Hội luận – Việt Nam: Hạn chế và ngăn chặn tự do ngôn luận và bất đồng chính kiến trên Internet

Hội luận – Việt Nam: Hạn chế và ngăn chặn tự do ngôn luận và bất đồng chính kiến trên Internet

Hội luận trực tuyến ngày 26 tháng 10, 2020

9:00am – 10:30am giờ Miền Đông Hoa Kỳ (8:00pm – 9:30pm giờ Việt Nam)

Ghi danh tham dự: tinyurl.com/bpsos-cybersecurity

Theo dõi qua livestream: facebook.com/VNAdvocacy

Liên lạc: bpsos@bpsos.org

Ngày 26 tháng 10 tới đây, BPSOS sẽ thực hiện buổi hội luận về chính sách của nhà nước Việt Nam nhằm hạn chế và ngăn chặn sự thực thi quyền tự do biểu đạt trên phương tiện Internet, qua nhiều hình thức:

 

(1) Sách nhiễu, trừng phạt và bắt bớ các nhà báo, các bloggers và những người biểu đạt quan điểm trên mạng xã hội

 

(2) Sử dụng dư luận viên để tấn công, phỉ báng các người lên tiếng cho quyền con người và đòi hỏi công lý

 

(3) Áp lực các công ty cung ứng dịch vụ như Facebook và Youtube kiểm duyệt thông tin với nội dung bị nhà nước cấm đoán

 

(4) Tấn công các trang mạng có nội dung chỉ trích đảng và nhà nước cộng sản; cài mã gián điệp để theo dõi các nhà hoạt động cho nhân quyền hay dân chủ

Ngày 8 tháng 10 vừa qua, hai cơ quan ngôn luận ở Đức là báo Die Zeit và đài truyền hình Bayerischer Rundfunk công bố cuộc nghiên cứu của họ về nhóm tin tặc Sen Biển (Oceanlotus) chuyên tấn công các người Việt ở Đức cổ suý nhân quyền hay dân chủ cho Việt Nam. Nhóm tin tặc này được cho là do nhà nước Việt Nam lập ra và tài trợ. Xem: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-hacker-group-targets-human-rights-activists-in-germany-10122020190058.html

Trong thành phần diễn giả sẽ có Ông Steven Adair từ thủ đô Hoa Kỳ. Ông là Chủ Tịch của công ty Volexity, một công ty chuyên về an ninh mạng, và đã đóng góp cho cuộc nghiên cứu ở Đức kể trên.

“Cách đây 6 năm, chúng tôi đồng ý cho công ty Volexity dùng trang machsong.org, tờ báo điện tử của BPSOS, làm ‘chuột thí nghiệm’ để nghiên cứu hoạt động của nhóm tin tặc Oceanlotus,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch của BPSOS, cho biết. “Các tin tặc đã tìm nhiều cách để xâm nhập trang mạng và hệ thống computer của BPSOS mà không biết là chính họ đang bị theo dõi.”

Đến nay Volexity đã thu thập khá nhiều thông tin về hoạt động của nhóm Oceanlotus, như cài mã gián điệp vào các trang báo điện tử để qua đó xâm nhập máy vi tính của những người quan tâm đến các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền. Tuần tới, Volexity sẽ công bố bản báo cáo về nhóm tin tặc Oceanlotus qua một công trình nghiên cứu được quan tâm và ủng hộ bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Volexity hiện là một trong 2 công ty có nhiệm vụ theo dõi 24/24 các hoạt động tin tặc của nhóm Oceanlotus và các nhóm tương tự nhắm vào hệ thống computer và email của BPSOS.

Diễn giả thứ hai là Ông Trịnh Hữu Long, Đồng Giám Đốc của Legal Initiatives for Vietnam — LIV (Các Sáng Kiến Pháp Lý Việt Nam). Hiện cư ngụ ở Đài Loan, Ông Long điều hành tờ Luật Khoa Tạp Chí, một đề án của LIV. Ngày 6 tháng 10 vừa qua, nhà báo Phạm Đoan Trang, đồng sáng lập viên của LIV, bị bắt không bao lâu sau khi tài liệu do Bà đồng biên soạn liên quan đến vụ công an tấn công vào Đồng Tâm được công bố.

Diễn giả thứ ba là Ông Phil Robertson, Phó Giám Đốc Phân Bộ Á Châu của tổ chức Human Rights Watch. Hiện ở Bangkok, Thái Lan, Ông là một chuyên gia về nhân quyền trong các lĩnh vực quyền của người lao động, người tị nạn và di dân. Cuối năm 2018, tổ chức HRW công bố bản báo cáo về tình trạng kiểm soát tự do ngôn luận trên internet ở Việt Nam và các điều khoản nguy hiểm trong Luật An Ninh Mạng: https://www.hrw.org/news/2018/12/20/vietnam-big-brother-watching-everyone

“Luật An ninh mạng được Quốc Hội Việt Nam thông qua tháng 6 năm 2018 chỉ là một bước thắt siết thêm trong một chính sách nhất quán để giới hạn và kiểm soát tự do ngôn luận trong kỷ nguyên tin học, kéo dài ít ra từ Luật An Ninh Quốc Gia năm 2004 cho đến nay,” Ts. Thắng giải thích.

Đóng góp cho cuộc Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát đối với Việt Nam gần đây nhất, cuối năm 2018, BPSOS cùng với Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam nộp cho LHQ bản báo cáo về chính sách kiểm soát tự do ngôn luận qua thời gian của nhà nước Việt Nam: https://dvov.org/wp-content/uploads/2018/07/Vietnam-UPR-2019-joint-submission-on-freedoms-of-thought-and-expression-1.pdf

Để tham gia buổi hội luận trực tuyến, xin ghi danh tại: tinyurl.com/bpsos-cybersecurity. Những người ghi danh sẽ có cơ hội đặt câu hỏi và góp ý với các diễn giả.

Ngoài ra, mọi người đều có thể theo dõi buổi hội luận với phần thông dịch tiếng Việt qua Facebook livestream: facebook.com/VNAdvocacy.

 

 

 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)