Thảo Vy
(VNTB) – Gần nhất là câu chuyện lá phiếu tín nhiệm tiếp tục “đóng dấu mật” ở Hội nghị Trung ương 10. Liệu có những cái “giả” nào ở đây đã được “mũ ni che tai”
22% vi phạm
Gần đây, chuyện “giả” được nhắc… công khai, thậm chí còn được “xác nhận” từ cơ quan công quyền.
Công bố vào ngày 15-01-2015, một báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết trong năm 2014, số lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có dấu hiệu trái pháp luật vẫn gia tăng. Theo đó, ở 10 tháng đầu năm 2014, các Bộ, cơ quan, địa phương đã kiểm tra và phát hiện 9.017 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản (chiếm tỷ lệ 22%). Trong số đó có hơn 1.500 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản.
Năm 2014, Bộ Tư pháp cũng đã phát hiện 885 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp. Hiệu ứng “domino” dắt dây của tỷ lệ gần 1/4 VBQPPL “vi hiến” ra sao và hệ lụy thế nào là điều chưa thấy nêu ở báo cáo nói trên.
Liên quan nội dung của báo cáo, người đứng đầu Bộ Tư pháp cho rằng năm nay chuyện “vi hiến” trong VBQPPL vẫn tiếp tục xảy ra vì “Hiện nay chưa có cơ chế tiền kiểm hiệu quả đối với thông tư, thông tư liên tịch. Nếu không có đóng góp của nhân dân, không có sự đóng góp của cán bộ địa phương thì vẫn còn tình trạng pháp luật trên trời”.
“Chúng tôi đã có văn bản trao đổi nhưng Bộ Công an trả lời hiện chưa có cơ chế trích xuất cho người đang thi hành án phạt tù được ra ngoài đăng ký kết hôn…”. Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch quốc tịch và chứng thực Bộ Tư pháp cho biết quy định hiện không cấm người thi hành án tù và chuẩn bị thi hành tử hình được kết hôn, tuy nhiên thủ tục đăng ký kết hôn không thực hiện được vì công an không “trích xuất tù”. Và điều này chỉ là một dẫn chứng trong vô vàn nguyên nhân vì sao có quá nhiều VBQPPL “dấu hiệu vi hiến”.
Khi xây dựng một chính sách có liên quan đến nhiều bộ, ngành với những quyền lợi khác nhau, thậm chí xung đột thì bộ, ngành nào cũng kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình, nhưng khi bị dư luận phản ứng thì tất cả đều chối bỏ trách nhiệm…
Một đơn cử thời sự: Đưa vào thực hiện từ ngày 01-01-2015 về danh mục mới về thuốc được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả (giảm tỉ lệ chi trả 28 loại thuốc, trong đó có những thuốc điều trị ung thư, viêm gan…), khi bị dư luận phản ứng thì Bộ Y tế mới “lắng nghe tâm tư người bệnh” để điều chỉnh. Khi ấy, Bộ Y tế mới “đồng ý” rằng khi xây dựng danh mục thuốc BHYT thì lẽ ra phải lấy ý kiến của người bệnh, của cơ sở y tế, của hệ thống phân phối thuốc…
VBQPPL có tỷ lệ 22% “dấu hiệu vi hiến” còn cho thấy đây là hệ lụy kéo dài của việc “quy hoạch cán bộ” thiếu minh bạch.
“Mũ ni che tai”
Đầu năm nay, ông Lê Hữu Uyển, Trưởng phòng nghiệp vụ y kiêm người phát ngôn báo chí của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết Sở mới đây đã có kết luận thanh tra về việc tiến hành rà soát bằng cấp của tất cả các cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn. Theo đó, toàn tỉnh Thanh Hóa có tới 20 trường hợp dùng bằng chuyên môn giả như: dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm…
Quý 3-2014, Giám đốc sở Công thương Gia Lai – Huỳnh Ngọc Tục bị phát hiện sử dụng giấy chứng nhận cấp 3 giả để học đại học, cao cấp chính trị. Suốt 37 năm, ông Tục “che mắt” các cơ quan của tỉnh Gia Lai để được đề bạt, đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Khi vụ việc bị phát giác, giám đốc Sở Công Thương chỉ bị kỷ luật cảnh cáo, thời hiệu 12 tháng. Không biết có bao nhiêu văn bản đã được ký ban hành từ ông giám đốc này?
Vấn đề lớn hơn đặt ra: vì sao bằng giả, kiến thức giả vẫn có thể có bằng thật về “cao cấp chính trị” – một loại văn bằng bắt buộc phải có trên con đường hoạn lộ tại Việt Nam?
Gần nhất là câu chuyện lá phiếu tín nhiệm tiếp tục “đóng dấu mật” ở Hội nghị Trung ương 10. Liệu có những cái “giả” nào ở đây đã được “mũ ni che tai” như than van của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường là “nhiều quy định của Hiến Pháp trong luật chưa được hiểu một cách thống nhất, có nguy cơ để lại hậu quả lâu dài trong hệ thống pháp luật”?