Việt Nam Thời Báo

Fidel Castro, người vắng bóng trong tiến trình hòa giải Mỹ – Cuba

media
Cựu lãnh đạo Cuba Fidel Castro tiếp người đứng đầu một hội văn nghệ thân chính quyền, La Habana, 08/01/2014.

Là nhân vật trung tâm của chế độ cộng sản Cuba, người hùng chống đế quốc Mỹ trong nhiều thập kỷ, cựu Chủ tịch Fidel Castro, rút lui khỏi quyền lực vì lý do sức khỏe, là người hoàn toàn vắng bóng trong quá trình xích lại gần nhau giữa Cuba và Hoa Kỳ.

Từ khi cú sốc này được loan báo hôm thứ Tư, mở ra một kỷ nguyên mới giữa hai quốc gia mà bờ biển chỉ cách nhau có 150 km, vị « Comandante » (Chỉ huy trưởng) hoàn toàn vắng bóng trên các phương tiện truyền thông Cuba.
Chính Fidel năm 2001 đã hứa hẹn với nhân dân là sẽ đạt được bằng mọi giá việc trả tự do cho các điệp viên Cuba, bị tư pháp Mỹ trừng phạt nặng nề vì tội làm gián điệp. Thế nhưng người em Raul Castro mới là người ôm hôn các « anh hùng của đất nước » được quay trở về La Habana trong khuôn khổ trao đổi tù nhân, diễn ra đồng thời với tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ.
Việc phóng thích này cùng với sự hòa giải với Mỹ quốc « cũng là chiến thắng của Fidel, nhưng tôi cho rằng, đáng tiếc là tình trạng sức khỏe không cho phép ông ta xuất hiện » – một nhà ngoại giao phương Tây nhận định.
Về phía Gabriel Molina, khuôn mặt kỳ cựu của báo chí Nhà nước Cuba và là cựu chủ nhiệm nhật báo lớn Granma khẳng định: « Fidel không thể ra mặt, nhưng đây là thành tựu của nỗ lực ngoại giao trong đó ông ấy có nhúng tay vào, chắc chắn là như thế ».
Sau nửa thế kỷ nắm quyền hành tuyệt đối, Lider Maximo (Lãnh tụ tối cao) đã nhường chức Chủ tịch cho người em hôm 31/07/2006, sau khi trải qua một cuộc giải phẫu lớn. Ban đầu chỉ là tạm thời, quyết định này đã trở thành chính thức vào tháng 2/2008.
Năm nay đã 88 tuổi, tình trạng sức khỏe của Fidel luôn là một câu hỏi lớn, trong khi các lần xuất hiện và các « suy ngẫm » của ông trên báo chí Cuba ngày càng hiếm hoi. Lần cuối cùng Fidel xuất hiện trước công chúng là vào tháng 1/2014, nhân dịp khai trương một phòng triển lãm tranh ở phía tây La Habana. Đến tháng Bảy, ông tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại tư gia, nhưng không có quay phim, chụp hình. Chỉ có một vài pô ảnh ghi lại những khoảnh khắc đàm đạo này.
« Fidel không thể thay thế »
Từ đó đến nay, Fidel Castro chỉ lên tiếng có hai lần vào tháng 10, với các bài viết đăng trên báo chí nhà nước Cuba, biểu hiện một sự thay đổi quan điểm từ phía La Habana. Một bài ca ngợi « sự hết sức khôn ngoan » của một cây bút xã luận tờ New York Times, trong một bài viết kêu gọi Mỹ bỏ cấm vận. Bài thứ hai đề nghị hợp tác với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống virus Ebola.
Theo một viên chức Mỹ, Fidel Castro không tham gia các cuộc thương thảo được tiến hành vô cùng bí mật từ tháng 6/2013 dưới sự bảo trợ của Canada, và sự ủng hộ mang tính quyết định của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Nhưng đa số các nhà quan sát ở Cuba cho rằng việc xích lại gần người láng giềng bị phỉ nhổ trước đây đã được Fidel tán thành, vì Raul không bao giờ muốn qua mặt người anh nổi tiếng. Khi lên nối ngôi năm 2006, Raul đã khẳng định : « Fidel là người không thể thay thế được. Tất cả những quyết định quan trọng đều sẽ tham khảo ý kiến của ông ».
Hôm thứ Tư, Raul đã nhiều lần nêu tên Fidel, nhắc lại lời hứa năm 2001 và nhấn mạnh rằng mặc cho tiến trình hòa giải, Cuba không hề nhượng bộ trong những vấn đề chủ chốt… như Fidel Castro đã tuyên bố trước đây.
Dù vậy, nhiều chuyên gia và nhà ngoại giao tại La Habana đều cho rằng việc xích lại gần với Mỹ không thể có được nếu Fidel Castro còn lãnh đạo.
Là khuôn mặt của cuộc chiến tranh lạnh, ông đã thách thức được 11 đời Tổng thống Mỹ khác nhau, thoát chết qua rất nhiều âm mưu ám sát, cũng như vụ đổ bộ thất bại lên Vịnh Con Heo do những người tị nạn Cuba tiến hành với sự hỗ trợ của CIA tháng 4/1961.
Những lời lẽ đả kích chủ nghĩa đế quốc Mỹ vẫn còn được tất cả mọi người ghi nhớ, và Lider Maximo ngay cả trước khi chinh phục được quyền lực năm 1959 còn thổ lộ rằng cuộc chiến chống Mỹ là « định mệnh » thực sự của mình.
Nhà ngoại giao phương Tây trên đây nhận định : « Fidel tuyệt đối chống Mỹ, trong khi Raul có tầm nhìn thực dụng hơn, đặt lên hàng đầu những gì có lợi nhất cho đất nước ». Trên thực tế, với những cải cách của mình, với các tuyên bố hòa dịu và chính sách ngoại giao, Raul đã chuẩn bị cái nền cho mối quan hệ mới với người láng giềng khổng lồ, có thể mang lại các tác động có lợi cho người dân Cuba.
RFI

Tin bài liên quan:

Bi kịch “Xã hội chủ nghĩa kiểu Venezuela”: Không được mua thực phẩm quá hai lần một tuần *

Phan Thanh Hung

Không bình thường: TTXVN ủng hộ đưa Kim Jong – Un ra tòa quốc tế (*)

Phan Thanh Hung

Kinh tế Nga “khủng hoảng toàn diện”, người dân lao đao

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.