Huy động vàng trong dân: 5 lý do cần cân nhắc

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, có khoảng 300-500 tấn vàng, tương đương 20 tỷ USD, đang nằm trong dân – một số vốn “nhàn rỗi” khổng lồ.
Huy động vàng trong dân: 5 lý do cần cân nhắc
Mới đây NHNN đã chính thức được giao nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động vàng trong dân. Tuy nhiên, chủ trương này đã và đang gặp bế tắc ở việc huy động như thế nào và làm gì với số vàng huy động được từ dân.
Một giải pháp huy động và sử dụng hay được đề cập nhất và xem ra khả thi nhất là NHNN phát hành chứng chỉ huy động vàng và trả lãi cho số vàng huy động được này. Về phương án sử dụng, NHNN sẽ giao (hoặc cho vay) số vàng này cho Bộ Tài chính để bộ này đem làm tài sản thế chấp vay nước ngoài lấy ngoại tệ về phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Theo người viết, giải pháp trên không có tính thực tiễn và không có lợi, vì các lý do sau:
Thứ nhất, khi đã phải huy động bằng chứng chỉ vàng, tức có trả lãi, điều này vô hình trung lại kích hoạt thêm việc đầu cơ nắm giữ vàng trong dân vì họ vừa có thêm công cụ để đầu cơ, bảo toàn tài sản của mình, lại vừa được hưởng lãi, cũng tương tự như việc nắm giữ ngoại tệ. Điều này sẽ làm cho dân chúng càng có xu hướng ly khai mạnh hơn nữa việc nắm giữ tiền đồng, một hậu quả tương tự như nạn “đô la hóa”, và ở đây tạm gọi là nạn “vàng hóa”.
Đô la hóa và nay thêm vàng hóa chắc chắn sẽ càng làm suy yếu thêm tính hữu hiệu của chính sách tiền tệ của NHNN, vì nay VND chỉ là một cấu thành trong tổng phương tiện thanh toán bên cạnh đô la (ngoại tệ) và vàng hoặc chứng chỉ vàng.
Thứ hai, nếu như để ở dạng vàng vật chất thì giá trị sử dụng của nó còn bị hạn chế. Chẳng hạn, khi thực hiện giao dịch lớn thì số vàng phải vận chuyển sẽ nhiều – một yếu tố mang tính rủi ro cao. Nay, với việc hợp pháp hóa sự tồn tại của vàng vật chất thông qua chứng chỉ vàng, việc giao dịch, thanh toán, và cất trữ tài sản vàng này trong dân chúng lại trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn bao giờ hết.
Trên nhiều phương diện, chứng chỉ vàng sẽ có giá trị và được chấp nhận rộng rãi như tiền mặt, tín phiếu, trái phiếu, séc, và các loại giấy tờ có giá khác (chí ít thì trong phạm vi ngoài hệ thống ngân hàng). Bởi vậy, chủ trương phát hành chứng chỉ vàng sẽ mang đến một tác dụng không mong muốn là làm trầm trọng thêm nạn vàng hóa.
Thứ ba, về mặt tổ chức, NHNN không thể, không có chức năng tổ chức cả một mạng lưới huy động và chi trả vàng từ tất cả các tỉnh thành xuống đến ít nhất là cấp quận, huyện. Nếu được làm, và muốn làm, NHNN sẽ phải bỏ ra một chi phí khổng lồ (và cuối cùng lại tính vào ngân sách nhà nước) để xây dựng cơ sở vật chất và nhân lực cho công việc này. Nên có nhiều khả năng là NHNN sẽ phải dựa vào hệ thống ngân hàng và đại lý ủy quyền để thực hiện việc huy động và chi trả vàng/chứng chỉ vàng.
Đương nhiên, ngoài việc vẫn phải tốn chi phí để trả cho hệ thống thu gom và chi trả vàng như thế này, NHNN còn hợp pháp hóa lại sự hiện diện của vàng trong hệ thống ngân hàng và các chân rết đại lý, là điều mà NHNN đã cố gắng chấm dứt, xóa sổ không lâu trước đây.
Thứ tư, do huy động vàng bằng chứng chỉ vàng nên vàng huy động phải được chuẩn hóa. Nhưng hiện nay, lượng vàng tiêu chuẩn đóng dấu thương hiệu do NHNN phê duyệt chỉ là một phần (nhỏ) trong tổng số vàng có trong dân.
Để việc huy động vàng đạt đến quy mô có ý nghĩa, NHNN cần phải buộc dân chúng chuyển đổi số vàng vật chất phi quy chuẩn này thành vàng quy chuẩn. Vậy những chi phí liên quan này ai sẽ gánh chịu? Nếu NHNN không trực tiếp gánh chịu thì cuối cùng NHNN (và rốt cuộc là ngân sách) cũng sẽ phải gánh chịu, nếu muốn huy động được, vì dân chúng có vàng sẽ tính hết những loại chi phí này vào lãi suất họ đòi hỏi NHNN phải đáp ứng nếu muốn “mượn” vàng của họ. Chưa kể, chuyện chuyển đổi vàng này sẽ tạo ra nhiều rủi ro, bất ổn như vốn đã từng xảy ra trước đây.
Thứ năm, khi NHNN huy động vàng, họ phải trả lãi cho số lượng vàng huy động này. Dưới góc độ là một tài sản đầu tư, người sở hữu vàng sẽ đòi hỏi một lãi suất đủ lớn để hấp dẫn họ. Nên không thể hy vọng phí tổn lên ngân sách từ kênh huy động này sẽ thấp, rẻ được.
Số vàng này, sau đó, nếu theo đúng kế hoạch, sẽ được Bộ Tài chính dùng làm tài sản thế chấp để vay nước ngoài. Cứ cho là vì đã dùng vàng làm thế chấp thì lãi suất vay nước ngoài sẽ thấp hơn là vay chỉ bằng uy tín của Chính phủ Việt Nam, nhưng lãi suất này sẽ không thể thấp hơn lãi suất cho vay các chính phủ phương Tây, đồng thời sẽ phải cộng thêm các chi phí vận chuyển, bảo quản vàng vật chất đến các kho được chỉ định làm nơi giữ tài sản bảo đảm này, cũng như các chi phí thanh lý, phòng ngừa rủi ro, nếu Chính phủ Việt Nam không đáp ứng được nghĩa vụ nợ của mình.
Với lãi suất phải trả cho người có vàng trong nước, lãi suất trả cho khoản vay nước ngoài, cộng thêm vô số chi phí liên quan như kể trên, khó có thể nói rằng Chính phủ Việt Nam sẽ có lợi hơn nếu huy động vàng trong dân để làm thế chấp vay nước ngoài, thay vì đi vay trực tiếp nước ngoài.
Chừng nào không tính được rõ ràng bằng con số cụ thể bài toán lãi suất và chi phí khi huy động vàng rồi mang đi vay nước ngoài so với khi đi vay nước ngoài trực tiếp thì chừng đó chủ trương huy động vàng này còn là vô nghĩa, hoặc sẽ là một điều có hại nếu nó được thực hiện.
Các lý do trên cho thấy cần cân nhắc hết sức thận trọng trước khi hiện thực hóa chủ trương này.
(Theo TS Phan Minh Ngọc – Doanh nhân Sài Gòn)
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)