(*) Tựa đề do VNTB đặt
“Tuy nhiên có thể khẳng định là không bàn chuyện trích ngân sách xử lý nhóm nợ này” – ông Bùi Đức Thụ
——————————-
Dùng ngân sách xử lý nợ xấu DNNN:Quốc hội phải bàn!
(Tài chính) – “Việc xử lý nợ xấu đã được đề ra nhiều giải pháp trước đó nhưng nếu đề xuất trích ngân sách thì Quốc hội sẽ phải bàn”.
Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã chia sẻ với Đất Việt như vậy. Theo ông Thụ, hiện nay các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn đang thực hiện tái cơ cấu nên đề xuất gì cũng phải dựa trên đề án tổng thể và theo đúng luật.
Cứ theo đúng luật mà làm
PV: – Mới đây, Bộ KHĐT đề xuất dùng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Lý giải cho đề xuất này, một thành viên của Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho rằng, phải cấp cho ngân hàng thương mại một khoản tiền để họ xóa những khoản nợ biết chắc là không thể thu hồi được ví dụ như nợ của DNNN. Từ đề xuất cũng như lý giải nói trên, có thể hiểu thế nào về tình hình nợ xấu của các ngân hàng thương mại và nỗ lực giải quyết nợ xấu của VAMC thời gian qua? Trong khi áp lực nợ công, bội chi… ngày càng đè nặng lên các quyết định chi tiêu ngân sách, đề xuất nói trên nên được xem xét như thế nào?
Ông Bùi Đức Thụ: – Xử lý nợ xấu hiện nay quan điểm là mua bán nợ. Việc xử lý như thế nào cần phải dựa trên đề án tổng thể.
Thứ nhất việc xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước thì đã có tư cách pháp nhân. Đã giao quyền tự chủ và trách nhiệm cho lãnh đạo các doanh nghiệp.
Thứ hai là chúng ta đang tái cơ cấu sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty nên nếu còn đống nợ khổng lồ khó khăn thì cũng phải có đề án tổng thể. Từ đó mới đối chiếu theo pháp luật, chính sách để xem chỗ nào có thể xử lý được, chỗ nào không thể.
Còn việc đề xuất xin trích ngân sách xử lý nợ xấu cũng chưa thể bàn sâu. Cứ theo Luật mà làm.
Về ngân sách quản lý theo luật cho nên phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Nếu trường hợp cần tháo gỡ (giống như tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh) thì sắp tới Bộ Tài chính cũng sẽ thừa ủy quyền Chính phủ điều chỉnh luật thuế thì phải trình Quốc hội sửa Luật hoặc ban hành Nghị quyết. Cho nên muốn làm gì thì cũng phải qua thẩm quyền của Quốc hội.
PV: – Thưa ông, nếu theo đề xuất của Bộ KHĐT, việc chi ngân sách để xử lý nợ xấu là để giải quyết việc “doanh nghiệp nhà nước gây thua lỗ, nợ xấu phải dùng ngân sách để cứu” hay đây cũng là biện pháp để cứu các ngân hàng thương mại? Trong cả hai trường hợp, phải lý giải tính hợp lý của đề xuất trên như thế nào?
Ông Bùi Đức Thụ: – Không có chuyện cứu ngân hàng thương mại bởi vì các ngân hàng này tổ chức theo quy định riêng. Nợ xấu của các ngân hàng này phải xử lý dựa trên cơ cấu trích lập dự phòng rủi ro. Phần còn lại không xử lý được thì phải bán cho Tổng công ty VAMC.
Vừa qua kế hoạch mua của VAMC cũng chậm trong khi vốn ít, việc mua vào bán ra với tỷ lệ quá nhỏ. Cho nên điểm này cũng phải xử lý. Với hệ thống ngân hàng cũng đã có cơ chế và định hướng riêng.
Có thể khẳng định là với các ngân hàng quốc doanh thì Quốc hội đã bàn nhiều lần, quan điểm chung là dùng thiết chế dự phòng rủi ro và các cơ chế mua bán nợ để xử lý.
Còn với các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn thì Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa. Hiện tại việc cổ phần hóa vẫn chậm nên cần phải xem còn vướng gì để đẩy mạnh tiếp. Bởi vì càng lình xình nhà nước càng mất vốn.
Tuy nhiên có thể khẳng định là không bàn chuyện trích ngân sách xử lý nhóm nợ này.
Dù thế nào Quốc hội cũng phải bàn
PV: – Nhiều chuyên gia đã chỉ ra đặc điểm sở hữu chéo trong các ngân hàng và ma trận này vẫn chưa có cách tháo gỡ để minh bạch hệ thống tài chính; câu hỏi nợ xấu mua về rồi sẽ làm gì cũng chưa có lời giải, việc bơm tiền thật xử lý dứt điểm nợ xấu có giúp khơi thông dòng tín dụng đang không tới được với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (khu vực tư nhân) hay không hay chỉ dùng để cứu chính các ngân hàng thương mại? Liệu đó có là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước “rất muốn thế nhưng chúng tôi chưa hề đề xuất như vậy” như lời Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh hay không, thưa ông?
Ông Bùi Đức Thụ: – Việc khơi thông dòng tín dụng phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Thứ nhất là về phía doanh nghiệp sức hấp thu vốn phải khá lên. Hiện lãi suất ngân hàng đã hạ thấp nhất nhưng doanh nghiệp không vay vốn.
Lý do cũng có nhiều, phía ngân hàng thì đòi có tài sản thế chấp bảo đảm, nhưng về phía doanh nghiệp thì phần đông là không thể sản xuất vì thị trường còn khó khăn trong việc tiêu thụ. Tức là tổng cầu suy giảm nên lãi suất rẻ doanh nghiệp cũng không vay.
Cho nên vấn đề đầu tiên cần xử lý là phải tăng hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế và sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Sau đó mới xử lý đến phần cung ứng vốn mà vốn ở đây là tín dụng.
PV: – Theo cá nhân ông, ở thời điểm này nên áp dụng phương cách nào để xử lý nợ xấu? Nếu trích từ ngân sách nhà nước để xử lý thì có phải kèm theo các điều kiện gì để tránh tình trạng biến nợ xấu thành nợ rất xấu?
Ông Bùi Đức Thụ: – Việc trích tiền ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu cho các doanh nghiệp nhà nước cần phải dựa trên tờ trình với Đề án tổng thể và theo đúng luật. Tuy nhiên dù như thế nào thì Quốc hội cũng phải bàn.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Bích Ngọc (thực hiện)
Đất Việt