26-10, cái chết thương tâm của một người dân khi đu cáp treo qua sông ở Đắk Lắk đã xảy ra. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Ông Nguyễn Chua (khi còn sống) đang chăm sóc vợ bị tai nạn vì rơi cáp treo. Ảnh: Báo Người lao động.
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào khoảng 7 giờ 30 phút ngày 26-10, tại khu vực cáp treo qua sông Krông Ana (đoạn qua địa bàn thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) khiến ông Nguyễn Chua (SN 1960, ngụ thôn 6) tử nạn.
Điểm đu cáp treo qua sông Krông Ana này không phải chưa từng được báo chí nói đến. Trước đó, hồi tháng 8 một người phụ nữ (chính là vợ của ông Chua- nạn nhân mới chết) đã từng rơi xuống, bị đa chấn thương. Vì vậy không thể nói là không ai biết về điểm đu cáp nguy hiểm và đầy rủi ro này.
Thế nhưng biết mà không ai làm gì cả. Chính quyền xã cho biết trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt người phải đu chiếc cáp treo này qua sông để đi làm và đã có nhiều người bị thương vong. Địa phương cũng đã nhiều lần đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí xây cầu nhưng đến nay chưa được phê duyệt.
Điểm đu cáp của người dân qua sông Krông Ana
Bạn đọc hãy thử liệt kê xem ai có thể chịu trách nhiệm về vụ không có cầu để dân chết vì đu cáp thế này: chính quyền địa phương, Sở GTVT, UBND tỉnh, Bộ GTVT… Đó là các cơ quan chức năng có trách nhiệm liên đới đến việc không có cầu, dân phải đu cáp và chết thương tâm như thế này.
Nhưng tất nhiên, đó chỉ là lý thuyết thôi, còn trên thực tế từ trước tới nay, không ai phải chịu trách nhiệm về những cái chết oan uổng thế này hết.
Còn nhớ vụ các thầy cô và học sinh ở bản Sam Lang (Điện Biên) chui túi nilon qua suối hồi tháng 3 vừa qua, báo chí vào cuộc, dư luận xôn xao, thế là Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định cấp ngay tiền để làm một cây cầu qua suối. Toàn chuyện theo kiểu “con khóc mẹ mới cho bú” cả.
Và hôm qua thì một người đàn ông ở Krông Bông đã chết, đã không may mắn khi đu cáp qua sông trên đường đi làm. Lẽ ra ông Chua không phải chết nếu như sau tai nạn của vợ ông vào hồi tháng 8, các cơ quan chức năng có một động thái gì đó, các quan trên “ghé mắt” trông xuống cái điểm đen giao thông này.
Những công trình giao thông ngàn tỷ được đầu tư xây dựng khắp nơi, chất lượng lún nứt do bị bớt xén, rút ruột thế nhưng đó mới là chỗ đáng để tâm, vì số tiền đầu tư lớn. Còn mấy cây cầu dân sinh nhỏ bé, dù cần kíp đến đâu cũng không bao giờ được ưu tiên, vì nó chả bõ bèn gì.
Thế nên người dân cứ tha hồ tiếp tục mà làm xiếc đu dây qua sông, kể cả không may rơi xuống thương vong cũng không hề hấn gì, không làm động lòng ai cả. Chết là hết. Chết thì thiệt thân.
Biết bao nhiêu tiền ngân sách đã chi và đã hóa đá trong những công trình lãng phí nằm trơ gan cùng tuế nguyệt, nhưng những cây cầu dân sinh trên khắp cả nước thì luôn luôn thiếu.
Dân có nghĩa vụ đóng thuế không thiếu một đồng, thế nhưng mỗi khi đề đạt những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của họ như điện, đường, trường, trạm thì câu trả lời từ cấp trên luôn luôn là “chưa có kinh phí”, “phải chờ phê duyệt”.
Và bây giờ thì ông Chua đã chết khi đu cáp qua sông. Nếu báo chí vào cuộc thật riết ráo, dư luận lên tiếng thật mạnh mẽ thì may ra trong tương lai ở thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk sẽ có một cây cầu dân sinh, người dân sẽ thoát cảnh phải đùa với thần chết mỗi ngày.
Nhưng thật xót xa làm sao khi để có một cây cầu qua sông, người dân phải đánh đổi bằng tính mạng của chính họ. Ấy là trong trường hợp may ra người ta mới cảm thấy… động lòng, Còn có nhiều trường hợp, những cái chết đã mãi mãi rơi vào vô vọng.
Chẳng lẽ các cơ quan chức năng chỉ làm việc theo kiểu “ban phát lộc rơi lộc vãi” như vậy? Chẳng lẽ một quan chức A hay B chỉ nhảy vào giải quyết một điểm nóng nào đó khi dư luận đang ở đỉnh cao như một nước cờ giải tỏa, còn trách nhiệm với công việc của họ ở đâu?
Lương tâm của họ ở đâu khi để cho người dân chết oan uổng như vậy, mặc dù trước đó dân đã kêu xin một cây cầu giúp họ qua sông?
Nếu trả lời được những câu hỏi khó này, thì ông Nguyễn Chua ở Krông Bông đã không phải chết.
Mi An
Đất Việt