Nhóm phóng viên điều tra
(VNTB) – Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (Tp. Hồ Chí Minh), nơi thu hút 500 ngàn du khách thăm quan mỗi năm, đang tồn tại việc ăn cắp vé tham quan bởi chính những nhân viên phục vụ tại đây. Với 15.000 VNĐ/ vé, thì con số tiền công bị ăn cắp mỗi năm tính trên đầu du khách là rất lớn…
“Cứ vào tham quan đi không sao đâu!”
Thomas Mann, một du khách người Đức đến thăm Tp. Hồ Chí Minh trong kì nghỉ đông khoảng tháng 1/2014. Ông thừa nhận, đã có một ấn tượng hết sức sâu sắc về ý chí, lịch sử con người Việt Nam tại một số địa điểm tham quan nổi tiếng như Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất, Bưu điện thành phố, Địa đạo Củ chi và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh …
Tuy nhiên, ấn tượng đó lại hao hụt nhiều khi ông đến với Bảo tàng chiến tích Chiến tranh Việt Nam và chứng kiến sự ăn cắp thản nhiên của các nhân viên bán vé.
Thomas Mann kể, ông đến tham quan Bảo tàng vào đầu giờ chiều khoảng 13’30, khi xếp hàng mua vé và đến lượt mình. Ông hỏi nhân viên bán vé (tên Thành) về giá vé và được trả lời là 15,000VNĐ/một người.
“Tôi thú thật đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng tiền Việt Nam vì những con số ở đây nhiều quá, tôi đã đưa anh bán vé 50,000VNĐ và anh đã thối cho tôi 35,000VNĐ và kèm theo là một brochure (tờ gấp quảng cáo)”, ông Thomas Mann nghĩ lại.
Lấy làm lạ, Thomas Mann liền hỏi anh bán vé: Sao anh không đưa vé tham quan cho tôi?
Ông nhận được cái chỉ tay vào tờ gấp hình ảnh: “Đây là vé tham quan của bảo tàng đó.” Và kèm theo lời trấn an, “cứ vào tham quan đi không sao đâu!”
Đem thắc mắc đó đi hỏi những du khách khác, thì trong vòng 30 phút, người du khách Đức, đồng thời là một nhà nghiên cứu xã hội học đã nhận được kết quả bất ngờ, có đến 16/20 khách được hỏi đều không có vé tham quan chính thức, mà họ chỉ có “vé tham quan” giống như ông.
Đầu năm 2015, Thomas Mann lại có việc quay trở lại Việt Nam, lần này, anh có thêm người bạn đồng hành là Thiện (một hướng dẫn viên). Hai người đến bảo tàng lúc 1h20, dù phải đến 10 phút nữa mới mở cửa, nhưng lần này, ông bắt gặp cô nhân viên tên Đẹp ra chào vé và nó lại là một tờ gấp quảng cáo (có in hình bảo tàng).
Khi quan sát xung quanh, ông nhận thấy có một số nhân viên mặc đồng phục bảo vệ đứng nhưng tuyệt nhiên, họ không có động thái nào để soát vé.
“Lúc đó tôi khá kinh ngạc! Hay là họ cố tình lờ đi?”, Thomas Mann bày tỏ.
Cùng thời điểm nhận cái vé tham quan kỳ lạ đó với Thomas Mann, còn có 4 người khách khác. Ông quyết định tìm hiểu sâu hơn lần trước, và nhận ra một điều thú vị, tất cả khách tham quan vào mua vé trước 1h30 đều không nhận được vé mà chỉ có tờ gấp quảng cáo), sau 1h30 thì có người có cả vé lẫn tờ gấp nhưng cũng có người không có vé.
Tạo điều kiện cho nhân viên kiếm thêm?
Theo chia sẻ của du khách người Đức, điều khiến ông ngạc nhiên nhất không phải là sự việc tiêu cực như vậy kéo dài từ năm ngoái đến năm nay, mà sau khi ông quan sát kỹ lưỡng, Thomas Mann nhận ra một điều lạ nữa là bảo tàng có hệ thống camera khá nhiều, nhưng đặc biệt ngay quầy vé ở cả hai cổng ra vào đều không có camera gắn trực tiếp, mà chỉ có camera gắn theo dõi bên ngoài phòng vé!
Ông cho biết, thường thì ở những bảo tàng ông ghé thăm, để đề phòng nhân viên có hành vi gian lận, camera bắt buộc phải gắn trực tiếp tại các địa điểm dễ nảy sinh tiêu cực như quầy thu ngân, phòng vé… Trong khi tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh thì hoàn toàn ngược lại.
Bất giác ông hỏi tôi: “Tiêu cực ở bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là trường hợp cá biệt hay có hệ thống?”
Năm 2014, bảo tàng điều chỉnh giá vé theo thông tư 02/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo bà Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Tp.HCM, việc nâng phí sẽ giúp đơn vị cân đối được nguồn chi phí hoạt động, nâng chất phục vụ khách tham quan, đồng thời là bước đệm tiến dần hiện đại hóa bảo tàng. Nhưng với cái cách nhân viên bán vé bảo tàng ăn vé đều đặn, ngang nhiên kiểu này, thì đến bao giờ bảo tàng mới đảm bảo nguồn chi phí hiện đại hóa bảo tàng? Và có việc thông đồng với nhau nhằm khai hụt số lượng khách tham quan nhằm ăn chia nguồn thu từ vé tham quan?
Sở Văn hóa TP.HCM – cơ quan chủ quản của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh – sẽ có trách nhiệm gì đây trước những dấu hiệu tham nhũng vé mà du khách quốc tế còn tường tận hơn cả giới quan chức “bảo kê” của chính quyền Việt Nam?