![]() |
Ông Chấn về nhà trong vòng tay của người thân, xóm giềng |
Giám đốc và Phó giám đốc Công an Bắc Giang đã chịu hình thức kỷ luật ‘nghỉ việc sớm’ do để xảy ra vụ án oan đối với tử tù Nguyễn Thanh Chấn, lãnh đạo Bộ công an Việt Nam nói trong cuộc họp báo hôm 26.12.
Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông báo tóm tắt tình hình, kết quả công tác Công an năm 2014, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015. Một thông tin được nhiều người chú ý là việc bộ Công an đã đưa ra quyết định kỷ luật Đại tá Phạm Văn Minh, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang và Phó Giám đốc là Đại tá Nguyễn Văn Dư với hình thức cho nghỉ sớm do có liên quan đến vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn.
Sau khi thông tin này được công bố, nhiều chuyên gia nhận định, đây là bước đầu tiên trong việc tiếp tục xử lý những cán bộ gây ra vụ việc oan sai cho ông Chấn và cũng có thể là bài học cho tất cả những trường hợp gây oan sai tiếp theo…
Liên quan đến vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn, ngày 9/5/2014, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với hai cán bộ để làm rõ những hành vi sai phạm trong quá trình điều tra, xử lý vụ án này.
Hai cán bộ bị khởi tố là ông Đặng Thế Vinh (Trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) và ông Trần Nhật Luật (Thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Cả hai bị can trên cùng bị khởi tố về hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án theo Điều 300 BLHS.
Cũng liên quan đến vụ án này, ngày 30/9/2014 cục Điều tra, VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khỏi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) nguyên thẩm phán TAND tối cao, chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với ông Chấn về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 285 BLHS.
Trong cuộc trò chuyện giữa PV với luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), ông đã bày tỏ quan điểm ủng hộ thái độ cương quyết bảo vệ công lý khi cục Điều tra của VKSND Tối cao quyết định khởi tố và bắt tạm giam hai cán bộ trực tiếp điều tra và giám sát vụ án này, đồng thời khởi tố điều tra với vị thẩm phán TAND Tối cao xét xử phúc thẩm vụ ông Chấn dù ông này đã nghỉ hưu.
Tuy nhiên, luật sư Tiến cũng cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm nhiều cá nhân khác cũng như Thủ trưởng cơ quan điều tra dẫn đến oan sai kéo dài trong vụ án.
Xử lý nghiêm, không nương nhẹ
Về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, theo Trung tướng Trần Trọng Lượng, cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm bộ Công an đã tiến hành điều tra lại vụ án để xử lý đối tượng phạm tội. Bên cạnh đó đã kỷ luật Giám đốc và Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, cho nghỉ sớm (đó là Đại Tá Phạm Văn Minh và Đại tá Nguyễn Văn Dư -PV).
Bổ sung thêm ý kiến, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu – ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Thường trực bộ Công an nhấn mạnh: “Với những vụ để xảy ra oan sai, bộ Công an đều xử lý rất nghiêm không có nương nhẹ, Thứ trưởng trực tiếp của những cán bộ làm sai cũng phải chịu trách nhiệm”.
Nhiều vụ việc oan sai khác đã xử lý nghiêm
Vụ bắt giam oan 7 thanh niên ở Sóc Trăng, theo Trung tướng Trần Trọng Lượng, cơ quan điều tra đã khởi tổ, xử lý 25 cán bộ Công an có liên quan. Còn vụ Công an dùng nhục hình dẫn đến chết người ở TP.Tuy Hòa (Phú Yên), ngoài 5 cựu công an đã hầu tòa, cựu Phó trưởng Công an cũng bị đề nghị truy tố trước pháp luật.
Sáu cựu công an ở TP.Tuy Hòa đã có hành vi dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra vào tháng 5/2012: Bị hại là Ngô Thanh K. (SN1982, trú ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên)- nghi can trong một vụ án trộm cắp tài sản. K. đã bị các cựu công an TP.Tuy Hòa dùng nhục hình dẫn đến tử vong.
Quang Sơn
(Đời sống & Pháp Luật)