Việt Nam Thời Báo

Dừng mua điện Trung Quốc giá cao và không tăng giá điện?

VNTB: Quá nhiều phản ứng của dư luận đối với âm mưu tăng giá điện đến 9,5% vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015 đã khiến Bộ Công thương – cơ quan ‘bảo kê truyền thống’ cho EVN – phải chùn tay. 
Thông tin mới nhất là lãnh đạo bộ này đang ‘tâm tư’ về chuyện có khả năng hoãn lại việc tăng giá điện điện đến nửa cuối năm 2015 và có thể dừng việc mua điện giá cao từ Trung Quốc.
Một động tác hứa hẹn để xoa dịu phản ứng dư luận như vẫn thường diễn ra chăng?
Cần nhắc lại, từ năm 2006 đến nay, EVN liên tục nhập khẩu điện với giá cao gấp 3 lần giá thành sản xuất điện trong nước, từ đó dẫn tới rất nhiều nghi ngờ về tính ‘liêm khiết’ của lãnh đạo ngành điện. 
Tuy nhiên, tất cả vẫn đóng khung trong hai từ ‘có thể’. Kinh nghiệm xương máu ở Việt Nam là bất cứ khi nào dư luận trở thành ‘cừu’, các nhóm lợi ích tham tàn sẽ lập tức biến thành ‘sói’. 

———————–

Hoãn tăng giá điện?

Ngành điện đang có nhiều lợi thế về chi phí đầu vào. Vì vậy, theo các chuyên gia, EVN không lý gì cứ khư khư theo lộ trình để đòi tăng giá điện

Xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 24-12, người phát ngôn Bộ Công Thương – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – khẳng định đến thời điểm này, chưa có bất cứ quyết định nào về việc tăng giá điện. Một nguồn tin khác cũng cho biết nhiều khả năng giá điện sẽ không tăng vào cuối năm 2014 – đầu năm 2015 mà sẽ lùi đến nửa sau năm 2015. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân vẫn sẽ được giữ ổn định theo mức điều chỉnh từ ngày 1-8-2013 là 1.509 đồng/KWh.
Dừng mua điện Trung Quốc giá cao?
Theo nhận định của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện năm 2015 dự kiến đạt 11,16%. Các nguồn điện mới sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2015 có tổng công suất khoảng 2.500 MW. Xét đến cân đối giữa nhu cầu điện và khả năng cung cấp thì ngành điện hoàn toàn có thể bảo đảm an ninh cung cấp điện trong năm 2015. Do đó, phương án nhập khẩu điện từ Trung Quốc trong năm 2015 cũng sẽ được xem xét.
Báo cáo nhiệm vụ thực hiện kế hoạch tháng 1-2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chỉ đề cập việc xem xét mua điện Trung Quốc hợp lý theo nhu cầu phụ tải khu vực. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cho hay năm 2015, nguồn cung thủy điện sẽ có dự phòng khoảng 25%-30%. Đồng thời, hợp đồng mua điện Trung Quốc với giá cao hơn rất nhiều so với giá mua từ thủy điện trong nước cũng sẽ chấm dứt khi kết thúc năm 2014.
Thực tế, theo số liệu của Bộ Công Thương, lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2014 theo kế hoạch là 2.460 triệu KWh, giảm 26,4% so với năm 2013. Tính chung 10 tháng đầu năm 2014, sản lượng điện nhập khẩu từ nước này là 1.723,3 triệu KWh, giảm 40,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: “Giá điện đã được giảm áp lực mua điện Trung Quốc giá cao ngay trong năm 2014 và năm 2015 dự kiến sẽ trút bỏ được hoàn toàn gánh nặng này. Nếu thủy điện trong nước được huy động nhiều hơn thì chắc chắn chi phí mua điện của EVN sẽ giảm đáng kể. Đây chính là yếu tố thuận lợi giúp giá điện bớt căng thẳng”.
Ngoài ra, việc giá xăng dầu vừa tiếp tục giảm sâu với mức kỷ lục trong năm khi dầu diesel giảm 1.420 đồng/lít xuống 16.990 đồng/lít, dầu ma dút giảm 1.690 đồng/kg xuống còn 13.130 đồng/kg cũng tạo thuận lợi cho ngành điện. Đây chính là 2 loại nhiên liệu được dùng trong phát điện chạy dầu hiện nay.
“Như vậy, diễn biến thực tế cho thấy giá các yếu tố đầu vào đã giảm, việc điều chỉnh giá điện cũng phải tuân theo chi phí đầu vào, không phải muốn tăng giá là tăng” – chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long nêu ý kiến.
EVN đang lãi lớn
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, một lý do khá thuyết phục vẫn được “nhà đèn” đưa ra khi đề xuất tăng giá điện là yêu cầu đầu tư cho ngành này rất lớn nên cần nguồn vốn dồi dào. Nguồn vốn để đầu tư này về nguyên tắc được hạch toán vào giá điện. Tuy nhiên, theo ông Phong, đầu tư cho ngành điện cần đến cả nguồn vốn xã hội hóa, không thể đặt gánh nặng hoặc tạo cơ chế cho một mình EVN “ôm” hết.
Ông Phong cho rằng những năm qua, EVN đã lãi lớn nên rất cần có động thái chia sẻ phần lãi với người tiêu dùng, với hoạt động đầu tư, nhất là trong bối cảnh ngành điện đang có nhiều lợi thế về chi phí đầu vào.
Thực tế, năm 2012, tập đoàn này có tổng lợi nhuận khoảng 5.000 tỉ đồng trên tổng doanh thu bán điện hơn 143.000 tỉ đồng. Lợi nhuận hợp nhất năm 2013 của EVN đạt trên 9.000 tỉ đồng trên tổng doanh thu 177.000 tỉ đồng. Đáng lưu ý, trước đó, EVN đã tăng giá điện 5% vào ngày 22-12-2012 và thu lợi khoảng 7.000 tỉ đồng. Lần tăng giá điện tiếp theo với 5% vào ngày 1-8-2013 cũng giúp EVN thu lợi tương đương.
Theo báo cáo của EVN, chỉ riêng doanh thu bán điện tháng 12-2014 đã ước đạt 16.404 tỉ đồng, tăng 14,42% so với cùng kỳ. Doanh thu bán điện lũy kế 12 tháng năm 2014 ước đạt 198.858 tỉ đồng, tăng 15,59% so với năm 2013. Là chuyên gia am tường về hoạt động của EVN, ông Trần Viết Ngãi dự đoán với tình hình sản xuất, kinh doanh như hiện nay, ngành điện có thể “lãi hàng trăm tỉ đồng” trong năm 2015.
“Nhà đèn không nên “cậy” đã được Chính phủ phê duyệt lộ trình tăng giá điện để tăng mà bất chấp diễn biến thực tế. Bởi lẽ, hiện EVN đã có lãi và sẽ có thêm lợi nhuận từ giá dầu giảm quá mạnh, bớt gánh nặng mua điện Trung Quốc giá cao, nguồn thủy điện trong nước dồi dào, các dự án điện được đầu tư và đưa vào hoạt động đạt tiến độ… Vì vậy, không lý gì cứ khư khư theo lộ trình để đòi tăng giá” – TS Nguyễn Minh Phong phân tích.

EVN đầu tư vượt kế hoạch

Số liệu của EVN cho thấy về đầu tư xây dựng, lũy kế cả năm 2014 đạt 125.954 tỉ đồng, bằng 101,93% so với kế hoạch năm. Trong đó, đầu tư nguồn điện đạt 62.833 tỉ đồng, bằng 107,03% kế hoạch; đầu tư lưới điện truyền tải và phân phối đạt 32.216 tỉ đồng, bằng 103,02% kế hoạch; trả nợ gốc, lãi vay và góp vốn đầu tư nguồn điện đạt 30.541 tỉ đồng, bằng 92,20% kế hoạch…


>>> Sữa, xăng, điện: Đằng sau bình yên của ‘vùng nhạy cảm’

Theo Phương Nhung
Người lao động

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.