Việt Nam Thời Báo

Diệt trừ tệ “đứng đường” CSGT – Cơ hội cho nhà báo chân chính

Phạm Chí Dũng

Tháng 10/2014, vụ việc phóng viên Nguyễn Hoài Nam của báo Thanh Niên xảy ra từ hai năm trước rốt cuộc đã lắng lại. Chỉ bị đánh giá “có sai sót trong quá trình tác nghiệp, có hành vi thúc đẩy hành vi phạm tội của người khác”, người nằm trong số ít ỏi nhà báo Việt Nam dám điều tra nạn nhũng nhiễu tàn hại của cảnh sát giao thông đã không bị khởi tố.

Tổ CSGT Hàng Xanh

Vết thâm đen trên mặt

Báo giới nhà nước đã được an ủi và gỡ gạc thể diện phần nào. Chí ít, Nguyễn Hoài Nam đã không bị rơi vào tâm thế quá cay đắng và oan khuất như Hoàng Khương của Tuổi Trẻ. Ít ra, Bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông có vẻ còn thể hiện một sự tôn trọng tối thiểu đối với giới nhà báo phản biện xã hội.

Nhưng không ít thành viên của giới báo chí Việt Nam đã ngạc nhiên: vì sao nhà cầm quyền lại có thái độ “khoan hồng” rất bất thường như vậy đối với Nguyễn Hoài Nam? Phải chăng sau một thời gian đằng đẵng và cố chấp, Bộ Công an vừa chợt nhận ra sứ mệnh phản ánh công bằng và công lý của báo chí? Hay vì Thanh Niên là một tờ báo lớn mà chính quyền ngại đụng chạm?

Song Tuổi Trẻ cũng là tờ báo có tên tuổi ngang với Thanh Niên. Thậm chí xét về bề dày truyền thống với những cựu tổng biên tập như Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi và cả Lê Hoàng sau đó, Tuổi Trẻ còn nhỉnh hơn Thanh Niên về uy tín trong dư luận bạn đọc. Thế nhưng vào tháng 9/2012, chỉ vì bị quy đã “gài” CSGT nhận hối lộ, phóng viên Hoàng Khương của tờ báo này đã phải chịu mức án 4 năm tù giam.

Thời gian cuối năm 2012 cũng chứng kiến cảnh bắt bớ thường trực các “đối tượng bất đồng chính kiến”, blogger và cả những nhà báo như Hoàng Khương. Con số của các tổ chức thẩm định độc lập về nhân quyền như Ân xá quốc tế, Phóng viên không biên giới, Nhân quyền quốc tế cho thấy chỉ trong năm 2012, giới cầm quyền Việt Nam đã bắt đến 48 người vì lý do chính trị và những vấn đề liên quan chính trị. Chỉ sau thời điểm xử Hoàng Khương một tháng, hai blogger Điếu cày Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần đã bị kêu án tù giam từ 10-12 năm, tính riêng cho Điều 88 Bộ luật hình sự “Tuyên truyền chống nhà nước”.

Trong khi đó ngoài xã hội, giới CSGT vẫn lộng hành theo quy luật nghịch đảo với nạn bắt bớ những người chỉ trích họ. Tệ nạn bị dư luận người dân phỉ báng công khai là nạn “đứng đường” đã không hề bị tém dẹp như hứa hẹn xuyên suốt của lãnh đạo Bộ Công an hay một số cấp công an tỉnh thành. Có lẽ trừ vài nơi “đáng sống nhất Việt Nam” như Đà Nẵng, còn lại hầu như khắp đất nước, khắp các miền Bắc – Trung – Nam, bất cứ nơi nào cũng đều chứng nghiệm cảnh tượng CSGT đã làm đen đúa đến mức nào đối với gương mặt chế độ. Nhìn vào những CSGT ăn hối lộ còn nồng nhiệt hơn cả làm tình, dân chúng không thể nghĩ khác về một bản chất quá xấu xa của chính thể cùng một tương lai không thể coi là tốt đẹp dành cho nó.

“Khoan hồng” hay cơ hội?

Có lẽ không nhiều nhà báo quốc doanh, đặc biệt những nhà báo còn giữ nguyên trạng thức vô cảm với chính trị, biết rằng không hề đơn giản mà phóng viên Nguyễn Hoài Nam được “phóng thích”. Lý do đơn giản và dễ hiểu nhất có thể giải thích là Nhà nước và Bộ Công an Việt Nam đang không thể hành xử theo cách muốn làm gì thì làm vào những năm trước.

Điều trớ trêu nhưng phải nhìn thẳng vào sự thật là số phận các nhà báo nhà nước không thuộc về sự bảo đảm từ những tờ báo nơi họ làm việc. Những tờ báo này – được chặn trên bởi một cơ quan được mệnh danh là “vòng kim cô”- Ban Tuyên giáo trung ương – đã rất thường bị chắn ngang họng bất kỳ tiếng nói phản biện nào dù chỉ yếu ớt.

Điều trớ trêu và cần phải nói thẳng là kể từ tháng 7/2013 khi những lãnh đạo cao cấp của Việt Nam như Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng phải đến Hoa Kỳ hầu mong tìm ra lối thoát cho TPP và cả “đối tác toàn diện” với người Mỹ, cho đến nay vẫn chưa có một vụ nhà báo nhà nước nào bị khởi tố vì những lý do tương tự trường hợp Hoàng Khương.

Về thực chất, giới bảo vệ nhân quyền và các chính phủ tiến bộ trên thế giới không cho phép Nhà nước Việt Nam tiếp tục vi phạm quyền tự do báo chí.

Vào giữa năm nay, trong một hành động dường như bột phát, Cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an đã khởi tố báo Pháp luật và Xã hội, do báo này có bài viết về những khuất tất trong kinh doanh của một doanh nghiệp thuộc Bộ Công an. Nhưng sau đó, báo giới nhà nước đã thở phào: không có vụ bắt giam nào cả.

Còn trong những tháng tới, theo lộ trình đàm phán Việt – Mỹ, Bộ Công an sẽ phải đối thoại với Chính phủ Hoa Kỳ về những cố gắng giảm thiểu tình trạng bức cung nhục hình, chống tra tấn, chống nạn hình sự hóa hành vi dân sự, trong đó tất nhiên có cả những cải thiện cần có của ngành công an Việt Nam đối với giới nhà báo và blogger.

Logic tiếp nối là một khi không dám dập tắt tiếng nói của giới báo chí phản biện, chính quyền sẽ phải dần thừa nhận tiếng nói phản biện ấy “về cơ bản là đúng”, cũng như đã và đang dần chấp nhận sự tồn tại có lý của Xã hội dân sự ở Việt Nam.

Dù còn khá lâu hoặc chẳng bao giờ có được chiến dịch “đả hổ” ở Việt Nam, trong vài tháng qua đã bắt đầu manh nha chiến thuật “diệt ruồi”, kể cả trong ngành công an. Logic không thể thiếu là chính vào lúc này, ngành công an lại cần đến báo chí và những người mà họ thường đe dọa truy tố.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng công an Trần Đại Quang chắc hẳn đã phải tính đến chiến thuật đó. Ở vào tình thế một đất nước tràn ngập tham nhũng mà có thể “ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ”, nếu không có nổi một số động tác “diệt ruồi”, sẽ không chính khách hoặc cấp tướng nào còn cơ may để tồn tại.

Đó cũng là nguồn cơn sâu xa để ngay vào lúc này, những nhà báo có tâm chuyên viết về nạn nhũng nhiễu của CSGT, và cả những nhà báo đang còn ngổn ngang giữa cơm áo gạo tiền và ý niệm trách nhiệm, lại bắt đầu nhìn thấy cơ hội góp bàn tay diệt trừ mối họa xã hội. Không thể để những kẻ “đứng đường” mặc sắc phục hàng ngày hàng giờ làm quằn quại và dẫn đến diệt chủng chút niềm tin cuối cùng của dân chúng vào tương lai dân tộc.

Tin bài liên quan:

VNTB- Sao Đảng bỗng dưng ‘không sợ đối thoại’?

Phan Thanh Hung

VNTB- Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đang mưu tính gì?

Phan Thanh Hung

VNTB- Ngân hàng HSBC Vietnam cộng tác với công an để xâm hại lợi ích khách hàng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.