Ông Nguyễn Bá Thanh đã mất hơn một tháng nay. Đối với người bình thường thì chết là hết. Hãy để người mất yên giấc ngàn thu. Hãy để gia đình họ nguôi ngoai nỗi nhớ niềm đau.
Nhưng ông Bá Thanh không phải là thường dân. Ông là người của xã hội, của công chúng. Ông đã là một cán bộ lãnh đạo hạng cao nhất nước thì cái chết của ông không thể bị dễ dàng quên đi, nhất là khi vẫn còn nghi vấn về sự mờ ám trong nguyên nhân gây ra cái chết của ông.
Chết bởi phóng xạ hay không? Có một vụ đầu độc bằng phóng xạ hay không?
Trước khi ông chết, thì câu hỏi này còn bỏ ngỏ như một bài toán chưa có đáp số (1) Song sau khi ông chết thì lại có một số hình ảnh chụp đám tang, có một số thông tin chung quanh đám tang đã hé lộ một số dữ kiện để thẩm đinh là có hay không có một vụ nhiễm độc phóng xạ?
Vì sao trong đám tang của ông tất cả mọi người, kể cả gia quyến và những cán bộ lãnh đạo cao nhất nước, không một ai dùng bất cứ một trang phục hay phương tiện bảo hộ chống phóng xạ nào?
Khi bài viết „Vấn đề đầu độc bằng phóng xạ và cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh“(1) được phổ biến trên mạng, thì có ý kiến phản biện rằng, không nhất thiết là phải có yếu tố Trung Quốc, không nhất thiết là phải dùng Polonium để đầu độc, mà việc đầu độc có thể xẩy ra ở Việt Nam bằng những thanh Uranium có thể tìm mua được.
Quả là như vậy. Đã có lúc ở Việt Nam rộ lên những vụ buôn lậu Uranium có nguồn từ miền Nam. Năm 1975 người Mỹ đã đem theo Uranium khi họ rút khỏi Việt Nam, nhưng tới năm 1983 người Nga lại đem tới Việt Nam phóng xạ Uranium235 để khởi động lại lò nguyên tử Đà Lạt (2). Sau đó, quãng 1986 trở đi, đã xẩy ra những vụ buôn lậu phóng xạ, mà kẻ mua là những „người lạ“ trả giá cao ngất ngưởng cho những thanh Uranium này, mà người bán tưởng chỉ là một kim loại đặc biệt gọi là những thanh „đồng lửa“. Đáng nói là từ kẻ buôn lậu cho tới Công An truy bắt buôn lậu đều phần lớn không biết „đồng lửa“ chính là Uranium phóng xạ nguy hiểm. Năm 2013 Việt Nam chuyển giao lại Nga 16 kg „Uranium giầu“ cuối cùng (2), có thể dùng làm bom nguyên tử, theo thỏa thuận với tổ chức nguyên tử quốc tế (IAEA). Song cũng không thể loại trừ khả năng là ở đâu đó còn chôn dấu vài thanh „đồng lửa“ này.
Dùng Uranium để đầu độc thì có 2 phương cách: hoặc để một số lượng lớn Uranium gần nạn nhân, ví dụ ở phòng ngủ, trong một thời gian dài, hoặc là lừa nạn nhân, cho một lượng rất nhỏ vào thức ăn thức uống để đưa trực tiếp phóng xạ vào cơ thể nạn nhân.
Nếu dùng phương án thứ nhất, thì đây là một vụ đầu độc tập thể bởi vì phóng xạ Uranium235 phát ra tia gamma có hiệu năng dữ dội, đi rất xa, hàng cây số, xuyên qua cơ thể, nhà cửa bình thường sẽ làm những người chung quanh nạn nhân cũng bị nhiễm xạ theo. Ở trường hợp ông Bá Thanh, thì chỉ có ông bị bệnh mà thôi. Không hề nghe nói tới hàng chục hàng trăm người quanh ông cũng bị „rối loạn tủy xương“. Nghĩa là đầu độc kiểu này khó lòng đã xẩy ra.
Nếu ông Thanh đã ăn uống phải phóng xạ Uranium thì cả thân thể ông đã trở thành nguồn phóng xạ, phát tán tia gamma ra chung quanh, ngay cả sau khi ông đã chết. Thế nhưng quan sát các hình ảnh chụp đám tang ông, chỉ thấy quan tài của ông là bằng gỗ bình thường, mặc dù chạm trổ cầu kỳ đắt tiền. Không có bề dầy hàng chuc centimet của quan tài bằng chì, cần thiết phải có để ngăn tia gamma của phóng xạ Uranium (quan tài kẽm không ngăn được hiệu quả tia phóng xạ này). Đã vậy, quan tài còn được để ngỏ, không được đóng nắp lại, lúc quàn ở nhà riêng (3). Không thấy ai đứng chung quanh mặc trang phục gì đặc biệt ngăn chống phóng xạ.
Giả thuyết đầu độc bằng Uranium có thể được xem là không có cơ sở.
Nếu ông bị nhiễm độc Polonium 210: Bác sĩ nào cho phép ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai ông, được ngồi lâu cạnh ông và thoa bóp chân ông, trong thời gian ông trị bệnh ở Mỹ? Cơ quan y tế nào cho phép cô Hoài An, con gái ông được ngồi ôm đầu ông, hôn ông ở nhà riêng khi ông mới mất?
Phóng xạ Polonium210 phát ra tia alpha. Khác với tia gamma của Uranium, tia alpha chỉ có hiệu năng trong vòng vài cm ở ngoài không khí. Tia alpha chỉ phát huy sự độc hại khi nó vào bên trong cơ thể. Một phần Polonium210 sẽ theo đường bài tiết: phân, nước tiểu, mồ hôi, nước mắt, nước mũi ra ngoài cơ thể, từ đó có thể gây nhiễm xạ cho người chung quanh. Việc va chạm trực tiếp vào bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm xạ, cần phải tránh. Nhất là đối với những người không trực tiếp chạy chữa, săn sóc bệnh nhân.
Trong vụ đầu độc bằng Polonium210 năm 2006 làm chết điệp viên Litwinenko, bà bác sĩ Nathaniel Cary phụ trách mổ xác điệp viên này đã nói tới vụ khám nghiệm một tử thi nguy hiểm nhất thế giới (the most dangerous post mortem in the world) mà bà phải phụ trách. Bà đã phải mặc 2 lớp áo choàng và dùng những găng tay bảo hộ khi tiếp cận với xác Litwinenko… (theo TheTimes London 28.01.2015)(4)
Không thể coi thường sự độc hại của phóng xạ Polonium 210. Thế nhưng gia đình ông Bá Thanh đã quan tâm hay không quan tâm tới vấn đề phóng xạ như thế nào?
Khi ông Thanh chết, con trai Nguyễn Bá Cảnh viết điếu văn khóc cha, đăng trên trang mạng DanangPlus Net. Ngoài những lời bày tỏ sư đau đớn của một người con mất cha, ông Cảnh nhắc tới những kỷ niệm của ông với ông Bá Thanh, trong đó đáng chú ý là chi tiết:
„con nhớ mấy tháng trước, khi ba đang điều trị ở nước ngoài…. Con ngồi rất gần xoa chân cho ba, mắt rưng rưng….“ (5)
Ông Cảnh đã được ngồi cạnh cha, trực tiếp tiếp xúc với da thịt và xoa bóp chân của cha ông. Câu hỏi đặt ra ở đây là : nếu ông Thanh đã bị nhiễm xạ Polonium210 thì bác sĩ nào cho phép ông Cảnh làm như vậy?
Lại nữa. Ngày 13 tháng 2 ông Thanh được xe cứu thương đưa từ bệnh viện về nhà riêng. Khoảng 13 giờ, gia đình ông rút ống thở máy ra khỏi cơ thể ông. Ngay sau đó ông mất.
Trong trường hợp có nhiễm xạ Polonium210 thì tất cả các chất dịch trong cơ thể, bao gồm cả đờm, nước trong phổi đều chứa phóng xạ.Việc rút ống thở như vậy, đặc biệt là do người không chuyên môn y tế, có thể làm tung tóe chất phóng xạ ra ngoài, ảnh hưởng tới người chung quanh. Bác sĩ nào đã cho phép gia đình làm như vậy, nếu ông Thanh đã bị nhiễm phóng xạ Polonium?
Báo Thanh niên (6) thuật lại giây phút cuối cùng của ông Thanh:
“Lúc ông Thanh được đưa về nhà, thấy ông nằm thở rất khó khăn. Con cái ông Thanh ở xung quanh ông từng giờ, từng phút. Con gái ông Thanh khóc nhiều, liên tục ôm mặt cha hôn ông và gọi cha làm ai cũng ứa nước mắt….“
Tình cảm của người con đối với người cha như vậy là chân thành, rất đáng quí trọng. Song cô Hoài An có nghĩ tới việc cô có thể bị nhiễm xạ lây khi cô ôm mặt cha và hôn ông?
Hoặc là cô Hoài An , ông Cảnh và cả gia đình biết rõ là ông Bá Thanh không bị nhiễm xạ?
Những dữ kiện kể trên có thể đã đủ để chấm dứt nghi vấn “phóng xạ “ trong cái chết của ông Thanh.
Việc cố gắng phân tích, lý giải những yếu tố khách quan nhằm góp phần tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh của ông Bá Thanh không phải là vì những quan tâm riêng đối với cá nhân ông Thanh hay với gia đình của ông. Cố gắng này nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu chính đáng của công luận, của người dân, là muốn được tiếp cận sự thật về mọi vấn đề đất nước,khi mà sự thật, trong thể chế hiện hành, đã trở thành một điều quý hiếm, khi mà mọi thông tin quan trọng đều bị bưng bít triệt để.
Việc tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân bệnh của ông Thanh cũng là vì mối quan tâm tới vấn đề lạm dụng phương tiện truyền thông, không phải nhằm mục đích thông tin khách quan, mà nhằm tung hỏa mù, sử dụng những chiêu thức hư hư thực thực, lẫn lộn sự thực và bịa đặt để cố ý lèo lái công luận đi theo hướng có chủ đích riêng. Cố gắng lý giải căn bệnh của ông cũng là để vạch ra những thủ đoạn gớm ghê của những phe phái tranh dành quyền lực, đấu đá lẫn nhau, mặc dù cùng hội cùng thuyền, cùng trong một đảng độc quyền chi phối đất nước.
Trong trường hơp Nguyễn Bá Thanh, chúng ta không thể để cảm tính lôi cuốn. Bình tâm nhận định vấn đề thì sẽ không bị lợi dụng, không bị vô tình trở thành công cụ cho mưu tính của một nhóm lợi ích nào đó.
Trần Trọng Kiên
(Theo Dân Luận)