Việt Nam Thời Báo

HRW lên án Campuchia trả người tỵ nạn về VN

Chính phủ Campuchia nên tuân thủ những nghĩa vụ quốc tế và không trao trả những người tỵ nạn về nước để họ bị phân biệt đối xử, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa ra thông cáo kêu gọi hôm Chủ nhật ngày 8/2/2015.

                   Người Thượng nói họ trốn sang Campuchia vì ‘bị đàn áp tôn giáo ở Việt Nam’

Trong thời gian một số người thuộc các sắc dân thiểu số từ cao nguyên Trung phần ở Việt Nam đã chạy sang Campuchia và một số người đã bị chính quyền Campuchia trả về cho Việt Nam.

HRQ dẫn một trường hợp hôm 4/2 khi chính quyền tỉnh Rattanakiri đã đưa năm người trong một gia đình vốn bị cho là bị chính quyền ngược đãi vì tôn giáo trở lại Việt Nam.

‘Né tránh trách nhiệm’

“Chính phủ Campuchia một lần nữa đã dùng chiêu cưỡng ép để né tránh trách nhiệm pháp lý của họ là đảm bảo cho những người tỵ nạn có quyền được đánh giá một cách công bằng và khách quan yêu cầu của họ được xem như người tỵ nạn,” thông cáo của HRW dẫn lời ông Brad Adams, giám đốc châu Á của HRW, nói.

“Chính phủ Campuchia đã đẩy cuộc sống và an nguy của những người này vào chỗ bị đe dọa bằng cách ép họ phải quay về và đẩy những người buộc phải chạy trốn vào chỗ có nguy cơ thiếu đói, bệnh tật và dễ bị các tổn thương khác,” ông Adams nói thêm.

Chính phủ Campuchia đã đẩy cuộc sống và an nguy của những người này vào chỗ bị đe dọa bằng cách ép họ phải quay về và đẩy những người buộc phải chạy trốn vào chỗ có nguy cơ thiếu đói, bệnh tật và dễ bị các tổn thương khác.
Brad Adams, giám đốc châu Á của HRW


HRW kêu gọi các nhà tài trợ cho Campuchia cùng công khai gây sức ép lên chính phủ nước này để họ thừa nhận sự tồn tại của những người tỵ nạn đến từ Việt Nam và đánh giá một cách công bằng đơn xin cấp quy chế tỵ nạn của họ.

“Giới chức Campuchia nên dừng xem họ là ‘những người nước ngoài nhập cảnh lậu’ mà họ có thể trục xuất về Việt Nam,” thông cáo của HRW viết.

Truyền thông tường thuật rằng hôm 1/2 , một lực lượng hỗn hợp bao gồm cảnh sát và binh lính ở tỉnh Rattanakiri đã bắt giữ một gia đình năm người mà họ mô tả là người sắc tộc Gia Rai theo Thiên chúa giáo. Theo đó thì những người này ‘bị ngược đãi ở Việt Nam’ và họ ‘muốn được Campuchia thừa nhận là người tỵ nạn’.

Cũng theo truyền thông thì những người này đã trốn trong rừng vì họ sợ rằng chính quyền Campuchia sẽ đuổi họ về Việt Nam nếu như các cơ quan của Liên Hiệp Quốc không can thiệp. Sau đó, đến ngày 4/2 thì họ bị trục xuất về nước.

Không phải tỵ nạn?

Những người Thượng bỏ trốn muốn được cấp quy chế ṭỵ nạn
Chính quyền Campuchia được cho là đã tịch thu tất cả thiết bị liên lạc cá nhân của họ và ngăn trở các tổ chức Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền tìm hiểu về đơn xin tỵ nạn của những người này, HRW lên án.

HRW cũng cáo buộc Campuchia không cho ít nhất 27 người Gia Rai theo Thiên chúa giáo đang trú ẩn tại những khu vực bị cách ly ở tỉnh Rattanakiri được đăng ký xin tỵ nạn tại chỗ hay đi đến Phnom Penh để đăng ký.

Đồng thời, nhà chức trách Campuchia cũng đe dọa nhân viên các tổ chức phi chính phủ tại tỉnh Rattanakiri muốn giúp những người tỵ nạn này, cũng như muốn hợp tác với các cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh, vẫn theo HRW.

“Do đó những người này không thể tường thuật lại những gì đã xảy ra với họ. Điều này giúp cho chính quyền Campuchia tha hồ mà nói rằng không có người tỵ nạn nào cả ở tỉnh Rattanakiri,” HRW đưa ra cáo buộc.

Mặt khác, HRW cũng cho biết Campuchia đã thay đổi chính sách này kể từ tháng 12/2014 khi họ cho phép 16 người Gia Rai từ Việt Nam đến Phnom Penh tiến hành cách thủ tục xin quy chế tỵ nạn.

“Nhiều người làm việc trong lĩnh vực người tỵ nạn ở Campuchia đã nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng việc thay đổi này là do sức ép của Việt Nam vốn muốn làm giảm sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam,” thông cáo của HRW viết.

(Theo BBC)

Tin bài liên quan:

​Phải dừng nếu ảnh hưởng đến quốc phòng

Phan Thanh Hung

Việt Nam sẽ ngập trong nợ vì chi phí làm metro

Phan Thanh Hung

Trách nhiệm của Thủ tướng được quy định rõ hơn

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.