Việt Nam Thời Báo

Hài cuối năm: Báo Nhân Dân bàn về “báo chí dối trá” *

Thời gian qua, tự do báo chí theo kiểu phương Tây đang là “mô hình lý tưởng” mà một số người tự nhận là “nhà báo độc lập”, “người yêu nước, nhà dân chủ” ở Việt Nam lên internet hô hào và đòi hỏi, bất chấp thực tế dư luận ở phương Tây đã nhiều lần vạch rõ đó là mô hình mị dân, bị các nhóm có thế lực về chính trị – kinh tế chi phối… Bài viết của tác giả Hồ Ngọc Thắng (CHLB Ðức) sẽ cung cấp thêm một góc nhìn về vấn đề này, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Báo chí kiểu… Nhân Dân là đây. Ảnh minh họa: IJAVN
 
Ðã thành thông lệ, cứ đến đầu năm, ở CHLB Ðức, tổ chức chăm lo giữ gìn và phát triển tiếng Ðức (tên viết tắt là GfdS), lại bình chọn từ một năm đã qua các “từ ngữ của năm” và “từ ngữ bất hảo của năm”. Trước đây, người ta bàn luận nhiều về “từ ngữ của năm”, nhưng cuối năm 2014, người ta lại bàn luận rất sôi nổi về “từ ngữ bất hảo của năm” đã được chọn. Năm 2014, giữ vị trí thứ nhất là từ “báo chí dối trá” (tiếng Ðức: Luegenpresse), giữ vị trí thứ hai là “các phương pháp thẩm vấn mở rộng” (tiếng Ðức: Erweiterte Verhoermethoden – là cách gọi khác của phương pháp tra tấn mà CIA – Cục tình báo trung ương Mỹ, sử dụng trong một số “chiến dịch chống khủng bố”), giữ vị trí thứ ba là “người thông cảm cho nước Nga” (tiếng Ðức: Russland-Versteher) – từ ngữ do truyền thông Ðức phát minh dùng ám chỉ những ai không lên án nước Nga và Tổng thống Pu-tin.

Theo tổ chức GfdS, “từ ngữ bất hảo của năm” (tiếng Ðức: Unwort des Jahres) là từ ngữ không hay, không đẹp, không phản ánh đúng bản chất vấn đề, nên tránh sử dụng. Ðể giải thích cho quyết định chọn “báo chí dối trá”, hội đồng bình chọn cho rằng đó là từ ngữ bút chiến chủ chốt được sử dụng từ chiến tranh thế giới thứ nhất và lực lượng Ðức Quốc xã sau này sử dụng để phỉ báng báo chí độc lập. Trong thời gian qua, ở Ðức đã hình thành một phong trào “những người yêu nước châu Âu phản đối sự Hồi giáo hóa phương Tây” với tên viết tắt là “Pegida”. Nhiều người tham gia biểu tình do phong trào này tổ chức đã giương cao khẩu hiệu “báo chí dối trá”. Tuy nhiên, rất nhiều người lại không bằng lòng với sự lựa chọn của hội đồng bình chọn (gồm bốn nhà ngôn ngữ học, một nhà báo chuyên nghiệp). Mọi người đã gửi tới hội đồng bình chọn tổng cộng 733 từ ngữ khác nhau. Riêng từ “báo chí dối trá” chỉ có bảy lần được đề nghị, từ “người thông cảm cho nước Nga” có 60 lần. Có người cho rằng, “báo chí dối trá” đáng lẽ phải là “từ ngữ của năm” và “người thông cảm cho nước Nga” là “từ ngữ bất hảo của năm”. Bởi “báo chí dối trá” không phải phát minh của Ðức Quốc xã, ngược lại, những người hoạt động chống đối Hitler cũng đã dùng từ ngữ này để lên án bộ máy tuyên truyền phát-xít. Họ gọi Giô-dép-phơ Quê-ben (Joseph Goebbels) – Bộ trưởng thông tin và tuyên truyền của nhà nước Ðức Quốc xã là “thợ cả của báo chí dối trá” (tiếng Ðức: Meister der Luegenpresse).

Lúc đầu, nhiều đại diện của các đảng phái ở CHLB Ðức đã phê phán phong trào “Pegida” và cho rằng phong trào này truyền bá tư tưởng bài người nước ngoài và chống lại đạo Hồi. Nhưng, những người đại diện và ủng hộ phong trào cho rằng không phải như vậy, động cơ của họ là muốn làm cho người dân “thức tỉnh” và “sự Hồi giáo hóa chỉ là một phần” của những điều đáng lo ngại, trước tiên là thực tế “chính phủ đã và đang phớt lờ người dân” và “báo chí đã dối trá”. Dần dần, nhiều người dân và chính trị gia nổi tiếng cũng phải thừa nhận rằng nhiều điều lo ngại của phong trào này không phải hoàn toàn vô căn cứ. Thí dụ, trong một bài viết ngày 24-1-2015 đăng trên tờ Thời gian (Zeit) cho biết, Chủ tịch Ðảng dân chủ xã hội (SPD), Phó Thủ tướng Ðức Sic-ma Ga-bri-en (Sigmar Gabriel), đã tham gia một cuộc hội thảo do “Pegida” tổ chức tại trụ sở của trung tâm bồi dưỡng chính trị tiểu bang Saxony. Với tư cách là “người dân bình thường tham gia hội thảo”, theo ông, không phải tất cả những người hưởng ứng “Pegida” đều là người phân biệt chủng tộc và ông sẽ thảo luận với người không đi theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Hiện nay, không chỉ người dân mà cả những người trong làng báo chí Ðức tranh luận rất sôi nổi, tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu báo chí có dối trá hay không. Ngày 15-1-2015, tạp chí Tấm gương (Spiegel) đăng bài Báo chí dối trá hay không? Trong bài viết, tác giả trích dẫn lời bà I-net-sơ Pô-lờ (Ines Pohl) – Tổng biên tập tờ báo danh tiếng “taz”. Theo bà, cách phát tán hình ảnh cuộc tuần hành của lãnh đạo thế giới ở Paris vào ngày 11-1-2015 qua Ðài Truyền hình Ðức và qua báo Thế giới (Le Monde) ở Pháp là bằng chứng chỉ ra rằng, “báo chí dối trá” không phải là điều ảo tưởng của những người đại diện và ủng hộ phong trào “Pegida”. Vì, với truyền thông phương Tây, nhiều khi hiệu ứng của những bức ảnh quan trọng hơn cả việc dẫn chứng sự thật. Thí dụ, khi xem những bức ảnh đã xử lý, người ta tưởng rằng các nhà lãnh đạo thế giới dẫn đầu đoàn tuần hành lịch sử ở Paris sau khi tòa soạn của tạp chí Charlie Hebdo bị tiến công. Trong thực tế không phải như thế. Bức ảnh được chụp theo dàn dựng ở một đường phố hầu như vắng người, chỉ có những nhà lãnh đạo thế giới đứng xếp hàng ngang với nhau trước ống kính, và phía sau họ là khoảng trống mênh mông.

Liên quan cuộc tranh luận về “báo chí dối trá”, ngày 19-1-2015, tạp chí Ngôi sao (Stern) đăng bài bình luận của nhà báo Hen-ry Luy-bơ-xờ-tết (Henry Lueberstedt) nhan đề Chính phủ hằng ngày điều khiển tôi như thế nào. Theo tác giả, tất cả các nhà báo, mọi tờ báo, tạp chí đều bị điều khiển và cũng nói dối tất. Với văn phong khá hài hước, tác giả đã làm cho người đọc phải cười, nhưng cười trong nước mắt. Cũng liên quan cuộc tranh luận này, ngày 18-12-2014 tờ Tấm gương hằng ngày (Tagesspiegel) đã đăng bài phỏng vấn GS, TS Vô-phơ-gang Ðôn-xơ-bách (Wolfgang Donsbach) đang giảng dạy tại Học viện Khoa học truyền thông (IfK) thuộc Trường đại học tổng hợp Dresden, trong đó có đoạn nói: “… Không chỉ ở Ðức, hệ thống truyền thông đã mất đi uy tín và sự đáng tin cậy. Bây giờ người dân không chỉ chán chường chính trị mà chán chường cả truyền thông. Có những nguyên nhân khác nhau đẫn đến thực trạng này…”. Tối 28-1-2015, Học viện Khoa học truyền thông (IfK) đã tổ chức cuộc hội thảo với sự tham gia của các nhà báo và nhà khoa học trên lĩnh vực truyền thông. Chủ đề chính xoay quanh câu hỏi: Có điều gì là thật trong lời tố cáo “báo chí dối trá”?

Nhiều người quan tâm vấn đề cho rằng một trong các nguyên nhân của tình trạng đó là sự dính líu của cơ quan tình báo. Thí dụ như sự dính líu của Cơ quan tình báo đối ngoại Ðức (BND) đối với tập đoàn truyền thông kếch xù Axel Springer với 12.800 nhân viên, doanh thu của năm 2013 đạt tới 2,8 tỷ EUR, là nơi sản xuất nhiều tờ báo, tạp chí lớn ở Ðức và các nước khác. Cụ thể, trong tháng 11-2014, các tờ báo lớn, tạp chí ở Ðức đều đồng loạt đưa tin về sự kiện phanh phui một sự việc liên quan đến tự do báo chí: Trong quá khứ, BND có bảy nguồn “nằm vùng” trong tập đoàn Axel Springer. Một người có mật danh “Klostermann” đã thường xuyên cung cấp thông tin bí mật, trong đó cả thông tin về nhân sự và kế hoạch chiến lược của tập đoàn (bình thường, theo pháp luật của CHLB Ðức, thì cơ quan BND không được hoạt động trong nước). Trước đó, tờ Báo miền nam nước Ðức (tiếng Ðức: Suedeutsche Zeitung) vào ngày 19-5-2010 đăng bài viết về việc cơ quan BND do thám một số nhà báo của tạp chí FOCUS bằng cách nghe trộm điện thoại. Ngày 11-11-2005, hãng tin Làn sóng Ðức (DW) cũng cho đăng một bài viết với nội dung tương tự. Tháng 5-2013, nhiều tờ báo ở châu Âu đưa tin, trong năm 2012, Chính phủ Mỹ đã tiến hành do thám hãng tin AP. Những sự việc tương tự xảy ra trong các năm qua ở Pháp với tờ Le Monde, ở Hà Lan với tờ De Telegraaf, ở Xlô-va-ki-a với tờ Pravda…

Chưa biết cuộc tranh luận “báo chí dối trá” sẽ dẫn tới kết cục thế nào, nhưng có điều chắc chắn là sự chán chường hệ thống truyền thông đã gây ảnh hưởng xấu đến sự tiêu thụ báo chí trong xã hội. Các số liệu vừa công bố cho biết so sánh quý 4 của năm 2014 với cùng kỳ năm 2013 cho thấy: tờ Báo miền nam nước Ðức đã bán 381.844 tờ, giảm 18.803 (-4,7%); báo Frankfurt khái quát đã bán 305.257 tờ, giảm 24.448 (-7,4%); báo Thế giới đã bán 200.854, giảm 21.868 (-9,8%); báo taz đã bán 53.812, giảm 4.309 (-7,4%); Nước Ðức mới đã bán 30.409, giảm 1.681 (-5,2%). Duy nhất tờ Thương mại có sự tăng trưởng là bán 118.034 tờ, tăng 2.689 (+2,3%). Vừa qua, một số nhà báo của tờ Thương mại cũng tham gia tranh luận, trong đó một bài viết đã nêu quan điểm: tập đoàn truyền thông là tập đoàn kinh tế, vì vậy không thể trung lập được, nếu không sẽ mất nhiều đơn đặt hàng! Và như ý kiến của Bên Ðê-vít (Bain Dewitt) trong bài Tìm lại bản sắc châu Âu, đề cập Identitarianism (được dịch giả trên một blog trong nước tạm gọi là chủ nghĩa định danh, giữ gìn truyền thống, bảo tồn phát triển dân tộc và định hướng bản sắc văn hóa ở châu Âu…) thì một trong những điều Identitarianism chống lại là thao túng truyền thông đại chúng vì: “Dân chủ là khối số đông được trao quyền hợp pháp, số đông bị kiểm soát, bị tước đoạt, và bị quây nhốt bởi ngành công nghiệp hàng loạt, sản xuất hàng loạt, phương tiện truyền thông hàng loạt và ảo giác hàng loạt”!

(Theo báo Nhân dân)


* Tựa đề và hình ảnh do VNTB đặt
* Tựa đề gốc: Một góc nhìn về báo chí phương Tây

Tin bài liên quan:

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công du Mỹ vào tuần tới

Phan Thanh Hung

“Đề nghị thanh toán bằng Nhân dân tệ tại Việt Nam chính là vi phạm chủ quyền của Việt Nam!”

Phan Thanh Hung

Chuyến đi Mỹ của ông Trọng và trục quan hệ Việt-Mỹ-Trung

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.