Hiệu ứng TPP: Vốn FDI giải ngân tại Việt Nam đạt mức kỷ lục trong năm 2015 *

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt mức kỷ lục trong năm 2015, sau khi chính phủ nới lỏng nhiều quy định để thu hút nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội từ Hiệp định TPP.


Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân trong năm 2015 của Việt Nam vào khoảng 14 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so với năm trước, Bloomberg News cho biết dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh.
Vốn FDI cam kết được dự báo sẽ tăng so với mức 21,9 tỷ USD trong năm 2014.
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết môi trường đầu tư được cải thiện cùng các hiệp định thương mại đang thu hút ngày càng nhiều công ty dịch chuyển từ Trung Quốc và khu vực khác tới Việt Nam.
Trong khi đó, dòng vốn FDI đổ vào nhiều quốc gia láng giềng như Philippines lại co hẹp, phản ánh sự ưu ái của nhà đầu tư dành cho Việt Nam.
Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 quốc gia tham gia TPP. Hiệp định này sẽ giảm thuế hàng loạt các mặt hàng, bao gồm giày dép, hải sản và may mặc, từ đó thúc đẩy xuất khẩu. TPP có thể đẩy GDP Việt Nam tăng khoảng 8% và xuất khẩu tăng 17% trong 20 năm tới.
“Dòng vốn chảy vào Việt Nam thông qua FDI rất quan trọng đối với Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tăng cường nhập khẩu hàng hóa để công nghiệp hóa. Đây là hướng tiếp cận vốn đầu tư ổn định hơn cho Việt Nam ở giai đoạn phát triển này”, chuyên gia kinh tế cao cấp Trinh Nguyen tại Natixis SA nhận xét.
Mới đây, Ngân hàng phát triển Châu Á dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2015, mạnh nhất trong số 6 quốc gia lớn tại Đông Nam Á. Động lực tăng trưởng trong hai quý cuối năm đến từ tiêu dùng cá nhân, sản xuất phục vụ cho xuất khẩu và FDI tăng.
Theo Vneconomy
Tin đọc thêm: (TBKTSG) Kỷ lục giải ngân vốn FDI tại Việt Nam 2015 nhờ TPP?
Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tại Việt Nam có thể đạt kỷ lục trong năm nay nhờ các quy định đầu tư được nới lỏng, thu hút các công ty nước ngoài đón đầu lợi ích của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một thành viên – hãng tin Bloomberg cho biết.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin này tại một hội nghị ở Hà Nội hôm 5/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, vốn FDI giải ngân năm nay có thể đạt 14 tỷ USD, cao hơn 1,5 tỷ USD so với năm ngoái. 
Lượng vốn FDI cam kết cũng được dự báo sẽ vượt mức 21,9 tỷ USD của năm ngoái – ông Vinh cho hay.
“Môi trường đầu tư được cải thiện và các thỏa thuận thương mại giúp thu hút thêm công ty chuyển từ Trung Quốc và các nước khác trong khu vực tới Việt Nam”, ông Vinh phát biểu.
Lượng vốn FDI cả giải ngân và cam kết vào Việt Nam gia tăng trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực như Philippines chứng kiến vốn FDI suy giảm. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài cảm nhận được sức hấp dẫn của Việt Nam ngày càng lớn.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP – hiệp định gồm 12 thành viên. TPP được đánh giá sẽ giúp Việt Nam tăng mạnh giá trị xuất khẩu nhờ hàng rào thuế quan hạ xuống đối với một loạt sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, thủy hải sản và hàng dệt may.
“Dòng vốn FDI chảy đều vào Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng bởi Việt Nam đang cố gắng nhập khẩu thêm nhiều mặt hàng phục vụ cho công nghiệp hóa. Đây là một cách tiếp cận vốn đầu tư ổn định hơn mà Việt Nam cần ở giai đoạn phát triển này”, chuyên gia kinh tế cao cấp Trinh Nguyen thuộc công ty Natixis SA ở Hồng Kông nhận định.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo năm nay Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á. ADB nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được đẩy nhanh trong nửa sau của năm nhờ sự gia tăng của tiêu dùng cá nhân, hoạt động sản xuất hướng ra xuất khẩu và dòng vốn FDI.
Trong báo cáo công bố tuần trước, WB nói TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8% và xuất khẩu tăng thêm 17% trong vòng 20 năm.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)