Việt Nam Thời Báo

EVN tăng giá điện để bù lỗ 8.000 tỷ

EVN sẽ đối mặt với khoản lỗ 12.000 tỷ đồng trong năm nay nếu không tăng giá điện, tập đoàn này cho biết
Chính phủ Việt Nam vừa cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện lên 7,5% để giúp giảm khoản lỗ 8.000 tỷ đồng, truyền thông trong nước đưa tin.
Báo Tuổi Trẻ cho biết mức giá mới, 1.622,05 đồng/kWh, sẽ được chính thức áp dụng từ ngày 16/3.
Cũng báo này dẫn thông tin từ Bộ Công Thương và đại diện EVN thông báo trong cuộc họp với các thành viên chính phủ hôm 5/3 cho biết EVN sẽ đối mặt với khoản lỗ 12.000 tỷ đồng trong năm 2015 nếu giá điện không được điều chỉnh.
Việc điều chỉnh giá điện, ngoài đảm bảo giúp EVN tránh lỗ, còn phải đảm bảo tăng trưởng GDP vẫn đạt 6,2% và lạm phát được kiểm soát khoảng 5%, theo Tuổi Trẻ.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng được truyền thông trong nước dẫn lời nói tại cuộc họp yêu cầu Bộ Công thương và EVN “tổ chức tuyên truyền và thông tin sâu rộng” về việc điều chỉnh giá điện cho người dân.
Báo Người Đưa Tin dẫn lời Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải nói đề xuất tăng giá điện của EVN là “hoàn toàn hợp lý”.
“Giá than đến thời điểm này đã tăng 22%, trong khi lượng điện do sản xuất nhiệt điện chiếm 32,7%”, ông nói.
“Giá khí cũng đã tăng rất nhiều lần trong năm 2014, rồi tỷ giá bình quân cũng tăng, thuế tài nguyên nước cũng tăng từ 2 lên 4% … khiến giá điện thấp hơn giá thành”.

Quyết định ‘bất khả kháng’

Trả lời BBC ngày 6/3, kinh tế gia Hà Huy Thành cho rằng việc cho phép tăng giá điện là “quyết định bất khả kháng của chính phủ”.
“Họ bắt buộc phải làm vậy để duy trì khả năng cung cấp điện cho toàn quốc. Không thể bán ra thấp hơn giá thành hoặc thấp hơn chi phí tải điện”, ông nói.
Ông Thành cho rằng hoạt động kinh doanh “nhiều bất cập” của EVN đang khiến tập đoàn này đối mặt với nhiều khó khăn.
“Thứ nhất là việc tải điện, để đảm bảo cho các vùng miền đều có điện để sử dụng thì một mạng lưới điện dày đặc được xây dựng,” ông nói.
“Việt Nam có tỷ lệ người dân được dùng điện cao so với các nước, thế nhưng do cơ sở hạ tầng kém nên sự thất thoát điện là rất cao.”
Dù giá điện ở Việt Nam rẻ hơn so với các nước trong khu vực, nhưng ở các nước khác, như Singapore, hệ thống tải điện của họ rất tốt, giúp giảm thất thoát trên đường điện”.
“Nếu về Việt Nam mà xem xét thì thấy chằng chịt các loại cột, đồng hồ đo điện thì cũ nát, dây diện thì nối hết đoạn này qua đoạn khác”.
Trong tin ngày 5/3, Tuổi Trẻ cho biết tỷ lệ tổn thất điện năng hiện nay tại Việt Nam là 8,49%.
Ông Thành cũng cho rằng EVN cần giản lược và hiện đại hóa việc quản lý và thu tiền điện.
“Hiện nay ở các khu vực nông thôn thì cơ quan thu tiền điện, kinh doanh điện lại chưa giao hết được cho EVN.”
“EVN vẫn để cho các hợp tác xã tự kinh doanh và họ có thể ghi sai, tự tiện cắt điện hay tự tiện tăng giá. Điều này tôi thấy nông dân cũng hay phàn nàn.”
“Bên cạnh đó, cần có sự điều tiết đặc biệt để giảm chi phí đầu vào. Hiện nay Việt Nam còn mua điện của Trung Quốc, Campuchia hay Lào tương đối nhiều, trong khi nguồn thủy điện trong nước như Thác Bà hay Hòa Bình vẫn chưa hoạt động kinh tế lắm.”
“EVN cần cải tổ mạnh mẽ hơn, từ vấn đề nhân sự cho đến các hệ thống phát điện, tải điện chứ không phải chỉ tăng giá điện”, ông nói thêm.
BBC

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.