Quốc hội Việt Nam sẽ không bỏ phiếu quyết định về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong kỳ họp hiện nay. Nội dung này đã được loại khỏi nghị trình, phải chăng dự án này quá tốn kém trong bối cảnh tình hình kinh tế trì chậm và áp lực nợ công trong tình trạng báo động. Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành ở tỉnh Đồng Nai là một dự án trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 18 tỷ USD chia làm ba giai đoạn. Để thực hiện dự án này, chủ đầu tư sẽ phải giải tỏa và thu hồi 5.000 ha đất và giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2025 với chi phí 7,8 tỷ USD, lúc đó sân bay Long Thành đạt công suất 25 triệu khách/năm.
Điểm đáng lưu ý là Phi cảng Tân Sơn Nhất TP.HCM được Bộ GTVT cho là đã phục vụ 20 triệu lượt hành khách trong năm 2013 và cũng đang được cải tạo nâng cấp vì tới năm 2017 sẽ quá tải với mức 25 triệu hành khách/năm. Trong khi đó TS Trần Đình Bá, một nhà nghiên cứu về chiến lược hàng không, phát biểu trên báo mạng Kiến Thức lại xác định rằng, thị phần hàng không của Việt Nam hiện nay mới đạt 11 triệu khách/năm.
Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì đây là một dự án cực lớn từ trước đến nay. Hiện nay các cơ quan chức năng nhìn nhận tính cấp thiết và sự cần thiết của nó là phải có.
– PGS-TS Ngô Trí Long
Ngoài ra, giới khoa học cũng cho rằng khả năng tăng lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam nhiều đến nỗi phải thực hiện Dự án Long Thành chẳng khác nào đếm cua trong lỗ.
Phó giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội nhận định:
“Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì đây là một dự án cực lớn từ trước đến nay. Hiện nay các cơ quan chức năng nhìn nhận tính cấp thiết và sự cần thiết của nó là phải có. Nhưng theo quan điểm của nhiều chuyên gia, học giả cũng như các nhà kinh tế thì thấy trong bối cảnh hiện nay cũng chưa đến mức độ cần phải có một sân bay lớn như vậy và dự án với nguồn lực đầu tư lớn như vậy.
Cho nên trong bối cảnh hiện nay mọi người đều biết là kinh tế vô cùng khó khăn, những thách thức lớn với nền kinh tế vẫn đặt ra trước mắt, đặc biệt là nguồn lực. Với đầu tư như vậy thì sẽ gây ra tổn thất rất lớn và chắc chắn đưa Việt Nam lún sâu vào con đường nợ nần mà không những đời nay trả nợ mà đời sau cũng phải tiếp tục trả nợ. Chính vì những vấn đề khúc mắc như vậy cho nên Quốc hội đã đưa dự án này ra khỏi nghị trường trong kỳ họp này.”
Trước thời điểm có thông tin Quốc hội loại Dự án Phi cảng Long Thành ra khỏi chương trình nghị sự kỳ họp thứ 8, Bộ Giao thông Vận tải cơ quan đề xuất dự án sân bay Long Thành vẫn còn cố gắng trấn an dư luận về khả năng thu hồi vốn của dự án, cũng như việc ngân sách nhà nước chỉ tài trợ một phần dự án, còn lại là vốn vay từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy vậy kể từ 21/10/2014 thì chính Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã phải nhìn nhận là mối lo về nợ công đang dâng cao gây bất lợi cho dự án Phi cảng Quốc tế Long Thành.
Vấn đề nợ công
Nhận định về vấn đề áp lực nợ công đang đè nặng Việt Nam mà đó cũng là lý do để Quốc hội gác lại Dự án sân bay Long Thành, Phó Giáo sự Tiến sĩ Ngô Trí Long phát biểu:
“Thủ tướng luôn luôn báo cáo nợ công ở trong mức độ an toàn, có nghĩa là trong mức độ hiện nay đánh giá mức độ an toàn ở chỗ nào. Thí dụ Châu Âu đánh giá nợ công dưới 60% GDP, bội chi ngân sách dưới 3% là an toàn. Nhưng có điều kiện khác là khả năng trả nợ được hay không. Mặc dầu nợ công hiện nay dưới mức an toàn nhưng tới 2015 sẽ xấp xỉ 65%, tức là tới giới hạn đỏ và khả năng trả nợ của Việt Nam rất hạn chế. Hiện nay nợ công có xu hướng tăng nhanh, hiện nay mỗi người dân Việt Nam phải chịu 900 USD/ đầu người nợ công; với thu nhập quốc dân tương đối bé với ngân sách thâm hụt rất lớn tình hình kinh tế vô cùng khó khăn; nợ công có xu hướng gia tăng, năng suất không có hiệu quả. Cho nên đó chính là những băn khoăn những khó khăn lớn nhất. Vấn đề ở đây không phải là biểu hiện của con số mà khả năng trả nợ cũng như tốc độ nợ có xu hướng tăng quá nhanh. Đây chính là sự lo lắng và cũng là sự bất cập của vấn đề nợ công hiện nay.”
Về vấn đề tổng nợ công của Việt Nam theo số liệu của Bộ Tài chính là không bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước, hay chính quyền địa phương. PGSTS Ngô Trí Long nhận định:
“Hiện nay về cách tính nợ công của Việt Nam và quốc tế có sự vênh nhau, không khớp với nhau. Điều đó có nghĩa nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ của một số chính quyền địa phương hoặc tổ chức thuộc nhà nước được nhà nước không tính vào đó. Trước quốc tế thực chất hiện nay với khối nợ của doanh nghiệp nhà nước cực kỳ lớn thì trong tình hình như vậy mức nợ công không phải là dưới 65%. Thực tế các chuyên gia, các nhà khoa học không phải tổ chức nước ngoài người ta tính toán nợ công trên 100% tức là trên mức báo động rất nhiều. Với tỷ lệ nợ công so với GDP như vậy đồng thời với những khó khăn thách thức cũng như xu hướng nợ công tăng, khả năng chi trả và việc xử dụng không hiệu qủa thì đây là tình trạng đáng báo động. Chính vì vậy cho nên vấn đề này đang được đặt ra trên bàn nghị sự của Quốc hội trong kỳ họp này.”
Lâu nay người ta tìm mọi cách để có dự án để lấy tiền đầu tư một phần cho công trình để rồi bản chất là họ chia nhau, có những công trình cũ tồn tại mà người ta chưa khai thác hết thế mà người ta vẫn cứ làm cái mới.
– Blogger Phạm Thành
Trong câu chuyện với chúng tôi, nhà báo cũng là blogger Phạm Thành hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhìn nhận việc tạm gác dự án sân bay Long Thành theo cách riêng của mình. Ông nói:
“Lâu nay người ta tìm mọi cách để có dự án để lấy tiền đầu tư một phần cho công trình để rồi bản chất là họ chia nhau, có những công trình cũ tồn tại mà người ta chưa khai thác hết thế mà người ta vẫn cứ làm cái mới. Ngay nhà Quốc hội cũng thế thôi, nhà Quốc hội mới hoành tráng như vậy thật nhưng nhà cũ vẫn dùng được, trong điều kiện đất nước còn đang khó khăn lẽ ra nhà quốc hội cũng không nên đập đi rồi xây lại. Như con nhà nghèo ấy mà, đi vay được một ít tiền thì cứ tiêu vung tiêu phí, đến bây giờ đến giai đoạn phải trả nợ mới nhìn lại là lấy tiền đâu để trả nợ. Vì vậy Dự án Long Thành một dự án tốn tiền khá lớn họ phải dừng lại. Bản chất là do áp lực không có tiền chứ không phải là vì họ thấy được các vấn đề đâu.”
Dự án Phi cảng Quốc tế Long Thành đã trải qua một hành trình long đong kéo dài từ 2005 sau khi được Thủ tướng phê duyệt vị trí và qui mô dự án. Gần đây nhất là sự kiện Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu phải công khai xin lỗi Chính phủ Nhật Bản. Ông Thứ trưởng đã nói bừa là phía Nhật Bản hứa cho Việt Nam vay 2 tỷ USD để thực hiện Dự án sân bay Long Thành.
Việc Quốc hội quyết định chưa xem xét chủ trương đầu tư trong kỳ họp thứ 8 có thể xem là một tín hiệu tích cực. Nhất là khi dư luận đánh giá nhu cầu cần thiết về việc thiết lập Phi cảng Quốc tế Long Thành là ảo tưởng và dựa trên những số liệu tính toán không xác thực.
Nam Nguyên
RFA