Việt Nam Thời Báo

Kiểm soát tin tức: Vai trò của truyền thông nhà nước

Mặc dù có nhiều phương tiện truyền thông mới đang dần vươn lên, và môi trường truyền thông nhìn chung đã trở nên đa dạng và cạnh tranh hơn rất nhiều so với trước, các chế độ chuyên chế đang tìm ra những cách thức đáng ngạc nhiên (và hiệu quả đến mức đáng báo động) để sử dụng truyền thông nhằm củng cố quyền lực của mình. Các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát một cách chính thức hoặc không chính thức đã trở nên rất cần thiết đối với sự bền vững của các chính quyền phi dân chủ trên khắp thế giới. Những thông điệp mà các phương tiện truyền thông này đưa ra – và sự thờ ơ của người dân mà chúng khuyến khích – giúp giữ cho một số nhân vật quan trọng thuộc giới chóp bu không đào ngũ khỏi chế độ, đồng thời ngăn chặn sự trỗi dậy của những trung tâm quyền lực thay thế khác trong lòng xã hội.

Các cơ quan truyền thông đang được nói đến có thể do nhà nước sở hữu và điều hành, hoặc có thể là các cơ quan tư nhân trên danh nghĩa nhưng thực tế vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền. Hầu hết các chế độ chuyên chế – kể cả các chế độ ở Trung Quốc và Nga – đều áp dụng mô hình này một cách khéo léo – dùng cả các phương tiện truyền thông nhà nước lẫn các cơ quan truyền thông tư nhân để thực hiện những mục đích của mình.
Việc nhắc đến Bắc Kinh và Matxcơva có thể khiến người ta hiểu rằng truyền thông do nhà nước kiểm soát chỉ tồn tại ở các nước cộng sản hay hậu cộng sản, nhưng không phải như vậy. Azerbaijan, Belarus, Campuchia và Việt Nam có các phương tiện truyền thông bị nhà nước chi phối, nhưng Ethiopia, Iran, Mozambique, Rwanda và Zimbabwe cũng vậy (ngoài ra Venezuela cũng đang nhanh chóng đi theo xu hướng này). Trong tất cả các quốc gia này, dù là cộng sản, hậu cộng sản hay không phải là cộng sản, những hệ thống truyền thông được thiết lập ra để hạn chế thông tin và tin tức tới đại đa số người theo dõi và định hình nên tiếng nói chính trị chính thống. Hơn thế nữa, một số chính quyền được bầu lên một cách dân chủ nhưng có khuynh hướng chuyên chế, giống như các chính quyền ở Ecuador, Nicaragua, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine, cũng sử dụng những kỹ thuật tương tự.
Để thực thi những ý định của mình, những nhà chuyên chế kiểu cũ dựa vào những cơ chế cưỡng ép trên quy mô lớn cùng với các tổ chức đảng vững chắc, do trung ương kiểm soát và thấm đẫm ý thức hệ. Cả Nga và Trung Quốc đều có những bộ máy hành chính an ninh quốc gia quy mô lớn, nhưng không nước nào còn duy trì chính đảng theo kiểu cũ. Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) đã không còn nữa, trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) dù vẫn nắm quyền nhưng đã cắt gọt bớt hệ tư tưởng của mình để “phù hợp với những quyết định chính sách được đưa ra trên cơ sở phi tư tưởng”.1 Cưỡng ép là yếu tố quan trọng trong cả 2 trường hợp, nhưng nền chuyên chế ở cả 2 nước không thể đứng vững nếu chỉ dựa vào vũ lực – và các nhà cầm quyền biết rõ điều đó.
Đây là lúc cần dùng đến các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát. Khi không có hệ tư tưởng dẫn dắt nào như chủ nghĩa cộng sản để làm chỗ dựa, các chế độ sử dụng truyền thông để lấp đầy khoảng trống, đưa ra một hỗn hợp gồm chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bài Mỹ và các dòng tư tưởng khác để giữ con thuyền chế độ “nổi lên trên mặt nước” thông qua sự ủng hộ từ quần chúng.2
Tuy nhiên, truyền thông do nhà nước kiểm soát không tồn tại chỉ để ca tụng giới cầm quyền. Một chức năng thiết yếu bên cạnh đó là nhằm công kích và hạ thấp uy tín những thế lực muốn thay thế tình trạng chuyên chế hiện hành trước khi những thế lực đó lôi kéo được đông đảo người dân. Theo cách này, truyền thông do nhà nước điều hành là một công cụ để gạt bỏ bất kỳ phe đối lập chính trị hay phong trào dân sự tiềm tàng nào. Khi không thể tiếp cận hiệu quả các phương tiện truyền thông, các phe phái đối lập sẽ không thể tiếp cận được tới những người ủng hộ tiềm năng hay có được tiếng nói đáng kể trong tranh luận công khai.
Mặc dù các nền chuyên chế đương thời vẫn coi khả năng trấn áp bất đồng chính kiến bằng vũ lực là thiết yếu và sẽ không từ bỏ cách làm này, Trung Quốc, Nga và các chế độ khác ngày nay thường sử dụng biện pháp mạnh một cách có chọn lọc hơn.3 Lý do của việc này bắt nguồn từ thực tiễn: Nguyện vọng hiện đại hóa nền kinh tế và đạt được sự phồn vinh không thể tồn tại cùng sự đàn áp thô bạo trên quy mô lớn và sự hạn chế lưu lượng thông tin mà điều đó yêu cầu.
Ngoại trừ các trường hợp như Cuba, Bắc Triều Tiên và Turkmenistan, các chế độ chuyên chế ngày nay không hướng đến việc thống trị hoàn toàn tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Thay vào đó, thứ họ muốn có thể được gọi là “kiểm soát truyền thông hiệu quả” – vừa đủ cho họ thể hiện được quyền lực cũng như củng cố tuyên bố về tính chính danh của họ, trong khi làm suy yếu những đối thủ tiềm năng. Sự chi phối của nhà nước như vậy – dù là thông qua những cơ quan truyền thông được nhà nước công khai điều hành hay chỉ chịu ảnh hưởng từ chính quyền một cách mềm dẻo – cho phép các chế độ làm nổi trội những tiếng nói ủng hộ chính quyền trong khi sử dụng quyền cắt bỏ trong biên tập để hạn chế việc chỉ trích có hệ thống các chính sách và hành động của chính phủ.
Xét về khía cạnh này thì Trung Quốc là nước đi đầu. Các tuyên truyền viên của Bắc Kinh là những người biết tiếp thu một cách khéo léo, học theo những phương pháp quan hệ công chúng thường được vận dụng trong chính trị phương Tây và chỉnh sửa chúng sao cho thích hợp với các điều kiện ở Trung Quốc. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) tiếp cận một lượng khán giả rất đông đảo, lên tới hàng trăm triệu người, với tư cách là phương tiện kiểm soát của nhà nước, định hướng cho ý thức của dư luận về tin tức và sự kiện, và quản lý các thông điệp trong văn hóa giải trí đại chúng.4
CCTV đại diện cho một thực thể truyền thông của chủ nghĩa chuyên chế vốn đã đạt được một mức độ thành công thương mại nhất định, kết hợp với sự trấn áp có hệ thống một cách khéo léo. Đó là một tập đoàn truyền thông (giờ đã có các chân rết hoạt động cả trong và ngoài lãnh thổ Trung Quốc) có lợi nhuận về mặt tài chính, tự chủ trong cách vận hành, và đáng tin tưởng về mặt ý thức hệ. Sự nổi bật của CCTV phần nhiều là nhờ những gì các nhà điều tiết trong chính phủ Trung Quốc đã làm để hạn chế các đối thủ tiềm năng. Những khách hàng mua quảng cáo của CCTV thường là các tập đoàn nhà nước hoặc các công ty tư nhân muốn tạo ấn tượng với các quan chức nhà nước. Kết quản có được là một môi trường truyền thông bán thương mại mà trong đó nhà nước giữ vai trò chi phối về biên tập nội dung.

Sự nổi trội mà chúng ta thấy ở CCTV không phải do ngẫu nhiên: Truyền thông do nhà nước kiểm soát có thể có nhiều hình thức, nhưng truyền hình là số một. Giống như tên cướp nhà băng huyền thoại Willie Sutton với câu nói trứ danh rằng hắn cướp ngân hàng vì “tiền đều nằm ở đấy”, các chế độ chuyên chế tập trung vào truyền hình vì đó là nơi mọi con mắt đều hướng vào. Trong phần lớn các xã hội, truyền hình là nguồn chính để mọi người tìm kiếm tin tức và thông tin. Những thông tin được đưa trên truyền hình – cả nội dung và cách thức đưa tin – ảnh hưởng và định hình nội dung của dòng quan điểm chính trị chính thống. Hơn nữa, những nội dung có trên truyền hình sẽ xác định nhận thức của người dân về việc chế độ sở hữu nhiều quyền lực đến mức nào.

Truyền hình vẫn không có đối thủ cạnh tranh thực sự. Việc tiếp cận và sử dụng Internet đang phát triển, đôi khi rất nhanh chóng, và nhiều công nghệ mới đang giúp cho những người dân bình thường có thể tiếp cận được với nhiều loại hình thông tin hơn và liên lạc với nhau một cách nhanh và rẻ. Các phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp định hình cách nhìn nhận, đặc biệt là về những vấn đề gây bất bình rộng rãi, và đang thay đổi các cơ chế hành động tập thể.5 Nhưng các phương tiện truyền thông mới đang ở thời điểm có thể gọi là “giai đoạn trỗi dậy” trong sự phát triển của mình và còn lâu mới có khả năng thách thức vai trò chủ đạo của truyền hình trong các xã hội chuyên chế.
Một trong số nhiều vấn đề thế giới mạng gặp phải là tình trạng quá phân tán. Theo bản chất, các chế độ chuyên chế tập trung chặt chẽ vào việc giữ chặt quyền lực và do đó sử dụng truyền thông nhà nước một cách có hệ thống vì mục đích này. Truyền hình do nhà nước kiểm soát mang thông điệp của chế độ tới khán giả mà không gặp phải trở ngại gì. Ngược lại, mạng Internet là một hỗn hợp lẫn lộn với nhiều tiếng nói trái ngược nhau – không phải là nền tảng tốt nhất để thúc đẩy một lực lượng đối lập thống nhất và chặt chẽ nhằm chống lại phe đang cầm quyền.
Nhà nước kiểm soát truyền thông như thế nào
Những phương pháp nào đã giúp cho các hệ thống truyền thông nhà nước – trong đó không chỉ gồm truyền hình mà còn các báo, đài và phương tiện truyền thông mới, tất cả đều được chống lưng bởi hệ thống cảnh sát và tòa án bị chính quyền chi phối – có thể tồn tại lâu dài trong kỷ nguyên hiện tại với những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ và truyền thông, cụ thể là trên các lĩnh vực mạng Internet và truyền thông xã hội? Để đạt được quyền chi phối hiệu quả, các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát tại các chế độ chuyên chế gây ảnh hưởng lên bốn đối tượng khán giả riêng biệt. Bốn đối tượng đó, theo trình tự mức độ quan trọng đối với chế độ, là 1) giới chóp bu trong chính liên minh của chế độ; 2) đại bộ phận quần chúng nói chung; 3) người sử dụng Internet thông thường của đất nước; và 4) các nhóm chính trị đối lập và các tổ chức xã hội độc lập.

Giới chóp bu trong liên minh của chế độ
Các chế độ chuyên chế luôn luôn phải lo lắng về chính giới chóp bu trong nội bộ của mình, những người có lợi ích lớn trong việc liệu chế độ có triển vọng tốt hay xấu, và luôn muốn có thể “đứng về phía bên thắng thế” bằng cách tỏ ra “linh động” thay đổi lòng trung thành của họ. Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát phải có nhiệm vụ trấn an những trụ cột của chế độ này rằng nhà cầm quyền (hay nhóm cầm quyền) hiện tại vẫn sẽ đứng vững, từ đó tiếp tục gắn chặt và trung thành với chế độ sẽ là “việc làm khôn ngoan”.

Sự thống trị rõ ràng lên các phương tiện truyền thông là tín hiệu cho các thành viên chủ chốt của liên minh cầm quyền biết nếu phản bội lại chế độ thì sẽ bị trừng phạt bằng nhiều biện pháp, trong đó bao gồm các chiến dịch bôi nhọ bằng truyền thông. Trong bối cảnh này, những gì các phương tiện truyền thông nói ra ở một thời điểm nào đó cũng không quan trọng bằng việc nhóm cầm quyền có khả năng cho thấy rằng họ có thể áp đặt bất kỳ thông điệp gì họ muốn. Như Guillermo O’Donnell và Philippe Schmitter đã chỉ ra, các nhà chuyên chế biết rõ rằng các chế độ phi tự do có thể sẽ bắt đầu rạn nứt nếu những nhân vật ôn hòa trong chế độ tìm ra và liên lạc được với những nhân vật ôn hòa trong các nhóm đối lập mà họ có thể thương lượng được.6 Giữ cho một số quan chức thuộc giới chóp bu không tự tách ra khỏi chế độ là một mục tiêu sống còn và do đó cũng là một nhiệm vụ thiết yếu của truyền thông do chế độ kiểm soát.

Tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng sự chi phối truyền thông của mình để gửi tín hiệu đến một số khán giả thuộc giới chóp bu. Trong số này có cả chính các thành viên trong ban lãnh đạo Đảng, cũng như các quan chức nhà nước và cộng đồng doanh nhân Trung Quốc lớn mạnh, đang phát triển và có liên kết chặt chẽ không thể tách rời với Đảng. Anne-Marie Brady đã quan sát thấy vai trò tối quan trọng của truyền thông do nhà nước kiểm soát ở Trung Quốc với tư cách là “bộ phận chính quyền thứ tư” (thay vì chỉ là “quyền lực thứ tư”) và vị trí thuận lợi của truyền thông trong việc truyền tải đến giới chóp bu những thông điệp ủng hộ hệ thống đảng-nhà nước.7

Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng truyền thông để phô trương quyền lực trước một số thành phần chủ chốt. Ông ta đặc biệt muốn giữ cho nhóm siloviki (những người quyền lực) gồm những quan chức trong quân đội, các lực lượng cảnh sát và bộ máy an ninh quốc gia, nằm trong tầm kiểm soát của mình. Những đối tượng khán giả khác được các hành động phô trương quyền lực đặc trưng của Putin hướng đến (trong đó bao gồm cả việc đến dự một trận đấm box tay không cùng với ngôi sao phim hành động người Bỉ Jean-Claude Van Damme và những hình ảnh được công bố rộng rãi trong đó Putin cởi trần, cưỡi ngựa và mang một khẩu súng trường săn chó sói) còn có các quan chức nhà nước và cộng đồng doanh nhân, đặc biệt là các công ty năng lượng và công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên khác có vai trò to lớn trong nền kinh tế của Nga. Sự xuất hiện tràn lan của Putin trên các phương tiện truyền thông nhắc nhở các nhóm đối tượng này rằng họ đang hưởng lợi từ trạng thái lãnh đạo tối cao của Putin và nên lo sợ nếu làm ông ta không hài lòng, cũng như lo sợ điều sẽ xảy đến nếu ông ta rời vị trí.
Việc Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Magnitsky vào cuối năm 2012 là phép thử cho sự kiểm soát của Putin đối với tầng lớp cấp cao của nước Nga. Được đặt tên theo Sergei Magnitsky, một luật sư người Nga đã chết trong tù vào năm 2009 sau khi bị bắt vì lật tẩy tham nhũng của các quan chức, đạo luật này cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt (cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản) lên một số quan chức Nga được chỉ đích danh. Đạo luật được thông qua như một nỗ lực nhằm cho từng cá nhân trong giới quan chức cấp cao của Putin thấy họ có thể bị quy trách nhiệm cá nhân khi vi phạm nhân quyền ngay trên chính đất nước họ. Sau khi chính phủ Mỹ đưa ra danh sách 18 người Nga bị trừng phạt vào tháng 4 năm 2013, các quan chức trong bộ máy của Putin đã xuất hiện trên các chương trình quan trọng của truyền hình quốc gia để bác bỏ và chỉ trích lệnh trừng phạt này. Dù đạo luật này của Mỹ đã khiến nhiều cá nhân cấp cao trong chính quyền Matxcơva cảm thấy rằng ủng hộ Putin sẽ không còn có lợi cho họ nữa, nhưng việc những nhân vật này xuất hiện trên truyền hình quốc gia đã đưa ra tín hiệu cho các bên chủ chốt rằng điện Kremlin của Putin sẽ không lùi bước trong việc đòi hỏi họ tiếp tục trung thành.

Tương tự như vậy, điện Kremlin cũng có thể sử dụng truyền thông đã được chế ngự để kiểm soát các quan chức địa phương. Trong chiến dịch trấn áp các phe nhóm đối lập sau khi Putin bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ ba vào tháng 5 năm 2012, truyền thông nhà nước đã tán dương đặc biệt những thống đốc đã ra lệnh bắt giữ các nhà hoạt động đối lập.
Đại bộ phận quần chúng nói chung
Truyền thông do nhà nước chi phối có nhiệm vụ làm cho tuyệt đại đa số người theo dõi tôn trọng và nể sợ chế độ, nhưng nhiệm vụ tạo ra thái độ thờ ơ và thụ động cũng quan trọng không kém. Phương pháp được các cơ quan truyền thông của chế độ sử dụng là kết hợp làm sai lệch, bóp méo tin tức và đánh lạc hướng dư luận để củng cố thứ mà học giả về dân chủ Ivan Krastev gọi là “chủ nghĩa chuyên chế thây ma” (“zombie authoritarianism”).8
Để giữ chắc quyền lực trong tay, một chế độ chuyên chế phải giữ cho phần lớn người dân không tham gia vào chuyện chính trị. Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát có thể hỗ trợ bằng cách đồng loạt làm nổi bật những lợi ích của tình trạng hiện thời và bôi nhọ những nỗ lực chống đối. Bằng cách cảnh báo rằng cái giá của việc đòi hỏi thay đổi là rất cao trong khi những lợi ích chỉ là hão huyền, truyền thông có thể trấn áp và giải tán các nỗ lực chống đối. Các phương tiện truyền thông do nhà nước chuyên chế kiểm soát ngày nay có khá nhiều điểm giống với những gì Albert O. Hirschman đã phân tích từ vài thập kỷ trước trong nghiên cứu kinh điển của ông về lý luận phản động (reactionary rhetoric – trong đó tác giả phân tích các lý do phản đối biến đổi xã hội – NBT). Truyền thông thường xuyên cố gắng cho thấy rằng thay đổi chính trị sẽ chẳng đạt được gì hay thậm chí là mang lại những kết quả trái ngược với mong muốn ban đầu, và sẽ gây ra những cái giá hay hậu quả không thể chấp nhận được lên toàn xã hội.9
Từ khi các cuộc biểu tình nổ ra tại Nga do nghi ngờ kết quả bầu cử nghị viện vào tháng 12 năm 2011, chiến lược của các phương tiện truyền thông của chế độ là tìm cách giảm bớt vận động quần chúng thông qua giải trí. Tại sao phải xuống đường tuần hành hay tham gia vào các tổ chức dân sự khi những chương trình lôi cuốn như Dom-2, một phiên bản khác của chương trình truyền hình thực tế Big Brother (phiên bản ở Việt nam gọi là “Người Giấu Mặt” – ND), đang lên sóng? Khi phải đối phó với đại đa số quần chúng, chính quyền Putin đã học theo các phương pháp từ cuối thời kỳ Xô-viết, trong đó tập trung vào giải trí thay vì huy động chính trị.

Truyền hình do nhà nước kiểm soát là công cụ chính. Tại các nước có chế độ chuyên chế, truyền hình là nguồn thông tin chính trị của không dưới ba phần tư quần chúng nhân dân. Tại Trung Quốc, dù Internet phát triển mạnh mẽ, việc tiếp nhận tin tức chủ yếu vẫn là thông qua mạng lưới truyền hình quốc gia. Tại Nga, 88% số người trả lời trong một cuộc thăm dò của Trung tâm Levada vào tháng 6 năm 2013 cho biết họ có được tin tức về đất nước và thế giới thông qua truyền hình.10 Không phương tiện truyền thông nào khác nhận được kết quả cao hơn 25%. Cũng trong cuộc điều tra trên, 51% người trả lời cho biết họ tin những gì được phát sóng. Con số đó vẫn là rất đáng kể, dù đã giảm mạnh từ con số 79% người trả lời tin tưởng vào truyền hình Nga trong một cuộc điều tra vào tháng 8 năm 2009. Dữ liệu từ một loạt quốc gia phong phú khác như Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Iran và Việt Nam vẽ nên một bức tranh về sự nổi trội và ảnh hưởng sâu sắc của truyền hình do nhà nước kiểm soát và không khác mấy so với ở Nga.
Tuy vậy, như sự sụt giảm 28% số người tin tưởng đã cho thấy, nhiều người Nga theo dõi các kênh truyền thông do nhà nước kiểm soát đã tỏ ra ngờ vực về những gì họ trông thấy. Nghiên cứu của Ellen Mickiewicz về khán giả truyền hình Nga cho thấy rằng họ không chỉ đơn thuần chấp nhận những gì các kênh truyền hình do Điện Kremlin kiểm soát phát sóng, mà thay vào đó xử lý những thông tin này theo những cách thức phức tạp khác hơn nhiều so với giới lãnh đạo đã chủ định.11 Sự thiếu tin tưởng ngày càng lớn đối với truyền hình do nhà nước kiểm soát ở Nga có thể báo hiệu những giới hạn của mô hình nhằm tạo ra sự thụ động thông qua ảnh hưởng của truyền thông này.

Nhưng truyền hình, cũng như những phương tiện truyền thông chính thống khác, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc truyền tải thông điệp rằng tích cực chống đối chính quyền sẽ phải trả giá đắt. Phần lớn người dân đã tiếp nhận quan niệm rằng họ chẳng thể làm gì để thay đổi tình hình.12 Họ tiếp tục có thái độ thờ ơ và không quan tâm đến chính trị. Các chế độ ở Bắc Kinh, Matxcơva và các trung tâm quyền lực chuyên chế khác đã xây dựng những hệ thống truyền thông do nhà nước kiểm soát có sự tương đồng về hành vi với những hệ thống mà Barbara Geddes và John Zaller đã quan sát được khi nghiên cứu nền độc tài quân sự thống trị Brazil từ năm 1964 đến năm 1985. Cụ thể, họ ghi nhận rằng “nguyên lý chủ đạo của việc tiếp xúc với các phương tiện truyền thông ủng hộ chính quyền là nhằm thuyết phục những người thờ ơ về chính trị ít nhất cũng phải trở thành những người ủng hộ các chính sách của chính phủ một cách bị động”.13 Nói cách khác, kể cả nếu khán giả theo dõi truyền hình nhà nước không nhất thiết tin vào những gì họ thấy, họ vẫn hành xử như thể họ tin.
Cuối cùng, cần phải nhắc đến rằng nhiều chế độ chuyên chế có thành phần ủng hộ chủ yếu là những người dân sinh sống tại các vùng nông thôn và những cư dân thành thị có học thức kém hơn – những nhóm người mà truyền thông do nhà nước kiểm soát có thể ảnh hưởng tới một cách đặc biệt hiệu quả. Tại Trung Quốc, nhóm người này tiếp tục chiếm đa phần khán giả theo dõi của kênh CCTV, khi những người dân Trung Quốc trẻ tuổi hơn và có học thức cao hơn hướng đến mạng Internet. Truyền hình nhà nước Nga tích cực cung cấp cho người dân các khu vực một lượng thông tin ổn định trong đó miêu tả Nga bị bao vây bởi các mối đe dọa từ bên ngoài và đặc biệt là từ Mỹ. Những khán giả không có điều kiện được giáo dục hay không có kinh nghiệm để giúp họ nghĩ khác đi thường vẫn tin tưởng vô điều kiện vào truyền thông nhà nước khi đánh giá (một cách gay gắt) các ý định hay chính sách của Mỹ. Không có gì là nói quá khi cho rằng Chủ nghĩa bài Mỹ, theo nhiều cách, là thứ gần giống nhất với một hệ tư tưởng thống nhất mà Điện Kremlin có ngày nay, và nó cũng đóng vai trò hợp pháp hóa quan trọng cho cả Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Những người thường xuyên sử dụng mạng Internet
Giống như truyền hình, mạng Internet là thứ mà các nhà cầm quyền chuyên chế và cấp dưới đang dần nhận ra rằng họ cần phải kiểm soát. Thế giới truyền thông và đối thoại trực tuyến tự do càng ngày càng làm họ thấy lo ngại. Để có thể kiểm soát được, các lực lượng tuyên truyền và kiểm duyệt của nhà nước đang quay sang các phương pháp từng tỏ ra hữu ích trong việc “quản lý” các phương tiện truyền thông kiểu cũ. Tuy nhiên nhiệm vụ không giống trước đây: Cố gắng kiểm soát những nội dung chính trị quan trọng trên một mạng lưới truyền hình trung ương dễ dàng hơn rất nhiều so với trên mạng.
Nhưng các chế độ chuyên chế đang tỏ ra rất kiên quyết và có mong muốn đổi mới cách thức để đạt được mục tiêu của họ. Như đối với các phương tiện truyền thông kiểu cũ, những biện pháp hạn chế được thử nghiệm không được thiết kế để ngăn chặn tất cả thông tin, mà thay vào đó chỉ chủ yếu chặn các tin tức về chính trị hay các vấn đề nhạy cảm khác, không để chúng liên tục đến được một số đối tượng khán giả quan trọng. Khi việc sử dụng Internet và lượng người sử dụng Internet tăng cao tại các quốc gia chuyên chế – và với bằng chứng rõ ràng từ Nga và các nước Arab về việc các công cụ mạng có thể rất hữu ích trong việc tổ chức biểu tình quy mô lớn – các chế độ chuyên chế đang nỗ lực hơn bao giờ hết trong việc tìm cách cản trở lưu lượng thông tin chính trị đáng tin cậy trên thế giới ảo.

Sự phổ biến của mạng Internet là rất đáng lưu ý, và nhiều hệ thống chuyên chế đang tham gia vào trào lưu này. Quả thật trong vấn đề này, các chính phủ chuyên chế khó có thể có lựa chọn nào khác, trừ phi họ muốn cai quản một Bắc Triều Tiên tiếp theo. Tăng trưởng và phát triển kinh tế yêu cầu phải có sự “kết nối”. Do đó, tại Việt Nam – nước đang phát triển nhanh nhưng vẫn theo chế độ chuyên chế – 40% người dân có thể truy cập Internet. Tại Belarus (nước được biết đến một cách tai tiếng như là “nền độc tài cuối cùng của châu Âu”), Kazakhstan và Arab Saudi, con số đó còn ở mức cao hơn, khoảng 55%. Trung Quốc có lượng người truy cập Internet chiếm 45% dân số, và hiện giờ có gần 600 triệu người dùng Internet và trên 300 triệu người dùng “tiểu blog”, đa số là trên mạng Sina Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc. Tại Nga, nơi lượng người dùng Internet gần đây đã vượt mức 50%, các phương tiện truyền thông trên mạng như TV Rain đang giúp cho các phe đối lập tiếp cận được với nhiều người hơn.
Khi Internet có được tầm ảnh hưởng cao hơn, thì sự can thiệp chính trị chuyên chế vào Internet cũng ngày càng lớn hơn. Cho đến gần đây, Nga sử dụng những kỹ thuật tương đối khôn khéo và tinh vi “được thiết kế để định hình và tác động lên thời gian và cách thức người dùng Internet tiếp nhận thông tin, thay vì chặn truy cập hoàn toàn”.14 Theo đó, đạo luật của Nga vào năm 2012 cho phép chính phủ được buộc ngừng hoạt động các trang web có nội dung không phù hợp – cũng như một nghị định của Bộ Truyền thông và Tổng cục An ninh Liên bang Nga FSB (đơn vị kế tục Ủy ban An ninh Quốc gia KGB thời Liên Xô) dự kiến có hiệu lực vào năm 2014 trong đó yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet theo dõi tất cả hoạt động Internet, kể cả các địa chỉ IP, số điện thoại và tên tài khoản người dùng – đánh dấu một bước lùi rõ ràng về tự do trên mạng Internet.

Vào ngày 1/9/2013, Việt Nam bắt đầu thi hành Nghị định 72, một biện pháp đầy tham vọng nhằm cấm người sử dụng Internet nước này thảo luận về các sự kiện đang xảy ra và chia sẻ các bài báo trên mạng. Chính phủ Trung Quốc, trong khi đó, là nước đi đầu trong vấn đề kiểm duyệt các nội dung trực tuyến và đã phát triển những phương pháp tinh vi hàng đầu trong việc hạn chế thảo luận chính trị trên mạng. Bắc Kinh tỏ ra sẵn lòng chia sẻ các kỹ thuật của mình cho các chính quyền khác, bao gồm cả Belarus, Việt Nam và Zimbabwe. Thậm chí khi lượng truy cập Internet tại các nước như Belarus, Việt Nam, Iran, Arab Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác đã có sự phát triển nhanh chóng, tổ chức Freedom House vẫn đánh giá thế giới mạng ở những nước này đang trở nên ít tự do hơn.15 Những số liệu như vậy cho thấy rằng tại các nước này, một “sự hội tụ tiêu cực” đang diễn ra mà trong đó những nội dung tin tức trên các phương tiện truyền thông mới đang phải chịu sự kiểm soát ngày càng chặt giống như các phương tiện truyền thông cũ từ lâu đã phải chịu.
Mặc dù mạng Internet có vẻ như ngày càng được phổ quát trên phạm vi toàn cầu, nhưng môi trường chính trị và truyền thông đặc trưng của mỗi quốc gia vẫn định hình và hạn chế những tác động của truyền thông trực tuyến tại các quốc gia đó.16 Môi trường chính trị tổng thể tại Nga và Trung Quốc có nhiều tác nhân kích thích việc tự kiểm duyệt, phổ biến trong giới nhà báo hoạt động tại các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát. Nhà nước còn có thể trừng trị thẳng tay những người viết blog và người dùng Internet khác vì tội bày tỏ quan điểm “sai lầm” trên mạng. Trường hợp Alexei Navalny, một blogger và nhà hoạt động nổi tiếng đã lật tẩy được tham nhũng quy mô lớn trong giới chức Nga và đã phải đối mặt với cáo buộc hình sự nghiêm trọng – mà nhiều người cho là vu cáo – vì vi phạm tài chính là ví dụ rõ nét cho kỹ thuật thô bạo nhưng hiệu quả này. Sự thiếu vắng các tòa án xét xử độc lập cũng góp phần khiến cho việc trấn áp như vậy trở nên quá dễ.

Tuy nhiên, thật trớ trêu là sự đa dạng và rộng mở của mạng Internet vốn có thể tiếp nhận mọi lối suy luận và phản biện lại có thể làm suy yếu khả năng của các phương tiện truyền thông mới trong việc nới lỏng quyền kiểm soát của giới chóp bu chuyên chế được tổ chức tốt và nhất quyết giữ chặt quyền lực. Truyền thông nhà nước tung hô tình trạng hiện hành. Những nội dung trái ngược xuất hiện trên mạng có thể thách thức dòng quan điểm chính thống của nhà nước theo nhiều cách cụ thể, như tăng cường nhận thức về các vấn đề môi trường, quan hệ giữa các sắc tộc, tham nhũng, hoạt động pháp lý kém cỏi, sai sót trong việc cung chấp các dịch vụ y tế, v.v… Nhưng những câu truyện và lời chỉ trích rất khác biệt đó – kể cả nếu bỏ qua việc chúng khó có thể tác động được lên một số lượng người theo dõi đáng kể – vẫn chưa chắc sẽ tập hợp được thành một lập luận chặt chẽ đủ để lật đổ chế độ. Ví dụ như người Nga hiện giờ chỉ đang tập trung đòi quyền lợi dựa trên những trường hợp cụ thể – như phản đối việc phá hủy một công trình kiến trúc quý giá hay một khu công viên, hay đòi hỏi có chăm sóc y tế cho người dân bình thường – chứ họ không liên kết với nhau để đòi thay đổi hệ thống chính trị nói chung nữa, nhất là sau những đợt trấn áp Putin thi hành vào năm 2012.
Tại Trung Quốc, chính quyền đã kiểm duyệt nội dung Internet một cách tinh tế bằng cách cắt bỏ, chỉnh sửa bất kỳ những gì có trên mạng (không quan tâm đến việc chúng có nội dung gì) mà có vẻ có khả năng kích thích huy động quần chúng. Mục đích chỉ là để bắt giữ hoặc ngăn chặn các hoạt động tập thể độc lập, chấm hết.17 Đảng Cộng sản đã đưa những nỗ lực này lên một tầm cao mới vào tháng 9 năm 2013, khi bắt đầu thi hành một cuộc đàn áp dữ dội lên các nhà lãnh đạo bất đồng chính kiến và việc đưa tin trên tiểu blog của họ.

Phần nhiều việc kiểm duyệt trên mạng Internet tại Trung Quốc bao gồm việc các cổng thông tin điện tử tư nhân như Sina.com thực thi yêu cầu của nhà nước trong việc tự giám sát sao cho những trang của họ tuân thủ theo đúng (hay thậm chí là dự đoán trước) các chỉ thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những chế độ theo chủ nghĩa toàn trị kiểu cũ thường tự mình làm lấy mọi việc; các chế độ chuyên chế ngày nay thích giao việc đó ra ngoài và, khi có thể, sử dụng các lực lượng thị trường để tăng cường khả năng kiểm duyệt. Bắc Kinh vẫn có cơ quan kiểm duyệt chính thức. Nhưng họ biết rằng như vậy là chưa đủ, vì vậy họ dành phần lớn công việc bẩn thỉu cho các đơn vị tư nhân bằng cách đảm bảo rằng các đơn vị tư nhân này nếu muốn thành công về thương mại hay thậm chí là muốn tồn tại được thì buộc phải tuân theo chính sách của đảng. Trong quá trình thực hiện các mục tiêu do nhà nước đề ra, các công ty được khuyến khích đổi mới. Twitter và các dịch vụ nước ngoài khác từ chối tuân theo các tiêu chuẩn kiểm duyệt của địa phương đơn giản sẽ không được phép hoạt động trên thị trường Trung Quốc rộng lớn.
Thêm nữa, Bắc Kinh, Matxcơva và các chính quyền chuyên chế khác đang ngày càng sử dụng nhiều biện pháp can thiệp tinh vi trên thế giới mạng để tạo ra tình trạng “nhiễu ngẫu nhiên” nhằm làm các phe phái đối lập tiềm tàng bị lúng túng. Các tài khoản tự động, hay còn gọi là “bot”, được hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các chế độ này sẽ phát tán những lời tuyên truyền của chính quyền và công kích những phong trào dân sự độc lập và phe phái chính trị đối lập nhằm mục đích “khuấy đục nước” khi các vấn đề có ảnh hưởng quan trọng tới chính trị được đưa ra thảo luận.

Cách đây không lâu, rất nhiều người cho rằng mạng Internet sẽ gây ra sự bùng nổ thông tin trên khắp mọi nơi, và chắc chắn sẽ đem đến nhiều thay đổi về chính trị. Nhưng thay vào đó, có vẻ như những phương pháp quản lý việc thể hiện quan điểm chính trị trên các phương tiện truyền thông cũ đang được điều chỉnh và áp dụng vào các phương tiện truyền thông mới với hiệu quả ngày càng cao. Xu hướng “hội tụ tiêu cực”, qua đó không gian dành cho các thể hiện quan điểm chính trị có ý nghĩa trên mạng bị thu hẹp và dịch chuyển theo hướng của các phương tiện truyền thông cũ ít tự do, có những ý nghĩa đáng lo ngại sâu sắc. Quy mô của các biện pháp hạn chế lúc lộ liễu lúc khôn khéo tinh vi mà Bắc Kinh, Matxcơva và những chế độ học theo đang sử dụng ít nhất cũng nên khiến chúng ta hỏi rằng liệu mạng Internet có thể đứng vững được trước sự xâm lấn của chủ nghĩa chuyên chế để tự trở thành nền tảng mở cho việc thảo luận chính trị tại các nước chuyên chế hay không.
Các phe nhóm đối lập và các tổ chức dân sự
Trong các nền dân chủ, truyền thông mở là huyết mạch của các tổ chức dân sự và các phe nhóm chính trị đối lập. Trong các chế độ chuyên chế, truyền thông nhà nước luôn tìm cách cô lập các tổ chức dân sự ra khỏi quần chúng nói chung, nhằm mục đích ngăn chặn bất kỳ sự phối hợp chính trị nào giữa các tổ chức đó và quần chúng. Để thực hiện mục đích này, truyền thông nhà nước cố gắng làm mất tín nhiệm trong mắt dư luận mọi quan niệm về thay thế chế độ cầm quyền hiện tại. Những đòn tấn công truyền thông nhằm làm phi pháp hóa các tổ chức dân sự và đối lập, mở đường cho những biện pháp trấn áp khác nhằm vào họ. Ví dụ, một chế độ chuyên chế muốn kết án một lãnh đạo dân sự vì những tội hình sự gán ghép nào đó đầu tiên sẽ “làm mềm yếu mục tiêu” bằng việc biến nhà lãnh đạo đó trở thành đối tượng để truyền thông công kích.
Truyền thông nhà nước thường buộc tội những người đối lập về việc có ý đồ gây hỗn loạn, cáo buộc này có thể gây chấn động lớn và sâu sắc trong những xã hội từng có bất ổn chính trị trong lịch sử. Đồng thời, những người chỉ trích chế độ có thể bị tô vẽ là cố tình hoặc vô tình làm công cụ cho phương Tây, một thủ đoạn phổ biến tại các quốc gia đa dạng như Trung Quốc, Zimbabwe, Azerbaijan và Nga. Những cơ quan phát thanh quốc tế như đài BBC, Đài Châu Á Tự do, Đài Châu Âu Tự do thường luôn bị chặn, do đó tước đi mất những kênh quan trọng trong việc thu thập tin tức độc lập và tiếp xúc với khán giả nội địa của các tổ chức dân sự.

Thông thường, những người phát ngôn đối lập không bao giờ được tiếp cận trực tiếp với những khán giả được giám sát chặt chẽ của truyền thông nhà nước. Dù đây có vẻ như là một hành động khôn ngoan về chiến thuật – nhưng có thể có lúc lên án một người quá kịch liệt sẽ chỉ tạo ra thêm danh tiếng hay thậm chí là sự đồng cảm cho người đó – chế độ sẽ làm cho người chỉ trích cơ bản biến mất trước quần chúng. Truyền hình nhà nước ở Nga, cụ thể là mạng NTV, đã nhiều lần phát sóng trên toàn quốc những chương trình chấn động trong đó đưa ra ý kiến rằng các nhà hoạt động vì nhân quyền hay những nhà cải cách khác đang phục vụ cho các thế lực bên ngoài, hoặc đang có mưu đồ làm hại nhà nước Nga theo những cách khác. Trong số những chương trình này có “Phân tích một cuộc Biểu tình”, một bộ phim tài liệu được chiếu vào năm 2012 với mục đích là công kích các cuộc biểu tình nổ ra ở Matxcơva và các thành phố khác sau khi cuộc bầu cử nghị viện và tổng thống bị cho là không trong sạch. Truyền thông nhà nước luôn cố gắng bôi nhọ những người lật tẩy sai phạm như Navalny và Magnitsky, cho rằng cá nhân họ là những kẻ thoái hóa (Magnitsky vẫn tiếp tục bị phỉ báng sau khi đã chết trong tù) dù những nhân vật này đã dũng cảm đấu tranh để đưa những quan chức biến chất ra ngoài ánh sáng. Bài học cho những ai có ý định làm theo họ đã rất rõ ràng.

Những biện pháp đối xử tàn bạo như vậy có phải là do lệnh từ trên đưa xuống hay không? Khả năng rất cao là không phải, có lẽ vì không cần thiết phải có mệnh lệnh rõ ràng nào cả. Truyền thông do nhà nước kiểm soát, cũng giống như đoàn tùy tùng của Vua Henry II, luôn ở thế sẵn sàng tấn công bất kỳ Thomas Becket đương thời nào và thậm chí không cần phải đợi có những mệnh lệnh bóng gió như “Ai đó khử giúp ta tên tu sĩ tọc mạch này đi?” từ miệng của người trị vì. Ngày nay tại Nga và các quốc gia tương đồng, các chế độ thường coi tự kiểm duyệt là hình thức kiểm duyệt tốt nhất, và trấn áp tự phát vào những kẻ chỉ trích là cách trấn áp tốt nhất. Trong việc kiểm duyệt, những chủ trương kiểm duyệt của nhà nước đã được ngầm tiếp thu, và trong việc trấn áp, giới chóp bu chẳng cần nhấc một ngón tay đe dọa hay thốt ra một lời cáo buộc nào – những gì họ muốn được thi hành đều được ngầm hiểu và không cần phải được đưa ra thảo luận.
Ngày nay tại Trung Quốc, mọi tờ báo và đài phát sóng lớn đều phải đăng ký với nhà nước hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc, và tiếp tục phải tuân lời các thể chế quốc gia (quan trọng nhất là Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc) có quyền chỉ đạo đường lối biên tập. Khi bàn đến những vấn đề nhạy cảm như Tây Tạng, chỉ những bình luận viên thân với chế độ mới được lên sóng.18

Quyền lực của các thế lực chính trị trong việc biên tập nội dung thông tin được minh họa rõ rệt thông qua trường hợp Lưu Hiểu Ba. Là một nhà văn phải ngồi tù vì kiên quyết chống lại chế độ độc đảng kéo dài, nhưng ông không được nhiều người biết đến ngoài một số những nhà hoạt động nhân quyền và chuyên gia về Trung Quốc. Rất ít người bên ngoài Trung Quốc đã từng nghe tên ông. Điều này đã thay đổi vào ngày 8 tháng 10 năm 2010, khi Ủy ban Nobel tại Oslo tuyên bố trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu vì “đã đấu tranh trường kỳ, bất bạo động vì những quyền con người cơ bản tại Trung Quốc.” Đột nhiên, tin tức thế giới tràn ngập những tiêu đề về nhà bất đồng chính kiến dũng cảm và ôn hòa đã bị Trung Quốc tống giam chỉ vì nói lên những suy nghĩ của mình và cổ động cho những gì mà người dân các nước dân chủ coi là mặc nhiên mà có.
Lưu đã bị kết tội trước đó một năm về hành vi “xúi giục chống phá nhà nước” dựa theo một điều thuộc bộ luật hình sự của Trung Quốc thường được dùng để bịt miệng những ai thách thức quyền lực của Đảng Cộng sản. Hành vi phạm tội cụ thể của ông là tham gia viết và lưu hành một văn kiện kêu gọi dân chủ có tên Hiến chương 08. Thế giới tự do có thể đã tôn vinh sự dũng cảm và quyết tâm không ngừng vì những nguyên tắc cao cả và nhân đạo của Lưu, nhưng khán giả truyền hình Trung Quốc không hề nghe được dù chỉ là một lời về ông. Chỉ cộng đồng mạng Trung Quốc mới có thể tránh được kiểm duyệt và bưng bít chính thống để lấy được thông tin về người Trung Quốc đầu tiên được nhận Giải Nobel Hòa bình này.

Tại Nga, những chuyện thời sự được phát trên các kênh truyền hình chính – Channel One, Rossiya và NTV – đều quy tụ những chuyên gia và bình luận viên được chính quyền cho phép lên sóng. Những nhân vật đối lập, nhà hoạt động, nhà phê bình xã hội hiếm khi, hoặc không hề, được mời xuất hiện. Một số nhà hoạt động, trong đó có những lãnh đạo phe đối lập Boris Nemtsov và Lyudmila Alexeyeva được biết đến vì sự nghiệp của họ đã bắt đầu từ trước thời kỳ Putin nắm quyền. Nhưng không ai trong số họ có được ảnh hưởng đáng kể lên công chúng Nga – họ đã bị tách rời khỏi truyền thông quá lâu rồi. Những nhà hoạt động trẻ tuổi hơn cũng bị tách rời một cách nhất quán khỏi những chương trình truyền hình có nhiều người xem. Phát biểu trên đài phát thanh Ekho Moskvy vào ngày 22 tháng 5 năm 2013, Vladimir Posner, một quan chức tuyên giáo cấp cao của Liên Xô cũ hiện đang là người dẫn một chương trình nói chuyện hàng đầu trên đài truyền hình Channel One do nhà nước sở hữu, thừa nhận rằng “có một số người… mà tôi biết là mình không thể mời” đến tham gia chương trình. Ông liệt kê trong số những người này cả những lãnh đạo đối lập như Nemtsov, Navalny và Vladimir Ryzhkov.19 Các phương tiện truyền thông nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước tạo ra những trở ngại to lớn mà những tổ chức dân sự và phe phái đối lập buộc phải vượt qua, khi họ phấn đấu để tiếp cận được đông đảo khán giả với những tầm nhìn về quản lý hành chính và đời sống chính trị mới.
Truyền thông nhà nước tại những nền dân chủ yếu
Tất cả những chuyện này có ý nghĩa gì?



Nguồn: Christopher Walker & Robert W. Orttung (2014). “Breaking the News: The Role of State-run Media”, Journal of Democracy, Vol. 25, No. 1, pp. 71-85.
Biên dịch: Lê Hoàng Giang | Hiệu đính: Nghiêm Hồng Sơn

Tin bài liên quan:

Tham nhũng ở VN: Chuột đã béo tới đâu?

Phan Thanh Hung

Ngày mai (20/5), khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII

Phan Thanh Hung

Các lực lượng đặc biệt Việt Nam đang chuẩn bị cho tranh chấp Biển Đông?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo