Việt Nam Thời Báo

Khi chưa có luật có thể tổ chức biểu tình được không?

Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội

Hiến pháp Việt Nam đã quy định biểu tình là một quyền của công dân, song Nhà nước tìm mọi cách trì hoãn việc xây dựng luật biểu tình. Tuy vậy, theo Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định rằng công dân có thể thực hiện quyền này. Vậy, trong lúc chưa có Luật Biểu tình thì công dân có thể thực hiện quyềnbiểu tình hay không?

Biểu tình không có nghĩa là chống đối

Biểu tình là hình thức đấu tranh bằng cách tụ họp đông đảo quần chúng để bày tỏ ý chí, nguyện vọng để ủng hộ hoặc phản đối về một vấn đề công cộng nào đấy.

Biểu tình hoàn toàn không có nghĩa là chống đối, vì trước chủ trương, hành động đúng đắn của Nhà nước, người dân có thể xuống đường để bày tỏ thái độ ủng hộ. Và ngược lại, những vấn đề người dân không đồng tình thì họ sẽ biểu tình để phản đối.

Ở VN, theo Hiến pháp 2013 biểu tình là một quyền của công dân theo Điều 25 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”

Pháp luật nào quy định thì cái Luật Biểu tình cũng chưa có. Cho nên có thể nói là, hiện nay pháp luật VN quy định về cái quyền biểu tình là chưa rõ ràng, chính vì thế nên nó không đảm bảo quyền công dân về quyền biểu tình như Hiến pháp quy định. 
-LS Hà Huy Sơn


Tuy vậy, trong khuôn khổ pháp luật hiện tại ở VN đã không đảm bảo đủ điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình. Luật sư Hà Huy Sơn khẳng định:

“Theo tôi ngay trong Hiến pháp VN đã quy định không rõ, cái cho rằng Luật Biểu tình theo quy định của pháp luật, nhưng pháp luật nào quy định thì cái Luật Biểu tình cũng chưa có. Cho nên có thể nói là, hiện nay pháp luật VN quy định về cái quyền biểu tình là chưa rõ ràng, chính vì thế nên nó không đảm bảo quyền công dân về quyền biểu tình như Hiến pháp quy định.”

Theo Báo Đại biểu Nhân dân, nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của quyền biểu tình, ĐBQH Dương Trung Quốc nhận định:

“Quyền biểu tình không chỉ là nhu cầu thực tiễn của xã hội mà nó gần như là chuẩn mực của thế giới về quyền tự do con người tức là quyền hội họp, trong đó có quyền biểu tình. Nếu loại quyền tự do này ra khỏi hiến pháp thì chúng ta trở thành bất bình thường. Nếu chúng ta bên cạnh việc nâng cao hơn nữa việc quản lý bộ máy công quyền cộng với việc có Luật biểu tình thì tôi nghĩ sẽ có tác dụng tích cực cho xã hội.”

Nhưng trên thực tế từ nhiều chục năm qua Nhà nước nhiều lần, tìm mọi cách trì hoãn việc xây dựng và đưa luật biểu tình ra Quốc hội để thông qua. Nhận định về khả năng Luật biểu tình sẽ tiếp tục có thể bị kéo dài khá lâu, TS. Phạm Chí Dũng cho biết:

“Tôi cũng nghe một số thông tin cho rằng dù Quốc hội cuối năm 2014 định đưa vào nghị trình tháng 5 trình ra quốc hội luật biểu tình và đến cuối năm 2015 sẽ thông qua, nhưng luật biểu tình có khả năng bị hoãn một lần nữa và có thể đến năm 2016, 2017, thậm chí có ý kiến cho rằng tốt nhất đến năm 2020 mới cho ra luật biểu tình.“

Theo báo VNN online, tại phiên thảo luận tại Quốc hội, Bộ trưởng TT & TT Nguyễn Bắc Son đã cho rằng: “Để giữ gìn trật tự công cộng, góp phần bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân khi chưa có điều kiện ban hành Luật Biểu tình thì Chính phủ đã có Nghị định 38/2005/NĐ-CP  quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng. Trong đó, việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với UBND có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đăng ký.”

dsc04108-250.jpg
Sinh viên biểu tình chống Trung Quốc tại TPHCM hôm 05/06/2011. RFA file photo.

Đánh giá về ý kiến này, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa người đã từng cùng bà Phạm Thanh Nghiên nhờ luật sư xin phép UBND TP. Hà nội tổ chức biểu tình vào năm 2008 và không được chấp nhận. Sau đó họ đã bị bắt và phạt án tù, cho chúng tôi biết nhận xét của ông. Ông nói:

“Đấy là một trở ngại rất lớn, bởi vì Nghị định 38 họ lại coi biểu tình là tập trung đông người thì đấy là một khó khăn, cái thứ 2 là Nghị định này rất khắt khe, họ bắt phải xin phép. Vậy khi người biểu tình làm đơn xin phép thì cấp nhận đơn có quyền bác cái đơn ấy, thì rõ ràng đấy là một cái cửa rất hẹp và rất khó khăn như chúng tôi đã làm năm 2008. Vậy thì nếu là biểu tình chính trị thì chắc chắn đến thời điểm này sẽ vẫn không được, do đó cái Nghị định 38 là cái Nghị định tước bỏ hết cái quyền biểu tình của người dân. ”

Mặc dù về nguyên tắc là có thể thực hiện một cuộc tụ tập đông người đúng theo quy định, tuy nhiên quy định pháp luật này lại được ban hành theo hướng nhằm để ngăn trở người dân thực hiện quyền của mình. LS. Hà Huy Sơn nhận định:

“Hiện nay cái nghị định 38/2005/NĐ –CP thì nó lại là cái hạn chế cái quyền biểu tình của công dân. Vì trong trường hợp công dân xin phép mà bị từ chối thì việc biểu tình của công dân sẽ bị cho là trái với pháp luật.”

Được phép làm những gì mà pháp luật không cấm

Theo một nguyên tắc chung là công dân được phép làm những gì mà pháp luật không cấm, do vậy công dân hoàn toàn có quyền xin phép. Nhưng cái việc đăng ký ấy phải được UBND tỉnh đồng ý, tuy vậy điều kiện để UBND tỉnh họ có đồng ý hay không thì không quy định rõ ràng. 
-LS Hà Huy Sơn


Trả lời câu hỏi, khi chưa có Luật Biểu tình thì công dân có thể tụ họp để biểu thị ý chí và nguyện vọng của mình hay không?

Theo Nghị định 38/2005/NĐ-CP, việc tập trung đông người là hoàn toàn có thể, nhưng phải xin phép trước bảy ngày, kèm theo đó là danh sách thành phần tham gia cũng như địa điểm tập trung, lộ trình đoàn biểu tình đi qua… LS. Hà Huy Sơn khẳng định:

“Theo một nguyên tắc chung là công dân được phép làm những gì mà pháp luật không cấm, do vậy công dân hoàn toàn có quyền xin phép. Nhưng cái việc đăng ký ấy phải được UBND tỉnh đồng ý, tuy vậy điều kiện để UBND tỉnh họ có đồng ý hay không thì không quy định rõ ràng.”

Không bao giờ nhà nước tự trao quyền cho dân, cho dù là quyền đó đã được quy định trong Hiến pháp và chỉ có bằng cách người dân thực hiện nhiều lần và liên tục các cuộc biểu tình để đòi Nhà nước ban hành Luật Biểu tình.  Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định:

“Bây giờ thì tôi nghĩ tiến hành được, mặc dầu nhà nước có những biện pháp để ngăn chặn. Thế nhưng nếu người dân cương quyết thì vẫn có thể biểu tình được, bởi vì theo tôi Hiến pháp đã quy định rõ là người dân có quyền biểu tình, cho dù Luật Biểu tình chưa được thông qua. Tuy vậy, nêu người dân biểu tình liên tục, nhiều lần thì nhà nước thấy cái nhu cầu ấy thì nhà nước và Quốc hội phải nhanh chóng thông qua Luật Biểu tình.”

Theo nguyên tắc, pháp luật cần phải đáp ứng kịp thời những nhu cầu khách quan của xã hội, nếu pháp luật đáp ứng và phù hợp với nhu cầu của xã hội, thì pháp luật sẽ là những nhân tố thúc đẩy các tiến bộ xã hội. Còn ngược lại, nếu pháp luật đi ngược lại những đòi hỏi khách quan này, bởi sự can thiệp của ý chí nhà nước, thì pháp luật sẽ trở thành nhân tố cản trở sự phát triển của xã hội. Luật Biểu tình ở VN hiện nay cũng không nằm ngoài nguyên tắc ấy.

Anh Vũ
(Theo RFA)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.