Việt Nam Thời Báo

Đầu cơ bất động sản biết “đón gió” sân bay Long Thành *

Thông tin sân bay Long Thành có khả năng sẽ được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đang là tác động kép giúp thị trường BĐS Đồng Nai “sống lại” sau thời kỳ trầm lắng gần 10 năm trời.

Thị trường bừng tỉnh

Theo Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Đồng Nai, chưa bao giờ thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh và một số vùng lân cận giáp với TP.HCM, Bình Dương, và Bà Rịa – Vũng Tàu diễn biến sôi động như hiện nay. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ngay chỉ từ quý III/2014 trở đi thị trường bất động sản Đồng Nai đã có nhiều biến chuyển tích cực, nhiều dự án được quảng bá rầm rộ, mở bán, giới thiệu căn hộ mẫu, giá nhà đất đang có sự biến động mạnh… 
“Nếu xét ở từng phân khúc thị trường, từ cao cấp đến trung bình thì Đồng Nai đang chứa đựng những yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa. Yếu tố đầu tiên để kích thích dòng vốn trong và ngoài nước bắt đầu chảy vào thị trường BĐS Đồng Nai chính là Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành đang được xem xét mọi khía cạnh trước khi triển khai xây dựng”, ông Chu Thanh Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Đồng Nai, cho biết. Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Trong thời gian này tỉnh buộc phải hình thành nên những chính sách mới nhằm thu hút đầu tư, phát triển thị trường BĐS bền vững thì mọi kế hoạch đề ra mới thành hiện thực”.

Theo đó, trên bản đồ quy hoạch tổng thể phát triển dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, địa điểm quy hoạch được đánh giá là nơi mà dòng vốn đầu tư vào BĐS sẽ tăng cao trong giai đoạn tới. Đó là khu vực 11.000ha phía Đông Bắc và Tây Nam sân bay sẽ được ưu tiên phát triển những dự án khu dân cư, resort và trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp… Thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư đến làm việc với tỉnh để tìm cơ hội đầu tư những dự án khu đô thị, sạn golf và trung tâm thương mại hiện đại.
Cụ thể, các dự án đang được nhà đầu tư lập quy hoạch là: Khu đô thị thể thao và du lịch của CTCP đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành; khu đô thị và dịch vụ của Công ty Minh Thành; khu đô thị – dịch vụ của Công ty cổ phần Sonadezi… “Đồng Nai là một trong những nơi lý tưởng để phát triển các loại hình kinh doanh BĐS vì đây là cửa ngõ của phía Nam, tận dụng lợi thế của các tuyến đường cao tốc đang được xây dựng kết nối Tp.HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và kết nối ra thế giới”, ông Lý Thành Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, cho biết thêm.

Các “ông lớn” tranh thị phần

Ở mọi phân khúc, đã có một số dự án bắt đầu bung hàng để đón đầu thị phần. Những dự án nhà ở và đất nền hiện tập trung tại các huyện gần với TP.HCM và Bình Dương bao gồm Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Biên Hòa, Thống Nhất và Long Thành. Trong đó, có trên 20% số dự án đang trong quá trình xây dựng. Chẳng hạn, Công ty Công ty CP DV-TM và Xây dựng Địa ốc Kim Oanh, Công ty TNHH Bảo Cường cũng đã gần như bán sạch đất nền thuộc hai dự án Tam Phước (Long Thành) và An Viễn (Trảng Bom). Khu đô thị Suối Sơn của Công ty Đất Xanh cũng đã được khách hàng sở hữu gần 70%. Cuối tháng 5/2015, Đất Xanh tung ra tiếp 100 nền đất tại Long Thành cũng đã được khách hàng đặt tiền giữ chỗ hết 100%…
Bên cạnh đó, CTCP Đầu tư Nhơn Trạch có dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn với quy mô 942ha, tại huyện Nhơn Trạch, trong đó đã hoàn thành cơ sở hạ tầng cho 350ha. Đây là dự án đặc biệt lớn, có tổng mức đầu tư lên tới 6 tỷ USD. Hiện Công ty đang bắt đầu triển khai bán hàng giai đoạn 2 với gần 200 nhà phố thuộc phân khu Phú Thịnh 1. Một dự án lớn khác cả về mặt diện tích đất xây dựng và số vốn đầu tư, là dự án Khu kinh tế mở Long Hưng (DreamLand City), với tổng diện tích 1.500 ha của chủ đầu tư Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop).
Mới đây, thị trường BĐS Đồng Nai đón thêm một thông tin về việc Tập đoàn Amata Thái Lan có khả năng đầu tư hơn 500 triệu USD để phát triển ba dự án công nghiệp và đô thị lớn trong tương lai.
Hai dự án còn lại gồm dự án khu công nghiệp công nghệ cao với diện tích khoảng 410 ha và dự án khu đô thị dịch vụ với diện tích hơn 120 ha. Cả hai dự án này do CTCP Amata Việt Nam và Công ty Amata Việt Nam Public Limited làm chủ đầu tư. 
Đặc biệt, những dự án “chết” một thời gian khá dài giờ đây bắt đầu “hồi sinh” khi chủ đầu tư bắt tay liên kết với nhiều nhà đầu tư BĐS nước ngoài nhằm tái triển khai dự án. Đó là, khu đô thị Thung Lũng Xanh có quy mô 45ha nằm trên xã An Phước (huyện Long Thành), do CTCP Long Thuận Lộc làm chủ đầu tư. Công ty này vừa tuyên bố vừa tuyên bố sẽ tiếp tục hoàn thiện đầu tư hạ tầng, phân lô để bán ra thị trường hàng ngàn đất nền trong thời gian tới. 


CTCP Xây dựng Đệ Tam, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Detaco cũng cho biết đang đàm phán với một số đối tác chiến lược nhằm huy động vốn đầu tư hoàn thiện 36 block chung cư cao tầng. Dự án được quy hoạch trên diện tích 47,3ha tại huyện Nhơn Trạch, đáp ứng nhu cầu cho trên 10.000 dân.
Theo Tri Thức Trẻ

* VNTB đặt lại tiêu đề và hình ảnh

undefined

Tin bài liên quan:

Lệnh dỡ nhà thờ giáo xứ Dak Jak

Phan Thanh Hung

Thách thức về tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Bắc Kinh gia tăng

Phan Thanh Hung

VNTB – Ngõ cụt trên quê hương(*)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo