Đáp ứng chiến dịch vận động chính giới Đức của DĐVN 21, Đặc ủy của chính quyền Liên Bang về Chính Sách Nhân Quyền và Trợ Giúp Nhân Đạo, Christoph Strässer đã lên tiếng về việc bắt giam nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Văn Đài vào ngày 16/12/2015: “Tôi đã bị sốc khi được tin nhà bảo vệ Nhân Quyền, Luật sư và Blogger Nguyễn Văn Đài đã bị bắt giam hôm nay ở Việt Nam. Tôi nhận biết ông là một người đối thoại nhiệt thành khi gặp hồi tháng sáu ở Hà Nội, một người dấn thân cho tự do ý kiến ở đất nước ông. Hoàn cảnh của ông đã là đề tài của cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên minh Âu châu và Việt Nam ngay trong ngày trước khi ông bị bắt. Tôi đòi hỏi nhà chức trách Việt Nam hãy hủy bỏ các cáo buộc đối với ông Nguyễn Văn Đài và trả lại tự do ngay cho ông ta.“
Song song những phản đối của CHLB Đức, nhiều dân biểu trong Nghị viện Âu châu cũng đã bầy tỏ sự bất bình về các biện pháp trấn áp những người đối lập của chính quyền CSVN. Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và các Đại sứ của các Quốc gia Thành viên Liên Minh Âu Châu (EU) tại Việt Nam cho rằng quyết định bắt và khởi tố ông Nguyễn Văn Đài đã gây thất vọng bởi vì nó diễn ra vào đúng ngày Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam thường niên được tổ chức tại Hà Nội và ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Bruxelles và tại đây Việt Nam và EU đã chính thức công bố kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do song phương. Ông Andrus Ansip, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã nêu việc bắt giữ ông Nguyễn Văn Đài trong một phiên họp của Nghị viện châu Âu. Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu và các Đại sứ của các Quốc gia Thành viên EU nhắc lại quyền cơ bản của tất cả mọi người là quyền tự do ý kiến và biểu hiện ý kiến một cách hòa bình theo Tuyên bố Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên.
“Qua nỗ lực của chúng tôi, bản báo cáo đã phê bình về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Nghị viện cũng lên án việc áp dụng án tử hình và sự đàn áp tự do ngôn luận và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Nghị viện Âu châu cũng đòi hỏi trả tự do lập tức cho ít nhất 60 tù nhân chính trị“.
Về trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt giam, bà Lochbihler tuyên bố: “Việc bắt giữ cho thấy rằng chế độ này vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ chính sách đàn áp chống lại các nhà phê bình. Trong quá khứ Nguyễn Văn Đài từng đã bị tù mấy năm vì các hoạt động của ông. Ngay cả bên ngoài nhà tù, ông liên tục bị truy bức. Ông phải được trả tự do ngay lập tức ! ” và bà khẳng định: “Trường hợp này cho thấy một lần nữa tầm quan trọng của nó là không thể bỏ qua tình hình nhân quyền trong khi hợp tác với nước này“.
Nghị sĩ Barbara Lochbihler cũng là phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Nghị viện Âu châu. Đầu tháng 11/2015, bà sang thăm Việt Nam trong phái đoàn Nghị sĩ Âu châu, ngoài chương trình chính thức bà đã tiếp xúc với một số công nhân tại một địa điểm tư vấn lao động do Friedrich-Ebert-Stiftung tổ chức.