Kinh tế Việt Nam: Ổn định mong manh, đã thoát đáy hay còn vùng trũng?



Viết Lê Quân


Một số chuyên gia thuộc trường phái “phản biện trung thành” như các ông Trương Đình Tuyển và Võ Trí Thành đã tỏ ra lạc quan nhất tại Diễn đàn kinh tế mùa thu năm nay ở Ninh Bình.

Nhưng xu hướng phản biện độc lập như ông Lưu Bích Hồ thì lại phản bác rằng nền kinh tế quốc gia vẫn còn nằm trong vùng trũng chứ chưa có gì gọi là “thoát đáy”.

Cuối cùng, điểm dị biệt là so với Diễn đàn kinh tế mùa xuân vào tháng 4/2013 tại Nha Trang, không khí phản biện vào năm 2014 đã xuống sắc hơn khá nhiều.

Tất cả đều xấu, trừ tham nhũng

Vào năm ngoái, lần đầu tiên vấn đề nợ công quốc gia và nợ xấu bị giới chuyên gia phản biện độc lập đem ra mổ xẻ. Một trong nhũng gương mặt quan chức nhưng góc cạnh nhất là ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam. Cùng với một số chuyên gia người Việt ở hải ngoại, ông Thiên đã đã dẫn ra tình trạng nền kinh tế là tồi tệ chưa từng thấy chứ không hề “hồi phục” như báo cáo của Chính phủ và nhiều bộ ngành.

Năm ngoái, cũng lần đầu tiên con số nợ xấu được giới chuyên gia phản biện độc lập ước đoán lên tới hơn 500.000 tỷ đồng, tức khoảng 25 tỷ USD, gấp ba lần con số “báo cáo láo” của Ngân hàng nhà nước.

Cùng lúc, tỷ lệ nợ công thực tế cũng được đánh giá lên tới 98% chứ không phải là 55% như báo cáo đầy “xôi thịt” của Chính phủ…

Tuy nhiên vào năm nay, không hiểu vì nguyên cớ gì, làn sóng phản biện lại có phần lắng xuống. Ông Trần Đình Thiên lại như “biến mất”.

Trong khi đó, ai cũng biết là trong một năm qua, tình hình nợ xấu và nợ công chưa hề được cải thiện. Mới đây Chính phủ đã phải tính toán phương án vay 1 tỷ USD để “đảo nợ”. Thậm chí nơ xấu tại các hệ thống ngân hàng còn vọt cao hơn trước. Đến giữa năm 2014, vấn đề nợ xấu đã trở nên xấu hơn hẳn khi có đến 9 ngân hàng đều thuộc loại “top ten” như Agribank, BIDV, Vietcombank, Vieinbank, ACB, Sài Gòn Thương Tín… rơi vào cảnh đầm đìa nợ xấu, trong khi Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) mới chỉ mua được 1/10 nợ xấu nhưng không biết bán cho ai…

Ở một quốc gia như Việt Nam, tất cả đều tồi tệ, trừ tham nhũng vẫn “tươi hồng”.

Lừa dối và liêm sỉ

Kết quả thống kê tỷ lệ GDP “đầy triển vọng” 5,8% vào quý 3 năm nay đã cho phép giới chuyên gia và quan chức có khuynh hướng bóp méo sự thật kết luận là nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Những đánh giá khác gây nhiều nghi ngờ thuộc về Ngân hàng HSBC khi cho rằng kinh tế Việt Nam “rất sáng”, hoặc Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, hẳn chẳng ai quên câu chuyện ngụ ngôn về “GDP có chân” mới được Trưởng ban kinh tế trung ương Vương Đình Huệ kể vào cuối năm 2013. Sự ngược ngạo quá đáng là trong khi hầu hết các tỉnh thành đều có “GDP địa phương” vượt hơn 10% thì bình quân GDPO toàn quốc lại vẫn ậm ạch ở con số hơn 5%. Như vậy một nửa còn lại chạy đi đâu?

Không mấy ai tin vào các con số thống kê ở Việt Nam, một khi tình trạng bị xem là “giả số liệu” diễn ra quá phổ biến. Một trong những căn cứ sáng chói mà người ta có thể dựa vào là tỷ lệ 1,84% thất nghiệp do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo. Trong bối cảnh có đến 40% doanh nghiệp Việt Nam phải giải thể và phá sản trong 7 năm suy thoái kinh tế, thậm chí tỷ lệ thất nghiệp năm sau còn thấp hơn năm trước. Nếu giới lãnh đạo Bộ LĐTBXH dẫn dụ thống kê của họ được tính toán từ việc tham khảo số liệu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), quả thật khó ai còn tin tưởng được WB, IMF và HSBC. Trong thực tế, số liệu GDP ở Việt Nam có thể còn thấp hơn nhiều so với mức trên 5% hiện nay.

Vẫn chưa có gì được xử lý về thị trường bất động sản, nợ xấu, ngân hàng, nợ công quốc gia và làm sao làm cho thị trường tiêu dùng bớt “trơ”. Tất cả vẫn còn nằm nguyên trong trạng thái trì trệ và chỉ còn chờ đợi thời điểm phát nổ.

Vậy những hội thảo như Diễn đàn kinh tế mùa thu năm nay liệu có ý nghĩa gì, hay chỉ là một kênh chuyển phát nhanh cho luồng thông tin trấn an một chiều và lừa dối người dân?

Chẳng lẽ những người được coi là “chuyên gia hàng đầu của Việt Nam” đã chẳng còn mấy liêm sỉ khi tự họ biến thành loa tuyên truyền cho mục đích lừa gạt dư luận?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)