Việt Nam Thời Báo

Khó khăn của phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay

Lê Anh Hùng

VOA

Người dân Việt Nam biểu tình phản đối vụ cá chết hàng loạt ở ba tỉnh miền Trung, ngày 1/5/2016
Người dân Việt Nam biểu tình phản đối vụ cá chết hàng loạt ở ba tỉnh miền Trung, ngày 1/5/2016

Sau một thời gian phát triển tương đối mạnh, thời gian gần đây, phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam đang có chiều hướng chững lại. Các sự kiện ít được tổ chức, ít người tham gia; các hội nhóm chậm phát triển thành viên, sự kết nối giữa các thành viên lỏng lẻo; mối liên kết giữa các hội nhóm rời rạc…
Từ nhận thức khiêm tốn của mình, chúng tôi xin mạo muội chỉ ra một số nguyên nhân của thực trạng vừa nêu.
Thiếu thủ lĩnh
Nguyên nhân đầu tiên là việc cho đến nay phong trào dân chủ ở Việt Nam vẫn thiếu vắng một thủ lĩnh đủ tâm và tầm, có khả năng quy tụ cả lực lượng đấu tranh dân chủ lẫn quần chúng nhân dân. Đây là điều mà có lẽ ai cũng dễ nhận thấy. Những thành phần bất đồng chính kiến tiền bối có địa vị và uy tín trong bộ máy như Hoàng Minh Chính, Trần Độ… thì đã thành người thiên cổ từ lâu. Trong số những người còn sống, cả già lẫn trẻ, hầu như không ai sánh được với những tên tuổi vừa nêu, chưa nói đến những lãnh tụ tầm cỡ như Nelson Mandela của Nam Phi hay Aung San Suu Kyi của Myanmar.
Phần lớn thành phần tinh hoa chính trị của dân tộc vẫn nằm trong guồng máy chế độ. Đây là một thực tế, dù không dễ chấp nhận. Bất kỳ người Việt Nam nào trong nước cũng đều sinh ra, lớn lên, học tập và trưởng thành trong hệ thống hiện hành. Và hầu như bất kỳ ai được trời phú cho chút tư chất chính trị cũng đều tham gia vào bộ máy, nơi tốt nhất giúp họ phát huy được năng lực chính trị của mình. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, như tôi đã nêu trong bài “Vì sao Trần Xuân Bách mới chưa xuất hiện ở Việt Nam?”, mà đến nay những Hoàng Minh Chính, Trần Độ, hay Trần Xuân Bách, v.v. vẫn chưa xuất hiện trở lại. (Thành phần có tư chất chính trị nhưng vẫn giữ được phẩm giá thì khó leo cao trong bộ máy; những kẻ leo cao được thì hầu hết đều bị quyền lực tha hóa, hoặc tệ hơn nữa là bị Trung Quốc khống chế, thao túng.)
Số ít nằm ngoài hệ thống thì không có nhiều cơ hội để bộc lộ và thi triển tài năng hầu quy tụ lực lượng, trong khi họ phải chịu sự kiểm soát ngặt nghèo của chế độ “đảng trị” và “công an trị”, còn nhà tù thì luôn sẵn sàng mở cửa chào đón họ.
Thiếu sự hậu thuẫn của lực lượng cấp tiến trong bộ máy
Trong bài “Phe cấp tiến trong Đảng CSVN từng trỗi dậy ngoạn mục như thế nào?” và bài “Xu thế chính trị trong ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay”, tôi đã chỉ ra một thực tế: sự phát triển của phong trào đấu tranh dân chủ từ đầu thập niên 2000 cho đến giữa năm 2013 nhận được sự hậu thuẫn hết sức ý nghĩa từ lực lượng cấp tiến trong đảng; và sự chững lại hay thậm chí thoái trào của phong trào từ cuối năm 2013 cho đến nay cũng có một nguyên nhân hết sức quan trọng: các thành phần cấp tiến trong đảng thiếu vắng một thủ lĩnh đủ tầm để thúc đẩy công cuộc dân chủ hoá xã hội, hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh dân chủ (dĩ nhiên là chỉ ở một mức độ nhất định). Thực tế này cho phép chúng ta rút ra một kết luận: phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam một vài thập niên qua không chỉ thiếu vắng những thủ lĩnh đủ tâm đủ tầm, mà quan trọng là còn thiếu chiều sâu và mang nhiều tính tự phát.
Sự đàn áp khốc liệt và chống phá tinh vi của lực lượng an ninh
Có lẽ chưa bao giờ phong trào đấu tranh dân chủ lại phải đối mặt với một lực lượng an ninh cộng sản vừa tinh vi, quỷ quyệt, vừa hung hãn, tàn ác như hiện nay. Những vụ bắt bớ nhằm vào giới đấu tranh liên tục xảy ra trong mấy năm qua, mới đây nhất là cô Trần Thị Nga, một người đấu tranh cho nhân quyền và quyền lợi của dân oan, đồng thời là mẹ của 2 đứa con thơ, và cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, người mới mãn án tù giam 4 năm vào tháng 8/2015 và đang chịu án quản chế 4 năm. Sau các vụ bắt bớ là những bản án khắc nghiệt dành cho những người đã dũng cảm lên tiếng vì cộng đồng, xã hội và đất nước. Anh Ba Sàm/Nguyễn Hữu Vinh bị tuyên án 5 năm tù; cô Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù; bà Cấn Thị Thêu 20 tháng tù; cựu Trung tá Trần Anh Kim 13 năm tù, nhà tranh đấu Nguyễn Thanh Tùng 12 năm tù, v.v. Bên cạnh đó là nhiều nhà đấu tranh bị bắt nhưng chưa được đưa ra xét xử như luật sư Nguyễn Văn Đài cùng cộng sự Lê Thị Thu Hà, bác sỹ Hồ Văn Hải, ông Lưu Văn Vịnh, ông Nguyễn Văn Đức Độ, v.v.
Chưa hết, lực lượng an ninh còn hành xử như những tên cướp bạo ngược khi thẳng tay hành hung dã man và cướp đoạt tài sản của hàng loạt nhà hoạt động như Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Chí Tuyến, Đinh Quang Tuyến, Nguyễn Công Huân, Trương Minh Hưởng, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Hồ Nhật Thành, v.v.
Ở Hà Nội, nơi phong trào đấu tranh phát triển mạnh nhất, lực lượng an ninh ngang ngược đến độ, các cầu thủ No-U FC có khi phải cởi trần để đá bóng, chứ không được khoác áo có biểu tượng phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc nữa. An ninh Hà Nội cấm các cầu thủ giăng tấm biểu ngữ khổ nhỏ “Xoá đường lưỡi bò – BẢO VỆ TỔ QUỐC” và thường xuyên xua đuổi họ từ sân bóng này sang sân bóng khác. (No-U FC là một câu lạc bộ bóng đá nghiệp dư với thành phần là những những người phản đối đường lưỡi bò mà nhà cầm quyền Trung Quốc vạch ra hòng chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông.)
Tuy thiếu bằng chứng xác thực, nhưng thực trạng một số hội nhóm xuất hiện hiện tượng mâu thuẫn nội bộ, thiếu đoàn kết, rò rỉ thông tin nhạy cảm, hay việc một số nhân vật đấu tranh nổi bật bị công kích, bôi nhọ, v.v… là những dấu hiệu cho thấy đằng sau đó có bàn tay “đạo diễn” của an ninh cộng sản”.
Thiếu áp lực quốc tế, đặc biệt là từ Hoa Kỳ
Trong thời đại của hội nhập và can dự toàn cầu, áp lực từ cộng đồng quốc tế là một thứ vũ khí hữu hiệu buộc các chế độ độc tài nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng phải tôn trọng các công ước quốc tế về nhân quyền mà họ đã ký kết cũng như thứ “pháp luật” do chính họ bày ra.
Tuy nhiên, do có một lịch sử tế nhị với Mỹ và phương Tây, đặc biệt là trong bối cảnh gã khổng lồ láng giềng Trung Quốc không thèm che dấu cuồng vọng bá chủ khu vực, trước khi tiến tới thách thực ngôi vị bá chủ toàn cầu của Hoa Kỳ, nhà cầm quyền Việt Nam đã nhận được sự nhân nhượng, thậm chí là sự ưu ái đáng kể, từ những quốc gia vẫn thiết lập luật chơi dân chủ trên thế giới. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Với bản chất gian ngoan, xảo trá cố hữu, ban lãnh đạo CSVN đã triệt để lợi dụng điều này, ra sức đàn áp những người con dũng cảm và trách nhiệm dám cất lên tiếng nói của lương tri, của lý trí vì tương lai đất nước.
Phong trào dân chủ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; lực lượng cấp tiến trong Đảng CSVN thiếu một thủ lĩnh xứng tầm; lực lượng bảo thủ, phò Trung Quốc và các phần tử cơ hội càng được thể tác oai tác quái… Đó là những thực tế khiến viễn cảnh về một cuộc chuyển tiếp êm thấm sang chính thể dân chủ ngày càng xa vời, sự sụp đổ mang tính định mệnh trong cơn cuồng loạn bạo lực của chế độ cộng sản – kèm theo hiểm hoạ xâm lược từ Trung Quốc, không chỉ trên Biển Đông mà cả trên đất liền – ngày càng đến gần.
*Bài liên quan: “Cách mạng dân chủ ở Việt Nam: từ dưới lên hay từ trên xuống” – Bauxite Việt Nam.
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo