Chiều 20/3, lãnh đạo Đà Nẵng đã trực tiếp bàn với người dân việc xóa “khu ổ chuột” cạnh chợ Cồn trên tinh thần “lắng nghe ý kiến của dân trước khi quyết định chứ không phải ở trên phán xuống!”
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP và ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tiếp xúc với 101 hộ dân khu vực Cầu Vồng 2 để bàn về việc giải tỏa “khu ổ chuột” cạnh chợ Cồn |
Người dân đồng thuận chủ trương giải tỏa “khu ổ chuột”
Chiều 20/3, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP và ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã về phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) tiếp xúc với 101 hộ dân khu vực Cầu Vồng 2 đang sống cạnh chợ Cồn. Chuyện hai ông bàn với họ là giải tỏa một nơi nằm ngay giữa trung tâm TP nhưng sau 40 năm giải phóng vẫn cứ là “khu ổ chuột” đứng ngoài mọi sự thay đổi nhanh chóng của cả TP.
“Bà con thấy chỗ đó nên giải tỏa hay không? Nếu đa số bảo nên giải tỏa, bố trí chỗ ở khác tốt hơn thì làm, còn nếu đa số bảo ở như thế quen rồi thì TP sẽ nghe theo – ông Trần Thọ nói. Rồi ông đặt ra câu hỏi mà có lẽ nhiều người dân đang thắc mắc: Giải tỏa đi rồi chỗ đó mấy ông làm gì? Hay tính cho nhà đầu tư vô đây mà không nói?”.
“Bà con yên tâm, đến thời điểm này chưa có nhà đầu tư nào cũng chưa có phương án nào đặt vấn đề về chỗ này mà chỉ có một việc: giải quyết cho cuộc sống của người dân ở đây thôi. Ưu tiên giải quyết cuộc sống cho người dân. Còn khu vực đó sau này sẽ làm cái gì phục vụ cho người dân như thương mại dịch vụ, công trình văn hóa…” – ông Trần Thọ trả lời.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, để xóa khu ổ chuột này đòi hỏi phải có sự nỗ lực của từ hai phía chính quyền và nhân dân. Chính quyền TP đã xác định tập trung để giúp thay đổi cuộc sống, chỗ ở của người dân. Người dân bên cạnh sự hưởng ứng cũng phải nỗ lực hợp tác và đóng góp sức lực của mình chứ không được quá ỷ lại vào Nhà nước.
“TP làm các chỗ khác mới tính khai thác quỹ đất, còn khu vực này hoàn toàn không. Dồn cả 101 hộ, người 7m2, người 10m2, người 20m2 thì được bao nhiêu m2? Có giải tỏa ra cũng chỉ làm được cái công viên, trong khi TP phải bỏ tiền xây chung cư, lo đất đai ở hai quân trung tâm để bố trí tái định cư. Vì vậy, bà con tính sao để tốt nhất cho mình nhưng cũng vừa sức chịu đựng của ngân sách TP!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Theo ông Lê Văn Hảo, Trưởng Ban công tác mặt trận khu vực Cầu Vồng 2, giải tỏa khu vực này để xây dựng công trình sẽ góp phần làm cho Đà Nẵng ngày càng khang trang và thúc đẩy sự phát triển của TP. Vì vậy người dân rất đồng tình và mong TP sớm triển khai; song song đó là đền bù sao cho thỏa đáng, bố trí tái định cư tại nơi ở mới khang trang, rộng rãi hơn để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và làm ăn.
Ông Phan Lạc 75 tuổi, ở tổ 10 ủng hộ chủ trương này bằng lời bày tỏ: “Tổ của tôi ở sát chợ, hôi thối quá chịu không nổi. Riêng nhà tôi 47m2 mà có 3 hộ, 15 nhân khẩu ở, quá sức chật chội. TP giải tỏa thì tôi rất hoan nghênh vì TP đã lên loại 1 rồi, không lẽ mình cứ ở trong khu ổ chuột ngay giữa trung tâm TP như thế thì khó coi quá. Giải tỏa, xây dựng để TP được khang trang, đẹp đẽ hơn là rất tốt!”.
Vì vậy, khi lấy biểu quyết, cả 101 hộ đều đồng ý giải tỏa “khu ổ chuột” Cầu Vồng 2 để họ được đến nơi ở mới tốt đẹp hơn. Trên cơ sở đó, ông Trần Thọ đưa ra 2 phương án đền bù, bố trí tái định cư theo giá Nhà nước và theo giá thị trường để người dân lựa chọn.
Nhưng còn phân vân phương án đền bù, bố trí tái định cư
Theo ông Trần Thọ, các hộ giải tỏa ở khu vực này sẽ được bố trí tái định cư tại hai quận trung tâm là Hải Châu và Thanh Khê. Theo đó, sẽ xây hai khu chung cư ở đường Ông Ích Khiêm và Đống Đa cho gần chợ Cồn để các hộ giải tỏa dễ buôn bán. Hiện ở đó đang là đất trống, nếu người dân đồng ý thì TP sẽ bắt tay vào xây ngay. Còn đất tái định cư sẽ được bố trí ở phường Hòa Cường Nam và phải có đất trước khi giải tỏa.
Ngoài ra, theo chính sách của Đà Nẵng, các hộ đền bù giải tỏa được nợ tiền đất tái định cư 5 năm không trả lãi. Nếu trả nợ gốc sớm thì sẽ được hỗ trợ giảm theo mức độ lãi suất. Sau 5 năm, nếu người dân vẫn còn nợ thì phải trả lãi nhưng mức lãi chỉ bằng hoặc thấp hơn lãi suất của Ngân hàng chính sách xã hội cho vay làm nhà.
Tại buổi tiếp dân chiều 20/3, lãnh đạo TP Đà Nẵng dự kiến các hộ có diện tích giải tỏa dưới 50m2 sẽ được mua 1 căn hộ chung cư hoặc 1 lô đất; các hộ trên 50m2 được mua 1 căn hộ chung cư và 1 lô đất nhưng tùy theo diện tích thu hồi nhiều hay ít mà được mua với giá đất hộ chính, hộ phụ hay có nhân hệ số. Khi bố trí sẽ theo phương thức bốc thăm, ai trúng chỗ nào hưởng chỗ đó.
Ông Trần Thọ trực tiếp thị sát nơi sinh sống của người dân trong “khu ổ chuột” cạnh chợ Cồn |
“Tính tới tính lui, tính qua tính lại gì đó thì tính nhưng tinh thần chung là cuối cùng người dân phải có lợi hơn. Người dân có cuộc sống, có chỗ ở tốt hơn và nếu tính về kinh tế thì cũng có lợi hơn chứ Nhà nước không tính thiệt hơn với người dân trong việc này!” – ông Trần Thọ nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hương ở tổ 11, việc lãnh đạo TP đưa ra các phương án này cho thấy đây không phải là sự bắt buộc, áp đặt mà người dân được tự chọn. Từ đó họ sẽ suy nghĩ để chọn cách nào phù hợp với bản thân mình. Tuy nhiên khi biểu quyết thì chỉ mới có 33/101 hộ đồng ý với phương án này. Các hộ còn lại không phản đối nhưng cũng chưa biểu quyết đồng ý do còn suy tính.
Kết thúc buổi tiếp dân, ông Trần Thọ giao các sở, ngành hữu quan tiếp thu ý kiến người dân, có báo cáo đề xuất chính thức với lãnh đạo TP, chậm nhất là ngày 20/4 có chủ trương để thông báo cho quận Hải Châu biết. Văn phòng UBND TP tham mưu lập phiếu gửi cho 101 hộ, trong đó ghi rõ họ tên, diện tích nhà, đất, đồng ý chủ trương hay không, các phương án đền bù và bố trí tái định cư. Người dân đồng ý ô nào thì đánh chéo vào ô đó, đưa lên phường ký xác nhận, nộp lên TP.
Ông Trần Thọ nhấn mạnh: “Nếu 80% hộ dân trở lên đồng ý với TP thì xáp vô làm, còn 20% chưa đồng ý thì quận, phường, tổ dân phố tiếp tục vận động giải thích, thuyết phục để họ vì lợi ích cộng đồng mà làm. Đừng để đến khi làm thì nói qua nói lại, mời lên, mời xuống, rồi cưỡng chế khiến tình cảm của Đảng, Nhà nước với nhân dân không hay ho gì. Không nên để chuyện đó xảy ra!”.
Ông yêu cầu hoàn tất lấy phiếu trong tháng 5, nếu thuận thì tháng 6 đưa ra HĐND TP quyết định chủ trương, ra Nghị quyết và ghi vốn. “Nếu quyết tâm hợp tác, đồng thuận giữa Nhà nước với nhân dân thì có khi xáp vô làm luôn, hoặc qua mùa mưa năm nay, ăn cái Tết cuối cùng ở đây, ra giêng làm. Nhanh hay chậm không thuộc vào lãnh đạo TP mà thuộc sự đồng thuận của người dân. Rất mong bà con chia sẻ với nhau, đừng để khi làm lại thắc mắc, kiện chỗ này chỗ khác nó không vui!” – ông Trần Thọ nói.
(Theo Infonet)
* Tựa đề do VNTB đặt
* Tựa đề gốc: Đà Nẵng: Hỏi ý kiến dân về việc giải tỏa khu ổ chuột cạnh chợ Cồn