Đền bù, giải tỏa, khởi kiện: Dân oan đất đai ở tỉnh Đồng Nai cần biết

http://3.bp.blogspot.com/-4mnZ54Tnx0I/UonDvZommHI/AAAAAAAAB8w/fxwLRA1M6Tg/s1600/1462944_10151777766034033_1086007786_n.jpg
Minh Tâm
(VNTB) – Liên quan đến vấn đề đền bù, giải tỏa khi thu hồi nhà đất ở tỉnh Đồng Nai, từ đầu tháng 12-2014, hàng loạt chính sách mới được công bố:
1. Quyết định 53/2014/QĐ-UBND về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
2. Quyết định 55/2014/QĐ-UBND quy định giá bồi thường, hỗ trợ tài sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
3. Quyết định 56/2014/QĐ-UBND về thực hiện dân chủ trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
4. Quyết định 57/2014/QĐ-UBND về đơn giá xây dựng nhà ở để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, để bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê, để định giá trong vụ án của Tòa án, thi hành án và để định giá trong nghiệp vụ kinh tế khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trình tự, thủ tục bồi thường: chỉ áp dụng với huyện Long Khánh và TP. Biên Hòa
Quyết định 53/2014/QĐ-UBND có tiêu đề ở Điều 1 là “Ban hành Quy định về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Tuy nhiên toàn bộ nội dung Quyết định chỉ giới hạn trong phạm vi huyện Long Khánh và TP. Biên Hòa. Không có giải thích vì sao lại giới hạn như vậy.
Lưu ý, tại Điều 8.4c, “Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì Ủy ban nhân dân và Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 Luật Đất đai 2013”.
Sau 5 ngày thuyết phục là… cưỡng chế
Quyết định 53/2014/QĐ-UBND cho phép việc kiểm đếm, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất phải được thực hiện liên tục cho đến khi kết thúc đối với toàn bộ dự án.
Điều 19 buộc trong thời gian không quá 05 (năm) ngày, kể từ ngày người có đất thu hồi đã được vận động thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 Luật Đất đai 2013.
Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Tuy nhiên trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).
Giá bồi thường tối đa là 660.000đ/m2 nhà ở
Quyết định 55/2014/QĐ-UBND là một văn bản… khó hiểu, khi quyết định ban hành trên căn cứ pháp lý của Nghị định 47/2014/NĐ-CP “về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, song ở Điều 3 “Giá bồi thường nhà ở”, chỉ ghi mỗi câu: “Đối với nhà tạm không được xếp là nhà dưới cấp 4, giá bồi thường tối đa là 660.000đ/m2”.
Nghị định 47/2014/NĐ-CP phân biệt rõ 22 trường hợp mà có những mức tính toán đền bù: 1. Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; 2. Bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp vượt hạn mức do nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; 3. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất do cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo đang sử dụng; 4. Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở; 5. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân;
6. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải đất ở của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp liên doanh; 7. Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất; 8. Bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ; 8. Bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đối với đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 nhưng đã nộp tiền để được sử dụng đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
9. Bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp diện tích đo đạc thực tế khác với diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất; 10. Bồi thường về đất cho người đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; 11. Bồi thường nhà, công trình đối với người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; 12. Bồi thường về đất đối với những người đang đồng quyền sử dụng đất;
13. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người; 14. Bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư;
15. Bồi thường về di chuyển mồ mả; 16. Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất; 17. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; 18. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở; 19. Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở;
20. Hỗ trợ người đang thuê nhà ở không thuộc sở hữu Nhà nước; 21. Hỗ trợ khi thu hồi đất công ích của xã, phường, thị trấn; 22. Hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo gì?
Ở Quyết định 56/2014/QĐ-UBND “về thực hiện dân chủ trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”, có một căn cứ pháp lý không phù hợp hiến định và Luật Đất đai, đó là “Thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 7492/CV/TU ngày 29/10/2014”.
“Quy định này áp dụng trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” – trích Điều 1.1, Quyết định 56/2014/QĐ-UBND.

Như vậy, nếu người dân oan khuất liên quan đến chuyện bị thu hồi đất, thêm một địa chỉ cần khiếu nại hoặc khởi kiện: Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai. Lý do: các vấn đề liên quan chính sách đền bù, được thực hiện không từ trình tự văn bản pháp luật, mà từ “chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy”.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)