Vietstock
Đồng USD đã khép lại tuần trước chỉ với mức tăng “khiêm tốn”, và một số chuyên gia thấy rằng giá trị của đồng bạc xanh đang giảm dần khi tình hình bất ổn chính trị tại Mỹ tăng cao, CNBC đưa tin.
Những nhận định mang hơi hướng “diều hâu” của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen tại cuộc họp báo hôm thứ Tư (15/02) đã không thể thúc đẩy đồng USD. Vào ngày hôm sau đồng tiền này đã phải hứng chịu mức sụt giảm mạnh nhất trong suốt 2 tuần qua.
Trong cuộc điều trần kéo dài 2 ngày của mình về chính sách tiền tệ trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện (HFSC), bà Yellen đã lặp lại rằng Fed vẫn dự định nâng lãi suất 3 lần trong năm nay. Các đợt tăng lãi suất có khuynh hướng thúc đẩy giá trị đồng USD, vì lãi suất ngắn hạn cao hơn có nghĩa là những ai nắm giữ đồng bạc xanh sẽ được trả lãi nhiều hơn.
Vì đồng USD cho thấy sự giảm nhẹ trong thời gian gần ngay cả khi Fed có thái độ “diều hâu”, nên Chiến lược gia ngoại hối Boris Schlossberg cho rằng ông thấy đồng tiền này có khuynh hướng giảm thêm trong thời gian tới.
“Thị trường sẽ không mua những gì Janet Yellen đang nói. Và đó thật sự là một dấu hiệu rất rất đáng chú ý”, Schlossberg nói với CNBC.
“Khi người đứng đầu Fed nói với thái độ không hề bối rối rằng bà ấy sẽ tăng lãi suất 3 lần và tỏ ra ủng hộ nền kinh tế, nhưng thị trường vẫn hoài nghi thì việc này đang cho tôi biết một điều gì đó”, ông nói thêm.
Bất ổn chính trị lớn xoay quanh chính quyền mới của ông Trump đang tạo áp lực lên đồng USD, Schlossberg nêu quan điểm. Ông lưu ý rằng bất ổn liên quan đến chính sách như thế cũng đang tác động tiêu cực đến thị trường thu nhập cố định.
“Điều đó cho tôi biết rằng cả hai thị trường vẫn hoài nghi tốc độ tăng trưởng tiềm năng này sẽ tiếp tục trong tương lai hay không”, ông cho hay.
Ông sẽ bán đồng USD khi đồng JPY không đạt được mốc 115 so với đồng bạc xanh. Ông chỉ ra mối quan hệ giữa đồng USD và Yên Nhật như là một thước đo quan trọng về sức mạnh của đồng USD, vì các thị trường cổ phiếu và lợi suất suy yếu được cho là có liên quan đến đồng Yên mạnh.
“Chúng tôi mong đồng USD sẽ đi ngang cho tới khi có chi tiết về các kế hoạch tài khóa của ông Trump, nhưng chúng tôi vẫn lạc quan”, vị Chiến lược gia nghiên cứu ngoại hối của Bank of America Merrill Lynch viết.
Còn nhóm chiến lược gia do Claudio Piron và Athanasios Vamvakidis dẫn dắt viết rằng tâm lý bi quan xoay quanh chính quyền ông Trump đang gia tăng thêm tình trạng lạm phát đình trệ, hoặc một nền kinh tế có lạm phát và thất nghiệp cao trong khi tăng trưởng kinh tế lại chậm chạp.
Đồng USD đã tăng gần 4% ngay trong tháng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo Gina Sanchez, CEO của Chantico Global, khuynh hướng dài hạn hơn rõ ràng là lạc quan.
“Tôi nghĩ khuynh hướng đồng USD mạnh này vẫn sẽ tiếp tục, nhưng tôi cho rằng đợt suy yếu này của đồng USD là thú vị và đáng chú ý, vì bà Yellen thật sự tỏ ra ‘ủng hộ’ đồng USD. Ý tôi là bà ấy đã có những nhận xét khá ‘diều hâu’, và điều đó sẽ dẫn tới một đồng USD mạnh hơn”, Sanchez nói với CNBC hôm thứ Năm.
Một vài đợt yếu đi trong ngắn hạn hơn dường như là kết quả của tình trạng bất ổn chính trị.
“Tôi nghĩ rằng đó có lẽ là lý do cho việc này. Tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ kéo dài quá lâu, và khuynh hướng chung vẫn là tăng”, bà dự báo.
Còn Matt Maley, Giám đốc điều hành và Chiến lược gia cổ phiếu tại Miller Tabak, cho hay: “Một xu hướng giảm giá đang diễn ra trong chỉ số đồng USD”. Chỉ số đồng USD hiện dùng để đo sức mạnh của đồng USD so với các ngoại tệ.
“Một mẫu hình kỹ thuật gọi là ‘đầu và vai’ dường như đang hình thành trong các biểu đồ của chỉ số này. Nếu thế thì một mức giảm xuống dưới mốc 99 có thể là điều khá tiêu cực cho đồng USD”, Maley viết.
Theo đó, điều này có thể có những ‘ngụ ý’ quan trọng cho các tài sản khác.
“Chúng ta không thể hành động sớm hơn, nhưng nhiều giả thuyết đầu tư cho năm 2017 dều dựa trên giả thuyết rằng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến đà tăng của đồng USD. Vì thế, nếu đợt suy yếu này kéo dài hơn, thì nó có thể sẽ ‘phá hỏng’ nhiều giả thuyết trong số đó”, Maley viết./.