Mấy ngày đầu tuần liên tục có tin liên quan tới những người cao tuổi dính dáng tới Điều 258 về ‘Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.’
Điều 258 gần đây được dùng để ngăn cản sự lan tỏa thông tin trên Internet
Ông Kim Quốc Hoa, 70 tuổi, Tổng biên tập báo Người cao tuổi bị tước thẻ nhà báo và công an khởi tố vụ án liên quan báo Người cao tuổi theo điều 258 Bộ Luật Hình sự
Trong lúc đó hai người bị bắt vì cùng điều luật này, nhà văn Nguyễn Quang Lập và blogger Hồng Lê Thọ lần lượt được tại ngoại hầu tra hôm thứ Ba và thứ Tư.
Lý do báo Người cao tuổi bị Bộ Thông tin và Truyền thông điều tra ‘đột xuất’ trong vài tháng và dẫn tới quyết định đề nghị Hội Người cao tuổi cách chức tổng biên tập báo hết sức trớ trêu.
Tổng biên tập Kim Quốc Hoa được Hội Người cao tuổi đề nghị phong danh hiệu ‘chiến sỹ thi đua’ và Bộ Thông tin Truyền thông không đồng tình nên thanh tra để có bằng chứng ủng hộ quan điểm của họ.
Và trong khi Bộ liệt kê hàng loạt bài báo bị cho là xâm hại tới uy tín của cá nhân hay tổ chức và những ‘dấu hiệu tiết lộ bí mật nhà nước’, Hội nói thanh tra Bộ có những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra và kết luận của họ là “một chiều”.
Điều 258
Nhưng cái gốc của vấn đề nằm ở Điều 258 và cả ở sự uy hiếp tập thể các cá nhân hay tổ chức dám đi ngược quan điểm của cơ quan công quyền.
Việt Nam vẫn luôn bị chỉ trích, nhất là từ khi có chân trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ hơn một năm nay, về chuyện hình sự hóa các quan hệ dân sự qua Điều 258 của Bộ Luật hình sự.
Chính quyền cũng bị cáo buộc ‘sử dụng tùy tiện’ điều luật này.
Tại những nước có quan điểm trái ngược với Việt Nam như Hoa Kỳ hay Anh, các nhà báo không thể bị bỏ tù vì các bài viết hay phóng sự truyền hình cho dù tòa báo có thể bị phạt tiền đáng kể nếu bị kết tội mạ lỵ người khác.
Tại nhiều nước tòa án cũng chỉ thụ lý vụ việc khi có đối tượng bị hại cụ thể lên tiếng đòi bảo vệ quyền lợi.
Anh quốc còn phân biệt giữa báo và phát thanh, truyền hình, vốn được coi là có ảnh hưởng rộng lớn hơn nhiều và bởi vậy phải chịu trách nhiệm nhiều hơn.
So trong tương quan này ảnh hưởng của báo Người cao tuổi vô cùng nhỏ so với các đài truyền hình và phát thanh, vốn gần như tránh những chủ đề nhạy cảm và tập trung tuyên truyền cho một hình ảnh đẹp đẽ của chính quyền.
Một nhà báo nói với BBC:
“Bắt [theo Điều 258] dễ thôi mà. Nhà báo ở Việt Nam, cũng như các nghệ sỹ, họ yếu đuối lắm.
“Dọa một lần là sợ ngay.”
Một nhà báo khác bày tỏ sự bất bình khi Hội nhà báo thay vì bảo vệ hội viên của mình đã ngay lập tức đồng ý với quan điểm của cơ quan công quyền.
Và cuối cùng người bảo vệ nhà báo lại chính là Hội Người cao tuổi.
(Theo BBC)