Việt Nam Thời Báo

John Sifton: Tại sao Hoa Kỳ không nên bán vũ khí cho Việt Nam?


Tướng Dempsey cùng Tướng Đỗ Bá Tỵ duyệt đội quân danh dự sáng 14/8

Foreign Policy/ HRW

John Sifton

14-10-2014

Ngày mồng 2 tháng Mười, nội các Obama vừa công bố sẽ nới lỏng lệnh cấm bán các thiết bị quân sự có tính hủy diệt cho Việt Nam từng được duy trì trong nhiều thập niên qua. Chính quyền Hoa Kỳ sẽ cho phép Lầu Năm Góc và các công ty Mỹ được cung cấp cho Việt Nam các “thiết bị phòng vệ liên quan đến an ninh hàng hải.” Động thái này trùng khớp với chuyến thăm Washington của Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh – tại đó ông đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel – và được đưa ra khá bất ngờ. Nếu xem xét các luồng ý kiến trái ngược về vấn đề này, có thể suy luận dường như việc giữ kín quyết định nói trên đến phút cuối là chủ ý của phía Hoa Kỳ.

Bao trùm lên trên quyết định đó là thành tích nhân quyền cực kỳ yếu kém của Việt Nam và thái độ khăng khăng không chịu thực hiện những cải cách cơ bản của chính quyền Hà Nội. Cũng giống như nước láng giềng phía Bắc là Trung Quốc, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều kể từ khi Hoa Kỳ chấm dứt can thiệp quân sự từ giữa thập niên 70, khi lệnh cấm vận vũ khí bắt đầu được áp đặt: Quốc gia này đã giàu có hơn rất nhiều, đã hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, và đã nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước đối với doanh nghiệp. Nhưng cũng tương tự như trường hợp của Trung Quốc, bản chất thực sự của chế độ vẫn được giữ nguyên: Là một nhà nước phi dân chủ, độc đảng, áp đặt hạn chế khắt khe về các quyền tự do cơ bản.

Chính quyền Hoa Kỳ biện hộ cho quyết định thay đổi chính sách nói trên với lập luận rằng các thiết bị hàng hải không thể dùng vào việc đàn áp đối lập. Lập luận này không xác đáng. Đương nhiên, chính quyền Hà Nội sẽ không đem ngư lôi ra phóng vào đám đông biểu tình. Lực lượng an ninh Việt Nam không cần các thiết bị quân sự phức tạp để dập tắt tiếng nói của những người phản đối chính quyền. Khi họ muốn bắt các nhà bất đồng chính kiến và blogger, họ chỉ việc lái xe đến địa điểm biểu tình, hay tư gia và bắt người cần bắt. Việt Nam không cần phải mua súng, dùi cui hay bình xịt hơi cay từ Hoa Kỳ – ngành an ninh Việt Nam có thể mua được các trang thiết bị không mấy đắt tiền này từ các thị trường sẵn có.

Nhưng quyết định về việc bắt đầu bán vũ khí sát thương của Hoa Kỳ đã gạt sang một bên bao công sức và lòng can đảm của các nhà hoạt động ở Việt Nam, những người trông chờ Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác gây sức ép buộc Đảng Cộng sản cầm quyền phải chấm dứt chính sách đàn áp có hệ thống và thực hiện các cải cách nghiêm túc.

Quyết định này phát đi một thông điệp tới đảng cầm quyền ở Việt Nam rằng có cải cách hay không là tùy họ, vì đằng nào họ cũng sẽ được đối xử như thế. Đây chắc chắn không phải là loại thông điệp chúng ta muốn gửi đến Hà Nội.

Nội các Obama nói rằng chính quyền Việt Nam đang đi những bước ngắn hướng đến cải cách. Hà Nội tỏ ra sẵn sàng đối thoại về khả năng đóng cửa một số trung tâm quản chế cưỡng bức lao động những người sử dụng ma túy, thay thế bằng các trung tâm cai nghiện tự nguyện. Chính phủ Việt Nam cũng đã ký, tuy chưa phê chuẩn, Công ước Chống Tra tấn, một công ước nhân quyền quốc tế buộc các quốc gia phải coi tra tấn là một tội hình sự, và vào ngày 26 tháng Chín vừa qua, Việt Nam cũng đã bỏ phiếu thuận cho một công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới. Giới chức Hoa Kỳ cũng dẫn một bằng chứng nữa của động thái tích cực là việc phóng thích các tù nhân chính trị: khoảng 10 trường hợp trong vòng vài tháng gần đây.

Nhưng nếu nhìn kỹ hơn sẽ thấy sự việc khác hẳn. Tra tấn vẫn là chuyện phổ biến ở Việt Nam, và chính quyền chưa hề có hành động nào hướng tới việc thay đổi các điều luật hình sự hóa tự do ngôn luận hay thành lập các tổ chức chính trị. Nhiều tù nhân được trả tự do trong thời gian gần đây bị bệnh nặng hoặc ốm yếu không làm gì được. Về trường hợp của nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Cù Huy Hà Vũ – một luật gia từng phê phán lãnh đạo nhà nước tham nhũng và quản lý yếu kém – không phải chính quyền phóng thích ông mà thực ra là ép buộc ông lưu vong ở Hoa Kỳ, vì chính quyền Hà Nội nghĩ rằng ở đó ông sẽ bị hạn chế khả năng tổ chức chống đối chế độ độc đảng ở Việt Nam.

Đồng thời, vẫn còn hơn 150 người Việt Nam nữa bị kết án trong những năm gần đây vì bày tỏ ý kiến hay có các hoạt động khác theo cách ôn hòa vẫn còn đang bị giam giữ – trong đó có những nhà hoạt động nổi tiếng như Lê Quốc Quân, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Văn Hải. Việc hành hung các nhà bất đồng chính kiến, thường do côn đồ lạ mặt thực hiện, đang có chiều hướng gia tăng.

Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế khá ngặt nghèo quyền tự do tín ngưỡng, đàn áp các nhà thờ Cơ Đốc giáo độc lập, chùa Phật giáo độc lập và các cơ sở tôn giáo độc lập khác. Trong khi giới chức đưa ra con số các cơ sở thờ tự được đăng ký đang gia tăng, như một bằng chứng cho việc cải cách, thì rất nhiều nhà thờ không muốn hoặc không được đăng ký và vẫn bị coi là ngoài vòng pháp luật. Dù thế nào chăng nữa, cũng không thể dẫn số lượng giấy đăng ký đã được cấp để làm bằng chứng của cải cách – vì các nhóm tôn giáo lẽ ra không cần chờ sự ban phước của chính quyền mới được tồn tại. Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo Heiner Bielefeldt phải cắt ngắn chuyến công tác tại Việt Nam vào tháng Bảy vì chính quyền sách nhiễu những người ông cần gặp và can thiệp vào công việc của đặc sứ.

Những người ủng hộ bán quyết định bán vũ khí của chính phủ Hoa Kỳ nói rằng Việt Nam cần các trang thiết bị hàng hải và tàu chiến tốt hơn để đối phó với hành động tranh chấp chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển Đông Nam Á, nhất là sau bế tắc về tranh chấp hải quân hồi tháng Năm, sau khi Bắc Kinh đặt giàn khoan dầu trong lãnh hải Việt Nam. Quyết định nới lỏng cấm vận phần nào là một phản ứng trước sự kiện tháng Năm, nhưng cũng phải được coi là một bước đi trong chiến lược “xoay trục về Châu Á” của nội các Obama nhằm tập trung các mối quan tâm về kinh tế và quân sự vào châu Á, dù có phải hy sinh một số giá trị dân chủ.

Tập trung quan tâm hơn về Châu Á trước hết phải là tận trung quan tâm tới người châu Á – trong trường hợp này là khoảng 90 triệu người Việt Nam. Quan hệ ngoại giao khăng khít hơn với Hà Nội không nên đạt được bằng sự hy sinh quyền lợi của những người dân, nhà hoạt động, blogger đang đấu tranh cho dân chủ và tự do.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.