(VNTB) – Ngoài Tô Lâm, Lương Tam Quang, Nguyễn Duy Ngọc, những người đang xếp hàng chờ vô UVBCT là Trịnh Văn Quyết, Hoàng Xuân Chiến, Nguyễn Hồng Thái, Vũ Hồng Văn, Nguyễn Hải Ninh, Đỗ Tiến Sỹ, Nguyễn Thanh Nghị, Trần Lưu Quang
Uỷ viên Bộ Chính trị (UVBCT) là những người nắm giữ nhiều quyền lực nhất trong hệ thống chính trị CSVN. Thường thì có khoảng 15-19 người được bầu vào vị trí này, từ đó mới chọn ra 4 người làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Ghế UVBCT bị các phe phái tranh giành rất khốc liệt, thời Nguyễn Phú Trọng, ông này đã xây dựng một nhóm UVBCT gồm đa số là những người gốc Nghệ An và Hà Tĩnh.
Các Uỷ viên sẽ tiếp tục ở lại nhiệm kỳ sau
Trong đợt tranh ghế lần này, Tô Lâm đang tìm mọi cách để đưa phe Hưng Yên lên nắm nhiều ghế UVBCT nhất có thể. Tuy nhiên Tô Lâm không thể thay máu toàn bộ, vì vẫn có nhiều UVBCT muốn tiếp tục ngồi lại. Điều kiện đối với các UVBCT đương nhiệm muốn ở lại nhiệm kỳ sau là phải không quá 65 tuổi (tính tới thời điểm bầu cử nhiệm kỳ mới).
Thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ mới là năm 2026, vậy các ông Tô Lâm (1957), Lương Cường (1957), Phạm Minh Chính (1958), Phan Văn Giang (1960), Phan Đình Trạc (1958), Trần Cẩm Tú (1961), Nguyễn Văn Nên (1957), Nguyễn Xuân Thắng (1957), Nguyễn Hoà Bình (1958) đều đã quá tuổi theo quy định trên.
Trong tứ trụ hiện nay chỉ có Trần Thanh Mẫn là đủ tuổi ở lại thêm một nhiệm kỳ. Tuy nhiên, chắc chắn Tô Lâm sẽ tiếp tục ngồi lại ghế Tổng Bí thư theo diện “trường hợp đặc biệt”, như lý do mà Nguyễn Phú Trọng từng dùng. Hai trụ còn lại, Lương Cường đã quá mất mặt sau vụ để thuộc cấp lạm dụng tình dục ở Chile, Phạm Minh Chính thì lại liên quan tới vụ AIC, cho nên hai ông này sẽ không thể xin vào diện đặc biệt như Tô Lâm. Và những người quá tuổi còn lại thì không đủ lực để giành giật với phe Tô Lâm.
Vậy có 8 người sẽ tiếp tục ngồi lại ghế UVBCT nhiệm kỳ sau. Gồm Tô Lâm, Trần Thanh Mẫn (1962), Lê Minh Hưng (1970), Nguyễn Trọng Nghĩa (1962), Bùi Thị Minh Hoài (1965), Đỗ Văn Chiến (1962), Lương Tam Quang (1964), Nguyễn Duy Ngọc (1964). Ngồi lại Bộ Chính trị, nhưng các chức vụ cụ thể có thể sẽ thay đổi chứ không giữ nguyên, ví dụ Bùi Thị Minh Hoài có thể từ Bí thư Hà Nội lên làm trưởng một ban nào đó, hoặc lên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội…
Với những người mới, muốn ứng cử vào vị trí này thì phải đủ các điều kiện: Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng (UVTƯĐ) trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương. Trường hợp Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu.
Người đầu tiên phải nói tới là Trần Lưu Quang (1967), ông này vốn có mối quan hệ như anh em ruột với Tô Lâm. Khi Tô Quyền (cha Tô Lâm) vào Tây Ninh hoạt động trước 1975 đã được gia đình Trần Lưu Quang bảo bọc. Nên sự nghiệp của Trần Lưu Quang lên như diều gặp gió trong lúc Tô Lâm thâu tóm quyền lực. Trần Lưu Quang có hơn 9 năm là UVTƯĐ, từng là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân kiêm Bí thư tỉnh Tây Ninh, Phó Bí thư Thường trực TPHCM, Bí thư Hải Phòng, Phó Thủ tướng. Hiện Trần Lưu Quang đang là Trưởng Ban Chính sách Chiến Lược Trung ương, và đã được bầu vào Ban Bí thư từ ngày 23/1/2025.
Tiếp theo là Thượng tướng Trịnh Văn Quyết (1966), ông này người Hải Dương, nhưng cần nhớ Hải Dương và Hưng Yên vốn được tách từ tỉnh Hải Hưng cũ, ông Tô Quyền từng là Trưởng ty Công an tỉnh Hải Hưng. Cho nên không khó để đoán thượng tướng này cũng thuộc phe Hưng Yên của Tô Lâm. Tướng Quyết làm UVTƯĐ từ năm 2021, đang là Chủ nhiệm Tổng cục Chính Trị Quân đội. Ông này được bầu bổ sung vào Ban Bí thư từ tháng 8/2024, tức là ngay sau khi Tô Lâm lên Tổng Bí Thư.
Người thứ 3 là Nguyễn Hải Ninh (1976), quê quán: Hưng Yên. Ông Ninh làm UVTƯĐ từ năm 2021, có 3 năm giữ chức Bí thư tỉnh Khánh Hoà, hiện là Bộ trưởng Bộ Tư Pháp.
Thứ 4 trong danh sách này là trung tướng Nguyễn Hồng Thái (1969), quê huyện Ân Thi, Hưng Yên. Ông Thái vốn là con rể Đại tướng Đỗ Bá Tỵ (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng tham mưu trưởng quân đội, kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Hiện Nguyễn Hồng Thái đang là Tư lệnh Quân khu 1, là UVTƯĐ từ năm 2021.
Thứ 5 là Đỗ Tiến Sỹ (1965), quê Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, ông này làm UVTƯĐ từ 2016 tới nay. Giữ chức Bí thư Hưng Yên gần 6 năm (10/2016-6/2021). Hiện đang là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nguyễn Thanh Nghị (1976) không thể nằm ngoài danh sách này. Sau khi ông Trọng qua đời, Tô Lâm ngay lập tức bắt tay Nguyễn Tấn Dũng, cho nên con trai ông Dũng chắc chắn sẽ có một ghế UVBCT. Ông Nghị đã có 9 năm là UVTƯĐ, 5 năm là Bí thư tỉnh Kiên Giang, gần 5 năm là Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Hiện đang là Phó Bí thư Thường trực TPHCM.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến (1961) cũng là một người gốc Hưng Yên. Ông Chiến là UVTƯĐ từ năm 2016. Có hơn 4 năm là Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiện đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Sở dĩ nhắc tới ông Chiến sau các nhân vật ở trên là vì ông Chiến vẫn chưa chắc giành được ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhiệm kỳ sau, dù đang được Tô Lâm chống lưng rất mạnh. Theo lý lịch thì tướng Chiến sinh ngày 12/4/1961, năm sau vẫn còn thời gian để tranh cử vào ghế UVBCT.
Nhưng đối thủ của ông Chiến là Đại tướng Nguyễn Tân Cương, sinh năm 1966, đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân đội. Xét về vai vế thì Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến thấp hơn Đại tướng Nguyễn Tân Cương. Tướng Cương còn là Uỷ viên Quân uỷ Trung ương từ cuối năm 2019, trong khi đó Hoàng Xuân Chiến chỉ mới được Tô Lâm bổ nhiệm vô chức này vào năm ngoái.
Nếu không tranh được ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì năm sau tướng Hoàng Xuân Chiến sẽ về hưu. Cho nên tương lai của ông Chiến vẫn chưa xác định được. Nhưng khả năng cao là Tô Lâm sẽ làm mọi cách để ông Chiến thắng ông Cương. Trong động thái mới nhất, Tô Lâm đã cho Nguyễn Duy Ngọc (Chủ nhiệm UBKTTƯ) đi kiểm tra quân đội, như là một đòn dằn mặt để buộc Phan Văn Giang phải giao ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho Hoàng Xuân Chiến.
Cuối cùng là một số trường hợp chưa là UVTƯĐ nhưng có thể được Tô Lâm phá lệ để đưa vô Bộ Chính trị. Lương Cường làm Chủ tịch nước khi chưa đủ một nhiệm kỳ UVBCT, Trần Thanh Mẫn cũng là Chủ tịch Quốc hội khi mới làm UVBCT được 4 năm.
Theo cách phá lệ để chêm vào chỗ trống này thì Vũ Hồng Văn (1976) là ứng cử viên sáng giá. Ông Văn quê ở Hưng Yên, vốn là thiếu tướng công an, thân tín hàng đầu của Tô Lâm (có tin đồn Vũ Hồng Văn là em họ bên vợ Tô Lâm). Tô Lâm đã nhiều lần điều tướng Văn vào miền Nam để đảm nhận các chức vụ giám đốc công an Đắk Lắk, giám đốc công an Đồng Nai, nhằm “bình định” các thế lực quan chức ở hai tỉnh này.
Năm 2023, Tô Lâm cài Vũ Hồng Văn làm Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ), rồi lên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban này, nhằm từng bước triệt hạ phe Trần Cẩm Tú và Nguyễn Phú Trọng. Tới đầu năm nay, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở UBKTTƯ, Tô Lâm lại điều Vũ Hồng Văn vào Đồng Nai làm bí thư tỉnh này. Như vậy khả năng tướng Văn có một ghế trong UVBCT cũng rất cao.