Việt Nam Thời Báo

Doanh nghiệp hải sản bị nhà nước bội ước

RFA

2017-03-30


Hải sản do ngư dân miền Trung đánh bắt được.

Hải sản do ngư dân miền Trung đánh bắt được.

 RFA photo


Thảm họa môi trường do Formosa gây nên không chỉ tác động trực tiếp đến ngư dân chuyên đi đánh bắt cá mà nhiều đối tượng liên quan cũng ‘lao đao’ suốt thời gian qua. Trong số này có những người nghe lời chính quyền thu mua và tồn trữ hải sản sau khi thảm họa xảy ra.
Chừng một tháng sau khi xảy ra nạn cá và hải sản chết hằng loạt ven bờ biển từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên- Huế, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh là ông Đặng Quốc Khánh, chủ tịch và Đặng Ngọc Sơn, phó chủ tịch tỉnh cùng chính quyền huyện Lộc Hà đã tới vận động 26 doanh nghiệp, cơ sở đông lạnh trên địa bàn tại cảng cá Thạch Kim thu mua hải sản cho ngư dân không tiêu thụ được với mục đích được nói rõ “đảm bảo an ninh, ổn định tình hình địa phương” trước ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp khoá 2016-2021 (diễn ra ngày 22/5/2016)
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng – Lộc Hà – Hà Tĩnh: “Tỉnh có hứa với chúng tôi sẽ bù lại cho bà con doanh nghiệp, nhưng sau khi chúng tôi mua hàng bỏ vào kho thì từ đó đến nay tỉnh không có ý kiến gì hết cả. Đây là tỉnh lừa, chính phủ lừa, không có nói thật với bà con! Đến nay gần cả một năm trời rồi mà vẫn không được một đồng nào hỗ trợ.”
Trần Thị Hoa – Chủ cơ sở đông lạnh Hùng Mạnh, xã Thạch Kim – Lộc Hà – Hà Tĩnh: “Bầu cử này nọ làm cuối cùng dân mua vào. Bây giờ thiệt hại! Các doanh nghiệp đều bị mắc lừa! Dân đi biển thiệt hại một chứ doanh nghiệp thiệt hại mười.”
Tỉnh có hứa với chúng tôi sẽ bù lại cho bà con doanh nghiệp, nhưng sau khi chúng tôi mua hàng bỏ vào kho thì từ đó đến nay tỉnh không có ý kiến gì hết cả.
– Nguyễn Viết Long, cơ sở Long Huệ
Trần Thị Loan – Chủ cơ sở đông lạnh Cường Loan, xã Thạch Bằng – Lộc Hà – Hà Tĩnh: “Hàng ứ đọng trong kho từ trước bầu cử và sau bầu cử. Vâng lời họ thì mình nhận mua để giữ vững trật tự. Giữ mãi cho đến tận bây giờ vẫn chưa nhận được một đồng tiền đền bù nào cả.”
Người dân địa phương cho biết việc chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh vận động doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thu mua như vậy hoàn toàn không có văn bản:
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng – Lộc Hà – Hà Tĩnh: “Kêu gọi tất cả các doanh nghiệp chung như thế và không có văn bản, không có giấy tờ. Bà con thì vì lòng tin, nghĩ rằng chủ tịch nói thì chắc chắn là sẽ thực hiện.”
Trần Thị Loan – Chủ cơ sở đông lạnh Cường Loan, xã Thạch Bằng – Lộc Hà – Hà Tĩnh: “Không có văn bản gì cả. Họ chỉ đến nói mồm. Mình là một người dân mà họ là cán bộ cấp tỉnh nên chẳng lẽ một lời nói như thế mà họ lại nuốt lời?”
Cho đến nay, đã gần một năm trôi qua, 26 cơ sở kinh doanh vẫn còn tồn đọng một lượng hàng đã thu mua rất lớn từ trước và sau khi xảy ra thảm hoạ môi trường tháng 4/2016. Đại diện các ban, ngành, chính quyền địa phương đã tới các cơ sở để kiểm đếm số lượng hàng hoá và có lập thành biên bản. Như cơ sở Long Huệ của ông Nguyễn Viết Long có tất cả gần 78 tấn hải sản.
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng – Lộc Hà – Hà Tĩnh: “Trên hai mươi mấy tỷ gồm tiền hàng, tiền kho hàng, tất cả mọi cái được cơ quan chức năng về kiểm đếm.”
Trần Thị Loan – Chủ cơ sở đông lạnh Cường Loan, xã Thạch Bằng – Lộc Hà – Hà Tĩnh: “Trước mắt các cơ quan ban ngành đo đếm sứa, hàng khô và hàng tươi chứ còn ruốc với nước mắm là họ chưa cân đong đo đếm. Mà riêng ba thứ đó là được một chục tỷ rồi.”
Được biết, các cơ sở kinh doanh này phải vay tiền từ ngân hàng, người thân hoặc vay chịu lãi ngoài để thu gom hàng sau lời vận động của chính quyền và nhiều chủ cơ sở đang đối diện với nguy cơ phá sản.
Các cơ sở kinh doanh đã nhiều lần kiến nghị và yêu cầu chính quyền từ địa phương đến tận trung ương giải quyết việc hỗ trợ, đền bù, nhưng cho đến nay, mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ.
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng – Lộc Hà – Hà Tĩnh: “Chúng tôi kiến nghị nhưng không đem lại hiệu quả. Thanh tra chính phủ thì nói để UBND tỉnh giải quyết. UBND nói để xem xét giải quyết rồi chính phủ cũng nói như vậy thì chúng tôi cậy vào đâu!”
Bây giờ yêu cầu nhà nước đưa ra một cái chỗ để mà tiêu hủy. Bây giờ đổ ra biển thì ảnh hưởng môi trường biển. 
– Lê Viết Huy, cơ sở Huy Lộc
Trần Thị Hoa – Chủ cơ sở đông lạnh Hùng Mạnh, xã Thạch Kim – Lộc Hà – Hà Tĩnh: “Bây giờ là một năm trời rồi! Đắng cay chua xót lắm mà tỉnh coi như thờ ơ! Thậm chí đi lên kêu họ thì không biết công an hay côn đồ đánh đập. Bốn thằng mà vất một bà lên xe như vất lợn vậy đó!”
Số hải sản không tiêu thụ được do người tiêu dùng nghi nhiễm độc bị phân huỷ, bốc mùi. Dù cho gặp khó khăn, các cơ sở vẫn phải vận hành kho để bảo quản số hàng trên nhằm tránh ảnh hưởng đến môi trường, bởi chính quyền chưa đưa ra hướng xử lý cụ thể.
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng – Lộc Hà – Hà Tĩnh: “Người dân xung quanh đây họ phàn nàn kêu ca rất nhiều để làm sao chúng tôi tiêu hủy được hàng. Nhưng bây giờ chúng tôi không biết đi đâu mà đổ đây.”
Lê Viết Huy – chủ cơ sở Huy Lộc, xã Thạch Bằng – Lộc Hà – Hà Tĩnh: “Bây giờ yêu cầu nhà nước đưa ra một cái chỗ để mà tiêu hủy. Bây giờ đổ ra biển thì ảnh hưởng môi trường biển. Vừa rồi chúng tôi kêu lên UBND huyện, đề xuất nếu UBND huyện mà không có chỗ chôn lấp thì chúng tôi sẽ đưa hàng lên trên tại UBND huyện, giao cho UBND huyện.”
Hệ lụy của thảm họa môi trường Formosa gây nên tiếp tục lộ rõ và nay đến các cơ sở kinh doanh. Khi bị dồn vào thế cùng, nguồn tài chính gia đình bị cạn kiệt, phương kế sinh nhai bị ảnh hưởng, họ cho biết sẽ kiên trì, đoàn kết để cùng đòi lại quyền lợi chính đáng, cũng như yêu cầu chính quyền có trách nhiệm phải thực hiện đúng lời hứa đưa ra cả năm trước đây.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo