Việt Nam Thời Báo

Dự thảo Luật về hội còn những điểm “sai lệch” cần tháo gỡ

Tạp chí Tuyên giáo
(Ban Tuyên giáo trung ương)


Một phần quang cảnh Hội thảo.

Một phần quang cảnh Hội thảo.
(TG)- Đó là nhận định của đông đảo các chuyên gia tại Hội thảo “Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật về hội” do Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ NGO-IC và Hội Khoa học hành chính- VASA thuộc Liên hiệp hội Việt Nam phối hợp tổ chức sáng nay (14-10) tại Hà Nội.
Dự thảo Luật về hội (dưới đây gọi tắt là: Dự thảo Luật) được cơ quan chủ trì là Bộ Nội vụ phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan tổ chức hữu quan hoàn thiện vào ngày 10-10-2016 sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu quốc hội tại kỳ phọp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Bản Dự thảo cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến và gửi xin ý kiến các đoàn Đại biểu Quốc hội địa phương. Dự kiến bản Dự thảo (10.10.2016) sẽ  trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ hai được tổ chức vào cuối tháng 10 và tháng 11 tới.

Đã có hơn 30 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học đại diện của các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hôi nghề nghiệp; đại diện đơn vị chức năng của Bộ Nội vụ tham dự, đóng góp nhiều ý kiến sát thực, đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của các cơ quan chủ trì và soạn thảo Luật về hội; đồng thời cũng bày tỏ niềm tin tưởng và mong đợi sẽ sớm có một bộ Luật về hội được ban hành, đáp ứng sự phát triển của các tổ chức hội và xã hội.

Tuy nhiên, trên tinh thần thẳng thắn và khát khao có một bộ Luật về hội đúng tầm với quy định của Hiến pháp 2013, đảm bảo thực chất về “quyền lập hôi”, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nhiều bất cập có tính “sai lệch” cần phải được tháo gỡ trước khi trình Quốc hội thông qua. Các ý kiến phân tích ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng đều có điểm chung nhất là Dự thảo Luật lần này có tính “thụt lùi” hơn so với Dự thảo lần trước (Dự thảo 15.9.2016) do những bó hẹp về quan điểm, cách nhìn nhận, chưa hướng mạnh mẽ đến bảo đảm “quyền lập hội” mà dường như chỉ chú trọng đến công việc quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn đối với hội.y

Sự “sai lệch” của Dự thảo Luật thể hiện rõ trong nhiều điều khoản quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật (ngay từ khái niệm về hội); về quyền lập hội của cá nhân, tổ chức nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; quyền được tiếp nhận viện trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài; quyền lập hội của công dân dưới hình thức nhóm liên kết dân sự; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội (hội – không hội viên, tổ chức phi chính phủ Việt Nam); về thủ tục thành lập hội, phê duyệt Điều lệ hội, công nhận người đứng đầu hội; về các cơ chế tạo điều kiện để hội tự chủ, tự trang trải kinh phí hoạt động; nguyên tắc, điều kiện và phương thức hoạt động gây quỹ; thu hút sử dụng viện trợ không hoàn lại có yếu tố nước ngoài; quyền của cá nhân hội viên và của tập thể hội… Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra, Dự thảo Luật còn thiếu hoặc chưa phản ánh rõ các quy định về chế độ sở hữu tài sản, cơ chế giám sát tài chính của hội; các quy định nhằm thực thi chính sách giảm bao cấp đối với hội công lập; quy định về cơ chế góp ý kiến nhằm thực thi chủ trương của Đảng “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”; quy định về tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam… Trong khi, nhiều điều khoản lại can thiệp quá sâu vào hoạt động của Hội- Nhiều khoản chỉ cần theo điều lệ của hội lại bị “lấn lướt” quá sâu bởi cụm từ rất phổ biến trong Dự thảo Luật “theo quy định của pháp luật”; Dự thảo Luật vẫn còn thể hiện rõ tư duy bao cấp, quan liêu và cơ chế xin-cho, dẫn đến tình trạng công chức ngộ nhận và dễ lạm quyền trong quản lý hội. Các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện điều khoản cụ thể trong Dự thảo Luật, đảm bảo thể hiện đầy đủ tính dân chủ, tính pháp lý tối thượng của quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định và tính kế thừa của Luật gốc – Luật số 102-SL/L-004 ngày 20-5-1957- Quy định “quyền lập hội” được được Quốc hội Khóa I biểu quyết thông qua trong kỳ họp thứ 6, là Bộ luật ngắn gọn chỉ trong 12 điều (2 trang) nhưng đầy đủ, rõ ràng về “Quyền lập hội”.  

Kêt luận Hội thảo, ông Thang Văn Phúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học hành chính nhất trí với các ý kiến đề xuất của các chuyên gia và khẳng định rằng, nếu Dự thảo Luật về hội lần này được Quốc hội thông qua mà không tiếp tục được chỉnh sửa, sẽ không đạt được mục tiêu thể chế hóa quyền lập hội của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật lần này chưa thể hiện đầy đủ tính pháp lý tối thượng của quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định; thiếu tính kế thừa của Luật gốc. E rằng, nếu được thông qua, Luật về hội sẽ gặp sự phản ứng của cộng đồng xã hội. Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp các ý kiến và có bản kiến nghị chung tới các cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất, trước khi dẫn đến việc thông qua Luật này. Trong đó, thể hiện rõ nội dung đề nghị Quốc hội cân nhắc, dành thêm thời gian để hoàn thiện Dự thảo Luật và có thể để lùi lại việc thông qua vào kỳ họp sau trong năm 2017.

Tin & ảnh: Phương Vinh

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo