Việt Nam Thời Báo

Kim Jong-nam: Những câu hỏi về cái chết chưa có giải đáp

BBC

Người được cho là ông Kim Jong-nam tại sân bay ở Bắc Kinh ngày 11 tháng Hai năm 2007. Ảnh: AFP/AFP/Getty Images
Người được cho là ông Kim Jong-nam tại sân bay ở Bắc Kinh ngày 11 tháng Hai năm 2007. Ảnh: AFP/AFP/Getty Images

 Nó có vẻ giống như một vụ ám sát được sắp đặt hoàn hảo, từ một trang tiểu thuyết trinh thám: Ông Kim Jong-nam, người đang sống lưu vong và cũng là anh em cùng cha khác mẹ với lãnh tụ tối cao của Bắc Hàn, ông Kim Jong-un. Ông Kim Jong-nam bị mệt tại một sân bay Malaysia và phàn nàn là bị phun hóa chất vào mặt và sau đó đột ngột qua đời.

Vụ việc đang khiến nảy sinh khá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp trong khi các viên chức đang cố tìm cách chắp nối các sự kiện để tái tạo lại điều gì thực sự đã xảy ra trong một vụ ám sát kỳ bí nhất trong lịch sử châu Á thời hiện đại.

Tại sao là lúc này?

Câu hỏi lớn nhất: Động cơ.

Ông Kim Jong-nam, một người vui tính, quá cân, thích đánh bạc và chơi bời đã từng khiến Bình Nhưỡng phải lúng túng khi ông tìm cách lén vào Nhật mà ông nói là định đến Disneyland ở Tokyo. Ông cũng là người đã chỉ trích người em trai cùng cha khác mẹ, ông Kim Jong-un – tuy nhiên ông vẫn thường bị nhìn nhận là chỉ là một nỗi khó chịu chứ không phải là một mối đe dọa cho sự ổn định của Bắc Hàn.

Liệu có chuyện ông Kim Jong-un có thể đã tốn công sức như vậy – mà nó lại có thể gây rắc rối – để dựng một vụ ám sát đầy nguy hiểm đối với một người cùng dòng máu ở nước ngoài?

Khỏi cần diễn giải gì nhiều, cơ quan tình báo của Nam Hàn cho biết hôm thứ Tư rằng Bắc Hàn đã tìm cách giết ông Kim Jong-nam cả năm năm nay. Các nhân viên tình báo đưa ra một động cơ duy nhất không có gì vững chắc về cái chết của ông này: Đó là ông Kim Jong-un cảm thấy “lo lắng thái quá” đối với ông anh.

h1
Kim Jong Nam và Kim Jong-un. Nguồn: TOSHIFUMI KITAMURA

 Tuy nhiên Cơ quan tình báo Quốc gia Nam Hàn vốn có lịch sử từ lâu về tin tình báo thiếu chính xác và cũng từ lâu tìm cách thể hiện giới lãnh đạo Bắc Hàn là tâm thần bất ổn.

Một số tại Nam Hàn đặt câu hỏi liệu có phải ông Kim Jong-un có thể đã tức giận khi một tờ báo Nam Hàn đưa tin tuần trước là ông Kim Jong-nam tìm cách đào tẩu sang Nam Hàn hồi năm 2012. Cơ quan tình báo Nam Hàn bắc bỏ điều này nhưng vẫn còn câu hỏi mở: Liệu tin về một thành viên của đại gia đình họ Kim muốn đào tẩu sang miền Nam đã khiến ông Kim Jong-un hạ lệnh sát hại người anh em cùng cha khác mẹ của mình?

Tại sao lại ở sân bay của Malaysia?

Đây dường như có vẻ là một nơi dễ dàng hơn, ít công khai hơn với một đối tượng nổi tiếng như vậy.

Một giải thích nữa (cũng do Cơ quan tình báo Nam Hàn đưa ra) có thể là: Trung Quốc bấy lâu nay bảo vệ ông Kim Jong-nam và gia đình ông này tại Macau. Các phân tích gia vẫn nhìn nhận chính phủ Trung Quốc coi ông Kim Jong-nam là một nhà lãnh đạo có tiềm năng nếu chính quyền tại Bắc Hàn sụp đổ.

Với an ninh, vốn được cho là do Trung Quốc thực hiện, rất chặt chẽ tại Macau, liệu đã có một lỗ hổng về an ninh tại Malaysia khiến những sát thủ Bắc Hàn có cơ hội mà họ đã không thể có được ở những nơi khác chăng?

Những phụ nữ bí hiểm này là ai?

Các chi tiết về những kẻ thực hiện vụ ám sát này cũng rối như canh hẹ.

Ông Kim nói với các nhân viên y tế rằng ông bị phun hóa chất, khiến người ta nghĩ ngay tới những vụ tấn công trong quá khứ dùng kim tiêm có thuốc độc liên quan tới các sát thủ Bắc Hàn.

h1
Một trong những người bị cho là nghi phạm – hình ảnh từ CCTV tại sân bay ở Malaysia. Ảnh: CCTV KL Airport

 Cơ quan tình báo Nam Hàn nói hai phụ nữ được cho là các nhân viên tình báo của Bắc Hàn đã tấn công ông Kim. Họ sau đó có tin đã bỏ trốn. Truyền thông Nhật Bản trích thuật chính phủ tại Tokyo nói rằng những phụ nữ này có thể đã chết nhưng điều này chưa được khẳng định.

Điều càng khiến mọi sự thêm rối rắm là việc cảnh sát Malaysia cho biết hôm thứ Tư, họ đã bắt giữ một phụ nữ mang giấy tờ tùy thân là người Việt tại sân bay có liên quan tới cái chết của ông Kim. Vai trò chính xác của phụ nữ này là còn chưa được rõ.

Để tìm ra những phụ nữ này là ai và ai thuê họ sẽ còn là một quá trình dài mới có thể giải đáp được những bí ẩn này.


Tiếp theo là gì?

Bắc Hàn không chính thức tuyên bố gì về cái chết này nhưng đó cũng không có gì là bất thường. Trung Quốc có thể tức giận về việc giết hại một mối liên lạc thân cận với Bắc Hàn và vì thế có thể sẽ có một số phản ứng nào đó mà có lẽ là ở hậu trường, và từ Bắc Kinh.

Nhưng một sự trừng phạt cụ thể hơn có lẽ sẽ đến từ Washington.

Ông Cheong Seong-chang, một phân tích gia Nam Hàn, nói rằng vụ ám sát này có thể khiến Quốc hội Mỹ đưa Bắc Hàn trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ cho nạn khủng bố, và như vậy càng cô lập thêm nữa đất nước vốn đã bị rất cô lập rồi.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.