Việt Nam Thời Báo

Hãy vì quyền biểu tình hiến định của người dân Việt Nam!

Kể từ năm 1992 khi Hiến pháp quốc gia này quy định về quyền biểu tình tự do của người dân, sau quá nhiều lần các quan chức quốc hội lẫn chính quyền thi nhau hứa hẹn về thứ bánh vẽ này, đã gần một phần tư thế kỷ lặng ngắt mà không trôi dạt một âm hưởng thiện tâm nào.

 

Một phần tư thế kỷ!
Động tác thuyết mị dân chúng về luật Biểu tình đã làm nên một vết nhơ trơ trẽn cho gương mặt Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kể từ năm 1992 khi Hiến pháp quốc gia này quy định về quyền biểu tình tự do của người dân, sau quá nhiều lần các quan chức quốc hội lẫn chính quyền thi nhau hứa hẹn về thứ bánh vẽ này, đã gần một phần tư thế kỷ lặng ngắt mà không trôi dạt một âm hưởng thiện tâm nào.
Ngay cả lần xuất hiện gần nhất với phát ngôn tưởng như sáng sủa nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội vào cuối năm 2011 về sự cần thiết phải có luật Biểu tình cũng trở nên hoàn toàn sáo rỗng, tính đến thời điểm này.
Chỉ nói mà không làm!
Quá trái ngược, làn sóng khiếu nại và tố cáo liên quan đến bồi thường đất đai đã nổi lên dữ dội từ những năm 2000 và kéo đến trào cao điểm vào những năm 2007 – 2008, khi nạn đầu cơ bất động sản lên đến đỉnh điểm và kéo theo vô số chiến dịch tống xuất người dân khỏi nơi chôn rau cắt rốn với giá bồi thường chỉ bằng 1/10- 1/20 giá buôn bán trên thị trường.
Trên mảnh đất Việt đương đại và dồn dập tang thương bởi các nhóm lợi ích từ kinh tế đến chính trị, có quá nhiều lý do để người dân và trí thức tụ tập, cùng biểu thị nỗi uất ức về quốc nạn tham nhũng vô bờ bến và trạng thái hèn yếu khó có thể tồi tệ hơn của chính quyền trước bóng ma phương Bắc.
Giờ đây, không chỉ người dân mất đất đã hình thành một giai tầng dân oan lên đến hàng triệu người, mà cả nạn nhân môi trường, công nhân và tiểu thương cũng trở thành chứng nhân lịch sử cho một tâm can khao khát quyền biểu tình hướng đến một Xã hội công dân đúng nghĩa.
Trong thực tế và chẳng cần đến luật Biểu tình chưa biết khi nào mới được 500 đại biểu quốc hội đồng gật, từ năm 2007 đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành và tọa kháng của dân oan đất đai. Năm 2011 đã làm nên dấu mốc lịch sử bởi hàng ngàn trí thức, nhân sĩ và người dân đã tổ chức hàng chục cuộc xuống đường để phản đối Trung Quốc, cùng truy vấn thái độ im lặng đầy khuất tất của đảng cầm quyền và chính phủ trước một bí mật bắt đầu bị hé lộ: Hội nghị Thành đô năm 1990.  
Cải cách thể chế?
Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 cũng lặp lại bánh vẽ của Hiến pháp 1992: biểu tình là một quyền của công dân; quyền công dân và quyền con người chỉ có thể bị hạn chế bằng luật (Điều 14).
Nhưng từ cấp trung ương đến các địa phương, bất kỳ nơi nào xuất hiện bóng dáng biểu tình thì ngay lập tức “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” thẳng tay ngăn chặn và đàn áp, cho dù nếu cầu dẫn Hiến pháp, quyền biểu thị của công dân không thể bị ngăn chặn bởi bất kỳ văn bản nào chưa từng là luật.
Thông điệp đầu năm 2014 của những người đứng đầu chính phủ dù bắt đầu bằng cụm từ “cải cách thể chế” và tiếp nối bởi mô hình chưa từng có về “nhà nước kiến tạo phát triển”, song chẳng có cái gì chứng minh là một nền dân chủ thực chất được song hành cùng cỗ xe tứ mã Bộ chính trị.
Thành tâm mà xét, Chính phủ không thể có cải cách thể chế nếu không bắt đầu bằng việc tôn trọng quyền tự do biểu tình của công dân.
Luật Biểu tình cần không chỉ cho người dân, mà còn cả cho chính quyền.
Đối với người dân, luật là sự bảo đảm, sự chỉ dẫn cho việc thực thi quyền biểu tình.
Đối với chính quyền, luật cung cấp các quyền năng, các công cụ pháp lý cần thiết cho việc điều chỉnh hành vi biểu tình. Một đạo luật biểu tình vừa bảo đảm được quyền của người dân, vừa bảo đảm được nền tảng pháp lý cho cách hành xử của chính quyền.
Người dân hành xử đúng, chính quyền hành xử đúng, chính quyền sẽ có được không chỉ đồng thuận xã hội mà còn cả trật tự -an toàn xã hội.
Khi đó mới có thể không cắn rứt lương tâm để mở miệng cụm từ “cải cách thể chế”.
Phải ban hành ngay luật Biểu tình!
Trong một xã hội Việt Nam tồn đọng và dồn nén quá nhiều bức xúc mang tính bùng nổ, người dân ngày càng nói nhiều đến việc tự cứu mình trước khi trời cứu.
Nhưng thực ra chẳng có trời đất nào chứng giám và cứu vớt cho nỗi khổ của những người dân mất đất, nếu họ không tự biết tìm đến lẽ công bằng nằm ngay trong trái tim và hành động của họ.
Xã hội dân sự và những hội nhóm mới manh nha của nó có thể là một liều thuốc an ủi và xoa dịu tình trạng bất công.
Điều may mắn là Hội Nhà báo độc lập VN đã có được một nhóm luật sư, luật gia, chuyên gia có tâm huyết và chuyên môn. Trong ít tháng, nhóm này đã tổ chức nghiên cứu và xây dựng dự thảo luật Biểu tình, trên cơ sở tham khảo thông lệ, văn bản quốc tế như Pháp, Đức, Hoa Kỳ và những điều kiện đặc thù của VN về biểu tình.
Quyền biểu tình rất đáng được xem là một trong những tiêu chí đầu tiên cho sự nghiệp dân chủ hóa ở VN, căn cứ vào Quyền tự do biểu đạt (Điều 19, Điều 20); Quyền tự do hội họp và lập hội (Điều 21, Điều 22) của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR, 1966); Nghị Quyết 24 của Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc 24 về Cổ xúy và Bảo vệ Nhân quyền trong bối cảnh biểu tình ôn hòa ngày ngày 21 tháng 3 năm 2013.
Vì những lý do thiết thân ấy, Hội Nhà báo độc lập VN rất mong mỏi các công dân Việt Nam và người Việt khắp nơi trên thế giới, cùng các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp trong và ngoài VN ủng hộ cuộc vận động đề nghị và thảo luận về dự luật Biểu tình tại VN, tạo tác động sâu sắc và có những hành động cần thiết đối với Nhà nước và Quốc hội VN để thông qua luật Biểu tình ngay trong năm 2015.
Nếu không có dư luận và hành động, tương lai cấm cung của luật Biểu tình sẽ đồng nghĩa với tuổi thọ của đảng cầm quyền.
Chỉ một ngày sau khi Hội Nhà báo độc lập VN khởi xướng phong trào vận động đề xuất và thảo luận về dự luật Biểu tình (26/2/2015), báo Tuổi Trẻ đã công bố một văn bản thường được xếp vào độ “Mật”: Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội, đề nghị lùi thời điểm trình luật Biểu tình thêm một năm, đến tháng 10/2016.
Trước đó, Quốc hội đã “gợi ý” sẽ nhận việc trình luật Biểu tình vào tháng 5/2015 và sẽ thông qua luật này vào cuối năm 2015.   
Còn lần này, dự luật biểu tình do Hội Nhà báo độc lập VN soạn thảo đang được công bố lấy ý kiến rộng rãi trên mạng Internet và sau đó đúc kết, chuyển giao kết quả dự luật hoàn chỉnh cho các cơ quan nhà nước như quốc hội, chính phủ và các bộ liên quan.
Bất kể thái độ tiếp đón dự luật Biểu tình của Quốc hội và các cơ quan nhà nước như thế nào, ít nhất Xã hội dân sự phải có được tiếng nói đồng âm với tình cảnh thiệt thòi của người dân.
Trang Việt Nam Thời Báo (ijavn.org) của Hội Nhà báo độc lập VN cũng mở mục “Vận động luật Biểu tình” như một diễn đàn để đón nhận các ý kiến nhiều chiều, các bài viết phản biện liên quan đến luật Biểu tình (email của Ban Cải cách thể chế thuộc Hội Nhà báo độc lập VN: bancctc@gmail.com).

Hãy vì quyền biểu tình hiến định của người dân Việt Nam!
Phạm Chí Dũng
(Theo Người Việt)

Tin bài liên quan:

VNTB – Thư Bộ trưởng ngoại giao Pháp gửi Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập VN

Phan Thanh Hung

‘Deadline’ mới cho TPP: Tháng 3/2015 *

Phan Thanh Hung

‘Bản lĩnh chính quyền’ để đối thoại với bất đồng chính kiến?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.