Khởi tố chủ tọa xử án oan Nguyễn Thanh Chấn là một bước tiến!

Việc ông Nguyễn Thanh Chấn được giải oan đã làm chấn động dư luận xã hội và giới nghiên cứu luật pháp. Sự kiện bắt chủ tọa phiên tòa phúc thẩm gây ra vụ án oan này lại càng có tiếng vang lớn.


Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác nhận với báo chí, cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Được biết, ông Chiêm là cựu thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kêu oan của ông Nguyễn Thanh Chấn vào ngày 27/72004.

Đây là một diễn biến mới của vụ việc này, sự việc sẽ có tác động rất lớn đến tiến trình cải cách tư pháp của Việt Nam.

Để hiểu hơn về những tác động này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội). Dưới đây là nguyên văn nội dung bình luận của luật sư Cường về sự kiện bắt chủ tọa phiên tòa kết án oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn.

Ông Nguyễn Thanh Chấn mất mát quá nhiều sau 10 năm oan sai (ảnh: Thể thao Văn hóa)

Theo thông tin đưa ra, ông Nguyễn Thanh Chấn bị buộc tội sát hại người hàng xóm và phải chịu mức án tù chung thân về tội giết người. Sau hơn 10 năm ngồi tù, nay ông Chấn mới được minh oan. Sau bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang, ông Chấn đã làm đơn kêu oan. Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm tiếp tục giữ y án sơ thẩm vì cho rằng, trong quá trình điều tra đã nhận dạng được hung khí gây án cùng các tang vật chứng, dấu vết để lại hiện trường phù hợp với hành vi phạm tội… Mãi cho đến ngày Lý Nguyễn Chung ra đầu thú thì ông Chấn mới được minh oan và trả tự do sau 10 năm tù tội.

Vậy vấn đề tiếp theo đặt ra là xử lý hung thủ Lý Nguyễn Chung về những hành vi mà Chung đã gây ra cho nạn nhân; Xử lý những cán bộ, cơ quan đã gây oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn và vấn đề bồi thường thiệt hại.

Trước đó, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Nhật Luật (cựu Thượng tá – nguyên Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang) và ông Đặng Thế Vinh (cựu Trưởng phòng 10, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang) để làm rõ hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Hai cán bộ này trước đây là điều tra viên và kiểm sát viên trong vụ án mà ông Nguyễn Thanh Chấn đã bị kết tội oan.

Đối với cán bộ tòa án thì xử lý thế nào? Xử lý với cán bộ tòa án cấp sơ thẩm hay cán bộ tòa án cấp phúc thẩm ?

Về nguyên tắc của tố tụng hình sự thì một người chỉ coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Vì vậy, với bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội thì ông Chấn mới bị oan. Vì vậy, việc xác định trách nhiệm gây ra oan sai cho ông Chấn là Tòa án cấp phúc thẩm là đúng pháp luật.

Theo quy định của pháp luật thì quá trình tố tụng một vụ án hình sự trải qua ba giai đoạn: Điều tra, truy tố và xét xử. Trong giai đoạn xét xử thì còn có hai cấp xét xử là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm (nếu bản án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị).

Theo đó, ở giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra có nhiệm vụ thu thập các thông tin, tài liệu, chứng cứ theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự để có kết luận về vụ việc- có dấu hiệu phạm tội hay không, phạm tội gì. Nếu vụ việc có dấu hiệu phạm tội thì cơ quan điều tra ra kết luận điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện kiểm sát cùng cấp để “truy tố”.

Về phía Viện kiểm sát, cơ quan này tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra để kịp thời phát hiện và xử lý với các sai phạm của cơ quan điều tra. Đến khi có kết luận điều tra thì cơ quan này xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án (có thể phúc cung, thực hiện các thủ tục tố tụng…) để xác định lại sự thật của vụ việc. Sau khi xem xét trong thời hạn cả tháng trời, nếu thấy việc kết luận của cơ quan điều tra là đúng, bị can có dấu hiệu phạm tội thì Viện kiểm sát ra bản cáo trạng để “truy tố” (tố cáo tội trạng) của bị cáo, làm căn cứ cho tòa án xét xử bị cáo. Nếu chưa đủ căn cứ để truy tố thì có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ giải quyết vụ án (Điều 166 BLTTHS).

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội)

Đến giai đoạn xét xử: Đến thời điểm bắt đầu và trong suốt quá trình thực hiện việc xét xử, bị cáo vẫn được coi là chưa có tội (cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật). Trước khi xét xử thì các thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cũng có rất nhiều thời gian để nghiên cứu hồ sơ vụ án. Nếu thấy chưa đủ căn cứ giải quyết vụ án (chưa đủ căn cứ kết tội) thì có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung… Nếu thấy tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ có căn cứ kết tội bị cáo thì mới mở phiên tòa để giải quyết. Tại phiên tòa, các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án lại được đưa ra để xem xét công khai, tranh luận, đánh giá tính khách quan, tính liên quan của các chứng cứ đó. Xem những chứng cứ đó đã đủ để tái hiện một sự thật khách quan trong quá khứ về việc thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo hay chưa…. Sau phần xét hỏi công khai, tranh luận, nghị án thì mới đi đến kết luận là bị cáo có tội hay không có tội, tội gì, xử lý đến đâu…

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì quy trình tố tụng rất chặt chẽ qua nhiều khâu, nhiều cấp, nhiều người tham gia, thời hạn giải quyết một vụ án đặc biệt nghiêm trọng có thể kéo dài 1 vài năm mới có kết quả cuối cùng. Nếu những người tiến hành tố tụng làm việc công tâm, khách quan, làm có trách nhiệm thì việc oan sai rất khó có thể xảy ra.

Tuy nhiên, thực tiễn vẫn xảy ra những vụ án oan đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn.

Đối với việc Cơ quan điều Viện kiểm sát nhân dân Tối cao tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm, theo tôi, với những tổn thất đã gây ra cho ông Nguyễn Thanh Chấn ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội, vụ việc xảy ra trong giai đoạn thực hiện cải cách tư pháp, đẩy mạnh thực hiện pháp chế, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN như hiện nay thì việc xử lý các cán bộ có liên quan là cần thiết và đúng pháp luật.

Việc điều tra, truy tố, xét xử với các cựu điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán đã bị khởi tố nêu trên cũng sẽ được thực hiện theo đúng quy trình tố tụng hình sự. Việc họ có tội hay không, tội gì, hình phạt tới đâu sẽ được quyết định trong bản án của tòa án theo quy định chung.

Việc xử lý nghiêm minh với những cán bộ gây oan sai cho ông Chấn sẽ góp phần lấy lại niềm tin của người dân đối với hệ thống cơ quan và cán bộ ngành tư pháp. Vì vậy cần phải xem xét xử lý nghiêm khắc theo quy định đối với những người này thì mới có đủ sức răn đe nhằm giảm thiểu tối đa oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử án hình sự.

Hồng Chuyên (ghi theo lời Ls Đặng Văn Cường)
(Theo Infonet)

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)