Việt Nam Thời Báo

Giá xăng dầu còn rẻ hơn nếu Bộ Tài chính “chơi” đúng luật

Minh Tâm

(VNTB) – Viện dẫn “cam kết WTO” để tăng thuế, song Bộ Tài chính lại “quên” cam kết việc thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018…
Giá dầu hạ khi dự báo mới nhất của Bloomberg cho thấy dự trữ dầu của Mỹ đang có dấu hiệu tăng thêm khoảng 1,75 triệu thùng, lên mức 384,1 triệu thùng, làm trầm trọng thêm tình trạng cung vượt cầu của mặt hàng quan trọng này.


Trong khi đó, Bộ trưởng năng lượng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei cho biết vẫn sẽ kiên định mở rộng năng lực sản xuất từ gần 3 triệu thùng/ngày hiện nay lên 3,5 triệu thùng/ngày tới năm 2017, ngay cả trong tình huống giá cả không ủng hộ.
Dầu hạ khiến giá xăng nhập từ Singapore đang vào khoảng dưới 53 USD/thùng, tương đương 7.080 đồng/lít. Cộng thêm các loại thuế và phí, giá cơ sở của xăng A92 tại VN dưới 17.000 đồng/lít, thấp hơn khoảng 570 đồng/lít so với mức giá bán lẻ hiện hành 17.570 đồng/lít.
Đáng lưu ý, giá xăng dầu thế giới vẫn giảm khá mạnh nhưng giá trong nước chỉ giảm nhẹ do Bộ Tài chính đã quyết định tăng khá mạnh thuế nhập khẩu xăng dầu.
Theo đó, xăng sẽ chịu mức thuế nhập khẩu 35% (từ mức 27%). Thuế với dầu diesel cũng tăng thêm 7%, từ 23% lên mức 30%. Dầu hoả tăng thuế mạnh nhất: 9%, từ 26% lên mức 35%. Dầu mazut cũng chịu mức thuế tăng, từ 24% lên 35%.
Lý do tăng giá được Bộ Tài chính giải thích như sau: Theo Nghị quyết 295/2007/NQ-UBTVQH12 ngày 28-9-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất ưu đãi đối với từng nhóm hàng, thì khung thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu 0-40%; cam kết WTO năm 2015 đối với mặt hàng xăng, dầu cũng là 0-40%.
Do đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 03/2015/TT-BTC điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu với các mức thuế suất phù hợp với mức khung thuế suất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phù hợp với cam kết WTO và phù hợp với mức thuế suất tối đa nêu tại Công văn 17728/BTC-CST ngày 4-12-2014 của Bộ Tài chính.
Viện dẫn “cam kết WTO” để tăng thuế, song Bộ Tài chính lại “quên” cam kết việc thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018, Bộ Tài chính đã có Thông tư 165/2014/TT-BTC, Ban hành biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Tại biểu thuế ATIGA này, các mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN có mức thấp hơn đáng kể so với các mức thuế suất trong biểu thuế ưu đãi theo Thông tư 03/2015/TT-BTC.
Cụ thể, xăng dầu có mã HS 2710 có thuế nhập khẩu chỉ là 20% trong giai đoạn 2015-2018. Đối với nhiên liệu diesel cho ô tô thuộc mã HS 27101971 và 27101972 có thuế nhập khẩu là 5% cho năm 2015 và sau đó về 0% từ năm 2016-2018. Dầu nhiên liệu có mã HS 27101979 có thuế suất 0% từ năm 2015-2018…
Số liệu của Bộ Công thương, cũng như thống kê của hải quan cho hay, tính đến hết 11 tháng năm 2014, cả nước nhập khẩu 7,88 triệu tấn xăng dầu với trị giá là 7,23 tỷ USD. Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2014 chủ yếu có xuất xứ từ Singapore với 2,46 triệu tấn, Thái Lan là 757.000 tấn, Malaysia là 373.827 tấn, Trung Quốc là 1,54 triệu tấn, Hàn Quốc là 553.000 tấn, Đài Loan là 1,16 triệu tấn.
Nếu muốn đảm bảo cân đối ngân sách thì ngoài tăng thuế xăng dầu thì cũng còn cách là giảm tham nhũng, lãng phí, các khoản chi tiêu công ít cần thiết…

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.