Đất Việt
Gói mua trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Tâm thần kinh giá 5,6 tỉ đồng nhưng được kê lên 16,7 tỉ đồng
Theo thông tin từ Kiểm toán Nhà nước cho biết, có nhiều gói mua sắm dù giá trị thực tế thấp nhưng được kê vượt gấp nhiều lần. Trong đó, gói mua trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Lao phổi có giá trị thực 12,1 tỉ đồng nhưng được kê lên 22,3 tỉ đồng; gói mua máy thở tại Bệnh viện tỉnh có giá 6,6 tỉ đồng nhưng được kê 10,1 tỉ đồng; gói mua trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Tâm thần kinh giá 5,6 tỉ đồng nhưng được kê lên 16,7 tỉ đồng, gói mua trang thiết bị y tế cho Bệnh viện huyện Chư Pứh chỉ 9,6 tỉ đồng nhưng được kê lên 22,1 tỉ đồng.
Thiết bị y tế đắp chiếu. Ảnh minh họa |
Kiểm toán cũng chỉ ra nhiều trang thiết bị Sở Y tế tỉnh Gia Lai do Giám đốc Mai Xuân Hải “chỉ đạo” dùng ngân sách nhập về hàng tỉ đồng nhưng không có nhu cầu sử dụng, gây lãng phí.
Cụ thể, tại BV Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai, 55 thiết bị chưa đưa vào sử dụng do bệnh nhân quá ít, còn 49 thiết bị khác không hoạt động hết công suất. Ngoài ra, có đến 10 thiết bị khác BV Lao phải đề nghị trả lại, một số thiết bị cán bộ không biết sử dụng.
Tại BV Ayun Pa, Sở Y tế mua máy móc Trung Quốc đã hết hạn sử dụng. Quá trình sử dụng bị trục trặc, liên tục cho ra kết quả không chính xác. Thậm chí lúc hư đề nghị sửa, phía sản xuất (Trung Quốc) đưa ra “yêu sách” bệnh viện phải mua hóa chất sử dụng cho thiết bị thì mới chịu trách nhiệm cài đặt, vận hành. Giá trị của máy móc, thiết bị được xác định lãng phí lên đến hàng tỉ đồng.
Dự án Khu điều trị nội tổng hợp 100 giường bệnh tại bệnh viện đa khoa có tổng mức đầu tư trên dưới 20 tỉ đồng, đưa vào sử dụng từ ngày 16/4/2013. Tuy vậy, bốn năm nay không hiểu nguyên do, Sở Y tế tỉnh Gia Lai không thể quyết toán.
Theo nguồn tin của Tuổi trẻ cho biết, nguồn kinh phí mua sắm nói trên là nguồn vốn đầu tư phát triển và cả bảy gói thầu mua sắm đều bị kê chênh lệch.
Riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, bệnh viện này đã mua kính hiển vi phẫu thuật thần kinh cột sống, qua kiểm toán phát hiện chênh lệch so với thị trường 8,7 tỉ đồng.
Ngày 17/3, ông Mai Xuân Hải, giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cho biết đã có giải trình lại các nội dung trên.
Nơi đắp chiếu, nơi xếp hàng
Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố kết quả thanh tra quá trình công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị và công trình y tế tại Bộ Y tế, giai đoạn 2011 – 2014.
Kết quả thanh tra phát hiện nhiều trang thiết bị y tế được đầu tư tiền tỉ nhưng bị đắp chiếu.
Điển hình, năm 2012, Sở Y tế Quảng Bình cấp cho BV Đa khoa Đồng Hới 1 máy điện tim nhưng BV này không sử dụng do không có loại giấy in cho thiết bị. Tại trung tâm Y tế dự phòng tỉnh này có 1 tủ sinh học do Dự án ADB cấp năm 2013 nhưng cũng không sử dụng vì không có phòng để lắp đặt; 2 máy PCR và máy X quang xách tay do Dự án phòng chống H5N1 cấp từ năm 2009 đến nay vẫn “đắp chiếu” do không có hóa chất và phòng rửa phim.
Hay tại nội dung báo cáo do UBND tỉnh Đắk Lắk cho thấy: năm 2010, Sở Y tế Đắc Lắk tự dùng tiền của gói thầu số 10 (không nằm trong nội dung mua sắm trang thiết bị) để mua 111 bộ máy tính trị giá hơn 2,8 tỷ đồng. Đến nay toàn bộ số máy tính này vẫn nằm “đắp chiếu” trong kho của… nhà cung cấp là Công ty CP Chương Dương (TP.Hồ Chí Minh). Tiếp đó, từ năm 2012- 2014, ngành Y tế Đắk Lắk chi hơn 150 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị cho các đơn vị trực thuộc, quá trình thực hiện cũng có nhiều sai phạm, gây thất thoát hàng chục tỉ đồng ngân sách.
Báo cáo cũng chỉ rõ, có thiết bị trong hợp đồng là do Mỹ sản xuất, nhưng thực tế là hàng không nhãn mác; trong hợp đồng là hàng Nhật Bản, nhưng thực tế là nhãn mác Trung Quốc… như tại các Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo, huyện Lắk.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar và Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, mỗi đơn vị được mua nhiều thiết bị trị giá từ hàng trăm triệu đồng từ năm 2012, đến nay vẫn đắp chiếu.
Đặc biệt, hệ thống mổ nội soi trị giá 1,5 tỷ đồng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắk trị giá 1,5 tỷ đồng, được mua sắm từ năm 2013, đến thời điểm thanh tra vẫn chưa một lần sử dụng.
Trong khi có tình trạng thiết bị y tế tại các bệnh viện tuyến huyện mua về hàng tỷ nhưng bị “phủ bụi” thì ở Trung ương vẫn rơi cảnh xếp hàng vì quá tải.
Kỹ sư Nguyễn Xuân Bình, Nguyên Vụ trưởng Vụ TTB&CTYT – Bộ Y tế, Chủ tịch Hội thiết bị y tế Việt Nam cho biết, thực ra các trang thiết bị được phân cho, các bệnh viện đều rất cần, nhưng họ chưa nắm được về cách sử dụng máy móc cho nên không dám sử dụng, đây chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng quá tải ở các bệnh viện Trung Ương.
Bởi vì, tại nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, nếu thiết bị hiện đại được sử dụng hiệu quả thì người dân sẽ được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, không phải “vượt tuyến”. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có các BV tuyến trung ương làm được điều này, nhưng không phải nơi nào cũng làm tốt.
An An