Việt Nam Thời Báo

Hóa điên sau 4 ngày bị công an bắt oan

Đang sống yên lành, anh nông dân vô tội bị công an ập vào nhà trấn áp, còng tay đưa đi vì cho rằng “có lệnh truy nã”. Sau bốn ngày, biết bắt nhầm, cơ quan chức năng vội vã trả tự do, nhưng những trận đòn khiến anh Long trở nên điên loạn tâm thần từ 15 năm qua.


Mười lăm năm qua, cặp vợ chồng già ngoài 80 tuổi, ông Nguyễn Đình Cảnh (SN 1936, ngụ ấp Thanh Tuấn, xã Thanh Lương, TX Bình Long, tỉnh Bình Phước) dù bệnh tai biến liệt nửa người vẫn chống gậy, đâm đơn đến cơ quan chức năng yêu cầu bồi thường cho con mình là anh Nguyễn Đình Long (SN 1971) bị bắt nhầm.Bị đánh gần chết vì làm ăn lương thiện mua được chỉ vàng

Vào khoảng 15h ngày 13/9/1999, anh Long bị công an TX Bình Long ập vào nhà riêng còng tay theo lệnh truy nã về tội “trộm cắp tài sản”.

Suốt mấy ngày sau, ông Cảnh liên tục lên trụ sở công an huyện để hỏi thăm về lý do con mình bị bắt nhưng không ai trả lời. “Ban đầu họ tạm giam con tôi ở phòng giam số 6. Tại đây, vào buổi tối đầu tiên, con tôi bị phạm nhân trong nhà giam đánh, đập đầu vào tường.

Con tôi gục xuống nền nhà ngất đi, chúng tiếp tục cạy miệng đổ nước vào. Thậm chí khi con tôi không đủ sức gượng dậy, một phạm nhân nói: “Nó giả chết thì đánh cho chết luôn”. Sợ quá, con tôi vùng chạy ra cửa kêu cứu cán bộ trại giam. Sau đó, con tôi được chuyển qua phòng tạm giam số 7”, ông Cảnh kể.

Tại phòng giam số 7, người cha cho rằng anh Long bị công an tiếp tục đánh để lấy lời khai. Nguyên do khi bị bắt anh Long có để lại ở nhà một chỉ vàng, công an cho rằng chỉ vàng này là do bán tang vật trộm cắp mua được.

Tuy nhiên ông Cảnh cho biết chỉ vàng đó là do vợ anh Long đi làm gom góp mua được đưa cho chồng đeo. Công an bị cho là đánh đập tra khảo, bắt “nghi can” “giao nộp hết số vàng ra thì tao tha”. Anh nông dân vẫn khăng khăng mình không ăn trộm, không phạm tội.

Bốn ngày sau, đến ngày 17/9/1999, VKSND TX Bình Long ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với anh Long. Lý do công an bắt nhầm người.

Lý do ngớ ngẩn bị bắt oan vì trùng tên nghi phạm trộm

Càng ngày bệnh tình anh Long ngày càng nặng, trước kia còn mặc áo quần, nay cứ mặc vào lại xé
Thì ra trên địa bàn TX Bình Long trước đó xảy ra một vụ trộm cắp tài sản, các đối tượng đã bị bắt, duy chỉ có một đối tượng là Nguyễn Đình Long (trùng họ tên với anh nông dân bị bắt nhầm) trốn thoát.

“Nguyễn Đình Long thực hiện vụ trộm chỉ có tên trùng với con tôi. Các yếu tố nhân thân khác như: Năm sinh, nguyên quán, tên cha, tên mẹ, địa chỉ thường trú đều không trùng. Vậy mà công an nhầm được sao?”, ông Cảnh giận dữ.

Theo người cha, dù biết bắt nhầm người, nhưng công an không đưa anh nông dân về nhà mà bỏ giữa đường. Người đàn ông bị đánh đau đến mức đi không nổi, lê lết giữa đường, may có bác xe ôm chở về.

“Về nhà rồi, con tôi cứ kêu đau đầu, môi thâm, mắt trắng, bước đi không vững và liên tục nôn ói. Tôi đưa con ngược lên VKSND TX Bình Long để hỏi cho ra lẽ. Tại đây, ông Viện trưởng đã chứng kiến tình trạng thương tích, sức khỏe của con tôi. Ông Viện trưởng kêu công an sang nói “mấy anh làm ăn cái gì lạ thế. Để người ta mang con lên đây. Lo mà thuốc thang, chữa trị cho con người ta. Mấy anh muốn làm việc hay muốn về?””, ông Cảnh kể.

Phía công an nhận lỗi và cho biết sẽ đến tận nhà xin lỗi. Sau đó công an đã mở cuộc họp ở trụ sở UBND xã, tiến hành xin lỗi gia đình anh Long vì đã bắt nhầm người.

Tại buổi họp, ông Cảnh yêu cầu công an trả lời ai đã đánh con mình. Phía công an cho rằng phạm nhân đánh nhưng không biết là người nào đánh nên không xử lý được. Công an được cho là ngỏ ý “mong gia đình thông cảm và đừng đi khiếu nại, khiếu kiện”.

Sau ngày bị bắt oan, bị đánh đập, anh Long hóa điên, thường nói lảm nhảm, tỏ vẻ sợ hãi, liên tục đi lang thang khắp nơi. Gia đình đưa con trai đến bệnh viện TX Bình Long điều trị trong hai năm nhưng bệnh tâm thần không bớt. Cha mẹ tiếp tục đưa anh Long đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai), rồi đưa về trạm xá xã Thanh Lương điều trị ngoại trú tại nhà cho đến nay.

“Từ ngày con tôi được xác định bị bắt nhầm. Chỉ có ông Thủy là một công an thị xã nhờ người đưa cho gia đình tôi 500 ngàn đồng. Tôi không nhận. Cơ quan chức năng không có động thái hỗ trợ tiền viện phí suốt bốn năm điều trị cho con tôi.

Mãi đến năm 2007, khi tôi làm đơn yêu cầu, công an mới nói sẽ hỗ trợ tám triệu. Kì kèo ngã giá mãi, họ tăng lên 10 triệu. Sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tính mạng một con người mà rẻ bèo như thế sao”, cha nạn nhân cắn môi đến ứa máu.
Khoản “hỗ trợ” 10 triệu, công an dùng để xây căn nhà nhốt người bị đánh đến hóa điên
Số tiền 10 triệu đồng “bồi thường” nói trên, cơ quan chức năng không dùng để trang trải tiền viện phí cho gia đình anh Long những năm trước đó, mà công an lại dùng vào việc xây một căn nhà tình thương. Ngoài ra chính quyền xã cấp chế độ hàng tháng dành cho người tâm thần cho anh Long.

Đổ lỗi tâm thần do… di truyền?

Ông Cảnh bức xúc phản đối: “Lẽ ra công an làm sai thì phải có trách nhiệm bồi thường và nuôi dưỡng con tôi đến chết. Ngoài ra họ còn phải có trách nhiệm với cháu tôi và hai vợ chồng già này vì họ đã cướp mất một trụ cột trong gia đình”.

Theo gia đình, phía công an TX Bình Long không đưa anh Long đi giám định tâm thần nhưng vẫn có hồ sơ bệnh án từ trung tâm giám định pháp y bệnh viện tâm thần trung ương 2, kết luận: “Anh Long phát bệnh từ năm 1998 do di truyền chứ không liên quan đến sự kiện ngày 13/9/1999”.

Tuy nhiên ông Cảnh phản bác cả dòng họ ông không ai bị bệnh tâm thần. Điều này được địa phương chứng nhận.

Vợ chồng ông Cảnh cho rằng khoản bồi thường 250 triệu là chưa thỏa đáng nên tiếp tục đòi bồi thường thêm
Quá trình khiếu nại, khiếu kiện kéo dài hàng chục năm trời. Nhiều phiên tòa được mở rồi hoãn, rồi trả hồ sơ điều tra, xét xử lại. Thời điểm năm 2011, ông Cảnh yêu cầu công an phải bồi thường cho anh Long số tiền là 1 tỷ 75 triệu đồng.

Tòa án TX Bình Long tuyên buộc công an bồi thường số tiền này. Bản án sau đó bị kháng nghị, bị tòa án tỉnh Bình Phước trả hồ sơ điều tra xét xử lại. Đến nay vụ việc đã trải qua bảy phiên tòa nhưng chưa ngã ngũ.

Vợ bỏ đi, con thất học, cha mẹ không ai nuôi

Cha mẹ nạn nhân cho biết, ngày bị bắt, con mình là lao động chính trong nhà, nuôi vợ, nuôi con mới 3 tuổi. Ngày về, anh rơi vào trạng thái tâm thần, từ đó kéo theo vô vàn hệ lụy hậu quả.
Con trai bệnh, con dâu bỏ đi, vợ chồng ông Cảnh phải thêm gánh nặng vừa nuôi con tâm thần, vừa nuôi cháu còn nhỏ. Con trai anh Long nay đã 18 tuổi nhưng do gia đình khó khăn, không đủ tiền, cháu đã phải nghỉ học mấy năm nay và ở nhà giúp ông bà.Sau ngày chồng phát bệnh, người vợ không chịu đựng được nên năm 2001, trong một lần xin về quê, người vợ đã bỏ đi luôn. Hiện được biết người vợ đã có chồng mới và không liên lạc gì với anh Long cũng như đứa con của mình.

Đến nay, ông Cảnh đã chuẩn bị đơn, tiếp tục yêu cầu phía công an bồi thường thêm để gia đình có tiền chăm sóc anh Long tới khi chết và đứa cháu có thể học hành đến nơi, đến chốn.

Đánh giá về yêu cầu này, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho hay rất khó để bình luận, lý do: “Phải căn cứ vào biên bản thương lượng trước đây giữa hai bên, mới có thể bình luận phía công an còn có trách nhiệm nữa hay không. Nếu gia đình anh Long đã ký vào văn bản cam kết thương lượng xong, không khiếu nại khiếu kiện gì nữa, thì tòa án cũng khó có cơ sở để thụ lý”

Theo Pháp luật Việt Nam

Tin bài liên quan:

Công an nhân dân có còn vì dân phục vụ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Kỳ lạ án giết người ở Tuyên Quang: Tiếng kêu oan vang dậy (kỳ I)

Phan Thanh Hung

VNTB – Công an xã đánh dân: phạt dân, không phạt công an(?!)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo