Tết Nguyên Đán Ất Mùi sắp đến, trong khi người lao động đang thấp thỏm mong ngóng khoản tiền thưởng Tết, thì nhiều chủ sử dụng lao động lại méo mặt lo tiền thưởng cho nhân viên.
Doanh nghiệp dệt may thường nằm ở tốp dưới về thưởng Tết cho người lao động.
Người Việt có câu “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Cả năm đói rách thế nào cũng thôi, chứ Tết đến là phải tươm tất, hoành tráng, nếu không có gì thì tủi thân vô cùng.
Để lo cho cái Tết đang cận kề, nhiều người lao động phải trông ngóng vào khoản tiền thưởng Tết của doanh nghiệp. Biết là thế, nhưng tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có tiền thưởng Tết, hoặc mức thưởng Tết vô cùng hẻo.
Ông Nguyễn Đỗ Kiên, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần May Parosy cho biết: “Tôi đang lo bạc mặt chuyện trả lương công nhân cho đúng kỳ, nên chưa nghĩ gì đến thưởng Tết. Doanh nghiệp có 250 con người, mỗi tháng tiền lương với đóng bảo hiểm xã hội đã hàng tỷ bạc, rồi tiền thuê đất, tiền điện nước, tiền nguyên vật liệu… ngày nào cũng hàng trăm cú điện thoại đòi tiền”.
Năm ngoái, doanh nghiệp của ông Kiên thưởng Tết cho công nhân 1 triệu đồng/người. Năm nay, theo ông Kiên, công ty chắc cũng chỉ “cố gắng được như năm ngoái”.
Tuy “hẻo” vậy, nhưng so với các doanh nghiệp khác trong ngành may, thì đây không phải là cá biệt. Được biết, có doanh nghiệp may phải thưởng Tết cho nhân viên bằng sản phẩm ế.
Chị Luyện, nhân viên công ty May Minh Phương cho biết, năm ngoái, công ty đã thưởng Tết cho mỗi người một chiếc áo khoác công ty sản xuất. “Năm nay, chưa thấy công ty nói gì đến thưởng Tết, nhưng giỏi lắm chắc cũng chỉ khoảng 500.000. Tôi đã làm việc ở đây được 7 năm, thưởng Tết năm cao nhất không quá 1 triệu đồng”, chị Luyện cho biết.
Một số công ty may có mức thưởng khá hơn, với khoảng 2 triệu đồng/người. Nói chung, ngành may xưa nay thuộc nhóm có mức thưởng Tết thấp.
Với ngành thủy sản, mặc dù đây là lĩnh vực nằm trong Top 10 về kim ngạch xuất khẩu, song nhiều doanh nghiệp cũng đang phát sốt với thưởng Tết. Khi được hỏi về mức thưởng Tết cho nhân viên, ông Lê Huy Nguyện, Giám đốc công ty Thủy sản An Vinh cho biết, công ty sẽ cố gắng thưởng Tết 1 triệu đồng/người, cùng chút sản phẩm làm quà.
Được biết, Tết năm ngoái, hàng tồn kho nhiều quá, không có tiền trả lương tháng Tết, ông Nguyện đã phải chật vật đi vay tiền để trả lương. Về thưởng Tết, công ty cho mỗi người 3 kg cá file, chả cá viên… “nhà trồng được”. Để động viên người lao động, trước Tết, công ty tổ chức một bữa liên hoan tất niên, mổ một con lợn mà xưởng nuôi được.
Nhiều ngành như xây dựng, cơ khí, giao thông… năm qua làm ăn rất khó khăn. Bởi thế, mức thưởng Tết cũng sẽ rất khiêm tốn.
Năm ngoái, một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng đã phải thưởng Tết cho nhân viên bằng gạch men lát nền.
Thường nằm trong tốp đầu về mức thưởng, song năm nay, thưởng Tết khối ngân hàng cũng khó giữ được mức như năm ngoái, do hoạt động khó khăn, tỷ lệ nợ khó đòi cao. Nhân viên nhiều ngân hàng bị giao chỉ tiêu rất cao (có ngân hàng giao mỗi nhân viên phải tìm khách vay để giải ngân 1 tỷ đồng/tháng) và căn cứ vào mức hoàn thành chỉ tiêu để thưởng Tết. “Áp lực quá lớn, được mấy triệu bạc tiền thưởng mà phải lo bạc mặt”, Thu Hiền, nhân viên Ngân hàng TMCP Quân đội tâm sự.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, hiện vẫn chưa nhận được đầy đủ báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo một số báo cáo mà Sở nhận được thì tình hình thưởng Tết năm nay trên địa bàn Thành phố không cao, bình quân 2 – 3 triệu đồng/người. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mức thưởng Tết ngang năm ngoái, khoảng 3,7 triệu đồng/người.
Tại TP.HCM, tình hình thưởng Tết có phần khả quan hơn. Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, khoảng 25% doanh nghiệp đã có báo cáo tiền thưởng Tết, với mức thưởng bình quân 5 triệu đồng/người.
Có công ty thưởng theo thâm niên, như công ty Sanofi Aventis, người lao động làm đủ một năm được thưởng 3,5 triệu đồng, làm việc đủ 5 năm được cộng thêm 2 triệu đồng, đủ 10 năm được cộng thêm 4 triệu đồng. Do đó, có lao động được thưởng Tết 7 – 8 triệu đồng.
Theo Báo đầu tư