‘Khó hiểu về chuyến đi của TBT Trọng’

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc từ ngày 7 đến 10/4 theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình
Ý nghĩa chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Trung Quốc cần phải được nhìn nhận từ cả khía cạnh đối nội và đối ngoại, theo nhận xét của một nhà nghiên cứu trong khu vực.

Tuy nhiên, bất kể thế nào thì Hà Nội cũng cần phải tìm cách giữ cân bằng trong quan hệ với Bắc Kinh và Washington, trang tin wantchinatimes.com của Đài Loan dẫn lời ông Kang Lin từ Viện Nghiên cứu Nam Hải (National Institute of South China Sea Studies) nói.

Ông Lin điểm lại lần tới Bắc Kinh hồi tháng 10/2011 của ông Nguyễn Phú Trọng diễn ra là hồi ông lên làm Tổng bí thư được chín tháng, và cho rằng so với lần trước thì chuyến đi diễn ra sau đó ba năm rưỡi đang khiến nhiều thành phần khác nhau cảm thấy quan ngại.

Chuẩn bị cho Đại hội Đảng?

Theo nhận định của phân tích gia của tổ chức nghiên cứu thì về mặt đối nội, Đảng Cộng sản Việt Nam đang trong lúc sắp xếp nhân sự cho kỳ Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng 1/2016 tới đây, nên chuyến đi của ông Trọng tới Trung Quốc có thể diễn giải như việc nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho cá nhân ông từ phía Bắc Kinh.

Việc Việt Nam ứng phó với Trung Quốc, nước láng giềng quan trọng nhất của mình ra sao sẽ có ảnh hưởng to lớn tới khuynh hướng chính trị nội bộ của Việt Nam, và đó là lý do khiến ông Trọng chọn đi Trung Quốc trước khi đi Mỹ trong lúc ông nhận được lời mời từ cả hai quốc gia, theo đánh giá của ông Kang Lin.

Ông Trọng từng tới Bắc Kinh cách đây ba năm rưỡi, sau khi ông được bầu làm Tổng bí thư ĐCS Việt Nam được chín tháng

Về mặt đối ngoại, quan hệ Việt-Trung đã trở nên căng thẳng sau sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan HD981 vào Biển Đông hồi năm ngoái và sau các cuộc tranh cãi về chủ quyền đối với các đảo thuộc Trường Sa và Hoàng Sa trong những năm gần đây.

Việc Việt Nam có hàng loạt các cuộc biểu tình bạo lực là “vượt quá mức suy tính của Trung Quốc”, theo lời ông Kang Lin, khiến các nhà đầu tư Trung Quốc phải rút khỏi Việt Nam và đã “làm xói mòn nghiêm trọng quan hệ song phương”.

Ông cũng cho rằng việc Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh ra tuyên bố lên án đường chín đoạn trên Biển Đông của Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế, ảnh hưởng tới sự phát triển của ASEAN là điều đã “khiến Trung Quốc vô cùng bất mãn”.

Quan hệ kinh tế

Tuy nhiên, theo ông Kang Lin, cũng không vì thế mà có thể nói quan hệ Việt – Trung là lạnh lẽo, khi mà bất chấp những lời cảnh cáo chính trị thì quan hệ kinh tế giữa hai bên vẫn rất sôi nổi, với hoạt động thương mại song phương hàng năm được trông đợi sẽ vượt mức 60 tỷ đôla Mỹ trong năm 2015.

Hôm 7/4, ông Nguyễn Phú Trọng ngay trong ngày đầu tiên chuyến viếng thăm tới Bắc Kinh đã cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến việc ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác, trong đó có Thỏa thuận về các vấn đề về thuế đối với Dự án thăm dò chung tài nguyên dầu khí tại vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc giữa Bộ Tài chính hai nước.

Hiện tượng mà ông Kang Lin gọi là “chính lãnh kinh nhiệt” (lạnh lẽo về chính trị nhưng nóng về kinh tế) này khiến cho mục tiêu thực sự của việc ông Trọng tới Trung Quốc trở nên không rõ ràng.

Do vậy, theo ông, cần phải theo dõi xem liệu chuyến đi là nhằm cải thiện mối quan hệ ngoại giao chính trị đang trong thế bế tắc và làm thay đổi bối cảnh “chính lãnh kinh nhiệt”, hay chỉ để duy trì đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, hay chỉ để tranh thủ sự ủng hộ chính trị của Trung Quốc cho các bước đi sắp tới của ông Trọng trong kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 tới đây.

Và hơn hết, nhà nghiên cứu này kết luận, việc không để tranh chấp Biển Đông làm xói mòn quan hệ với Trung Quốc là điều tối quan trọng, bởi nó có thể ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, theo ông Kang Lin, Việt Nam cần phải cân nhắc thận trọng trước việc chọn có “láng giềng tốt Trung Quốc” hay “bạn bè xa Hoa Kỳ”.

(Theo BBC)
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)