sự thật”,
“Biển Đông bị ô nhiễm, ông, bà, cha, mẹ đã làm gì để cứu biển và cứu chúng con?”
(Dĩ nhiên, những điều tương tự cũng có thể thực hiện với các giáo hội Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo…, ở đây chỉ nêu lên 5 đối tượng cụ thể cho ngắn gọn.)
4. NGƯỜI NỔI TIẾNG
HỎI: BIỂN CHẾT 2016, CÁC CA SĨ, NGHỆ SĨ, NGƯỜI NỔI TIẾNG ĐÃ LÀM GÌ?
ĐÁP: HỌ LÀ ĐẠI SỨ VÌ MÔI TRƯỜNG
Người hâm mộ đông đảo thường được các nhà báo gọi là “lực lượng”, và một ca sĩ thu hút được “lực lượng fan hùng hậu” thường được gọi là “thần tượng”. Và như thế chúng ta có “lực lượng fan hâm mộ” của các ca sĩ như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Isaac…, và các nghệ sĩ như Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang, Thành Lộc, Vân Sơn, Hồng Đào, và gần đây cả Ngọc Trinh… Cứ mỗi lần “thần tượng” nói điều gì hay ho, hoặc hợp tình hợp lý là hàng trăm, hàng ngàn hoặc chục ngàn fan vào facebook của họ để “like” trong chớp mắt. Thần tượng ảnh hưởng lên người hâm mộ rất lớn.
Ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đều là những người yêu thiên nhiên, muốn môi trường sạch và xanh. Ca sĩ Hồng Nhung và Hà Anh Tuấn đã từng tham gia chương trình bảo vệ tê giác khỏi bị hủy diệt, họ qua tận Nam Phi dể hiểu tê giác bị sát hại dã man ra sao. Trước đó, Thu Minh và Thanh Bùi cũng là đại sứ của quỹ bảo vệ tê giác, họ đến 8 trường ở Saigon nói chuyện với học sinh, hát bài mới sáng tác về bảo vệ tê giác, các học sinh cũng viết văn, làm thơ, vẽ tranh về bảo vệ tê giác, có người còn gọi các đại sứ bảo vệ tê giác đó là tấm gương sáng để noi theo.
Bảo vệ động vật hoang dã trên thế giới là chuyện đáng làm, nhưng với người Việt, chuyện hàng chục triệu con cá chết ở biển Việt Nam thiết thân hơn rất nhiều chuyện tê giác chết ở Phi Châu.
Người nổi tiếng khắp thế giới đều tham gia bảo vệ môi trường, người nổi tiếng Việt Nam cũng vậy. Nếu lần này họ còn e ngại, chưa xuất hiện thì rõ ràng chỉ là vì họ còn sợ chính quyền sẽ quấy nhiễu, gây khó khăn sau khi họ bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ mà thôi.
Hãy tin rằng một ngày không xa, với trái tim nhạy cảm vì môi trường, Hồng Nhung, Hà Anh Tuấn, Thu Minh, Thanh Bùi và những nghệ sĩ tên tuổi được khán giả hâm mộ khác sẽ lên tiếng bảo vệ môi trường biển đang bị nhiễm độc, khiến cá chết, ngư dân, diêm dân và cả ngành du lịch điêu đứng. Và dĩ nhiên mọi người đều muốn tin rằng người nổi tiếng, Việt Nam lẫn quốc tế, đều không chỉ muốn có môi trường trong sạch, họ còn khát khao sự chân thực, tình người và không chấp nhận bạo lực giáng xuống đầu người dân vô tội.
Xin các ca sĩ, nghệ sĩ hãy đồng hành cùng đồng bào mình đang lên tiếng vì môi trường, như đạo diễn Phan Xi-nê, đạo diễn bộ phim thu hút đông khán giả nhất Việt Nam từ trước đến nay (phim “Em là bà nội của anh”) cũng đã có mặt. Tuy không thể vào, nhưng anh cũng đã chia sẻ những tình cảm rất thật dành cho đồng bào, anh em, và bạn bè tham gia biểu tình ôn hòa.
Xin các anh chị hãy hát, hãy nói, tại thực địa ngay bên đồng bào mình, hay trong các đoạn phim được tải lên mạng, để tiếng hát, tiếng nói của các anh chị thay cho đồng bào được cất lên. Cũng mong các fan hâm mộ cùng lên tiếng với thần tượng và lan tỏa thông điệp để mọi người thêm ý thức và môi trường chung được thực sự bảo vệ, phục hồi.
5. CỘNG ĐỒNG HẢI NGOẠI
HỎI: BIỂN CHẾT 2016, CỘNG ĐỒNG HẢI NGOẠI ĐÃ LÀM GÌ?
ĐÁP: HỌ ĐI GÕ CỬA TOÀN THẾ GIỚI
Chưa bao giờ “đất” và “nước” được hiểu theo đúng nghĩa đen như bây giờ, và sự an nguy của đất, của nước, của lúa, của cá, của miếng ăn, thức uống… tất cả đều đang ở mức báo động đỏ. Đất nước đã rơi xuống đáy của sự cai trị giả dối, tàn ác, vô trách nhiệm. Nhưng phản ứng của thế giới bên ngoài, từ Liên Hiệp Quốc đến các cơ quan quốc tế về môi trường, nhân quyền và nhân đạo trong hơn tháng qua vẫn chưa nhiều.
Nếu một triệu người Trung Đông di dân và tị nạn tạo nên khủng hoảng lớn tại Châu Âu, thì hàng chục triệu người dân thuộc bốn tỉnh ven biển miền Trung cùng các tỉnh miền Nam đang bị nhiễm mặn, hạn hán và biển lấn xứng đáng được thế giới chú ý nhiều hơn, nhất là khi những đại họa môi trường này đang bị một chính quyền vô trách nhiệm bỏ mặc, không giải quyết đúng cách.
Vì vậy, xin cộng đồng người Việt, đặc biệt là rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia quốc tế đầu ngành, hãy lên tiếng và biến khủng hoảng môi trường biển tại Việt Nam trở thành vấn đề của cả khu vực, được các nước Châu Á Thái Bình Dương quan tâm và được dư luận toàn thế giới chú ý đúng mức.
Vì sao việc bảo vệ tê giác, ngà voi, gấu trúc được dư luận nhắc tới rầm rộ (vì các con vật này trông quá dễ thương, hay vì có người đỡ đầu, có cơ quan nào đó bỏ tiền quảng bá rầm rộ, hay là vì nếu tê giác, voi, và gấu trúc chết thì loài người khó thể sống yên ổn?), trong khi bảo vệ cá và biển sạch ở Thái Bình Dương lại đang được xem như chuyện nhỏ ở một cái ao nhà ai đó, dù ảnh hưởng của nó nặng hơn gấp nhiều lần, liên quan đến sức khỏe, mạng sống của bao nhiêu triệu người hôm nay và tương lai.
Hãy đưa quốc tế vào cuộc, hãy giúp đỡ để các phái đoàn chuyên gia có thể đến Việt Nam điều tra, nghiên cứu, góp phần giải quyết, trả lại biển sạch cho hàng chục triệu người dân và cả một vùng sinh thái lớn.
Cộng đồng người Việt ở Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Na Uy, Đông Âu, Nga, Úc, New Zealand, Singapore, Hong Kong, Nhật, Hàn, Đài Loan… hãy cùng công bố với thế giới “quốc nạn” môi trường Việt Nam, và cùng tổ chức những ngày thao thức cùng đất nước và đồng bào. Khi người trong nước biểu tình lên tiếng bị đánh đập, bắt bớ, bỏ tù, quấy nhiễu, bịt miệng thì xin quý ông bà, quý anh chị hãy bớt chút thì giờ lên tiếng, vì dân mình, nước mình và đất mình đang chết.
HÃY CỨU CÁ, CỨU NƯỚC, CỨU DÂN
____
* Một cuộc biểu tình chủ nhật ôn hòa bị đàn áp khác tại Selma, Alabama, ngày 7/3/1965 – cũng cảnh sát dùng dùi cui đánh đập gây chấn thương đổ máu, giống nhưng nhẹ hơn những gì diễn ra ở Saigon ngày 8/5/2016 – đã được báo chí Mỹ đặt ngay tên “Chủ Nhật Máu – Bloody Sunday). Còn ở Saigon thì báo chí im thin thít, như Đảng im thin thít. Báo Tuổi Trẻ 14/5 còn cố thay cụm từ “cá chết hàng loạt” bằng “cá chết rải rác”, và còn ám chỉ rằng cá chết dạt vào bờ gần đây là cá trôi dạt từ một thuyền chài bị vỡ. Các báo mạng tối 14/5 còn phao tin Việt Tân xúi giục, kích động gây rối, trả tiền cho người biểu tình. Phải chăng tất cả báo hiệu sẽ còn nhiều những ngày Chủ nhật Máu khác?

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.